Lan man đôi điều về chuyến đi trên đất Thái

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Chuyến công tác Thái Lan mới đây đã mang lại cho chúng tôi nhiều trải nghiệm thú vị

Đoàn nhà báo chúng tôi sang thăm Thái theo chương trình hợp tác giữa Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học & Công nghệ Thái Lan.

“Đi một ngày đàng…”

Điểm đầu tiên làm việc của Đoàn là Cơ quan Phát triển khoa học & công nghệ quốc gia Thái (NSTDA), giáp trường đại học AIT. Từ khách sạn đến NSTDA, thời gian xe chạy khoảng 60 phút. Cơ quan này tọa lạc trên khuôn viên rộng chừng vài chục ha ta. Nhìn cơ sở vật chất của bạn, có anh em so sánh, to hơn cả Viên Khoa học & công nghệ Việt Nam ở đường Hoàng Quốc Việt. Bạn đầu tư cho khoa học lớn thật. Được biết, trong vài năm tới, Thái sẽ dành cho công việc nghiên cứu bằng 1% GDP, khoảng 2,7 tỷ USD/ năm (50 nghìn tỷ VNĐ).

Trong hội trường của NSTDA, các vị trí thành viên khách được sắp xếp, có bảng chữ Việt họ tên, chức danh. Tiếp đoàn là nữ Tiến sỹ Noppawan Tanpipat, trợ lý giám đốc. Sau khi nghe và xem băng vidio giới thiệu về Cơ quan, chúng tôi tham quan phòng ốc, nơi làm việc. Do khuôn viên quá rộng, nên việc dẫn khách tham quan phải dùng xe. Chiếc xe  giống như toa xe điện ngày xưa ở Hà Nội, cứ hối hả đưa khách hết từ tòa nhà này sang tòa nhà khác, càng thấy quy mô đồ sộ của cơ quan khoa học này.  

Trong lúc nghe giới thiệu NSTDA có 2557 nhân viên, chỉ có 20% là Tiến sỹ, tôi chợt nghĩ: Đây là cơ quan nghiên cứu, mà tỷ lệ tiến sỹ có vậy thôi. Ấy thế mà ở ta, có tỉnh lại đưa ra chương trình tiến sỹ và thạc sỹ hóa 100% nhân viên. Không rõ cơ quan hành chính thì cần gì lắm học vị khoa học thế?

Mấy ngày ở Thái, chúng tôi được đưa tới nhiều cơ quan khoa học. Một nơi gây ấn tượng mạnh với chúng tôi là Bảo tàng Khoa học quốc gia (NSM). Bảo tàng đón khách từ năm 2000. Tổ hợp bảo tàng này có 5 công trình đang sử dụng (Bảo tàng Khoa học, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, Bảo tàng Công nghệ thông tin, Nhà trưng bày Thế giới sinh vật và Bảo tàng Vua Thái Rama IX).

Riêng Bảo tàng Khoa học đã có diện tích trưng bày tới 10.000 m2. Khách tham quan chủ yếu là học sinh phổ thông. Bảo tàng có cách thức thu hút khách rất hấp dẫn. Thí dụ như: giới thiệu về tác động của sóng biển, có mô hình và công cụ tạo sóng; nhà máy thủy điện, chỉ xem mô hình ta sẽ hình dung từ thủy năng biến thành điện năng như thế nào; hay mô hình lốc và vòi rồng, người xem có thể tạo ra vòi rồng ngày trước mắt... Khách tham quan không chỉ “xem”, “chơi”, mà còn tham gia vận hành, nghĩa là vừa xem, vừa học, vừa hành. Tôi học qua bậc đại học, bao lần nghe về hệ mặt trời, song đến khi nhìn mô hình ở đây, mới hình dung rõ “ hệ” ấy nó ra làm sao, trái đất yêu dấu của chúng ta ở vị trí nào…

Nhìn bầy trẻ ríu rít xem và chơi trong bảo tàng, càng thấy hiệu quả của NSM. Sau một chuyến tham quan, các em sẽ củng cố kiến thức lý thuyết đã học. Chợt chạnh lòng, đến bao giờ ta mới có một bảo tàng như vậy?  

Giao thông ở Thái

Nghe giới thiệu của NSTDA, một trong những nội dung nghiên cứu là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thấy Thái Lan rất coi trọng vấn đề giao thông. Bangkok có đường xe điện ngầm, đường cao tốc trên cao và vài tháng nữa  đường xe điện trên cao sẽ đưa vào sử dụng... Những con đường chằng chịt, đường này “luồn” đường kia, xe như mắc cửi. Tốc độ ấn định: taxi 120 Km; xe buyt 100 Km; xe tải 80 Km, đủ thấy giao thông Thái như thế nào. Đường xá Thái từ ngoại ô đến nội ô, hầu như không có cát bụi, các ngã tư không thấy công an giao thông, không có những dòng người, xe “vô tư” tạt ngang. Trật tự và sạch sẽ.

Những con đường chằng chịt, xe đi như mắc cửi

Đúng là Thái Lan có nạn tắc đường. Vì tắc đường mà năm 2008, cảnh sát giao thông Thái đỡ đẻ cho 320 ca. Các điểm giao thông chính ở Bangkok, cảnh sát Thái được trang bị dụng cụ y tế,  kiến thức y học. Sau khi “đỡ” xong, họ chuyển sản phụ vào bệnh viện cảnh sát. Nước Thái một thời xuất khẩu xe máy Dream sang ta, thì nay ở Bangkok, xe máy tham gia giao thông chỉ bằng 1/20 đến 1/30 của ta, còn ô tô thì bạt ngàn. Xe buyt của Thái là phương tiện giao thông công cộng khá đa dạng, từ xe buyt to đến loại hơn chục người ngồi, từ thu vé đến dạng miễn phí và cả xe túc túc- như xe lam một thời chạy ở Hà Nội.

Đưa đón đoàn chúng tôi là một hướng dẫn viên du lịch người Thái, gốc Việt - Lê Thanh Liêm, quê Vĩnh Long. Gia đình Liêm định cư ở Đông Bắc Thái đã ba đời. Anh nói tiếng Việt như người Việt miền Tây. Anh chàng rất vui tính và nhiệt tình. Trên xe Liêm kể đủ chuyện, từ chính trị quốc gia đến tiếu lâm Thái - Việt. Liêm cho hay: Ở Thái, xe không sợ người, chỉ có người sợ xe. Nếu xảy ra tai nạn chỉ chỉ cần báo cho bảo hiểm tới. Liêm còn bảo: Tài xế Thái hãn hữu mới bấm còi. Đúng thật, chặng đường gần một tiếng từ Bangkok đến NSTDA, chúng tôi chỉ nghe tiếng “bim” còi có một lần và cả chuyến đi năm ngày ở Bangkok, bác tài “bim bim” có 4 tiếng. Đấy là văn hóa đấy.

Nhìn giao thông của bạn, thấy họ có thứ văn hóa “xếp hàng”, tức trật tự, nhường nhịn nhau. Ô tô không lấn đường, nếu “tắc”, thì “tắc” trong trật tự.  

Trông người lại ngẫm đến ta

Chúng tôi thăm ngôi chùa Wat Yannawa có tuổi đời cả trăm năm. Tiếng Thái, wat nghĩa là chùa. Wat Yanawa do vị vua thứ V (trong 9 vị Vua của triều đại hoàng gia Thái hiện nay) xây dựng. Ngay trước chùa là mô hình con tàu thủy để ghi lại công cuộc bang giao hằng hải của Thái với các nước lân bang. Ngôi chùa này thờ Phật cùng vài chục bình xá lỵ các nhà sư. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy xá lỵ - những vật còn lại sau khi hỏa táng xác các nhà sư, kích cỡ khác nhau, từ to bằng hạt đậu, hạt lạc, đến ngón tay út. Màu sắc xá lỵ có thứ trắng muốt óng ánh, có thứ đỏ huyết dụ; còn hình thù thì, có xá lỵ tròn, có xá lỵ đa giác, có xá lỵ ô van, thật muôn màu vạn trạng như thời gian tu hành và thứ bậc đắc đạo của từng nhà sư.

Các ban thờ đồ lễ đơn giản – hoa tươi. Tín đồ đến lễ rất thành kính. Họ “im lặng” cầu phật và hành lễ. Sau khi lễ Phật, tín đồ quỳ lạy trước một nhà sư để nhận bài tụng xá tội và hưởng nước thơm an bình.  

Sau chùa Wat Yannawa là dòng sông lớn chảy qua Bangkok. Một  cầu tàu bắc bên mép nước. Khi khách tung thức ăn, đàn cá đua nhau giành giật - nhưng con cá da trơn, nặng cỡ từ 2 đến 3 kg vùng vẫy. Cá ở đâu lắm thế, đến hàng nghìn, vạn con. Chúng đen đặc cả một khoảng sông. Thấy bảo, loài cá này trước đây được Hoàng hậu đến lễ chùa, phóng sinh. Nay dân chài Bangkok không đánh bắt loài cá này. Vô tình bắt được, họ lại thả đi.

Nước Thái rất giỏi kinh doanh du lịch. Chỉ riêng việc giới thiệu và bán hàng thôi, họ thật quá tài tình. Trưởng đoàn chuyến đi của chúng tôi là Trần Quang Tuấn, thuộc Trung tâm Truyền thông của Bộ Khoa học Công nghệ. Có lần nhìn thấy cô phóng viên tên Hằng ở VTV2 từ siêu thị về, Tuấn không nhịn được cười. Không cười sao được trước bộ dạng “sướng” đến đờ đẫn của cô bạn giữa đống hàng vừa mua được!.

Trước khi ra sân bay, chúng tôi tạt vào một cửa hàng thuốc truyền thống Thái. Do tài quảng bá điệu nghệ ở đây, nên đồng loạt chúng tôi móc những đồng bạt và đô-la cuối cùng ra “sắm” thuốc. Tính bình quân, trong gần một tuần, mỗi thành viên tiêu pha, mua sắm ít nhất cũng 500 đến 700 USD (chưa kể tiền phòng nghỉ).

Thăm xứ người, ai chẳng có sự so sánh. So sánh để mà học tập cái người hơn và tự hào với cái ta hơn. Thái có cái hơn ta, nhưng không phải họ không có cái kém ta. Ví dụ như điện thoại, internet, taxi... Khách sạn chúng tôi nghỉ không có wifi, cũng không có máy tính nối mạng đặt ở sảnh như nhiều khách sạn ở ta. Ai muốn vào mạng thì mua thẻ, giá cả “hơi chát”, khoảng 200 nghìn đồng, dùng 3 tiếng và tốc độ truy cập ngang rùa bò. Vào làm việc ở nhiều cơ quan thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ Thái, những đơn vị có wifi hơi hiếm!. Rất bất tiện khi các nhà báo chúng tôi muốn chuyển bài, ảnh về nước.

Nói về taxi, cứ lên xe là công tơ mét nhảy 35 bạt, tức gần bằng hai chục nghìn VNĐ, đắt hơn ta chứ. Còn về đêm, nhiều taxi thản nhiên tắt công tơ mét, giá cả theo hình thức mặc cả “bằng tay”, hay “bút đàm”.

Không rõ tại sao Bangkok thu hút khách du lịch lắm thế. Do tò mò vì sex show, vì tòa nhà 84 tầng cao nhất nước Thái, hay thành phố ăn chơi Pattaya và chuyện chuyển đổi giới tính? Nghỉ ở khách sạn, nhưng ăn uống, chúng tôi thường ra quán bình dân. Nếu không bia bọt, giá cả  vào cỡ ba chục ngàn VND bữa ăn. Quán chúng tôi chọn có hai “cô” phục vụ, nhìn đã biết 100% nam giới. Một bữa có có “cô gái” tuổi chừng đôi mươi đến chơi. Trông cô ta đến xinh. Nhưng sau rồi cứ thấy có nét trai trai ấy. Chúng tôi thì thầm đánh cuộc, người bảo trai, người bảo gái, sau điều tra ra, “cô nàng” là một cậu trai.

Nếu cứ so sánh Hà Nội và Bangkok, thì Hà Nội ta tiềm năng du lịch lớn hơn là cái chắc. Hà Nội thơ mộng, cổ kính, biết bao công trình đền chùa cùng sự tích lắng đọng cả ngàn năm. Phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, cả không gian cây xanh, chưa kể mấy trăm biệt thự Pháp cổ, Bangkok sao sánh nổi. Nhưng… lại phải nhưng, để thu hút khách du lịch và phát triển… Hà Nội sẽ phát triển ra sao, có nên đập phá hết các thứ cổ kính, thơ mộng để xây nhưng ngôi nhà cao,… cao vút? Còn giữ, giữ thế nào và xây,… xây ở đâu? Đó là câu hỏi dành cho các chuyên gia, các nhà quy hoạch, các nhà quản lý./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên