Lần tìm “cảm tử quân số 1 của Thủ đô”

Những dòng hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thôi thúc chúng tôi tìm hiểu về anh hùng Lê Gia Đính - người được mệnh danh là “Cảm tử quân số 1 của Thủ đô”.

Với mong muốm tìm hiểu về anh hùng liệt sỹ Lê Gia Đính (còn gọi là Lê Gia Định hay Lê Gia Đỉnh) - cảm tử quân trong trận chiến 60 ngày đêm ở Thủ đô Hà Nội năm 1946, chúng tôi đã tìm đến nhiều nguồn thông tin như Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội, các cuốn hồi ký, sách, báo viết về lịch sử Thủ đô trong giai đoạn này… nhưng cũng chỉ có được những thông tin ít ỏi. Cuối cùng, qua nhiều ngày tìm kiếm, chúng tôi đã may mắn gặp được một người đồng đội cũ của anh - Vệ út Nguyễn Văn Phúc, ở Tiểu đoàn 103, Trung đoàn Thủ đô.

Hành trình tìm kiếm

Vệ Út Phúc xúc động kể lại câu chuyện về Anh hùng Lê Gia Đính

Trong cuốn hồi ký “Chiến đấu trong vòng vây”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại: “Ở Hà Nội, ta đánh 30 trận vừa tiến công vừa chặn địch, diệt nhiều vị trí nhỏ và ổ chiến đấu lẻ. Ta không giải quyết được những nơi địch tập trung đông như ở trường Bưởi, Đồn Thủy… Cuộc chiến đấu ở Bắc Bộ Phủ diễn ra từ 5 giờ sáng đến 18 giờ. Vệ quốc quân đánh lui nhiều đợt xung phong. Buổi chiều, chính trị viên đại đội Lê Gia Định thấy không giữ được Bắc Bộ Phủ nữa, đã ra lệnh cho 2 trung đội do anh chỉ huy rút sang Nhà Bưu điện. Anh ở lại với một trái bom, định giật nổ để tiêu diệt toán quân Pháp đầu tiên xông vào. Bom không nổ, chính trị viên Lê Gia Định đã anh dũng hy sinh…”.

Chính những dòng hồi ký ấy đã thôi thúc chúng tôi bắt đầu hành trình tìm hiểu về anh hùng Lê Gia Đính - người được mệnh danh là “Cảm tử quân số 1 của Thủ đô”.

Nơi đầu tiên tôi tìm đến là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tại đây, tôi được giới thiệu với một người làm việc lâu năm ở bảo tàng. Sau khi nghe tôi bày tỏ mong muốn được tìm kiếm thông tin và nguồn tư liệu về anh hùng Lê Gia Đính, ông cho hay, hiện giờ, Bảo tàng cũng chưa có được những tư liệu cụ thể gì về người anh hùng này. Ông còn cho biết thêm, không chỉ anh hùng Lê Gia Đính mà còn rất nhiều anh hùng liệt sỹ khác cũng chưa được nhiều người biết đến, vì những tư liệu lịch sử còn lại quá ít ỏi. Giọng nói ông như trầm xuống và tôi nhận ra trong ánh mắt ông một nỗi buồn không thể che giấu. Rồi ông gợi ý cho tôi liên lạc với Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội, may ra có thể tìm được người có thông tin về Lê Gia Đính. Tuy nhiên, khi đến Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội, tôi cũng không thể tìm được thông tin gì thêm về anh hùng Lê Gia Đính.

Tưởng như đã vô vọng thì tình cờ, trong một lần trò chuyện với Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi được ông giới thiệu với Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng Ban liên lạc Đội quyết tử của thành Hà Nội. Sau khi liên lạc được với ông, tôi đã mừng không tả xiết khi nghe ông nói: “Cháu có thể liên lạc với Vệ út Nguyễn Văn Phúc, người đồng đội năm xưa với anh hùng Lê Gia Đính. Khi ấy, Nguyễn Văn Phúc mới 12 tuổi. Giờ đây, đó là người duy nhất có thể kể cho cháu về anh hùng Lê Gia Đính”.

“Chính trị viên Lê Gia Đính - Người thay đổi cuộc đời tôi”

Tôi gặp Vệ út Nguyễn Văn Phúc tại căn nhà nhỏ của ông ở phố Trương Định. Vừa nghe tôi nói muốn được ông kể chuyện về anh hùng Lê Gia Đính, khóe mắt mờ đục của ông đã rưng rưng.

Anh hùng Lê Gia Đính

Trước đây, tất cả những gì tôi biết về anh hùng Lê Gia Đính không gì khác ngoài những thông tin ít ỏi được tập hợp từ nhiều nguồn tư liệu lịch sử và các cuốn hồi ký của những người cùng thời. Anh người Gia Lộc, Hải Dương, tham gia cách mạng từ năm 1943, là Chính trị viên đại đội thuộc Trung đoàn Thủ Đô. Lê Gia Đính hy sinh ngày 20/12/1946 với hành động dũng cảm xông lên giật kíp nổ quả bom để tiêu diệt địch. Tháng 4/2000, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tên anh được đặt cho một đường phố của Thủ đô Hà Nội.

Chỉ qua những thông tin ấy thì khó có thể hình dung cụ thể về một con người, và càng khó để hiểu hơn về họ. Nhưng khi nghe ông kể chuyện, hình ảnh anh hùng Lê Gia Đính trong tôi không chỉ là một người chiến sỹ dũng cảm, mà còn là một người hết mình vì đồng đội, người anh gần gũi, với tâm hồn giản dị nhưng luôn ngời sáng lý tưởng cộng sản.

Vệ út Nguyễn Văn Phúc mồ côi mẹ từ năm 4 tuổi. Hằng ngày, cùng với hai người bạn là Trần Việt Minh và Nguyễn Văn Lưu, cậu bé Nguyễn Văn Phúc lang thang khắp phố phường Hà Nội để bán báo rong, kiếm tiền nuôi thân. Đêm đến, Nguyễn Văn Phúc trở về chỗ ngủ quen thuộc là Bể bơi Pít Xin (nay là khu vực đằng sau Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cạnh Cung Văn hóa Thiếu nhi). Cho đến một ngày, vào cuối tháng 3/1946, Nguyễn Văn Phúc và những người bạn của mình được gặp một vệ quốc quân. Đó chính là anh hùng Lê Gia Đính. Khi ấy, Nguyễn Văn Phúc mới 12 tuổi.

Ban đầu, cứ tối đến là anh vệ quốc thường lân la đến bể bơi, nơi mấy cậu nhỏ thường ngủ qua đêm, để hỏi chuyện. Anh thường mang cho 3 cậu bé rất nhiều kẹo bột. Anh vệ quốc ấy có dáng người dong dỏng, tầm thước, đặc biệt hiền lành, ít nói nhưng rất tình cảm, dễ mến. Lúc bấy giờ, nhìn anh vệ quốc mặc bộ quần áo vệ quốc quân rất đẹp và oai vệ, Nguyễn Văn Phúc và những người bạn của mình vô cùng ngưỡng mộ. Những cuộc trò chuyện, tâm sự cứ thế tiếp diễn đến khoảng một tháng sau (tháng 4/1946), anh vệ quốc bất ngờ hỏi: "Các em có muốn đi làm liên lạc cho vệ quốc đoàn không?". 3 cậu bé nghe vậy đều reo lên sung sướng. Và họ đã trở thành những Vệ út của Trung đoàn Thủ đô từ ngày đó.

Ngày đầu tiên vào làm liên lạc, cũng là lần đầu tiên Phúc được khoác trên người bộ quần áo vệ quốc quân. Người đưa tận tay cho ông bộ quần áo khi đó, không ai khác, cũng chính là anh hùng Lê Gia Đính.

…“Và lần cuối cùng được gặp Lê Gia Đính”

Không đầy 5 tháng sau, cuộc chiến đấu ở Thủ đô ngày càng ác liệt. 20h ngày 19/12/1946, đèn điện ở Hà Nội vụt tắt. Cả Hà Nội chìm trong bóng tối. Giữa tiết trời lạnh giá, cuộc chiến đấu ngày càng trở nên cam go. Ta và địch quần nhau tranh từng góc sân, từng ngôi nhà tại Bắc Bộ Phủ. 

Gần 8 giờ sáng ngày 20/12/1946, quân Pháp lại chuẩn bị tấn công với sự yểm trợ của xe tăng. Từ trên cửa sổ gác hai nhà Bắc Bộ Phủ, Vệ út Nguyễn Văn Phúc nhìn thấy quân Pháp tràn vào nên cấp báo ngay với Lê Gia Đính - chính trị viên đại đội. Anh Đính nghe xong ra lệnh: “Đi báo với tất cả đại đội im súng, chờ giặc tới gần vùng mới bắn và dùng lựu đạn tiêu diệt, tạo bất ngờ. Tránh bắn sớm, đạn còn rất ít”. Anh Đính đưa cho Vệ út Phúc một ít đạn súng trường đem sang vườn hoa Chí Linh. Nguyễn Văn Phúc vừa xuống đến sân đã nghe đạn vèo vèo sượt qua tai, nhưng cũng cố lao lên phía vườn hoa Chí Linh thông báo mệnh lệnh. Và đó cũng là lần cuối cùng, Vệ út Phúc được gặp chính trị viên Lê Gia Đính.

Cuộc chiến đấu kéo dài đến 11h30 phút. Đạn dược gần hết, lựu đạn, chai cháy, bom ba càng cũng không còn nữa. Các chiến sĩ đề nghị chiến đấu đến người cuối cùng. Lê Gia Đính ra lệnh cho tất cả các chiến sỹ còn lại dìu thương binh theo giao thông hào rút về Nhà Bưu điện. Mình anh ở lại chốt giữ vị trí. Lê Gia Đính bấm điện để phát nổ quả bom lớn. Nhưng quả bom không chịu phát nổ. Lê Gia Đính đã xông lên giật kíp quả bom và anh dũng hy sinh. Tấm gương hy sinh của người cộng sản trẻ tuổi đã được Tổ quốc truy tặng danh hiệu cao quý: “Cảm tử quân số 1 của Thủ đô”. Ngày 28/4/2000, Lê Gia Đính được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Quãng thời gian ngắn ngủi được sống và chiến đấu bên người anh hùng Lê Gia Đính, Vệ út Nguyễn Văn Phúc đã thực sự coi anh là người anh lớn của mình. Cho đến giờ, ông vẫn không quên trong những bữa cơm đạm bạc với canh cà chua, cá khô rang hay sang lắm là món đậu phụ rán, ông vẫn thường được anh Lê Gia Đính nhường cho phần ngon nhất.

Nghe ông kể chuyện, tôi mới hiểu, tại sao ông lại xúc động như thế khi vừa nghe tôi nhắc đến anh hùng Lê Gia Đính. Bởi với ông, đấy không chỉ là một người đồng đội, mà còn là một người anh mà ông vô cùng cảm phục, người đã dẫn dắt ông đi theo con đường cách mạng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên