Lặng lẽ cho Hà Nội sạch

Mặc dù chiếc xe rác nằm ngay sát khu dân cư, thế nhưng, cứ loáng cái lại thấy có người hồn nhiên xách rác vứt toẹt vào vũng nước ngay ngã 3, kề miệng cống.

Ý thức người dân ngày càng thấp thì sự vất vả cực nhọc của người công nhân môi trường sẽ tăng theo cấp số nhân

Nỗi buồn lao công!

21h, cái lạnh bắt đầu se sắt nhưng tiếng chổi tre của chị Phạm Thị Luân - Xí nghiệp Vệ sinh môi trường số 3 (Hà Nội) vẫn lia đều trên đường phố. Buổi tối hôm nay, cung đường này chị đã vòng đi, vòng lại đến 3 lần, nhưng lần nào cũng có những đống rác, túi rác mới. Chiếc xe rác, dù đã được cơi nới, sức chứa gấp 3 lần so với thiết kế ban đầu nhưng giờ đã chật ních. Dù trời lạnh nhưng qua loang loáng ánh đèn, tôi vẫn thấy trán chị đẫm những giọt mồ hôi. Một ngày làm việc nặng nhọc. “Nhiều người vô ý thức, toàn đổ rác bậy thôi. Mình vừa dọn xong, quay lại lại có rác…” - chị Luân thở dài.

Đã gọi là rác thải thì trăm thứ bà rằn. Từ rác thải rắn, rác thải vô cơ lẫn hữu cơ đều được người dân Thủ đô hồn nhiên quăng ra đường. Chỉ với cung đường chưa đến 500m mà những người công nhân vệ sinh môi trường (VSMT) như chị Luân phải dọn đi dọn lại từ 6h sáng đến 12h đêm không biết bao nhiêu lần.

Tại góc phố Trần Khát Chân, mặc dù chiếc xe rác nằm ngay sát khu dân cư, thế nhưng, cứ loáng cái lại thấy có người hồn nhiên xách rác vứt toẹt vào vũng nước ngay ngã 3, kề miệng cống. Chị Lê Thị Hạnh, một người có thâm niên 20 năm làm công nhân VSMT cho biết, dù đời sống nhân dân ngày càng đi lên, kinh tế khá giả hơn nhưng ý thức thì ngày càng đi xuống so với 20 năm trước đây khi chị mới vào nghề. Chị buồn rầu: “Tôi đi khắp nơi, các tỉnh lẻ người ta cũng không bừa bãi như dân Thủ đô mình đâu”. Và cứ thế, khi ý thức người dân ngày càng thấp thì sự vất vả cực nhọc của người công nhân môi trường sẽ tăng theo cấp số nhân.

Trong tổng số gần 700km cống ngầm của Hà Nội, có khoảng 560 km được nạo vét bằng phương tiện cơ giới, còn lại gần 130 km phương tiện không vào được buộc phải nạo vét thủ công. 101 công nhân cống ngầm được giao đảm đương toàn bộ khối lượng công việc nạo vét cống, kiểm tra vật cản, làm sạch lòng cống. Đây là một công việc vô cùng nặng nhọc, vất vả và nguy hiểm.

Thành phố Hà Nội đang phát động cuộc vận động “Toàn dân không vứt đổ rác ra đường, phố và nơi công cộng”, nhưng theo chị Hạnh, phong trào cũng sẽ đi vào quên lãng nếu như các cơ quan, ban, ngành không có những giải pháp mạnh tay đối với những hành vi vứt đổ rác bừa bãi…

Quay lại với công việc, tiếng chổi tre của các chị lại vang lên trong đêm. Chỗ tôi đang đứng giờ đã sạch bong không còn cọng rác. Nhưng những con đường, tuyến phố sạch sẽ như thế này sẽ giữ được trong bao lâu? Đến sáng hôm sau, chỉ vài giờ đồng hồ, thậm chí vài phút thôi, những túi rác lại ngập đầy. Và rồi, những chị lao công lại tiếp tục mệt nhoài với rác…

Đời móc cống!

12h, dãy cống ở đường Trúc Bạch vẫn “mở miệng” toang hoác. Những chiếc xe chuyên dụng đã chứa đầy hổ lốn rác thải và bùn đen tanh ngòm. Lúc lúc, sâu dưới lòng cống, những xô rác, bùn vẫn tiếp tục được đưa lên, kèm theo đó là mùi xú uế nồng nặc. Nhận “hiệu lệnh” của tổ trưởng, từ sâu trong lòng cống, một người đàn ông cao, gầy ướt lướt thướt chui lên. Một cơn gió vút qua khiến người đàn ông không khỏi rùng mình. Hà Nội hôm ấy trời rét đậm.

“Ở đây, cống có đường kính 1.500 cm nhưng chỉ hở 25-30 cm, nếu lưu lượng nước khoảng 1/2 cống thì công nhân làm việc dưới cống không bị ướt nhưng ngập 2/3 người thì không thể tránh được, nước bẩn tràn hết vào người. Nhiều lúc còn phải nằm bò, lặn ngụp trong nước cống để nạo vét, thông tắc cống…” - Anh Đỗ Ngọc Tú, công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 1 tâm sự.

Đến với nghề như một lựa chọn bất đắc dĩ, tưởng như chỉ để qua những đận khó khăn, thế nhưng anh Tú đã gắn bó với nghề móc cống hơn 1/4 thế kỷ, buồn vui với nghề vì thế cũng thật vơi đầy. Anh cho biết thêm: “Dù được trang bị bảo hộ tốt hơn nhưng việc này nặng nhọc lắm, nguy hiểm nữa. Có bảo hộ nhưng nước vẫn vào, bị bơm kim tiêm đâm thủng, bị hóa chất bào mòn chân tay là chuyện thường…”.

Xí nghiệp Thoát nước số 1 được giao quản lý duy trì toàn bộ hệ thống thoát nước gồm quận Ba Đình, phần lớn quận Tây Hồ, một phần quận Hoàn Kiếm và phần địa bàn Hà Nội phát triển về phía Bắc với tổng số trên 96km cống, rãnh. Đảm nhận công việc cực kỳ nặng nhọc này chỉ có 7 người đàn ông. Trò chuyện với anh Nguyễn Xuân Phong, Tổ trưởng tổ cống ngầm, mới thấy hết sự vất vả, gian truân của những người thợ cống và tôi cũng mới vỡ ra rằng, trong lòng cống nào chỉ có nước thải, sự hôi tanh, bẩn thỉu. “Người ta vứt xuống cống băng vệ sinh, bỉm, các loại rác, có hôm mở nắp ga múc hàng xô xi lanh, phân tươi…” - anh Phong tâm sự.

"Dù đời sống người dân ngày càng đi lên, kinh tế khá giả hơn nhưng ý thức thì đi xuống rất nhiều so với 20 năm trước đây khi tôi mới vào nghề. Tôi đã đi nhiều nơi, các tỉnh lẻ người ta cũng không bừa bãi như dân Thủ đô mình. Và khi ý thức người dân ngày càng thấp thì sự vất vả cực nhọc của người công nhân môi trường như chúng tôi sẽ tăng theo cấp số nhân".
(Chị Lê Thị Hạnh, người có thâm niên 20 năm làm công nhân VSMT)

Không chỉ lặn ngụp trong những dòng nước hôi thối, hằng ngày, các anh vẫn phải đối mặt với những tình huống mà chỉ biết kêu trời! Chẳng hạn, có nhiều lần đang lom khom dọn vệ sinh cho những đoạn cống ở phố cổ, chỉ nghe "ào" tiếng nước, lưng, đầu các anh đã hứng trọn chất thải mới nguyên từ một hố xí xả trực tiếp ra cống! Ác mộng khủng khiếp nhất đối với các anh không chỉ là những đoạn cống quanh khu vực bệnh viện, nhất là bệnh viện K với đủ loại hóa chất điều trị ung thư; là những khu chợ với hàng bì đầu ruột cá thối… Còn những cơn ác mộng kéo dài hơn cả lại được mang tên “dầu mỡ”. Có những khu dầu mỡ nấu, máy móc quánh đặc, vét được dầu lên thì người cũng đen thui, mỡ bám chắc… phải mua xăng về tắm nhiều lần rồi mới tắm xà phòng…

Trong những năm gần đây, nhận được sự quan tâm về mọi mặt của công ty cũng như xí nghiệp, anh em được trang bị phương tiện làm việc đầy đủ, bảo hộ lao động cũng ngày được trang bị một tốt hơn. Chẳng hạn, bộ bảo hộ bằng cao su được nhập từ Hàn Quốc có giá tới cả triệu đồng nhưng do đặc thù công việc quá nặng nhọc, độc hại, nguy cơ mất an toàn cao nên những gì được trang bị cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Giơ cho tôi bộ bảo hộ đã được vá chằng đụp, mấy anh em vẫn cười như những đứa con nhà nghèo có hiếu với cha mẹ!

Làm việc trong môi trường cực kỳ nặng nhọc, độc hại nên việc mắc bệnh nọ, tật kia cũng là điều dễ hiểu. Từ 18 người đến nay tổ chỉ còn 7 anh em, đều là những người có sức khỏe dẻo dai nhất nhưng những bệnh đặc thù cũng nào buông tha. Giơ tay xoa xoa chiếc đầu cạo trọc lốc của mình, anh Phong thanh minh: “100% anh em bị nấm. Tôi già thế này ai lại để đầu trọc nhưng bệnh không để tóc được. Ai cũng bị hắc lào…”.

30 năm trong nghề, có lẽ anh Phong là người hiểu hơn ai hết “thế giới ngầm” của thành phố. 30 năm ấy đã cho anh nhiều kinh nghiệm để phân tích rất khoa học cái sự úng ngập của thành phố trong thời gian gần đây. “úng ngập là do quy hoạch thiếu đồng bộ, các khu đô thị, khu dân cư mới xây dựng cao hơn khu cũ, hồ ao bị san lấp, khu nước đệm không có, mưa càng nhanh, càng nhiều càng khó thoát…” - anh Phong chia sẻ.

Nếu như niềm vui của các anh là được thấy cống rãnh thông thoáng, không ách tắc thì nỗi buồn của nghề cũng nhiều lắm. Đó không chỉ là mức thu nhập ít ỏi (trung bình 3 triệu đồng/tháng, phụ cấp độc hại chỉ là 8.000 đồng/ngày), những nỗi lo bệnh tật khi tuổi già sức yếu, mà nỗi buồn lớn hơn cả vẫn là sự thị phi, khinh bạc của người đời bởi cái nghề mà các anh đang làm.

Nghề vất vả, cực nhọc là thế nên từ khi là 1 tổ với 18 người, người đến tuổi về hưu, người ốm đau về mất sức, giờ chỉ còn lại 7 anh em. Người ít tuổi nhất năm nay cũng đã 43, người cao niên nhất thì 50 có lẻ, và anh nào cũng đã là thợ bậc 7/7. Dù nhiều lần công ty chiêu quân, ban đầu, nhiều bạn trẻ nhận thấy sự đãi ngộ của ngành cũng hào hứng xin vào với đầy đủ cam kết này kia, nhưng chỉ sau 1 lần chui xuống cống, đối mặt với những gì dưới lòng cống thì đã “bỏ của chạy lấy người”. Một thoáng buồn lướt qua gương mặt của người tổ trưởng kỳ cựu khi anh nói đến sự thiếu hụt lớp người kế tục…

Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến gần, lượng công việc nhiều chất ngất, sự vất vả lại đè nặng lên đôi vai của những người làm công tác vệ sinh môi trường của Thủ đô. Một lần được tìm hiểu công việc hằng ngày của những người sống gần nửa cuộc đời trong lòng cống, của những người thu gom rác làm sạch phố phường trong cái lạnh buốt của những cơn gió mùa đông bắc, tôi như thấm thía hơn sự hy sinh thầm lặng mà đầy ý nghĩa của họ…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên