Lặng lẽ chổi tre

Giữa đêm tối, các chị chỉ còn biết dùng áo phản quang và xe rác để che chắn giữa đường, báo hiệu cho các xe đi trên đường. Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng không ai chùn bước hay ca thán một lời.

Cặm cụi trên đường với chiếc chổi tre khi trời còn mờ sương và trở về nhà khi đường phố đã lên đèn, đó là công việc của những người lao công như chị Nguyễn Thị Vóc, Tổ trưởng Tổ thu gom rác Văn Quán, Hà Đông (Hà Nội). Và rất nhiều cái Tết đã qua, khi các gia đình quây quần bên mâm cỗ đón giao thừa, tiếng chổi tre của các chị vẫn vang lên trong đêm lặng lẽ…

“Chị là chị Vóc phải không…?”

Chị Nguyễn Thị Vóc
Giữa rất nhiều gương mặt được tuyên dương trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tổ chức vào những ngày cuối năm 2009, tôi bị thu hút bởi một người phụ nữ có cái tên thật giản dị: Nguyễn Thị Vóc, cùng câu chuyện cũng thật giản dị là việc chị Vóc đã đổ cả xe rác để tìm chùm chìa khóa bị mất cho một cụ già. Hành động của người phụ nữ ấy, giữa biết bao tấm gương sáng trong cuộc vận động, giản dị như chính chủ nhân của nó nhưng lại khiến người nghe xúc động đến rơi nước mắt bởi một tấm lòng cao đẹp, không ngại gian khổ, khó khăn để đem lại niềm vui cho người khác. Và, ấn tượng về một người phụ nữ với công việc rất đỗi bình dị ấy đã thôi thúc tôi tìm gặp chị.

Qua cuộc điện thoại liên lạc vào đầu giờ sáng, tôi được biết chị vừa trở về nhà sau khi quét dọn cùng các chị em trong tổ tại Lễ hội Văn Quán lúc 5 giờ sáng. Chị cũng cho biết sẽ có thể phải trở lại ngay khi có người gọi vì ở lễ hội thì có nhiều việc phải làm lắm và chưa biết đến lúc nào mới xong. Câu nói ấy khiến tôi tức tốc tìm đến nhà gặp chị vì không biết sẽ có thể gặp chị vào lúc nào với công việc không thể biết trước thời gian ấy.

Với giọng hồ hởi, chất phác, chị cho tôi xem và giới thiệu tỉ mỉ những bức ảnh được chụp trong Lễ tuyên dương những điển hình tiên tiến trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đặc biệt là những bức ảnh cả đoàn được tới dâng hương và vào Lăng viếng Bác. Chị xúc động kể, khi chị vừa phát biểu xong tại Lễ tuyên dương, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh lúc ấy đang ngồi ngay hàng ghế đầu đã đứng dậy và bắt tay chúc mừng chị. Không giấu nổi xúc động, chị đã giơ cả hai tay ra bắt và mừng đến nỗi đánh rơi tờ giấy đang cầm trên tay.

Hôm sau, khi cùng chụp ảnh kỷ niệm, giữa rất đông người, Tổng Bí thư vẫn nhận ra và đến bắt tay chị thân mật: “Chị là chị Vóc phải không? Tôi đã được nghe về những việc làm của chị - một tấm gương rất người thật, việc thật, rất đáng biểu dương. Khi nào về, cho tôi hỏi thăm sức khỏe mọi người trong gia đình”.

Những câu nói ấy từ một vị lãnh đạo cấp cao của đất nước khiến chị Vóc càng cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về đạo đức của người cán bộ. “Chị là chị Vóc phải không?” - câu hỏi thân tình, gần gũi ấy cùng những lời khen ngợi của Tổng Bí thư chính là nguồn động viên, khích lệ lớn để chị gắn bó, hay thậm chí là hy sinh với công việc nhiều vất vả, khó khăn và cũng không ít hiểm nguy, bất trắc này. 

Rồi chị kể cho tôi nghe về cuộc đời của mình - cuộc đời người phụ nữ lao động với nhiều vất vả, truân chuyên.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hoài Đức (Hà Tây cũ), vì điều kiện kinh tế khó khăn, chị phải lặn lội lên công tác ở tận Trại gà Tam Dương, Phú Thọ. Sau này, chị mới được chuyển về trại gà Văn Yên ở gần nhà. Và rồi số phận run rủi, chị lại chuyển sang làm ở Tổ thu gom rác Văn Quán, thuộc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông. Hơn chục năm gắn bó với tiếng kẻng và chiếc chổi tre, chị càng cảm nhận được nhiều hơn ý nghĩa của lao động và thấm thía được nhiều điều trong cuộc sống.

Đón giao thừa… trên đường

Hơn chục năm trong nghề, cũng là chừng ấy năm, chưa một lần chị được đón giao thừa cùng gia đình. “Năm nào, mình cũng là người xông nhà” - chị nói vui về công việc của mình và những chị em trong tổ. Những ngày cuối năm, đặc biệt là ngày 30 Tết bao giờ cũng là lúc công việc của các chị bận rộn, vất vả nhất. Bởi khi những người phụ nữ khác lo sắm sửa, dọn dẹp cho mái ấm của mình để chuẩn bị đón năm mới thì các chị vẫn mải miết trên đường với những xe rác nặng nề và đầy hơn mọi ngày để làm đẹp cho từng con đường, ngõ phố. Những bữa ăn vì thế cũng được tranh thủ ngay vào những phút giải lao hiếm hoi trên đường. Chỉ khác là thay vào những chiếc bánh mì hay nắm xôi là những chiếc bánh chưng được các chị mang theo từ nhà. Khi mọi nhà đang quây quần bên mâm cỗ đón giao thừa thì bóng dáng các chị vẫn nhập nhòe, mờ tỏ dưới ánh sáng của những ngọn đèn đường. Và khi họ trở về nhà cũng là lúc đồng hồ đã điểm đến 3 - 4 giờ sáng ngày mùng 1 Tết.

Hình ảnh của chị Vóc luôn gắn với tiếng kẻng và những chiếc xe chở rác

Là người phụ nữ duy nhất trong gia đình, chị Vóc thường phải chuẩn bị cỗ cúng giao thừa từ trước để 3 bố con ở nhà thắp hương. “Ngày nhỏ, nhiều khi em thấy tủi thân đến ứa nước mắt khi giao thừa chỉ có 3 bố con ở nhà đón giao thừa và nghĩ tới cảnh mẹ mình vẫn phải cặm cụi trên đường giữa cái lạnh như cắt da thịt. Nhưng giờ, bọn em cũng đã quen rồi” - Đoàn Quang Vinh, con trai lớn của chị Vóc kể. Những ngày nhỏ đi theo giúp mẹ quét rác, mỗi khi đi đến gần nhà bạn bè trong lớp là cậu lại xấu hổ đỏ cả mặt, chỉ sợ gặp người quen, bị các bạn trêu là thằng quét rác. Nhưng giờ thì Vinh còn cảm thấy tự hào vì công việc giản dị nhưng rất có ý nghĩa của mẹ.

Chính hình ảnh của người mẹ đêm hôm vất vả tảo tần đã là tấm gương cho 2 đứa con chị noi theo. 12 năm liền, năm nào cả hai cũng đạt học sinh giỏi. Giờ thì cậu lớn đã đi làm và cậu út là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Kinh tế quốc dân. Thương mẹ nên dù bận đi học, đi làm, hai cậu con trai vẫn tranh thủ đi làm giúp mẹ và các cô mỗi khi trong tổ có nhiều việc. “Chúng nó ngoan lắm. 23 Tết vừa rồi, khi giải tỏa ở chợ Gò, phường Văn Quán, tôi và hai mẹ con chị ấy phải còng lưng đùn xe rác đấy. Được cái mẹ vất vả nhưng con cái ngoan ngoãn, đấy là niềm hạnh phúc lớn nhất với người phụ nữ rồi” - chị Phùng Thị Đông, nhân viên tổ quét rác Văn Quán vừa nói vừa đưa tay quệt mồ hôi trên trán.

Có những hôm đang đêm, nhận được tin có xe tải chở bùn đất bị tụt ben trên Quốc Lộ 6, chị Vóc lại tất tả đi ngay để cùng chị em thu dọn “chiến trường” là một đoạn đường bị rơi vãi đầy bùn đất dài đến gần một cây số. Giữa đêm tối, các chị chỉ còn biết dùng áo phản quang và xe rác để che chắn giữa đường, báo hiệu cho các xe đi trên đường. Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng không ai chùn bước hay ca thán một lời. Để rồi sáng hôm sau, con đường lại sạch sẽ và bình yên như chưa hề có sự cố gì xảy ra.

Giờ đây, tuy đã làm công việc quản lý nhưng chị Vóc vẫn thường xuyên làm việc trực tiếp cùng các chị em trong tổ. Những khi có người ốm đau hay bận việc, chị đều nhận làm giúp các chị em. Trong tổ, mỗi người một hoàn cảnh riêng và nhiều người còn khó khăn nhưng chị luôn quan tâm và động viên, giúp đỡ kịp thời, tạo điều kiện cho các chị em yên tâm và gắn bó với công việc.

Một chiếc chổi tre, một tấm áo phản quang và những chiếc xe chở đầy rác - đó là những gì gắn bó với công việc của những người lao công. Nhưng đối với chị Vóc và các chị em trong Tổ thu gom rác Văn Quán, để gắn bó với công việc còn nhiều nhọc nhằn, vất vả này, họ còn mang trong mình một tâm hồn đẹp và đầy nhân hậu, dẫu chỉ trong những hành động rất nhỏ như đổ cả xe rác để tìm lại đồ cho người đã vô tình đánh mất…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên