Làng nghèo giữa phố thị

Mỗi buổi tối, khi ánh đèn sang trọng của phố thị bừng lên, cuộc sống mưu sinh của người dân Cồn Thị lại hiện lên - lam lũ.

Giữa thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) trẻ trung và đầy sôi động đang trong quá trình phát triển, vẫn còn đó một làng nghèo. Ở đó, tiếng là dân thành phố nhưng người dân vẫn đang chật vật để kiếm miếng ăn qua ngày.

Những mảnh đời mưu sinh trên sông.

“Có một dòng sông đã qua đời” *

Theo lời các cụ cao niên xóm Cồn Thị kể lại, sông Bàn Thạch là một con sông rất đẹp. Sông chia làm hai nhánh, giữa hai nhánh sông là một cồn đất, chiều dài hơn 1km, khoảng giữa rộng nhất khoảng 200m, hai đầu hẹp dần. Hai đầu cồn đất này là hai bãi sình, ở đó là một rừng cây dương xỉ lớn. Trong rừng dương xỉ có rất nhiều chim, chim Áo đà (vì nó có bộ lông màu đà giống áo nhà sư, mỏ trắng rất đẹp - PV), chim vành khuyên, chim mía, và rất nhiều cò. Những buổi chiều về, hàng ngàn con cò đậu vắt vẻo trên lùm cây bần, cây đước. Chúng sống và làm tổ ở đó, cất lên những tiếng kêu trầm đục buồn buồn.

Sở dĩ người ta gọi nơi này là “Cồn Thị”, vì ở đây có những cây thị rất lớn. Có những cây cao hơn 20m, vòng gốc 10 người ôm. Đó là thời kỳ thịnh vượng của những năm về trước. Lúc đó sông rất nhiều cá, lắm tôm cua, người cũng ít hơn bây giờ, nên không ai nghĩ đến chuyện săn bắt chúng một cách ráo riết bằng những phương tiện hiện đại độc ác như bây giờ. Vả lại lúc đó, cá chỉ là một thú tiêu khiển của những ai nhàn tản hay đơn giản chỉ muốn thay đổi khẩu vị một chút. Những ngày mùa hè, lũ trẻ thường bơi lội vẫy vùng trên dòng sông này. Bến sông tấp nập ghe thuyền. Thuyền buôn, thuyền chở khách từ Tam Hoà, Tam Quang lên. Trên bến sông là một chợ cá. Chính quyền địa phương đã làm một bến cá kiên cố và rộng rãi cho tàu thuyền neo đậu.

Bây giờ, sông Bàn Thạch gần như là một dòng sông chết. Nước sông đen ngòm, hôi thối và đặc quánh. Dòng sông cạn vì rác mà người dân xung quanh đổ xuống, nhiều đến nỗi làm nghẽn cả dòng chảy. Còn đôi bờ thì ngày càng thu hẹp lại. Trên dòng sông lềnh bềnh những xác chết súc vật, lềnh bềnh những túi nilon và đủ mọi thứ rác từ giường chiếu, mùng mền cũ, bao xi măng, bao đựng gạo, vỏ trái cây, rau sống, áo quần cũ. Mặt nước sông phủ một lớp rêu xanh, đặc quánh dầu mỡ người ta xả ra từ những chiếc ghe cá và từ khắp nơi gần đó. Bây giờ cá đã chết, chim đã bay xa. Cồn Thị bây giờ không còn cây thị nào vì người ta đã đốn đi hết rồi...

Cồn Thị nhìn từ trên cao. (Ảnh: Tấn Vịnh)

Ủ ê tiếng hát bên sông

Xóm Cồn Thị bây giờ là một xóm rất nghèo, toàn là người lao động làm thuê, buôn bán nhỏ. Vì nghèo nên họ phải sống trong những căn nhà nhỏ chật chội, cả nhà mấy thế hệ phải chung sống trong đó.

Cuối chiều, mặt trời chưa tắt, nhưng đã nghe thấy những tiếng gọi nhau “đi làm”. Hỏi ra mới biết, buổi tối mới là giờ làm việc của những người dân nơi đây. Bao nhiêu đời nay, các hộ dân sống ven sông đều dựa vào nghề đánh lưới, thả lồng, nhưng nhìn cũng đủ biết, chẳng nhà nào khá được nhờ nghề đánh lưới lồng này, may lắm mới đủ ăn.

Đêm xuống, đứng trên đường Bạch Đằng nhìn xuống sông Bàn Thạch thấy thấp thoáng những ngọn đèn từ các ghe thả lưới. Nếu là một bức tranh, thì hẳn tất cả sẽ nhận thấy được sự đối lập đến xót xa. Khi phía bên kia là phố thị sầm uất với huy hoàng đèn nến và sự tấp nập bán buôn, thì bên này, Cồn Thị chỉ le lói vào ánh đèn từ một vài ngôi nhà nào đó còn cố thức đợi người thân đi “kiếm cái ăn” về.

Chị Phan Thị Ngãi, 44 tuổi, gia đình chị sinh sống trên Cồn Thị này đã mấy đời nghèo khó thở than với chúng tôi: “Dòng sông xưa vốn trong xanh là thế, nhưng nay như các anh thấy, bao chất thải, nước thải của thành phố cứ xả trực tiếp xuống đây, cả một khúc sông nhiễm bẩn. Con cá, con tôm chịu không thấu phải bỏ đi hết, huống chi là người!”.

Trước đây người dân chỉ đi đánh bắt trong vòng bán kính 3km, còn bây giờ họ phải đi xa hơn 10km mới mong kiếm được cá tôm. Bởi ngoài sự ô nhiễm của dòng sông, người dân nơi đây còn phải “chiến đấu” với nạn hút cát trái phép trên sông.

Bến cá bên chợ Tam Kỳ, phía bên kia là Cồn Thị.

Anh Trương Ngọc Hoàng, 39 tuổi trầm ngâm nhìn xuống dòng nước: “Mang tiếng là sống ở trung tâm thành phố mà còn nghèo hơn ở quê. Nhiều thanh niên ở đây phải theo thuyền câu mực ngoài khơi xa. Mấy năm trước tôi cũng đi, nhưng sau trận bão may mắn thoát chết, giờ không dám đi nữa!”

Sống phụ thuộc nhiều vào con cá, con tôm, nên dân làng chài dù làm việc suốt ngày vẫn chật vật với cuộc mưu sinh giữa đời thường. Xóm Cồn Thị này có hơn 100 hộ, nhưng cứ đến mùa đông, mùa mưa bão là lâm vào cảnh thiếu đói. Cuộc sống bấp bênh, vì nghèo nên con cái ít được học hành đến nơi đến chốn, thanh niên thì thất nghiệp. Nhiều gia đình sống sát bờ sông, ngoài nỗi lo đứt bữa, họ còn phải chống chọi lại với “hà bá” để giữ lại những mái nhà tranh không khá hơn túp lều là mấy trong mùa mưa bão.

Lau lách mọc um tùm, cao ngang đầu người. Nhà cửa lấn sát nghĩa địa. Khoảng đất trống còn lại là vài ba sào ruộng trồng rau muống. Không gian u trầm và hoang vắng đến lạ. Đất của người chết và người sống dường như không còn ranh giới nữa. Cồn Thị lâu nay là “nơi hội tụ” của người nghèo, dân bản địa đã nghèo, nay lại gánh thêm người nghèo từ các địa bàn khác đến cư ngụ.

Ngoài số nhà cửa tạm bợ ven sông, vùng đất này còn là chốn nương thân của những hoàn cảnh bất hạnh, người già cô đơn không biết bấu víu vào ai. Bà Huỳnh Thị Thanh (70 tuổi) sống thui thủi một mình trong ngôi nhà tình thương. Bà là hộ nghèo được nhận mỗi tháng 180.000 đồng trợ cấp của Nhà nước. Không người thân nương tựa, những lúc ốm đau, bệnh tật, bà Thanh chỉ còn biết dựa vào tấm lòng thơm thảo của hàng xóm.

Đâu chỉ có riêng bà Thanh, ở nơi đất chật người đông này, có rất nhiều hoàn cảnh tương tự. Bà Trần Thị Hồng sống vất vưởng ngoài chợ xin được về ở chung với bà Huỳnh Thị Lý (80 tuổi). Hai phận già sống thui thủi trong căn nhà tình thương do một tổ chức từ thiện xây cách đây 5 năm. Nhìn thân thể hai cụ gầy gò, khó khăn chăm sóc lẫn nhau mà không ai không rưng rưng nước mắt. Và còn rất nhiều mảnh đời đáng thương ở đất Cồn Thị…

Cồn Thị mùa lũ về.

Mang nỗi buồn Cồn Thị, ông Chủ tịch UBND phường Phước Hòa Nguyễn Đức Chính trăn trở: “Nhà nước có đầu tư nhưng xem ra vẫn còn nhỏ giọt so với một vùng trũng thấp vốn đầy rẫy những khó khăn. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền thành phố Tam Kỳ để tạo điều kiện sớm quy hoạch, chỉnh trang đô thị, sắp xếp ổn định dân cư. Cạnh đó, cũng cần hướng nghiệp cho thanh niên, có cơ chế ưu đãi vốn để người dân Cồn Thị từng bước thoát nghèo”.

Rời Cồn Thị bằng chiếc thuyền nan của một người dân sống ven sông chỉ cách sự “văn minh” chưa đầy một trăm mét lòng sông. Buổi sáng Cồn Thị buồn khi đâu đó cất lên một tiếng hát ủ ê văng vẳng, xóm Cồn mùa này nước sông đang dâng..../.

(*) mượn ca từ trong ca khúc của Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên