Chuyện lạ ở xã Tân An (Văn Bàn, Lào Cai):

Lắt léo trước cửa đền?

Tự lập hồ sơ sai trái, mượn hình ảnh đền cũ để tả đền mới, tự ý xây đền mới trái pháp luật, nhưng vẫn được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá, rồi cán bộ xã thu tiền công đức bỏ ngoài sổ sách…

3 đời phục dựng, gìn giữ di tích…

Tương truyền, đền thờ Cô Tân An thờ một bà hoàng có tên là Hoàng Bà Xa, mà người dân hay gọi là bà Cô Tân An, là người có công trong việc cải tạo, phát triển mảnh đất Văn Bàn.

Đền được đặt trên một khu đất cao, cách bờ sông Hồng khoảng 1km. Năm 1971, trận lũ lớn ập đến, ngôi đền đã bị cuốn trôi, nhân dân đã vớt được một số hiện vật của đền như tượng pháp, giáo mác… trong đó có các bát hương chính.

Cụ Nguyễn Thị Mùi, hay còn gọi là cụ Cõn (là thủ nhang đầu tiên kể từ khi đền bị nước cuốn trôi), đã vận động bà con, khách thập phương quyên góp kinh phí, hiện vật vớt được lập nên đền Cô Tân An (tạm gọi là đền cũ). Cũng từ đó đến nay, mọi hoạt động thờ tự, hành lễ của nhân dân địa phương và du khách đã diễn ra tại đền Cô Tân An cũ này.

Sau khi cụ Cõn qua đời, thủ nhang được giao cho bà Dóc là con gái cụ Cõn. Nay bà Dóc đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nên được giao cho anh Đô là con trai của bà làm thủ nhang. Bà Dóc cho biết, mỗi lần sang tên thủ nhang đều được chính quyền xã xác nhận, có giấy tờ hẳn hoi, đồng thời gia đình bà vẫn nộp thuế đầy đủ cho ngân sách xã.

Bà Dóc ngậm ngùi bảo: “Họ không công nhận Di tích lịch sử cho ngôi đền Cô Tân An mà gia đình tôi đã cất công xây dựng, gìn giữ suốt mấy chục năm nay thì thôi. Nhưng việc làm của chính quyền xã là không được. Tôi già rồi, chỉ nghĩ là theo Phật để Phật phù hộ cho bà con, nhân dân khoẻ mạnh, ăn nên làm ra, chứ đâu nghĩ để được công nhận Di tích lịch sử rồi lấy tiền của Nhà nước!”.

Nỗi oan đền cũ

Quyết định số 1994/QĐ-UBND ngày 6/7/2009 của UBND tỉnh Lào Cai về việc xử lý đơn tố cáo của nhân dân thôn Tân Sơn nêu rõ: Năm 2004, Bảo tàng tổng hợp tỉnh Lào Cai đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ di tích theo đề nghị của UBND huyện Văn Bàn trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Bản vẽ kỹ thuật, lý lịch di tích, khảo tả thống kê di vật, cổ vật được Bảo tàng tổng hợp Lào Cai khảo sát, lập hồ sơ tại nơi thờ tự đền Cô Tân An cũ. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ra quyết định số 3209/QĐ-UBND ngày 6/11/2006 công nhận Di tích lịch sử đền Cô Tân An. Như vậy việc công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định 3209 của tỉnh Lào Cai là đối với đền Cô Tân An cũ - tại thôn Tân An I (gia đình nhà bà Dóc).

Về việc lập hồ sơ xin công nhận Di tích lịch sử văn hóa và việc thu và sử dụng kinh phí sai trái từ đền Cô Tân An của UBND xã Tân An, Báo cáo số 36/BC-TTr ngày 11/6/2009 của Thanh tra tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Tại nơi thờ tự mới hoàn toàn không có cơ sở khoa học, yếu tố pháp lý để UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Việc thu tiền để ngoài sổ sách là trái Luật Ngân sách, cần phải được xem xét và xử lý nghiêm minh về trách nhiệm tập thể và cá nhân làm sai, đồng thời thu hồi số tiền về ngân sách Nhà nước.

Thế nhưng, lạ kỳ thay, tháng 11/2006, UBND xã Tân An lại tiến hành xây dựng đền mới, tại thôn Tân An II, cách đền cũ khoảng 1km, nằm trên Quốc lộ 279 một cách vội vã và sơ sài. Sau đó, tại đây, chứ không phải tại đền Cô Tân An cũ ở thôn Tân An I, UBND xã Tân An đã đàng hoàng gắn tấm bằng Di tích lịch sử văn hóa do UBND tỉnh Lào Cai cấp. Đền mới là một ngôi nhà cấp 4 rộng khoảng 100m2, được lợp bằng prôximăng.

Ông Nguyễn Tiến Lịch, người thôn Tân Sơn tỏ ra rất bức xúc bởi ông cho rằng, đa số các tượng pháp và một số bát nhang là được mua ngoài chợ hoặc chuyển từ đền Bảo Hà hoặc một số đền khác đến. Mặc dù vậy, UBND xã Tân An vẫn hồn nhiên ghi dòng chữ trước cửa đền là “Đền cổ Tân An có từ thế kỷ XX”. Như vậy, UBND xã Tân An đã ngang nhiên “treo đầu dê bán thịt chó”, tấm bằng Di tích lịch sử văn hóa đã vô tình bị lãnh đạo xã Tân An treo nhầm chỗ tại đền mới.

Kể từ khi khánh thành, ngôi đền mới luôn trong tình trạng “như chùa bà Đanh”, bởi khách thập phương cũng khá tinh khi nhận ra ngôi “đền cổ” mới toanh này nên mới quay về đền Cô Tân An cũ. Trước tình cảnh đó, UBND xã Tân An đã buộc gia đình bà Dóc phải dỡ bỏ cờ, giải tán đền. Không những thế, tháng 7/2007, họ còn chôn 2 tấm biển trước cổng đền Cô Tân An cũ với dòng chữ: “Đây không phải là đền Cô Tân An”, nhằm hy vọng khách thập phương “ngộ” theo ý họ mà đến với đền mới. Và tấm biển này đã tồn tại suốt 2 năm qua. Chưa hết, tháng 4/2009, Ban quản lý đền mới do ông Lương Ngọc Thuyên làm Trưởng ban đã ngang nhiên đúc tượng bà Cõn đem về đặt tại đền, bên dưới ghi dòng chữ: “Cụ Nguyễn Thị Cõn cựu thủ nhang”, nhưng không hề xin ý kiến của gia đình. Sau khi phát hiện, gia đình bà Cõn đã tố cáo thì họ sửa sai bằng cách xoá tên cụ, chỉ để lại dòng chữ “cựu thủ nhang”.

Tiền vào đền mới, chui vào túi ai?

Tại sao UBND xã lại quá “sốt sắng” trong việc mong khách thập phương đến cúng tế tại nơi đền mới? Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Lào Cai: Ngay sau khi xây dựng xong đền Cô Tân An mới, UBND xã Tân An đã tổ chức thu tiền từ Ban Quản lý đền nộp về. Giai đoạn đầu, từ 4/2 - 10/6/2007, Trưởng Ban Quản lý đền lại chính là ông Triệu Văn Tham, Chủ tịch UBND xã Tân An, nộp về số tiền 62.000.000 đồng. Giai đoạn 2, từ 11/6/2007 đến hết năm 2008, Trưởng Ban là ông Lương Văn Thuyên, nộp về 254.660.000 đồng. Điều đáng nói là toàn bộ khoản thu này trong năm 2007 UBND xã Tân An đã để ngoài sổ sách kế toán, lập quỹ chi tiêu ngoài sự quản lý theo qui định của Nhà nước, vi phạm nghiêm trọng Luật Ngân sách Nhà nước.

Cũng theo Báo cáo số 36/QĐ-UBND, ngày 11/6/2009 của Thanh tra tỉnh Lào Cai: “Việc tổ chức thờ tự Bà Cô Tân An là việc làm có tính chất tín ngưỡng của nhân dân địa phương đã có từ lâu đời. Nhưng việc các cấp, các cơ quan chức năng Nhà nước lập thủ tục tham mưu cho UBND tỉnh ký Quyết định công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; việc tổ chức xây dựng đền tại vị trí hiện nay là không có cơ sở khoa học, không đúng qui định của Nhà nước và có những yếu tố trái pháp luật. Tại nơi thờ tự không có yếu tố khoa học, pháp lý để UBND tỉnh Lào Cai ra quyết định công nhận Di tích lịch sử văn hóa. Do đó, cần phải xem xét và xử lý khách quan đối với những đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trong vấn đề này vừa có tính nhạy cảm về tín ngưỡng, vừa phát sinh đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân”.

Ông Đoàn Thanh Tâm (Bí thư Đảng uỷ xã Tân An) và ông Triệu Văn Tham (Chủ tịch UBND xã Tân An) cho biết: Việc xây dựng đền là có chủ trương của UBND huyện, do ông Trạch (Phó Chủ tịch UBND) và ông Bảo (Trưởng phòng VHTT&DL) chỉ đạo thực hiện bằng… miệng, không hề có văn bản.

Những sai phạm đã quá rõ, nhưng không hiểu sao, ngôi đền “cổ” mới xây này vẫn chưa được xoá bỏ. Đáng buồn thay, những cá nhân, tổ chức vi phạm đã bị Thanh tra tỉnh Lào Cai kiến nghị xử lý, nhưng không những không bị xử lý, mà họ lại tiếp tục lập hồ sơ mới (với hơn chục trang giấy, với những tình tiết, miêu tả sơ sài) để tiếp tục trình lên cấp trên xem xét, nhằm hợp thức hoá tấm bằng Di tích lịch sử văn hóa đã nhận để không bị thu hồi. Dư luận đang rất bức xúc trước cách làm “vừa hợp ý xã, vừa hợp lòng quan tham” trước món lời từ tấm bằng Di tích lịch sử đem lại bước đầu cho thấy là rất lớn… Đề nghị cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ sự việc trên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên