Lấy chồng nghề biển

Những người phụ nữ vẫn truyền niềm hy vọng cho các thế hệ tiếp theo bằng lời ru, rằng con hãy ngủ cho ngoan, trời yên bể lặng cha con sẽ về…  

Từ bao đời, những xóm chài nhỏ nhoi ấy, trên bến dưới thuyền rộn rã điệp khúc niềm vui cá về. Cũng là ngần ấy tháng năm, những người đàn bà “lấy chồng nghề biển” đứng trên bến cá, mắt dõi khơi xa tìm bóng những con thuyền mang theo người đàn ông mà họ yêu thương.

Mùa bão nổi, ngày lốc gió, giữa đêm đen, những ngọn đèn vẫn cháy trong tay những con người mỏng manh ấy với nỗi lo âu đón đợi chồng về. Bỏ quên câu ca đắng đót “Lấy chồng nghề ruộng em theo/ Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”…

Oằn mình trên những ô ruộng muối

Cuộc đời ngư nữ

Mùa mưa bão, hai làng chài nhỏ Nam Thịnh, Bắc Thịnh của xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trở thành một ốc đảo vì con đường độc đạo dẫn vào nơi này vừa gồ ghề, vừa lầy lội bùn đất. Theo con đường giữa một bên là vách núi cao lởm chởm, một bên là biển gầm thét với những cột sóng trào trắng xóa, vất vả lắm chúng tôi mới vào được làng chài.

Trong căn nhà nhỏ, bà Nguyễn Thị Ngại đang dở tay đan nốt tấm lưới, thỉnh thoảng, như một thói quen, bà lại đưa mắt ra phía gió mưa giấu tiếng thở dài. Câu chuyện của bà Ngại cũng là câu chuyện của bao người đàn bà ven biển Nghi Thiết này.

Năm 1964, đứa trẻ nhỏ dại mới có 10 tuổi là bà đã chứng kiến trận bão lớn cuốn đi cha mình. Hồi đó, mẹ bà đang mang thai người con thứ 4. Thấy trời bão gió, người đàn bà bụng mang dạ chửa xách theo lũ con nhỏ chạy ra biển ngóng tin chồng. Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày… Mẹ bà cùng 5 người đàn bà khác trong làng chạy hết bến này đến bến khác, đứng mòn chân trên đồi Hòn Trọc (còn gọi là Hòn Cỏ) dõi về khơi xa.

Bà Nguyễn Thị Ngại

Bà Ngại nhớ lại: “Phải 7, 8 ngày như thế, mẹ tôi cứ đi vất vưởng, vô hồn, không ăn không uống. Tôi và các anh cũng chỉ biết khóc cùng bà”. Con thuyền ấy đã mang theo 6 người đàn ông vĩnh viễn hút vào lòng biển cả.

Những người đàn bà trong làng đã chờ đợi không chỉ 7, 8 ngày. Họ chờ đợi qua tháng, qua năm… và nuốt nước mắt vào lòng để gượng dậy nuôi con, cùng nhau góp một ngày giỗ chung vào mùa bão nổi.

Bà Ngại đã lớn lên như thế. Hằng đêm, nghe mẹ ru em, hằng đêm, chứng kiến bên ngọn đèn dầu leo lét, dòng nước mắt âm thầm lăn trên má mẹ, để rồi ban ngày lại thấy bà lăn lộn với ruộng đồng, với những mớ tôm, mớ cá chợ sớm, chợ chiều. Rồi cũng như bao đứa trẻ khác, hết lớp 7, bà Ngại nghỉ học. 18 tuổi, bà lấy chồng - một chàng trai cùng làng nghề biển.

Bà nói: “Biết làm sao, là duyên phận rồi. Với lại ở đây, chúng tôi là thế, quanh quẩn trong làng xóm, có đi đến đâu, có biết được ai khác?”. 3 người con lần lượt ra đời. Năm bà 27 tuổi, khi đứa con út còn ẵm ngửa trên tay, chồng bà cũng lại xa bà. Khi con thuyền nhỏ rẽ sóng đưa được ông về, thì ông đã mất, một bàn tay đang rã nát. Cũng giống như mẹ bà, bà trở thành góa phụ. Cũng giống như bà, đứa con bà thành trẻ mồ côi cha.

Biển cả bao la, dữ dằn với bao bất trắc, tai ương đã lần nữa cướp đi một trụ cột, một bờ vai tin cậy nhất của đời bà. Hằng đêm, bà lại khơi ngọn đèn, ngồi hát ru con với những giọt nước mắt âm thầm. Hằng ngày, bà vẫn chạy chợ tảo tần, thay chồng lo manh áo, miếng cơm cho con. Những người con trai của bà, lớn lên cũng lại theo biển mưu sinh. Con gái cũng lại lấy chồng nghề biển. Cuộc sống vẫn cứ phải tiếp nối. Bà ở vậy từ năm 27 tuổi, cũng như bao nhiêu người đàn bà khác mà bà kể tên: bà Liên, bà Nhiên, bà Huy, bà Tuyết, bà Lương… của làng chài nhỏ bé này.

Cuồng phong làng biển Thành Công

Giống như Nam Thịnh, Bắc Thịnh, hàng trăm hộ dân ở làng biển Thành Công (Quỳnh Long - Quỳnh Lưu) bao đời sống chết cùng nghề biển.

Theo lời kể của những người đàn bà ở làng biển này, trận cuồng phong ngày 9/11/1997 vẫn ám ảnh họ. Ngày hôm đó, cả làng đã hoảng loạn đổ xô ra biển khi nhìn thấy những cuộn xoáy đen ngòm hút lên từ biển, hàng chục chiếc thuyền đang đánh bắt cá mất tăm. Cả đêm ấy, hàng trăm con người ngồi tựa lưng với nhau trên bờ biển ngóng chờ. Họ cầu nguyện, gọi tên chồng, tên cha, tên con…

Và đáp lại, chỉ có tiếng gió, tiếng sóng. Mấy ngày sau, hàng chục xác người dạt về bờ. Tới lúc đó người ta mới nguội dần hy vọng. Thay vào đó, cả làng rợp màu tang trắng. 7 người đàn ông của làng biển Thành Công ra đi, trong đó có 5 người không tìm thấy xác.

Trước đó, trận lốc năm 1983 cũng đã lấy đi hàng chục mạng người. Có nhiều gia đình mất đến 2 người đàn ông, như gia đình bà Lòn, bà Ngạn, chị Tám, chị Lê… Như bà Lòn, đã từng chứng kiến biển cả cướp đi cha mình, sau này lấy chồng nghề biển, không ngày nào mà bà không thấp thỏm lo âu. Thế rồi, chồng bà cũng nằm lại cùng biển khơi.

Đau xót hơn, con trai bà mới lấy vợ được 6 tháng cũng ra khơi rồi vĩnh viễn không về. Mới đây thôi, làng biển Thành Công lại chứng kiến cảnh chị Nguyễn Thị Đoài gào khóc ròng rã, chạy như người mất trí trên khắp các bờ bãi từ Quỳnh Lưu tới Hà Tĩnh để mong thấy xác chồng.

Họ - những người đàn bà với ánh mắt thẳm sâu sau tấm lưới đan, tảo tần trên bến cá, dãi dầu cùng những ô ruộng muối, lặng lẽ chờ chồng bên biển mênh mông… đang tiếp tục kể những câu chuyện cổ tích thời hiện đại để biển đảo của chúng ta càng thêm gắn bó, thiêng liêng. 

Hy vọng đong đầy

Sống nhờ biển khơi, nhưng biển khơi cũng là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân làng chài. Cùng với những niềm vui thuyền về với mỗi khoang đầy cá, ai biết rằng niềm vui đó phải đánh đổi bằng trăm ngàn lo toan, vất vả, sóng gió trong lòng những người đàn bà ở lại trên bờ. Họ đong những ngóng chờ vào từng mắt lưới. Lặng nghe trong mỗi con sóng bạc đầu những thông điệp tự khơi xa. Cứ như vậy, đời nối đời, những người con trai vỡ giọng cùng màu da rám nắng, cùng vồng ngực đầy căng vạm vỡ, những người con gái với bàn tay dẻo dai, ánh mắt dịu dàng, miên man cùng biển…

Họ quen nhau trên bến dưới thuyền, yêu nhau, nên vợ, nên chồng, rồi cùng chọn biển để mưu sinh. Niềm vui gắn cùng mồ hôi, nước mắt lo toan. Mỗi ngày, niềm ngóng chờ dày thêm, những ánh mắt thẳm sâu hơn. Biết bao người đàn bà ở những xóm chài ven biển đã ngồi như hóa đá trước biển khơi trong những ngày biển động. Họ đang làm nên những “hòn vọng phu sống”, rung động biết bao người.

Bên cạnh những gian khổ, hy sinh, cuộc sống của ngư dân ven biển cũng được biển bù đắp cùng sự quan tâm đầu tư ngày càng hiệu quả của Nhà nước, của các cấp chính quyền. Thông tin liên lạc trên biển đang ngày càng phát triển, đặc biệt là Đài TNVN đang nâng cao chất lượng phủ sóng Biển Đông. Nhiều làng biển đã không còn xác xơ những mái tranh nghèo. Ở làng Thành Công, những con tàu lớn thay dần những con thuyền nhỏ mỏng manh. Làng Nam Thịnh, Bắc Thịnh đã giàu hơn nhờ xuất khẩu lao động.

Nhưng đi xa để rồi lại trở về cùng biển. Bởi làm sao xa biển được khi biển đã là máu thịt. Bởi những người đàn bà làng biển vẫn tiếp tục lấy chồng nghề biển, vẫn sống và ngóng ra biển. Họ vẫn hy vọng và thắp nuôi hy vọng, truyền niềm hy vọng cho các thế hệ tiếp theo bằng lời ru, rằng con hãy ngủ cho ngoan, trời yên bể lặng cha con sẽ về.

Họ vẫn thành tâm trong lễ tạ ơn biển, tạ ơn Cá Ông, nhân lên những mùa hy vọng mới. Họ - những người đàn bà với ánh mắt thẳm sâu sau tấm lưới đan, tảo tần trên bến cá, dãi dầu cùng những ô ruộng muối, lặng lẽ chờ chồng bên biển mênh mông… đang tiếp tục kể những câu chuyện cổ tích thời hiện đại để biển đảo của chúng ta càng thêm gắn bó, thiêng liêng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên