Mó nước “hiểu” tiếng người

Ở xã miền núi Hồng Quang, tỉnh Cao Bằng có một mó nước dù nước cạn nhưng hễ người Nùng sống quanh đó đọc “thần chú”: tý Xằm, tý Sỏi, tý Mỏi... bằng tiếng Nùng, hoặc vỗ tay nhè nhẹ là nước từ trong khe cứ thế dâng lên.

Tý Xằm, tý Sỏi, tý Mỏi…

Dân làng gọi tên mó nước là Rằng Phặt. Nằm cách thị trấn miền rừng Quảng Uyên gần 20km, mó nước Rằng Phặt từ nhiều đời được nhuộm đẫm bởi huyền thoại.

Anh Nông Bình Phương, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân (UBND) xã Hồng Quang, khi được hỏi về mó nước Rằng Phặt, bức xúc: “Bao nhiêu người đến thăm thú, trong đó có cả các nhà nghiên cứu địa chất, nhà khoa học nhưng chưa thấy một ai quay lại giải thích cho chúng tôi biết “nguyên do” của hiện tượng này”.

Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Hải cho biết: “Xã Hồng Quang có 108 đảng viên, với 12 khu hành chính (xóm, bản), 100% bà con người Nùng, ai cũng biết chuyện mó nước không phải vấn đề tuyên truyền “ma tà” gì, nó là sự thật”. Mó nước nằm cách UBND xã khoảng 2km, ở bản Lũng Sạng.

Mó nước nằm dưới một thung lũng bạt ngàn hoa màu. Xung quanh là núi đá cao chất ngất, các vách đá đua ra đủ hình thù kỳ dị. Chưa một ai nhìn thấy mó bị cạn nước hoàn toàn. Cùng lắm, nó chỉ cạn đến mức lộ ra cái cửa hang để kẻ tò mò chui vào nhưng hễ cứ ai chui vào hang vài bước là nước dâng lên, ai không chạy ra nhanh sẽ mất xác trong đó. Hang đá thông lên mặt đất theo phương thẳng đứng với rất nhiều “địa đạo” bí ẩn, các hố tròn há miệng lên trời, cứ nghe “thần chú” là phun nước ra đổ nước vào muôn vàn cái cửa hang ngầm trong lòng núi, lòng gò đồi, lòng ruộng rẫy xung quanh.

Toàn bộ khu vực chi chít các dòng sông ngầm, các mạch nước ngầm. Bà con đọc câu thần chú “cha truyền con nối” để dụ nước ra cho trâu bò uống, cho các máy công suất lớn suốt ngày đêm bơm nước mó lên làm ngói ống, ngói vảy trong các lò nung, lấy nước tưới cho các ruộng ngô, đỗ xung quanh xã. 

Vỗ tay, đọc thần chú gọi nước về

Hiện tượng kỳ thú

Bí thư Trần Văn Hải dẫn tôi ra mó nước đọc: “Tý xằm, tý sỏi, tý Mỏi…” xong, từ dưới lòng một khe đá hình tròn có diện tích chỉ bằng cái mâm ăn cơm, nước bắt đầu đùn ra ào ạt. Nước phun từ mó ra, tràn ra các khoang chứa đầy bùn đất, lúp súp cỏ dại; nước rút ở khu này thì nước lại dâng lên ở khu khác; nước chảy vào hai cái hang sâu vô tận ở chân vách đá vôi.

Ông Trần Văn Hải bảo, nửa đêm, có những kẻ nghe lời đồn, đánh cả ô tô leo núi vào bản, dùng lễ vật gồm: gà, xôi, bánh kẹo, thắp nhang rồi đeo dây an toàn, cầm đèn pin, tụt xuống hang tìm… báu vật. Ở trên mặt ruộng của bà con, toàn các khối đá lớn, có một lỗ nhỏ thông với mó nước, bà con phải dùng các tảng đá lớn lấp lại kẻo sợ con người và súc vật sa xuống đó mất xác. Thế mà, cánh “trộm đêm” đã hò nhau dọn sạch các tảng đá rồi chui xuống lòng hang tối. Không ngờ, vừa xuống dưới, nước ào ạt dâng lên nên họ kéo nhau bỏ chạy.

Chúng tôi gặp ông Nông Văn Sẻn, gần 60 tuổi, vừa cầm roi, rong đàn trâu no phưỡn bụng về mó Rằng Phặt uống nước. Hỏi chuyện, ông bảo, cuối những năm 70 của thế kỷ trước, có cái lò làm ngói máng, ngói ống ở bên cạnh Rằng Phặt, cánh thợ ngày đêm bơm nước từ mó lên để hành nghề, có ông chủ lò ngói tên là Triệu Văn Phín, từng cả gan thám thính cái hang nước bí ẩn để tìm kho vàng, kho bạc nằm dưới mó.

Tay cầm một cái túi rết, một thẻ nhang, một đèn pin, một cái bật lửa, ông Phín lặng lẽ, thận trọng, rón rén đi vào hang. Xuống độ 30m, vừa sờ vào vách đá đã nghe tiếng ào ào, ầm ầm, nước cuộn xiết dâng lên. Nhờ có một số người ở trên kéo lên, cộng với tài bơi lội như: rái cá, ông Phín mới thoát chết. Cả làng ra xem thấy ông Phín ngồi bần thần bên cửa hang, mặt tái xanh tái xám, ai hỏi gì cũng chỉ ậm ừ. Ông dường như quên cả tiếng nói trong suốt mấy ngày./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên