Nam Định: Một chủ trương đang bị lũng đoạn

Những ngày qua, nhiều cơ quan báo chí vén lên bức màn bí mật của một đường dây “chạy” XKLĐ ở Sở LĐ, TB&XH tỉnh Nam Định.

LTS: Ông Khoa, “nhân tố” mới trong đường dây “chạy XKLĐ” ở Sở LĐ, TB&XH Nam Định chính xác là ai, có “vai vế” như thế nào, mà cũng như bà Vũ Thị Bích Ngọc, có được thông tin được xem là “tuyệt mật” để đi hù dọa, nhằm cưỡng đoạt tiền của người lao động? Trước những chứng cứ và thông tin ngày một dày đặc về sự tiêu cực liên quan trực tiếp tới cán bộ của mình, Sở LĐ,TB&XH lý giải như thế nào? 

Những dấu hiệu bất thường

EPS là chương trình phi lợi nhuận giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc, vì vậy Bộ LĐ, TB&XH giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ lao động cho các Sở LĐ,TB&XH địa phương. Nhiều địa phương lại giao nhiệm vụ này cho Trung tâm Giới thiệu việc làm (gọi tắt là Trung tâm) thuộc Sở, như trường hợp của Nam Định. Theo lời khẳng định của ông Đỗ Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm, thì quy trình Trung tâm làm trong những năm qua là “rất tốt”.

Ông Sơn nói: “Với chương trình EPS, chúng tôi được cơ quan quản lý Nhà nước giao nhiệm vụ, đã thực hiện đúng quy trình mà Bộ đã đặt ra. Xét về mặt cá nhân, chúng tôi không giao cho chị Ngọc (bà Ngọc được đề cập trong loạt bài – PV) tham giam chương trình này. Đa số người lao động đều được thông tin, tư vấn đầy đủ. Chúng tôi nghĩ rằng mình đã thực hiện rất tốt chương trình này”.

Nhiều nỗi đắng lòng khi trở thành nạn nhân lừa đảo XKLĐ

Không biết khái niệm “tốt” của ông giám đốc ở cấp độ nào, song chỉ nhìn vào vụ việc, một cán bộ như bà Ngọc (vốn được ông Sơn đánh giá là không nhanh nhẹn, không được tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng trong mảng XKLĐ) lại có thể “điều phối” từ việc “phân bổ” lao động cho các “lò” luyện thi, “chạy” nhanh các thủ tục hồ sơ, cho đến luôn có được những thông tin về kết quả kỳ thi để làm tiền người lao động.

Nghi vấn đó lại được củng cố khi có thêm nhân chứng tố cáo một cán bộ thanh tra của Sở cũng “nhúng chàm”. Còn nhớ, trong buổi làm việc với ông Đỗ Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm ngày 19/10, khi hỏi ông có biết về những biểu hiện tiêu cực của bà Vũ Thị Bích Ngọc, chúng tôi đã nhận được câu trả lời “thẳng thắn đến ngỡ ngàng” của ông: “Chúng tôi chỉ quản lý nhân viên trong thời gian 8 tiếng, theo giờ hành chính. Còn việc hình thành đường dây chạy XKLĐ hay không, quả thật tôi không được biết; mà có biết thì đơn vị sự nghiệp như chúng tôi không thể điều chỉnh được hành vi của họ ngoài giờ hành chính. Tôi nghĩ đây là chuyện gia đình của họ, mà đã là gia đình thì lừa đảo là không phải”. Xin miễn bình luận phát ngôn quá “ấn tượng” này của ông Sơn!

        Loạt bài liên quan

Câu hỏi mà chúng tôi trăn trở, lật đi lật lại trong loạt bài điều tra là: Liệu đứng sau bà Ngọc là ai; có hay không đường dây “chạy” XKLĐ? Qua quá trình thực hiện loạt bài, chúng tôi đặt những nghi vấn đối với lãnh đạo Trung tâm.

Trong lá đơn tường trình của Trần Phú Cường ngày 25/11/2011 có đoạn viết: “Ông Sơn, là Giám đốc Trung tâm đã gọi điện cho tôi, hẹn tôi 19h đến Trung tâm để thảo luận về đơn khiếu nại của tôi đối với bà Ngọc. Ông Sơn nói vụ việc khiếu nại của tôi với bà Ngọc là “thôi, sự việc đã xảy ra rồi thì em làm sao cho tình hình được nhẹ nhàng đi”; đồng thời cũng nói tôi viết đơn xin bãi nại, đại loại số tiền bà Ngọc chạy cho đi là vay của gia đình để làm ăn hoặc để làm việc khác để tình hình đỡ căng thẳng, không thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình lao động ở Nam Định”. 

Điều gì khiến một giám đốc phải đứng ra giàn xếp vụ việc, vốn trước đó 2 ngày ông đã khảng khái tuyên bố “quyết tâm làm rõ vụ việc, rõ người, rõ tội và sẽ trả lời sớm nhất cho Đài TNVN trong vòng 3 ngày”.

Tiếp tục quay trở lại với trường hợp ông Lê Công Khoa, Thanh tra viên Phòng thanh tra mà chúng tôi đề cập ở kỳ trước, nếu đúng như những gì mà nạn nhân tố cáo thì câu hỏi đặt ra là: Ai là người đứng sau cung cấp những thông tin của người lao động, vốn đươc ông Sơn khẳng định là “chỉ có 2 người là tôi và chị Vũ Thị Ánh Tuyết – Phó Giám đốc Trung tâm biết”?; và tại sao những thông tin đó lại lọt vào tay họ để họ khống chế, cưỡng đoạt tiền của người lao động?.

Nhân chứng ở xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc mà chúng tôi đã đề cập trong kỳ trước cung cấp những thông tin quan trọng: “Ông Khoa nói với ông X. ở Trung tâm thì ông X.  bảo ông Khoa cứ cầm giấy của nó. Mai con tôi bay thì chỉ trước một ngày, ông Khoa mới đưa giấy cho con tôi. Sở dĩ ông ấy đưa vì tôi phải nhờ người nhà làm to trên tỉnh can thiệp. Còn với thằng T. cháu tôi thì chính ông X. gọi yêu cầu đưa và nói: “Tao cho mày được đi thì đi, còn không tao cũng có thể ký giấy làm cho mày không thể đi được”. 

Điều bất ngờ về tổ thanh tra

Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở LĐ, TB&XH tỉnh Nam Định khẳng định với PV Đài TNVN: “Chị Ngọc tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan về việc làm có biểu hiện tiêu cực của mình. Quan điểm của chúng tôi là quyết bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Chúng tôi dứt khoát không dung túng, bao che cho những biểu hiện tiêu cực.

Tiếp nhận ý kiến của bạn nghe Đài, của nhóm PV Đài TNVN, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra, xác minh làm rõ vấn đề. Nếu ai đó có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực thì chúng tôi sẽ xử lý một cách cương quyết, bất kể người đó là ai. Nhân đây tôi cũng đề nghị quý Đài và toàn thể nhân dân Nam Định nếu phát hiện những hành vi tiêu cực xung quanh vấn đề XKLĐ thì kịp thời phản ánh, để chúng tôi khẩn trương chấn chỉnh”.

Ngày 8/11, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ, TB&XH) cũng đã có công văn yêu cầu sở LĐ, TB&XH tỉnh Nam Định làm rõ vụ việc, trả lời trước ngày ngày 20/11/2011. Chúng tôi đã nhiều lần gọi điện cho ông Nguyễn Văn Vinh, nhưng lần nào cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Chúng tôi vẫn đang tiến hành xác minh, khổ cái là bên kia cung cấp mỗi lúc một khác”.

Ngày 29/11/2011, chúng tôi lại hẹn lịch làm việc với lãnh đạo Sở LĐ, TB&XH tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, khi đến nơi thì được biết lãnh đạo Sở bận họp, có đại diện Sở tiếp đón là ông Lưu Văn Tuyển, Chánh Văn phòng Sở và ông Phạm Lê Hà, Chánh Thanh tra Sở. Ông Phạm Lê Hà cho biết: Ngày 26/10, Giám đốc Sở LĐ, TB&XH tỉnh Nam Định đã quyết định thành lập tổ kiểm tra đột xuất xác minh các vấn đề dư luận phản ánh.

Trong quyết định thành lập tổ thanh tra, ông Lê Công Khoa ở danh sách thứ 3

Như vậy, quá trình thanh tra đã kéo dài hơn 1 tháng, kết quả như thế nào? Câu hỏi của chúng tôi được ông Phạm Lê Hà trả lời như sau: “Về cơ bản chúng tôi cũng đang làm, nhưng kết quả thì chưa có, chưa có chứng cứ rõ ràng. Ví dụ việc báo chí phản ảnh chị Ngọc có thu tiền lao động nhưng chúng tôi chỉ thu thập được những giấy vay nợ nên chưa có cơ sở xác minh”.

Khi PV đưa cho ông Hà xem đơn tường trình của lao động Cường, cùng các giấy tờ biên nhận, thể hiện số tiền bà Ngọc cầm của lao động Cường là để lo cho lao động này đi Hàn Quốc thì ông Hà lúng túng cho rằng, thanh tra chưa có những bản chứng cứ thuyết phục này.

Như vậy, cho đến nay đã hơn 1 tháng trôi qua, lời hứa của lãnh đạo Sở cũng như công văn yêu cầu trả lời vụ việc của Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng chỉ được ông thanh tra gia hạn lấp lửng: “Khi nào chúng tôi hoàn thiện hồ sơ, có chỉ đạo của lãnh đạo thì chúng tôi sẽ cung cấp. Nói thực công việc cuối năm nhiều, vụ việc này đến bây giờ kết luận chính thức chưa có”.

Rất nhiều lần chúng tôi đã liên hệ với bà Vũ Thị Bích Ngọc, cán bộ Trung tâm GTVL tỉnh, cũng như lãnh đạo Trung tâm để đề nghị gặp gỡ, làm rõ thêm vấn đề nhưng đều bị từ chối với nhiều lý do... Lần cuối cùng liên hệ được bằng điện thoại, qua gọi bằng máy từ phòng Phó Giám đốc Trung tâm, ông Đỗ Thanh Sơn quả quyết: “Việc này chỉ có tôi mới được quyền phát ngôn, không ai được biết cả, Giám đốc Sở chỉ đạo cho tôi là như vậy”. Ông Sơn cũng hẹn đến thứ 5 hoặc thứ 6 (1-2/12) sẽ làm việc với phóng viên, tuy nhiên, nhiều ngày sau đó, chúng tôi có điện lại nhưng ông Sơn không nghe máy.

Quay trở lại với cuộc thanh tra của sở LĐ, TB&XH tỉnh Nam Định. Câu hỏi đặt ra là sự chậm trễ tới bất thường này nói lên điều gì? Khi “loay hoay” xác minh “nhân tố” mới trong đường dây chạy XKLĐ ở Nam Định là ông Lê Công Khoa (như lời của một nhân chứng đã tố cáo), lật dở lại bộ hồ sơ ngày càng dày, trong đó có Quyết định về việc xác minh nội dung phản ánh của Đài TNVN, chúng tôi mới nhận ra, nhân vật này có tên trong bản danh sách tổ thanh tra! Điều này phần nào giải đáp những nghi vấn về tính minh bạch của một số nạn nhân khi được tiếp xúc với thanh tra.

Những ngày qua, cùng với nhiều cơ quan báo chí vén lên bức màn bí mật của một đường dây “chạy” XKLĐ ở Sở LĐ, TB&XH tỉnh Nam Định, hơn một lần chúng tôi được nghe những lời trần tình đau xót như thế này: "Dân làng tôi đang khổ lắm. Vì nghèo, chúng tôi mới muốn đi XKLĐ để thoát nghèo bằng sức lao động chân chính của mình, nhưng đều bị lừa. Giờ chỉ biết ngửa mặt kêu trời, xem đó là vận hạn”; “Cũng vì nghèo, phải đi vay cả chục cây vàng, giờ vàng bị trượt giá, nếu may mắn sang được Hàn Quốc, cố làm 4-5 năm mới đủ tiền gửi về để trả nợ”.

Trước thông tin về việc các nạn nhân ở Nam Định e ngại bị hãm hại khi nói lên sự thật về các đường dây XKLĐ đã thu tiền của họ, lãnh đạo Trung tâm Lao động ngoài nước và Cục Quản lý lao động ngoài nước cam kết với phóng viên sẽ đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ người tố cáo sai phạm.

Như vậy, 7 năm thực hiện chương trình EPS, cái được của chương trình đã quá rõ với những cuộc đời được thay đổi, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Thế nhưng, một chủ trương đúng đắn đã và đang bị lũng loạn, không chỉ làm ảnh hưởng thị trường, mà đau xót hơn đó chính là niềm tin của người dân đang bị đánh cắp.

Thiết nghĩ rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sớm điều tra, làm rõ, không để một chính sách có lợi cho dân bị một số đối tượng lợi dụng, trục lợi, tạo gánh nặng cho xã hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến của vụ viêc tới bạn đọc và thính giả.

Chúng tôi cũng mong quý thính giả nghe Đài và độc giả VOV Online có thông tin liên quan tiếp tục thông tin tới Chương trình Các vấn đề xã hội, qua đường dây nóng 043.9386667./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên