Nắn cong đường vào đất quan

Do chỉ đo đạc trên bản đồ mà không phải trên thực địa, con đường đã bị nắn cong vào sát khu đất của nhiều quan chức, dẫn đến phải tốn thêm hơn 10 tỷ đồng nữa mới đảm bảo xây dựng tuyến đường theo đúng phê duyệt của UBND tỉnh Trà Vinh

Cách đây hơn 6 năm, UBND tỉnh Trà Vinh giao cho Sở Giao thông - Vận tải tỉnh lập quy hoạch xây dựng tuyến đường số 1, trên địa bàn thị xã Trà Vinh để nâng cấp thị xã lên thành phố. Trong quá trình thực hiện, những ngưòi được giao nhiệm vụ đã lợi dụng quyền hạn của mình để trục lợi, bằng cách “nắn cong” con đường này vào sát khu đất của nhiều quan chức và doanh nghiệp. Hậu quả là, phải tốn thêm hơn 10 tỷ đồng thì con đường này mới đảm bảo yêu cầu của Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Cố tình sai phạm từ khâu quy hoạch, lập dự án

Tuyến đường số 1 do Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt lập hồ sơ đầu tư xây dựng từ năm 2004. Ban quản lý các dự án giao thông được chỉ định thầu tư vấn, lập dự án, hợp đồng thiết kế. Theo đó, con đường này nằm song song và ở giữa hai con đường đã có là Quốc lộ 54 và đường Mậu Thân, có tổng chiều dài 2.200m, điểm đầu tiếp giáp hương lộ 11, cách Quốc lộ 915m, điểm cuối giáp đường số 3 cách Quốc lộ 54 khoảng 235m thuộc khu vực phường 6, chiều rộng toàn tuyến là 108m.

Trong quá trình khảo sát hiện trường ban đầu, Công ty Tư vấn xây dựng giao thông 533 - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, đơn vị được chỉ định tư vấn khảo sát lập hồ sơ đầu tư xây dựng đã khẳng định, không thể xây dựng đường theo kế hoạch đã duyệt. Bởi tim đường tại điểm đầu tuyến chỉ cách cầu Ô Xây trên hương lộ 11 là 80m, không đảm bảo an toàn giao thông.

Sau khi có kết luận của đơn vị tư vấn, cuối tháng 11/2004, Sở Giao thông - Vận tải Trà Vinh có tờ trình bổ sung quy hoạch ba tuyến đường gửi đến UBND tỉnh Trà Vinh. Trong đó, đề xuất vị trí tuyến đường số 1 có điểm đầu giáp hương lộ 11, tại điểm cách quốc lộ 54 khoảng 800 hoặc 900m (lệch so với tờ trình ban đầu từ 15 đến 115m), điểm cuối đường như ban đầu, nhưng chiều dài tuyến đường được nâng lên 2.900m, tăng thêm 700m so với phê duyệt ban đầu. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà văn bản này không được UBND tỉnh Trà Vinh trả lời.

Sau đó 2 năm, đến ngày 4/8/2006, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư công trình này với tổng mức đầu tư hơn 141 tỉ đồng.  Sau đó, theo tờ trình của Sở Giao thông - Vận tải, dự án được điều chỉnh quy mô xây dựng, đoạn từ km 2+378,78 đến km 3+010,47 từ hai làn xe lên thành 4 làn xe, chiều rộng phần xây dựng từ 19,5m tăng lên 26m. Tổng dự toán bổ sung phần mở rộng công trình hơn 14 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư cả công trình lên hơn 160 tỉ đồng.

Theo các ngành chuyên môn, trong lĩnh vực xây dựng, việc điều chỉnh này là không có chỉ định thầu và không ký hợp đồng thiết kế. Dù hồ sơ thiết kế này chưa đủ cơ sở pháp lý, sai với quy định tại điều 41 của Luật Xây dựng, nhưng chủ đầu tư là Sở Giao thông - Vận tải Trà Vinh vẫn tiến hành thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Nghiêm trọng hơn, trong quá trình thi công, Sở Giao thông - Vận tải Trà Vinh lại tự ý thay đổi về quy mô, lẫn vị trí tuyến so với chủ trương đầu tư ban đầu của UBND tỉnh phê duyệt. Cụ thể, điểm đầu cách mố cầu Ô Xây là 170m, (lệch 90m so ban đầu); điểm cuối cách quốc lộ 54 là 142m (lệch về hướng quốc lộ 54 là 93m); chiều rộng toàn tuyến chia làm hai đoạn khác nhau. Sự tuỳ tiện này đã nâng chiều dài tuyến đường lên 810m so với ban đầu (từ 2.200m lên hơn 3.000m).

Anh Nguyễn Hùng, ở phường 9, thị xã Trà Vinh, có 1.380 m2 đất nằm trong vùng quy hoạch dự án này, cho biết, điểm định vị ban đầu khá xa nhà anh, nhưng không rõ thực hư thế nào, sau đó lại đi vào khu đất nhà mình, khiến gia đình anh phải di dời nhà cửa. Anh Hùng bức xúc: “Mình yêu cầu cứ lên chỗ cũ làm, để nó vừa đẹp vừa đúng thôi. Dời xuống đây không chỉ thiệt hại mình tôi, nhà nước thiệt hại nhiều hơn như công thiết kế, rà mìn…Thi công lỡ cỡ vậy thiệt hại rất nhiều”.

Theo nguồn tin đáng tin cậy, trong quá trình thực hiện dự án đường số 1, Sở Giao thông - Vận tải là đơn vị chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan đã cố tình làm sai về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản. Trong đó, có việc tự ý thay đổi quy mô và vị trí xây dựng so với chủ trương ban đầu.

Lý giải vì sao có những sai phạm này, một số lãnh đạo Sở Xây dựng và Sở Giao thông - Vận tải Trà Vinh giải thích là do chỉ đo đạc trên bản đồ mà không phải trên thực địa, nên đã dẫn đến sai sót vừa nêu. Còn anh Võ Văn Hải, ngụ tại phường 7, thị xã Trà Vinh cho rằng: “Sai phạm ở đây đã rõ nhưng hướng giải quyết ra sao thì chưa thấy công bố. Làm như vậy là không đúng rồi vì bóp méo con đường không thẳng tuyến, lệch vị trí, gây bức xúc trong dân”.

Hiện nay, tuyến đường số 1 đang triển khai giai đoạn I. Các đơn vị thi công đã hoàn thành việc phóng tuyến, tổ chức san lấp mặt bằng, lắp đặt hệ thống thoát nước. Nhưng, làm thì cứ làm mà chưa biết sẽ ra sao? Bởi vì, nếu như tiếp tục xây dựng đường theo đề xuất mới của Sở Giao thông - Vận tải tỉnh, thì chắc chắn ngân sách Nhà nước sẽ mất thêm 10 tỷ đồng so với dự toán ban đầu để đập bỏ cầu Ô Xây, vì con đường đã bị nắn cong nên không đảm bảo an toàn giao thông như chủ trương đã được tỉnh Trà Vinh phê duyệt.                                                                              

Đường nắn cong, ai được lợi ?

Không chỉ sai phạm trong quá trình quy hoạch, lập dự án; mà khi tổ chức đấu thầu thi công đường số 1 ở thị xã Trà Vinh, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh này đã tự ý điều chỉnh giá dự thầu của nhà thầu, chấp nhận cho nhà thầu không đủ năng lực kỹ thuật, không đủ tư cách hợp lệ trúng thầu các gói thầu san lấp mặt bằng, hệ thống thoát nước và nền đường.

Cụ thể, hồ sơ dự thầu gói thầu số 3 của Công ty TNHH xây dựng Hồng Lực và Công ty TNHH Quang Minh đều không hợp lệ, vì cán bộ điều hành kỹ thuật, KCS, điều hành thí nghiệm đều không hợp lệ và không có hợp đồng lao động với đơn vị dự thầu. Trong thỏa thuận liên doanh của hai nhà thầu này, cũng không có chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định của Luật Đấu thầu, thì hai đơn vị liên doanh này không đảm bảo tư cách hợp lệ và sẽ bị loại. Tuy nhiên, tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu của Ban quản lý dự án vẫn chấp nhận cho họ trúng thầu.

Riêng trong gói thầu số 2, Tổ chuyên gia đã “làm xiếc”, nhằm giúp cho 2 đơn vị được trúng thầu là Liên doanh Công ty TNHH Xây dựng Vạn Thành và Doanh nghiệp tư nhân Ánh Dung. Cụ thể là, họ đã tự đơn phương điều chỉnh phần khối lượng cao hơn nhiều lần so với khối lượng trong hồ sơ mời thầu, nên giá trúng thầu của liên doanh này thấp hơn giá gói thầu 1,13%.

Theo điều tra của chúng tôi, sở dĩ xảy ra những sai phạm như đã nêu là do nhiều cán bộ Sở Giao thông - Vận tải và Ban quản lý Dự án đường số 1 tại Trà Vinh cố tình làm sai để trục lợi. Bởi, qua thống kê hơn 280.300m2 đất của 253 hộ gia đình và 3 tổ chức có đất nằm cạnh đường số 1, thì có hơn 40.700m2 đất thuộc quyền sở hữu của 20 vị cán bộ và chủ doanh nghiệp trong tỉnh. Riêng Sở Giao thông - Vận tải có 8 vị cán bộ sở hữu hơn 17.000mđất. Trong đó, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải có hơn 7.300m2; ông Trần Minh Hiếu, Phó giám đốc Ban quản lý dự án giao thông có 761mvà thân nhân ông này có gần 775m2 . Hai chủ doanh nghiệp trúng thầu là ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Vạn Thành, có gần 29.600m2; ông Trần Kế Lực, Giám đốc Công ty TNHH  xây dựng Hồng Lực có hơn 10.700m2.

Nhiều người dân sống trong vùng đất đã quy hoạch cũng cho biết, rất nhiều cán bộ khác cũng có đất tại đây nhưng không trực tiếp đứng tên. Trước thực tế này, ông Phan Quốc Nam, cựu chiến binh ở phường 9, thị xã Trà Vinh, nói: “Trong khi hai bên đường này đã có đường thẳng sẵn, một bên là đường đi Châu Thành, một bên đường vào địa chính, tại sao không mở rộng 2 đường này mà lại mở đường mới cho tốn tiền. Vì mở vào đất quan nên người dân không đồng ý, nhưng không dám nói”.

Do nắn đường thẳng thành đường cong để trục lợi về giá đất đai, nên con đường số 1 hiện nay không đảm bảo an toàn giao thông vì tim đường điểm đầu tuyến quá gần với cầu Ô Xây trên hương lộ 11, với khoảng cách 80m. Để chữa cháy, Sở Giao thông - Vận tải Trà Vinh đề xuất với UBND tỉnh này khắc phục hậu quả bằng cách hạ độ cao chiếc cầu này. Điều đó, cũng có nghĩa là phải tháo dỡ toàn bộ cầu Ô Xây hiện tại để xây dựng một cầu mới khác đúng tại vị trí này.

Theo tính toán của ngành chuyên môn, nếu phương án này được thực hiện sẽ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước thêm 10 tỷ đồng, trong đó 5 tỉ đồng cho việc xây cầu mới và 5 tỉ đồng để đập bỏ cầu Ô Xây đang sử dụng. Ông Nguyễn Văn Thanh, cựu chiến binh phường 8, thị xã Trà Vinh nêu ý kiến: “làm như vậy gây lãng phí rất lớn cho của cải nhà nước và của nhân dân. Không biết thanh tra có cương quyết không hay là gặp sự chỉ đạo của cấp trên để phủ lấp khuyết điểm của cấp dưới”?.

Được biết, vụ lình sình này đã được Thanh tra tỉnh Trà Vinh vào cuộc. Những sai phạm của nhiều cán bộ có liên quan cũng đã được phanh phui. Thế nhưng, không hiểu vì sao vụ việc vẫn chưa được đưa ra giải quyết công khai. Chẳng lẽ, họ cố tình nắn cong đường để trục lợi, gây thiệt hại cho nhà nước, mà lãnh đạo tỉnh Trà Vinh lại để vụ việc chìm xuồng(?!)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên