Nghe người Brâu kể chuyện

Làng Đắk Mế của người Brâu giờ khang trang như một khu phố nhỏ giữa rừng xanh. Cái đói, cái nghèo và những hủ tục lạc hậu đã bị đồng bào xua đi

Trên rẻo cao của cực Bắc Tây Nguyên xa xôi, tôi ngồi cùng với người Brâu bên bếp lửa bập bùng, vít cần rượu êm say tâm sự. Dân tộc Brâu chỉ có 499 người tập trung tại làng Đắk Mế và một số ít tại làng Iệc, Tà Ka thuộc xã Bờ Y (Kon Tum) - nằm sát với biên giới nước bạn Lào.

Bập bùng bếp lửa vùng biên

Nghệ nhân Thao Pâm năm nay đã hơn 130 tuổi, là một trong những người già hiếm hoi còn lại của người Brâu ở làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum chậm rãi kể: "Trước đây, người Brâu chúng tôi sống ở vùng cao, sản xuất theo phương thức phát-đốt-trọc-trỉa. Hàng năm, vào mỗi mùa lúa chín, khi đã thu hoạch xong, trong khuôn viên nhà rông, bên bếp lửa bập bùng, chúng tôi tổ chức ăn mừng lúa mới. Đấy là Tết cổ truyền của chúng tôi. Năm 1979, bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương đưa chúng tôi về đây sinh sống. Giờ mình già rồi nhưng vẫn thèm được leo lên cái chân thang nhà sàn, muốn ràng dây buộc ghè rượu vào cột nhà, muốn ngồi dưới mái nhà cao vút nghe gió thổi vi vu qua liếp vách, nhưng không được nữa rồi”. Nói rồi, ông cụ đưa đôi mắt nhừa nhựa buồn, dõi về xa lắc của ký ức.

Người già và trung niên ở làng Đắk Mế ai cũng xâu tai và đeo đủ các loại khuyên trang sức bằng lồ ô, bằng bạc, bằng đồng, bằng ngà voi… Cụ Nàng Blo cho biết: “Người Brâu xưa ai cũng thích căng tai, lỗ xâu tai càng to càng đẹp. Khi mới một, hai tuổi đã được người lớn xâu rồi. Càng lớn lên thì khuyên tai càng to, lỗ xâu tai được kéo rộng dần bằng cách xâu các ống lồ ô. Những nhà khá giả ngày trước thường thay lồ ô bằng ngà voi giũa nhỏ, mài nhẵn”.

Phụ nữ Brâu còn đeo nhiều vòng tay, vòng chân bằng bạc. Trong suốt mấy chục năm chiến tranh, để tránh bom đạn, người Brâu tìm vào những cánh rừng sâu để sinh sống. Nhiều năm trước đây, lối sống quần hôn và tảo hôn đã làm cho dân tộc này vừa chậm phát triển vừa ít dần về dân số. Trước đây, đàn ông, đàn bà của tộc người Brâu có tục xăm mình, xăm mặt và cưa răng. Bây giờ được tiếp xúc với nhiều phương tiện nghe nhìn hiện đại, lại có cửa khẩu Bờ Y nối 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia nên những phong tục này đã dần bị loại khỏi cuộc sống. Lớp trẻ bây giờ thích mặc những chiếc váy sặc sỡ hoa văn, áo thun thể thao, nói tiếng của người Kinh.

Người Brâu tổ chức lễ đâm trâu mừng nhà mới tại Làng văn hoá du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô-Hà Nội)

Chiều nhọ mặt người, nghệ nhân Thao La đưa chúng tôi về nhà cho xem vài bộ chiêng quí. Khác với dàn chiêng Aráp của người Jơ Rai, chiêng Brâu chỉ có 2 chiếc được gọi là Tha. 6 chiếc chiêng để chỏng trơ ở xó nhà bị đất đỏ phủ mờ vì ít được sử dụng. Thao La kể rằng: "Để có được bộ chiêng này, ngày xưa bố Thao La phải mất 20 con trâu, mà phải sang tận tỉnh Atôpư nước bạn Lào nhờ người thân mua hộ mới có được. Chỉ người Brâu chúng tôi mới có Tha, còn các dân tộc khác như Xơ Đăng, Jơ Rai, Bahnar không có".

Nhìn bề ngoài, Tha không khác gì chiêng, cũng màu đồng thau xám, nhưng chỉ cần chạm nhẹ vào là đã vang lên vì Tha có pha bạc hoặc vàng. Tha chỉ được đem ra sử dụng trong những ngày hội như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ đâm trâu… Mỗi khi có lễ hội, người Brâu buộc Tha từng bộ một trên một cây sào dài. Mỗi bộ hai người chơi, ngồi ngoảnh mặt vào nhau, rồi dùng chiếc dùi gỗ đầu bọc vải mịn để gõ. Ngày lễ, sào Tha được treo hàng chục bộ, kéo dài dọc nhà rông và có tới 20-30 nghệ nhân chơi. Để truyền nghề, các già làng hoặc nghệ nhân phải chọn những đứa trẻ có năng khiếu và dạy cho chúng từ khi còn rất bé. Thao La bảo: Những đứa trẻ được chọn phải kiên nhẫn tập luyện đến khi lấy vợ mới có thể chơi giỏi được.

Đêm xoan Tây Nguyên

Khi màn đêm đã buông, Thao La và các chàng trai trong làng gùi mấy ghè rượu về nhà rông. Những cô gái miệng ngậm tẩu cũng đi theo và quây quần bên bàn tiệc. Mặc dù là người lạ, nhưng chúng tôi đã trở thành khách quý của làng. Mấy cô gái mới lớn vừa nhìn chúng tôi vừa cười bẽn lẽn, xòe bàn tay che mặt nhưng vẫn không giấu được niềm hân hoan. Những khuôn mặt bừng đỏ, những chiếc cần rượu vít cong, trao lần lượt từ tay người này sang tay người khác. Hầu hết mọi người đã biết nói tiếng Kinh và mạnh dạn giao tiếp với người lạ.

Sau ba, bốn can rượu, ai cũng lâng lâng say. Các chàng trai, cô gái lúc này nối tay nhau bắt đầu những vòng xoan thật mềm mại đắm say. Và bài hát "Đêm xoan Tây Nguyên" của nhạc sỹ Nguyễn Cường lại được cất lên rộn rã cùng tiếng lục lạc rung theo từng nhịp chân tạo ra một âm thanh rất êm tai. Trong khi người lớn múa hát, trẻ em cũng ùa vào uống rượu với người lớn, hát theo người lớn. Trong nhà rông, tiếng cồng chiêng vẫn vang xa giữa núi rừng Tây Nguyên.

Về hôn nhân của người Brâu cũng có những bước chuẩn bị giống như người Kinh. Đầu tiên là nhà trai tìm một người mối đi hỏi. Khi đi phải mang theo gà, heo. Tiếp theo là lễ cưới được tổ chức ở nhà gái. Quà tặng của nhà trai cho nhà gái là chiêng, cồng, nồi bung, giỏ, gùi, vòng tai, thậm chí là cả lợn và trâu. Ngày có đám cưới là ngày hội của cả làng, họ uống rượu, ca hát thâu đêm chúc mừng đôi vợ chồng trẻ. Riêng cô dâu, chú rể phải ăn chung mâm. Trong bữa ăn, họ gắp đổi thức ăn cho nhau để thể hiện tình cảm và những vất vả bắt đầu được san sẻ, sau đó cùng đi chào dân làng. Cưới xong, người con trai phải ở nhà vợ 2 đến 5 năm. Sau thời kỳ này, nhà trai làm lễ pơ nga cúng tổ tiên nhà gái. Từ đó, người con gái mới chính thức đi làm dâu.

Việc tang ma của người Brâu cũng được tổ chức long trọng. Khi làng có người chết, mọi người trong làng kéo nhau đến uống rượu, nhảy múa, đánh chiêng cồng kéo dài 2-3 ngày, thậm chí 4-5 ngày để giã từ người chết. Sau đó người chết được mang đi chôn. Cách chôn của người Brâu khá đặc biệt. Quan tài được chôn nửa kín nửa hở. Phần nắp hầu như được để lộ hoàn toàn trên mặt đất. Xung quanh mồ đào bốn hố sâu để con ma khỏi về làng. Người ta cũng dựng nhà mồ và để rất nhiều ché, chiêng, gùi, rìu, nỏ… Trước đây, vật dụng được chia cho người chết cứ để nguyên, nhưng bây giờ tất cả đều bị đập vỡ hoặc làm sứt mẻ, một phần thể hiện là gia đình không còn nguyên vẹn, phần khác là khỏi bị mất trộm. Trước khi từ giã người chết, người ta lấy rượu hòa máu gà vẩy xung quanh nấm mộ, vứt những miếng gan gà quanh đó và hát những bài ca an ủi người chết, khẩn cầu họ đừng về làng kéo theo người khác đi...".

Lớp học khang trang của trẻ em Brâu ở làng Đắk Mế

Nàng Sa lấy chồng năm 14 tuổi, nay đã 22 tuổi nhưng thoạt trông dáng người nhỏ thó, khuôn mặt vẫn còn thơ dại, không ai nghĩ rằng Sa đã có hai con, đặc biệt điệu nhảy và giọng hát của cô vẫn làm đắm say lòng người. Tôi hỏi, sao lấy chồng sớm thế? Sa cho biết: "Cha mẹ em bảo rằng lũ con trai Brâu ít quá, không lấy sớm thì đến già cũng không lấy được chồng".

Còn Nàng Soi năm nay đã 19 tuổi, đẹp như trăng rằm. Năm ngoái đã có mấy chàng dòm ngó nhưng Nàng Soi chỉ ao ước được một anh bộ đội biên phòng nào đó đến bắt mình làm vợ. Soi bảo vì nhà nghèo, không có điều kiện về huyện, về tỉnh học. Với sự hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ đối với đồng bào dân tộc đặc biệt ít người ở khu vực Bắc Tây Nguyên, hiện nay tất cả trẻ em của dân tộc Brâu đều được đến trường học chữ.

Làng Đắk Mế giờ khang trang như một khu phố nhỏ giữa rừng xanh bạt ngàn hoa lá. Cái đói, cái nghèo và những hủ tục lạc hậu đã bị đồng bào đuổi đi. Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mở hội cho đồng bào các dân tộc được giao lưu văn hóa tại khu du lịch văn hóa Đồng Mô (Hà Nội), nhiều nghệ nhân, chàng trai và các cô gái Brâu được đi biểu diễn nhiều nên họ càng trở nên dày dạn hơn. Nhiều bạn trẻ không chỉ biết trình tấu cồng chiêng, biết hát sử thi, mà họ còn thường xuyên đến đồn biên phòng Bờ Y giao lưu, nhờ các anh bộ đội dạy tiếng Kinh, cách nấu ăn như người Kinh và hát những bài hát như các ca sĩ người Kinh hát trên... tivi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên