Nghị lực của lão ngư khiếm thị
Người lành lặn đi biển cũng đã bao khó khăn, vất vả, thế mà có chuyện người mù đi biển… Gần 70 tuổi, ngư dân Lê Hận có tới hơn 35 năm tung hoành trên một vùng ngư trường rộng lớn
Gần ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng lão ngư khiếm thị Lê Hận, ở làng biển Xuân Hòa thuộc xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vẫn nhanh nhẹn, tháo vát như những thanh niên tráng kiện. Thỉnh thoảng ông vẫn cùng cậu con trai lớn cưỡi sóng, đạp gió ra khơi đánh cá. Những ngày biển động hay ngày nghỉ ông lại ngồi đan vá lưới. Lão ngư ấy đã từng tung hoành, gắn bó với biển cả hơn nửa đời người.
Ước mơ giản dị mà phi thường!
"Chú hỏi lão ngư mù Lê Hận hả? Đó, nhà ông ấy ở trong ngõ nhỏ sát ngay gần nhà thờ Xuân Hòa đó!" Theo hướng chỉ của cháu bé, tôi tìm đến nhà ông Lê Hận. Ngồi trước hiên nhà là một người đàn ông mảnh khảnh đang đan lưới thoăn thoắt. Những động tác đan lưới chính xác đến lạ lùng. Chỉ nhìn vào đôi bàn tay ấy, khó có thể biết được người đang ngồi đan lưới lại là một người khiếm thị.
Ông Lê Hận cùng vợ đan lưới |
Đã gần 70 tuổi, ngư dân Lê Hận có tới hơn 35 năm tung hoành trên một vùng ngư trường rộng lớn từ Ninh Thuận đến Thanh Hóa. Chuyện người lành lặn đi biển cũng đã thấm bao khó khăn, vất vả để thấu cái nghiệp đời ngư phủ, thế mà có chuyện người mù đi biển. “Chuyện như tôi e hiếm chú hè, người mắt sáng đi biển còn bầm dập, huống hồ một người mù như tui? Tui vẫn tâm niệm, đời người phải có một nghề để kiếm sống mà nuôi bản thân và gia đình. Đã sống ở làng chài thì chỉ biết đi biển thôi, tôi cố gắng lắm mới có được một nghề cho mình như hôm nay đấy!”- ngư phủ Lê Hận bộc bạch.
Sinh ra trong niềm hạnh phúc và hy vọng mong chờ của bố mẹ. Do hiếm muộn con trai nên bố mẹ đặt tên cho ông là Lê Chậm. Năm ông tròn 10 tuổi thì bị trận dịch đỏ mắt, hậu quả là đôi mắt của ông cứ dần dần mờ đi rồi mù hẳn. Bỗng nhiên bị mù, hận đời, hận số phận nghiệt ngã với mình, ông nằng nặc xin cha cải tên thành Lê Hận. Sống trong cảnh tối tăm nhiều lúc Lê Hận cảm thấy bất mãn, muốn quyên sinh. Thời gian cứ trôi theo năm tháng, cuộc sống khó khăn, hoàn cảnh neo đơn nên ông phải cố gắng kiếm cho mình một nghề. Nhiều đêm thức trắng ông nghĩ, mình mù như thế này thì biết làm nghề chi cho phù hợp hay cứ bám biển kiếm con cá, con tôm xem sao?
Nghĩ là làm, ngày ngày ông lần mò ra mép biển để tập bơi, tập lặn làm quen với sóng nước cùng đám bạn trong làng chài Xuân Hòa. Nhiều người trong làng tò mò hỏi: “mi mù mà tập bơi, tập lặn làm chi? Về nhà tắm giếng cũng như tắm biển thôi”. “Tui tập bơi, tập lặn để đi biển” - Lê Hận quả quyết! Ai cũng trố mắt ngạc nhiên. Thế rồi, khi đã bơi lặn nhuần nhuyễn như con rái cá, ông xin theo tàu đánh cá trong làng để kiếm con cá, con tôm. Thế nhưng, đâu dễ ai chấp nhận một bàn thuyền là người mù. Lê Hận đi đến đâu chủ thuyền cũng cười từ chối: “Trên đất liền đó mà mi làm không được việc gì, giờ ra biển thì làm cái chi? Về nhà mà lấy vợ để vợ nó nuôi, đừng viển vông nữa...”. Không nản chí, cuối cùng Lê Hận cũng nhận được sự cảm thông từ một chủ thuyền vì thương chàng thanh niên mù tội nghiệp nhưng có ước mơ giản dị mà phi thường, ông đã được ra biển!
Nghiệp đời ngư phủ …
Ngày đầu tiên trên tàu, ông say sóng lử đử, nôn thốc nôn tháo, người mềm nhũn như không còn sức sống. Anh em bạn chài không dám cho ông đứng sát mạn thuyền vì sợ ông lăn xuống biển. Lê Hận đành phải làm tạp vụ quét dọn, nấu ăn trong khoang. Vài ngày sau khi quen với sóng, gió ông bắt đầu xin tung lưới. Không hiểu có phải vì ông trời thương phận thiệt thòi mà lần nào Lê Hận tung lưới cũng đều trúng cá. Khi gỡ cá ông xin lặn xuống biển, ở đó ông cảm nhận được hướng nước, định dạng cá mắc lưới chỗ nào. Chỉ sau vài chuyến đi biển ông đã thực thụ trở thành một ngư phủ tài ba. Khi được chia phần cá sau chuyến khơi xa đầu tiên, ông Hận mừng rơi nước mắt.
Có công ăn việc làm ổn định, ông Hận quyết định lấy vợ. Sau nhiều lần nhờ người làng giúp đỡ, mai mối cho ông với chị Nguyễn Thị Loan-một cán bộ Sở Thủy sản Quảng Bình làm ở xưởng chế biến thủy sản. Cảm động trước thân phận và khâm phục nghị lực của ông, chị đã đồng ý lấy ông. Nhớ lại chuyện tình xưa, ông cười mãn nguyện: “Chú biết không, nếu chậm vài ngày là bà nhà đâu là của tôi nữa. Khi tôi đến dạm hỏi cô ấy thì tối đó cũng có người đến đánh tiếng. Nhưng bà ấy đã quyết định lấy tôi”.
“Mất cả chục chuyến ra biển để tui đúc kết được một kinh nghiệm xác định cá nằm ở đâu trong lưới. Chỉ cầm mảnh lưới trên tay, cảm thấy lưới không chao đảo là tui biết cá nằm phần gáy lưới, đầu quay về phía phải. Còn lưới rung lên chao đảo thì chắc chắn cá nằm đáy lưới và đầu quay về phía trái. Chỉ cần quăng mình xuống nước là tui có thể biết luồng nước, biết độ sâu, biết ngư trường này thường có những loại cá nào. Chỉ đứng trên thuyền thôi, là tui có thể biết được hướng gió, để từ đó có cách chạy thuyền thả lưới hiệu quả nhất. Nghe mùi nước biển là tui có thể biết biển sắp động hay không. Âm thanh của biển cho tui linh cảm luồng cá đang ở nơi nào.” Tuy mù, nhưng ông Hận lại có đôi tai cực kỳ thính, ông có thể nghe được tiếng đàn cá “reo” dưới biển. “Cá, tôm ngoài lộng thường đi theo đàn lớn lắm, hàng triệu triệu con cùng bơi, tạo ra tiếng reo nước, rứa là tui nghe. Cá trích reo bổng, cá nục reo trầm, cá thu reo mạnh, cá ngừ reo như cười, vui lắm!”. Với kinh nghiệm và thính giác cực kỳ nhạy, ông được các chủ tàu trong làng Xuân Hòa săn đón, thuyền nào mời được lão ngư mù Lê Hận, thuyền đó chắc chắn thắng lớn.
Đôi mắt không sáng nhưng ý chí và niềm tin thắp sáng đã giúp cho lão ngư mù Lê Hận có cuộc sống khá giả, tạo dựng cuộc sống đàng hoàng và nuôi 5 đứa con nên người. Bây giờ đã gần 70 tuổi, lão ngư mù Lê Hận không còn ra khơi dài ngày nữa mà chỉ đánh bắt gần bờ và đan lưới. Trước khi gác lại tay chèo, tay lưới, ông đã kịp vay mượn, hùn vốn đóng ba chiếc tàu đánh bắt xa bờ trị giá mỗi chiếc hàng trăm triệu đồng để truyền nghề cho 3 cậu con trai quản lý, kế tục sự nghiệp của cha. Đội tàu đánh bắt xa bờ của gia đình lão ngư mù Lê Hận chuyến nào ra khơi trở về cũng đầy ăm ắp cá, tôm.