Ngôi nhà nhiều nước mắt và nụ cười

Một gia đình có 4 người con nhiễm chất độc da cam/dioxin nhưng tình thương yêu, nghị lực đã giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

>> Dành 24 giờ phát sóng cho “Ngày da cam”

Chúng tôi đã cảm nhận thấy nỗi đau nhưng không tuyệt vọng trong ngôi nhà nhỏ giữa khu vườn xanh mướt ấy. Ngôi nhà có người cha đã từng cống hiến những năm tháng đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân trên chiến trường miền Trung vì độc lập của dân tộc; có người mẹ nén chịu nỗi đau hơn 30 năm để làm chỗ dựa cho gia đình và có những người con, tuy mang trong mình nhiều bệnh tật nhưng luôn có nụ cười thật rạng rỡ.  Ngôi nhà nhỏ nhiều nước mắt và nụ cười ấy là của gia đình anh Phạm Văn Phúc, nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở xã Thanh Châu, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Nước mắt và nụ cười

Hơn 30 năm trước, may mắn trở về sau chiến tranh, anh Phạm Văn Phúc làm đám cưới với cô gái nết na Đinh Thị Mỳ. Anh chị hồi hộp mong chờ đứa con đầu lòng ra đời với cái tên được anh chị ấp ủ - Minh Đức. Nhưng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ không được trọn vẹn. Minh Đức được sinh ra chỉ nặng hơn 1kg với cái đầu thì nhỏ xíu bất thường. Anh chị đã ôm con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, nhưng  bệnh tình của cháu không giảm.

Trong chiến tranh, anh Phúc chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Lính pháo binh được trang bị mặt nạ, nhưng đi chiến đấu, nhiều khi chỉ cốt giữ lấy khẩu súng AK, con dao găm và bình tông nước, mặt nạ cũng không kịp đeo, nếu địch rải chất hóa học thì lấy khăn ướt, úp vào miệng. 

Anh không ngờ chính những chất độc hóa học trên những vùng đất mà mình đã đi qua lại để lại tác hại lâu dài đến thế. Bốn người con của anh chị đều có cái tên thật hay, như chứa đựng tất cả niềm hy vọng của cha mẹ: Phạm Minh Đức, Phạm Nam Bình, Phạm Lan Hương và Phạm Quốc Anh, nhưng lần lượt sinh ra đều ốm đau, bệnh tật, không như những đứa trẻ bình thường khác.

Ba người con trai đều bị thiểu năng trí tuệ, trong đó hai người chưa một lần cất tiếng gọi cha, gọi mẹ. May mắn, có Lan Hương là lành lặn, có thể đến trường đi học, nhưng sức khỏe cũng rất yếu.

Ngồi bên những đứa con, nước mắt chị Mỳ đã lặng lẽ rơi tự khi nào. Quốc Anh thương mẹ, không nói được thành lời, em chỉ cười, rồi nắm chặt 2 bàn tay, dụi dụi đầu an ủi mẹ. Thật lạ kỳ, dù phải chịu nỗi đau bệnh tật, nhưng gương mặt, ánh mắt của em vẫn ánh lên nụ cười rạng rỡ. Trong khoảnh khắc đó, chúng tôi hiểu điều gì đã mang lại sức mạnh cho người phụ nữ bé nhỏ ấy vượt lên nỗi đau suốt hơn 30 năm qua, và để rồi chúng tôi không có cảm giác u ám, đau buồn khi ở trong căn nhà có nhiều người đang phải chịu nỗi đau da cam này!

Vượt lên nỗi đau

Chấp nhận số phận, không một lời oán trách, anh chị đã làm đủ mọi việc để nuôi con, để gây dựng cuộc sống. Ở vùng đất chiêm trũng Hà Nam, mỗi năm một trận lụt đến ngang nhà nên việc trồng lúa, nuôi gà, nuôi lợn không đủ sống.  Cách đây 10 năm, anh Phúc học được nghề nuôi ong mật. Khu vườn 2 sào trở thành vườn sấu, thứ cây ưa nước, không mất mùa, mang lại thu nhập chính cho gia đình. Từ 5 triệu đồng vốn vay của Nhà nước, anh chị nhân dần đàn ong mật. Đến nay, từ bán mật và bán ong giống, mỗi năm anh chị thu được khoảng 5-6 triệu đồng. Ngôi nhà nhỏ ba gian  mà gia đình anh đang ở cũng là do tự tay anh  chị đóng từng viên gạch, rồi tự tay xây lên.

Cùng chúng tôi đi thăm những đõ ong trong vườn sấu của gia đình anh Phúc, ông Lê Xuân Dục, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc màu da cam thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho biết: “Động viên những gia đình nạn nhân chất độc da cam vươn lên làm chủ cuộc sống như gia đình anh Phúc cũng là một nội dung hoạt động của Hội”.

Không nỗi đau nào lớn hơn việc phải chứng kiến nỗi đau của các con mình. Nhiều năm nay anh Phúc mắc chứng khó ngủ, có khi cả ngày chỉ ngủ được 1 tiếng, sức khỏe cũng ngày càng yếu đi. Nỗi day dứt lớn nhất trong lòng người cha vẫn là cuộc sống của những đứa con sau này: “Cuộc chiến tranh không của riêng tôi mà là của cả dân tộc. Tôi chỉ lo sau này mình già yếu thì ai chăm sóc cho các con. Giá ba thằng mà được một thằng lành lặn, lấy vợ sinh con thì an ủi quá”

Chúng tôi cũng thầm mong đó không chỉ là ước mơ, nhưng để cuộc sống của những nạn nhân chất độc da cam bớt khó khăn hơn, thì mỗi chúng ta đều có thể cùng chung tay, tiếp sức.

Lan Hương, cô con gái duy nhất của anh chị Phúc, giờ là giáo viên dạy Toán của trường THCS Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, tranh thủ ngày nghỉ giúp bố mẹ chăm sóc đàn ong. Nắng ngập tràn vườn sấu khi chúng tôi chia tay gia đình anh Phúc với những người con có nụ cười rạng rỡ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên