Người Hà Nội khổ vì nhà tái định cư:

Người dân không được quyền chọn lựa

Người dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi phải sống trong những khu nhà tái định cư được xây dựng với sự tuỳ tiện của chủ đầu tư

Trong phần đầu của loạt phóng sự về nỗi khổ của người dân Hà Nội tại những toà nhà tái định cư, chúng tôi đã đề cập đến thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của một số khu chung cư trên địa bàn thành phố, nỗi khổ của người dân trước “sự đã rồi”. Tại sao, những công trình nhà ở mới được đưa vào sử dụng chưa lâu ấy, lại xuống cấp nhanh thế? Các chuyên gia xây dựng và những người có trách nhiệm của thành phố Hà Nội nói gì về vấn đề này?

Hệ thống nước thải khu nhà tái định cư Đồng Tàu bị vỡ khiến nước thải sinh hoạt và nhà vệ sinh tràn ra ngoài bốc mùi hôi thối (Ảnh: Dân trí)

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội xây dựng Việt Nam, căn nguyên của thực trạng nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội không đảm bảo chất lượng, xuống cấp nhanh chóng là do chúng ta thực hiện xây dựng theo cơ chế bao cấp. Rõ nét nhất là việc khảo sát, thiết kế không tốt; thi công không đúng với thiết kế đã định.

Thực tế đã chứng minh một điều, dù xây kiểu gì, chất lượng ra sao, nhà tái định cư cũng được nghiệm thu, bàn giao cho người dân sử dụng. Sự dễ dãi đó đã “bật đèn xanh” cho chủ đầu tư, đơn vị thi công làm theo cách riêng của mình. Đó là thi công không giám sát, nếu có giám sát cũng chẳng làm hết trách nhiệm. Vậy nên, bớt được ngày công, cắt xén, sử dụng vật liệu tùy tiện là điều khó tránh khỏi. Ông Liêm cho rằng, sẽ là sai lầm khi gửi trọn niềm tin vào chủ đầu tư, đơn vị thi công mà không có giám sát.

Đồng tình với nhận định của ông Phạm Sỹ Liêm, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội tư vấn xây dựng Việt Nam cho rằng, hầu hết các khu tái định cư không có chủ quản lý đích thực sau khi đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, rồi bàn giao cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà trông coi, vận hành. Như vậy, chủ đầu tư gần như không còn trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng công trình suốt quá trình sử dụng. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng thất thoát, chất lượng nhà tái định cư yếu kém là điều tất yếu.

Ông Châu khẳng định, câu chuyện về chất lượng nhà tái định cư sẽ chưa có hồi kết nếu không gắn được trách nhiệm của chủ đầu tư từ đầu đến cuối. Đó cũng chính là lý do vì sao chất lượng các khu nhà kinh doanh lại hơn hẳn các khu tái định cư.

“Những gì mà chúng ta dùng vốn công, thường chất lượng chưa tốt, trừ các công trình đặc biệt, công trình an ninh quốc phòng. Trách nhiệm giữa chủ đầu tư và người được sử dụng chưa rõ ràng. Nhà tái định cư bây giờ xếp vào loại gì, chưa rõ ràng, chưa ra loại gì cả. Và như vậy, người dân sống ở đó sẽ phải gánh hết những bất cập đó”, ông Châu nói.

Những cái hang bên trong tòa nhà N5 - Khu tái định cư Đồng Tàu (Ảnh: Dân trí)

Chia sẻ với sự búc xúc của người dân, sự không đồng tình của giới chuyên môn, trong lần giám sát chất lượng nhà tái định cư tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban pháp chế, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định: “Nhà tái định cư kém chất lượng là do đầu tư thấp”.

Theo ông Nam, ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư, còn có trách nhiệm của Sở Xây dựng thành phố. Sở đã giám sát, nghiệm thu quỹ nhà này như thế nào khi những căn hộ kém chất lượng vẫn được bàn giao cho người dân? Dẫn chứng là tại khu tái định cư Nam Trung Yên, chủ đầu tư đã tự ý thay đổi vật liệu xây dựng khiến độ bền công trình kém đi. Ngoài ra, theo ông Nam, một vấn đề bất cập nữa là Quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng còn có những bất cập với Hà Nội. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cũng chưa có cái gì để thay thế.

Giải trình vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, khi phê duyệt các dự án nhà tái định cư, thành phố đã quy định luôn suất đầu tư. “Với một suất đầu tư được định sẵn ở mức thấp thì sẽ sinh ra việc thiết kế với các vật liệu không tốt. Có những khu tái định cư 13 tầng nhưng không có tầng hầm vì suất đầu tư thấp. Nhà đầu tư cũng căn cứ vào suất đầu tư để mua vật liệu rẻ nên chất lượng nhà tái định cư mới bị kêu ca nhiều”.

Ông Tuấn cũng phân trần là Sở Xây dựng quản lý, kiểm tra quỹ nhà tái định cư, nhưng khâu thẩm định đầu tư lại do Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố đảm nhận. Vì vậy, theo ông Tuấn, nên giao Sở Xây dựng thành phố chịu trách nhiệm từ khâu chọn chủ đầu tư đến kiểm tra thực hiện, nghiệm thu... Có như vậy, chất lượng nhà tái định cư được kiểm soát trọn vẹn.

Rõ ràng, sự tùy tiện của chủ đầu tư, theo kiểu làm thế nào cũng có người nhận, đã vẽ lên một bức tranh nham nhở về hình ảnh nhà tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Khoan hãy bàn, ai là người được lợi từ bức tranh nham nhở ấy, nhưng có một điều chắc chắn rằng, thiệt thòi đã thuộc về những người dân sẵn sàng bàn giao mặt bằng nơi ở cũ để đến một nơi khác mà họ không được quyền chọn lựa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên