Người giữ rú không lương

Rú Chá có được sự hồi sinh như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến công lao khai phá, chăm sóc của ông Nguyễn Ngọc Đáp

Mấy chục năm ròng rã gắn đời mình với Rú Chá, bước chân của lão nông Nguyễn Ngọc Đáp (66 tuổi, thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, huyện Hương Trà, TT- Huế) đã in mòn vết đá, từng góc cây ngọn cỏ nơi miền đất còn lắm hoang vu.

Căn cứ cách mạng

Dừng chân nơi Rú Chá, trời đã ngả về chiều, những ngọn gió miên trường vẫn thổi, gợi về miền đất hoang vu một thuở còn lắm lau sậy. “Với người dân Hương Phong, Rú Chá không chỉ cho họ con tôm, con cá, ngăn sóng gió biển để bảo vệ, nuôi sống bao thế hệ người dân của làng mà còn được xem như một “ân nhân” đã giang rộng vòng tay chở che cho những cán bộ Cách mạng chủ chốt thời tiền khởi nghĩa, những người con ưu tú góp phần cho ngày giải phóng quê hương”- Đôi tay chai sần vê vê điếu thuốc, lão nông Nguyễn Ngọc Đáp chậm rãi kể về lịch sử của Rú Chá qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Thời chống Pháp, Hương Trà là một trong những vùng đất có nhiều cán bộ theo Cách mạng. Hằng đêm giặc Pháp lùng sục bắt bớ Cộng sản khắp nơi. Khi lúa bắt đầu vào vụ gặt, nhiều cán bộ lần theo chân ruộng, ra với Rú Chá. Bọn giặc biết được, tra hỏi dân làng nhưng chẳng một ai khai. Bí thế, chúng cho lính chặt phá rú tan hoang nhưng vẫn không lùng bắt được người của ta vì thời đó đây là vùng rừng ngập mặn rậm rạp. Dân mình biết cán bộ đã ra với Rú Chá, liền bí mật đêm ngày chèo thuyền, mang cơm, nhu yếu phẩm ra nuôi cán bộ.

Là người con của quê hương Hương Trà, sinh ra và lớn lên nơi vùng căn cứ kháng chiến, hàng đêm tiếng bước chân lùng sục của giặc, tiếng thét đau đớn của dân làng Thuận Hòa đã hằn sâu trong lớp ký ức non trẻ của cậu bé Nguyễn Ngọc Đáp. Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bao thế hệ cán bộ cách mạng được vòng tay che chở bao la của miền đất mẹ Rú Chá. Cậu bé Nguyễn Ngọc Đáp ngày nào đã trở thành chàng thanh niên đi theo Cách mạng, ra với vùng rú để nuôi cán bộ.

Ông Đáp nhớ lại: “Những năm 65- 66, các ông Trần Mười, Nguyễn Cứ là những vị cán bộ gắn với vùng đất này nhiều nhất. Giặc Mỹ cho lính chặt phá, dùng thủy lôi cày xới vùng rú để truy tìm. Dưới sự chở che của dân làng, dựa vào địa thế rộng lớn, hoang vu của Rú Chá, các cán bộ cách mạng đã phá vòng vây tiếp tục hoạt động cách mạng. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Cứ đã bí mật đào đường hầm gần sát mộ song thân của mình để làm nơi lẩn trốn, nuôi giấu đội ngũ cách mạng ở cơ sở. Hiện nay, hai ngôi mộ song thân đồng chí Cứ vẫn còn.”   

Phục sinh Rú Chá

Chiến tranh qua đi, Rú Chá như rừng cây xà nu tràn ứa nhựa, vết thương đã lành, dẫu cái hoang vu còn in lên nền trời một màu xám cháy xém của đạn bom và thiếu bàn tay chăm sóc của con người. Những ngày đi nuôi giấu cán bộ, lão nông Nguyễn Ngọc Đáp đã “cảm” được cái tình của ngọn rú nghĩa tình. Ông bảo: “Rú Chá che chở, không bỏ rơi dân làng trong những lúc nguy nan nhất. Giờ thời bình thì mình xin trở lại với nó, cũng là để mưu sinh nhưng cũng trả chút ơn nghĩa với đời.”

Nghĩ là làm, năm 1986 ông bàn với vợ ra khai hoang vùng Rú Chá. Buổi đầu, không chỉ vợ ông phản đối mà nhiều người dân làng Thuận Hòa con nghĩ ông “dở hơi” bởi có ruộng vườn, không chịu làm lại ra vùng rú lau lách biết làm gì, kiếm cái gì mà ăn. Ngày ra với rú, “tài sản” của hai vợ chồng chỉ có đúng một cặp gà, mấy cây tre dựng nhà và…một ít chén bát. Dựng cái lán chừng chục mét vuông bên đầm Ô Rô, ngày đêm đắp đập be bờ, nạo vét đầm nuôi tôm cá. Giữa

“Với tôi, được chăm sóc Rú Chá là niềm hạnh phúc, không phải nói cho triết lý, to tát một chút là "bảo vệ thiên nhiên", mà là vì rú đã có ân tình với tôi, gia đình tôi; nhờ nó mà 7 người con của tôi được học hành, nuôi nấng đến nơi đến chốn”- ông Đáp tâm sự.
vùng rừng ngập mặn bỏ hoang, chỉ có đôi vợ chồng trẻ, nhiều lúc cũng nhớ đất liền đến thắt ruột, nhưng vợ chồng ông vẫn bảo nhau phải kiên trì, rồi đất sẽ không phụ lòng người.

Suốt những năm tháng đó, dưới bàn tay cần mẫn của hai vợ chồng ông Đáp, màu xanh của rú đã trở lại lấn màu cháy xém của đạn bom. “Mình tìm đến rú cũng vì mưu sinh, những ngày đầu tiên ra đây, thấy rú hoang tàn quá, nhiều loại cây “đặc sản” của rừng ngập mặn phần chết vì đạn bom, phần vì người dân chặt phá lấy củi mà thấy xót xa. Thế rồi, ở lâu cũng thành quen, mình gắn bó như máu thịt với nó lúc nào không biết.” – ông Đáp tâm sự.

Khi đã có miếng ăn với con cá, con tôm nuôi được, ông bắt tay vào việc phục sinh cho vùng “rú chết”. Ngày đêm ông lặng lẽ đi dặm lại từng cây chá, vẹt bị gãy đổ. Thấy người dân vào rú đốn cây chá về làm củi, ông nhẹ nhàng khuyên răn, nếu vẫn không chấp hành thì ông trình báo với chính quyền địa phương. Thấy vùng đất lành, nhiều loại chim quý cũng kéo về sinh sống. Công việc của lão “gàn” Nguyễn Ngọc Đáp lại thêm phần tất bật bởi phải đi từng ngõ ngách của cánh rừng gỡ từng chiếc bẫy của những tên “chim tặc” mang đi hủy.

25 năm gắn bó với Rú Chá, ông đã thuộc lòng từng gốc cây ngọn cỏ, những món ăn, bài thuốc “đặc sản” của vùng đất này ông đều nắm cả. Với ông, Rú Chá giờ như một phần máu thịt. Hàng ngày, chỉ trừ khi ốm đau, không được “đi tuần” quanh rú một vòng là ông không yên tâm được. Trận lụt lớn năm 1999, ông phải rời rú để trở lại làng, chỉ sau một ngày, “nhớ” không chịu được, ông chèo ghe ra rú, dặm lại từng gốc cây gãy đỗ…

Ông Đáp nhiều năm giữ rú


Chiếc radio là người bạn tâm tình của ông trên Rú Chá  hoang vu

Giữ rú không lương

Thấy ông một mình lăn lộn, bảo vệ từng nhánh cây, con cá, nơi vùng rú hoang vu, năm 1992, cảm được tấm lòng của ông, làng cấp cho 3 tạ lúa mỗi năm. Ông gửi lại cho làng 1 tạ, còn 2 tạ chật vật lắm mới đủ dùng cho cả hai vợ chồng. Đến năm 1998, làng không cấp lúa nữa bởi vùng Rú Chá nay do chính quyền xã quản lý. Từ đó đến nay, ông Đáp quản rú không một đồng lương nào nhưng không vì thế mà ông có ý định rời bỏ vùng đất này.

Hiện nay, chính quyền xã ưu tiên cho ông đấu hơn 1ha đầm với giá rẻ để nuôi tôm, cua nên cuộc sống cũng bớt phần chật vật. Rú Chá hiện đang được chính quyền xã Hương Phong lập dự án "Xây dựng mô hình cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua bảo tồn, khai thác bền vững sử dụng và tổng hợp tài nguyên thiên nhiên". Hàng tuần, học sinh, giáo viên các trường trên thành phố, du khách trong và ngoài tỉnh lại lũ lượt kéo nhau về Rú Chá tham quan, đến đây đều được ông chiêu đãi những món “đặc sản” riêng có của vùng Rú Chá. Mỗi lần như thế, ông lại trở thành một “hướng dẫn viên du lịch” nhiệt thành bởi hơn ai hết, ông là người hiểu rõ đặc tính sinh học của từng động vật, thực vật có mặt nơi đây.

Ông Phan Văn Ứng- Chủ tịch UBND xã Hương Phong khẳng định: “Rú Chá có được sự hồi sinh như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến công lao khai phá, chăm sóc của ông Nguyễn Ngọc Đáp. Dù trước đây đã có nhiều người ra với Rú Chá một thời gian đều “không cầm cự nổi” phải quay về, thì ông Đáp mấy chục năm trường lặng lẽ làm việc, bảo vệ rú không một đồng lương… thực tế đó là một minh chứng cho tấm lòng thiện nguyện của ông.”

Rú Chá có diện tích khoảng 6ha, hiện nay chính quyền địa phương đang ươm cây, mở rộng thêm 10 ha nữa. Đây là rừng ngập mặn tập trung hiếm hoi còn sót lại trên khu vực phá Tam Giang có giá trị cao về mặt đa dạng sinh học. Thảm rừng còn rất tốt chủ yếu là cây chá, độ cao 2 - 4m, đường kính trên 50cm, tuổi bình quân từ 30-40 năm. Rú Chá còn là nơi trú ngụ của nhiều loài chim cùng nhiều loài tôm, cá quý hiếm.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên