Người làm ra máy tạo cầu vồng
Sau hơn 4 năm ấp ủ ý tưởng, 2 tháng dày công mày mò sáng chế, cuối cùng chiếc “Máy tạo cầu vồng” của chàng sinh viên Bách khoa Đà Nẵng Bùi Phước Lai đã hoàn thành và đoạt giải Nhất trong cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi toàn quốc 2009
Công trình được chọn đi tham dự Triển lãm sáng tạo trẻ quốc tế lần thứ 6 tổ chức tại Abuja (Nigieria) vào cuối tháng 11/2009.
Say mê khoa học
Phải mất đến 3 lần vòng vèo khắp các ngả đường của quận Thanh Khê (thành phố Đà Nẵng) tôi mới tìm được địa chỉ ghi: tổ 36, phường Hòa Khê, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Giữa trưa, ngôi nhà vắng vẻ nằm sâu trong con hẻm nhỏ chỉ có mỗi Bùi Phước Lai (hiện là sinh viên năm 1, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) ở nhà. Vừa gặp tôi, em đã tíu tít như… con nít lên 3, rất vui mừng.
Lai cho biết: “Em có ý tưởng này từ lâu lắm rồi. Năm lớp 12, mặc dù bận ôn thi tốt nghiệp nhưng hằng ngày em cũng đều tranh thủ để hoàn thành công trình này. Khi biết được kết quả cuộc thi là em đã đoạt giải Nhất, thật sự không có niềm vui nào vui hơn. Vui đến… phát khóc anh à !”.
Một điều thú vị: Lai mua những nguyên liệu, thiết bị làm nên con robot Máy tạo cầu vồng hoàn toàn bằng tiền nhuận bút viết báo. Lại thêm một tài nữa của anh chàng!
Lai còn cho biết: “Trước đây, em cũng đã có công trình chế tạo con robot sát khuẩn với tác dụng để phun thuốc trừ sâu, diệt khuẩn, thay thế con người tránh khỏi môi trường độc hại. Do có “sự cố” trong quá trình mang đi dự thi nên công trình này chỉ đoạt giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2008”.
Lai và chiếc máy
Vì sao- máy tạo cầu vồng?
“Hiện nay, ta rất ít khi để ý thấy hiện tượng cầu vồng trong tự nhiên. Muốn quan sát được cầu vồng cần phải có được thời tiết lý tưởng tức là vừa mưa xong thì có nắng ngay. Vậy sẽ rất khó khăn cho những người muốn thấy, muốn tìm hiểu về cầu vồng. “Máy tạo cầu vồng” sẽ giải quyết vấn đề này. Với mục đích tái hiện cầu vồng trong tự nhiên thông qua cách nhìn của khoa học giúp ta quan sát và nghiên cứu được cầu vồng dưới ánh nắng cũng như trong ánh sáng của đèn sợi đốt. Đồng thời, “Máy tạo cầu vồng” còn được dùng làm dụng cụ giảng dạy trong thực hành môn Vật lý để chứng minh ánh sáng mặt trời, đèn sợi đốt, là ánh sáng trắng. Qua đó, lý giải rõ ràng hiện tượng tán sắc ánh sáng trắng, giúp các bạn học sinh hiểu rõ và nắm vững được bài học…”. Bùi Phước Lai lý giải.
Công trình “Máy tạo cầu vồng” được thiết kế với 3 phần chính: Khối chứa nước, khối tạo khí nén áp lực và khối tạo mưa nhân tạo. Với 3 phần này, phần quan trọng nhất vẫn là bộ phận tạo khí nén gồm một máy bơm nén khí mini và hệ thống ống dẫn khí. Khi hoạt động, máy bơm sẽ nén khí vào khối chứa nước để đẩy nước lên vòi phun, tái hiện mưa thật trong tự nhiên dưới một mô hình thu nhỏ. “Với cơn mưa nhân tạo thu nhỏ này, khi đặt dưới ánh nắng mặt trời, chúng có thể dễ dàng quan sát cầu vồng”- Lai cho biết thêm.
Tiếp đến là là khối chứa nước thể tích từ ba đến bốn lít dùng để tạo nguồn cho khối phun mưa nhân tạo, được làm bằng ống nhựa PVC chịu áp lực cao. Máy tạo cầu vồng được thiết kế thêm một đèn có nhiệm vụ tạo ra nguồn sáng trắng mô phỏng ánh sáng mặt trời để dễ dàng thực hiện thí nghiệm vào ban đêm hoặc trong điều kiện không có ánh sáng mặt trời. Máy còn có một số bộ phận liên quan khác như bảng điều khiển, ắc quy, các đường ống, vòi tạo mưa…
Và phần cuối cùng là khối tạo mưa nhân tạo, khối này có nhiệm vụ phun mưa, tạo một cơn mưa thật trong tự nhiên dưới một mô hình thu nhỏ. Đây có thể coi là bộ phận chính quan trọng trong việc tạo cầu vồng nhân tạo.