Người trở về sau 17 năm được công nhận liệt sĩ

Anh Lê Đức Luận (thôn Hùng Trì, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) có giấy báo tử năm 1991, được công nhận liệt sĩ 2/2009. Trải qua 17 năm đằng đẵng, anh bỗng trở về với hình hài còn nguyên vẹn.

Câu chuyện của người “liệt sĩ”

Người đàn ông ngồi đối diện tôi là “liệt sĩ” Lê Đức Luận. So với bức ảnh thờ chụp cách đây gần 30 năm, anh không có nhiều thay đổi, vẫn vầng trán rộng, khuôn mặt xương xương, nhất là đôi mắt, dù hai khóe mắt đã nhăn lại kéo trụp xuống nhưng sâu thẳm trong ánh mắt ấy vẫn còn đọng lại những nỗi nhớ nhung.

Cố vượt qua sự lãng quên của thời gian, anh Luận bắt đầu kể hành trình của cuộc đời mình. Anh kể, năm 1974, anh Luận nhập ngũ vào Nam và tham gia chiến đấu Trung đoàn 715, Sư đoàn 317. Được một năm, miền Nam giải phóng. Năm 1978, anh trở về quê thăm vợ và người con trai mới 4 năm tuổi. Ở lại với gia đình được hơn tháng, anh lại tiếp tục lên đường. Chia tay vợ lần này, anh dặn dò: “Tôi sang chiến trường Campuchia chiến đấu, mình ở nhà nuôi con, đợi tôi trở về”. Sau lần đấy, gia đình mất hẳn tin anh.

Về phần anh, ở chiến trường Campuchia, năm 1981, trong một lần hành quân, anh bị phục kích ở tỉnh Preah Vihear giáp biên giới Campuchia và Thái Lan. Cả tiểu đội chỉ mỗi mình anh còn thoi thóp thở và anh được một người Campuchia tốt bụng đưa về chữa trị.

Một phần vì sức ép của bom đạn trong trận phục kích, phần vì không biết cuộc sống xa lạ ai là người tốt, ai là người xấu nên anh giấu đi quá khứ của mình. Anh được ân nhân của mình đặt tên là Chăn Tha và gả con gái cho.

Hồi phục chấn thương, anh lại tiếp tục tham gia chiến đấu nhưng ở trong quân đội Campuchia. Bởi vậy nên anh lỡ hẹn với việc rời khỏi nước này cuối năm 1988 cùng quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1988 đến năm 2000, cuộc chiến chống tàn quân Polpot ở đây vẫn tiếp diễn. “Tôi không nhớ rõ mình đã tham gia tất cả bao nhiêu quân đoàn. Cứ về với gia đình được một thời gian, tôi lại phải tham gia quân đội”, anh Lê Đức Luận nhíu mày cố nhớ lại. “Lúc đó, hai đứa con gái của tôi còn đang nhỏ, vợ thì đau ốm bệnh tật luôn, bởi vậy, dù rất muốn tìm đường về cố hương nhưng hoàn cảnh gia đình đã níu chân tôi lại”.

Người thân của anh Luận không cầm được nước mắt khi biết anh còn sống

Năm 2000, khi tiếng súng chống quân Polpot ở Campuchia đã xa dần, anh mới về với cuộc sống gia đình. Không nông nhàn như bao người khác, cuộc sống của người lính mang hai quốc tịch trôi qua trong khó khăn. Ở Preah Vihear một thời gian, gia đình anh phải chuyển đi hết nơi này đến nơi khác để kiếm kế sinh nhai. Cho đến năm 2006, anh đến sinh sống ở tỉnh Siêm Riệp.

Tại đây, cũng lần đầu tiên anh được nghe lại ngôn ngữ của quê hương thông qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Ý thức của quá khứ trỗi dậy trong anh. Anh nhớ gia đình mình ở Hưng Yên, nhớ đến người con trai nhỏ, nhớ vợ, nhớ người mẹ già… Nhưng nỗi nhớ cứ bị nhạt nhòa dần trong cuộc mưu sinh vất vả.

“Mấy năm gần đây tôi đau ốm suốt, đã có lần tôi suýt chết do bệnh tật cũng như do những vết thương chiến tranh hành hạ”, anh kể. Nhưng chính trong những lần đi khám đó, anh gặp được người đồng hương. “Ông ấy tên là Hùng, Hội trưởng Hội Việt kiều tại Campuchia”, anh Luận nhớ lại. Họ hàn huyên về quá khứ, về cuộc sống một thời bên đất mẹ thân yêu.

Sau lần gặp đó thì anh Lê Đức Luận được ông Hùng thông báo, đã liên lạc được với gia đình bên Việt Nam. Một tuần sau, anh lên Đại sứ quán Việt Nam để nghe điện. Bên kia đầu dây, giọng một người đàn ông nghe thân quen cứ hỏi ông mãi về quá khứ. Và anh nhận ra đấy chính là Lê Văn Nhận, người em trai kế mình.

Đầu tháng 8/2009, ông Hùng dẫn anh ra bến xe. Tại đây, anh gặp được người con mà hơn 20 năm nay bặt tin. Hạnh phúc đến với anh quá bất ngờ. Hai cha con nhận ra nhau, nước mắt lăn dài.

Ngày 17/8, sau hơn 30 năm anh mới đặt chân trên mảnh đất quê hương. Trước hiên nhà, một người phụ nữ mắt đỏ hoe, khi thấy bóng anh, chị lao tới ôm chầm lấy. Anh lờ mờ nhận ra đấy là người vợ thân yêu của mình.

Trùng phùng

Có lẽ trong cuộc hội ngộ này, người hạnh phúc nhất là chị Phạm Thị Nhàn, vợ của “người liệt sĩ trở về”. Trong cuộc trò chuyện với tôi, chị cứ nhắc mãi câu “Đến bây giờ tôi cứ ngỡ mình đang mơ”.

Chị kể, một năm sau ngày thành thân, anh tình nguyện nhập ngũ. Năm 1978, anh về thăm mẹ con chị và từ biệt để sang chiến trường bên Campuchia. Từ đó chị cũng bặt tin anh.

Cuộc sống gia đình khó khăn, một mình chị bươn chải nuôi đứa con trai không lớn. Nhưng xót xa nhất là chị luôn nghe những lời đồn thổi của những kẻ xấu bụng nói về chồng chị. Người thì bảo, anh Luận – chồng chị đã có gia đình ở trong Nam và hiện nay đang sống rất sung sướng, kẻ thì đưa tin anh trốn nghĩa vụ ở một nơi nào đó và vẫn thường xuyên biên thư về nhà.

Sau gần 30 năm, anh chị lại được trùng phùng

Năm 1988, khi hay tin quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia, chị mừng thầm mong ngóng tin anh. Ngày đón bộ đội về làng, chị khấp khởi mừng rồi lại thất vọng vì trong đoàn quân cùng đi với anh thời đó không có ai trở về mang tên Lê Đức Luận.

Đến năm 1990, chị vẫn không có một chút tin tức nào của anh. Năm 1991, chị làm đơn lên chính quyền mong được giúp đỡ tìm chồng thì cùng năm đó, chị nhận được thông báo chồng chị đã mất. Tháng 2/1992, anh Lê Đức Luận được công nhận là liệt sĩ.

Gạt dòng nước mắt, chị bắt đầu cuộc sống một thân một mình nuôi đứa con trai khôn lớn - kết quả hạnh phúc ngắn ngủi của hai anh chị. Nỗi nhớ nhung về người chồng cũng qua đi theo năm tháng. 17 năm vắng bóng chồng là 17 năm một mình chị gánh vác mọi công việc nặng nhọc trong gia đình. Với chị, đứa con trai là niềm hạnh phúc, là lẽ sống của cả cuộc đời.

Cuộc sống của hai mẹ con vẫn cứ thế lặng lẽ trôi qua nếu không có một buổi trưa đầu tháng 8. Có hai người khách lạ đường đột đến thăm gia đình chị mà không hẹn trước. Họ báo cho chị một thông tin mà hơn 17 năm nay chị đã cố chôn vùi: “Chồng chị, anh Lê Đức Luận vẫn còn sống và đang ở bên Campuchia”. Dù có chút xốn xang, bồn chồn khi hai người lạ bỗng nhắc đến tên chồng, nhưng cảm giác về anh trong chị đã lặng im. Chị đã chấp nhận sự thật về sự hi sinh của chồng mình trong 17 năm qua nên bỗng nhiên có người bảo chồng chị còn sống, chị tin sao được.

Sự nghi ngờ của chị được giải tỏa phần nào khi hai người đàn ông lại để lại cho chị số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và bảo: “Chị cứ gọi điện vào số này, sẽ gặp ông Trần Công Thịnh - Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang – Campuchia và ông ấy sẽ giúp chị liên lạc được với chồng”.

Rồi những cuộc điện thoại gọi sang Đại sứ quán Việt Nam ở Campuchia được bắt đầu. Sau một, hai lần hẹn, anh Lê Văn Nhận, em trai liệt sĩ Lê Đức Luận cũng được nối máy với người cần gặp. Bên kia đầu dây, giọng một người đàn ông lạ lẫm, nói tiếng Việt với những hồi ức đứt đoạn. Rồi tên bố, tên mẹ, tên em… cứ dần hiện về trong kí ức của người xưa. Cả gia đình mừng rơi nước mắt khi chính người đàn ông bên kia đầu dây nhắc đến những kí ức mà chỉ có họ là biết được.

Ngôi nhà hạnh phúc

Ngôi nhà chị Nhàn trở nên ấm cúng vì có  hình bóng của anh

Nhà chị Nhạn mấy ngày hôm nay bỗng trở nên rộn ràng, khách ra khách vào cứ nườm nượp như gia đình đang báo hỉ. Mọi người tìm đến để chia vui, ôn lại quá khứ một thời với người tưởng đã khuất. Từng khuôn mặt già nua, mai tóc nhuốm bạc đến trước mặt anh Luận hỏi han, chúc mừng. Ánh mắt người đàn ông này nhìn họ một cách lạ lẫm rồi bỗng nhiên vụt sáng lên khi từng người, từng người nhắc đến cái tên. Họ ôm nhau một cách vồn vã, nước mắt cứ thế mà chảy dài trên gò má.

Đã lâu lắm rồi người ta mới thấy chị Nhàn cười nhiều như vậy. Chị cười vì chị đang hưởng một niềm hạnh phúc bất ngờ mà chị không bao giờ dám nghĩ tới. Khi có kẻ đồn đại chồng chị đã có gia đình ở trong Nam, chị không tin. Nhưng giờ anh về đây với chị như là “kẻ phụ tình”, chị vẫn không lấy làm phiền lòng

Thay cho những lời ghen tuông của nữ nhi thường tình là lòng hàm ơn người phụ nữ Khmer tốt bụng. Chính người phụ nữ ấy đã đem lại cho chị niềm hạnh phúc mà cả đời chỉ chẳng dám mơ. Chị bênh vực anh: “Bất cứ người đàn ông nào trong hoàn cảnh ấy, cũng đều như vậy”.

Trèo lên bàn thờ, cẩn thận gỡ tấm ảnh cất vào trong ngăn tủ, đối với Lê Văn Luân – con trai của anh Luận - đấy là một niềm hạnh phúc khôn tả. Giờ Luân có thể gọi tiếng “Cha” mà hơn 20 năm nay phải kìm nén trong lòng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên