Xâm phạm nghiêm trọng Khu di tích lịch sử Đền Hùng:

Nhà “mọc” nơi “Tam sơn cấm địa”

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Phú Thọ là phá dỡ triệt để toàn bộ công trình xây dựng trái phép này, sau đó tái tạo lại toàn bộ cảnh quan như cũ

Về vụ “xẻ thịt” đất đồi Cá Chuối thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, trả lời phỏng vấn trên Báo TNVN số 19 ra ngày 8/3, bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định, sẽ xử lý nghiêm việc làm này.

Sau khi báo phát hành, TNVN tiếp tục nhận được thông tin đáng quan ngại khác từ bạn đọc, ngay cả khu vực “Tam sơn cấm địa” cũng đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Phóng viên TNVN tiếp tục vào cuộc và nhận thấy, phản ánh của bạn đọc là hoàn toàn chính xác.

Núi thiêng

“Tam sơn cấm địa” là tên gọi của 3 quả núi Nghĩa Lĩnh, núi Trọc và núi Vặn nằm trong diện quản lý đặc biệt của Khu di tích lịch sử Đền Hùng. 3 ngọn núi này kết thành hình con rồng. Đầu rồng là núi Nghĩa Lĩnh, thân rồng là núi Trọc và núi Vặn - nơi có đền thờ Quốc mẫu Âu Cơ - và thân rồng kéo dài tới núi Pheo. Từ đời Hùng Vương, người dân đã tôn thờ 3 ngọn núi này với các thần núi: Đột ngột Cao Sơn Thánh Vương Vị, Ất Sơn Thánh Vương Vị, Viễn Sơn Thánh Vương Vị.

Trong Quyết định 943/2008/QĐ-UBND, ngày 8/4/2008 của tỉnh Phú Thọ, khu vực “Tam sơn cấm địa” thuộc khu II, thuộc diện bảo vệ nghiêm ngặt. Mọi hoạt động xây dựng mới các công trình trong quy hoạch, sữa chữa, nâng cấp làm thay đổi quy mô công trình của các cơ quan, tổ chức cá nhân phải được Sở Xây dựng cấp phép…

Tuy nhiên, một thực tế đang hiện hữu, nhiều hộ gia đình đã liều lĩnh bán đất, mở rộng diện tích nhà ở trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Nghiêm trọng hơn, có hộ còn tiến hành xây dựng mới công trình trên khu vực linh thiêng này.

Đầu tháng 12/2010, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng phát hiện gia đình ông Đào Văn Tình, ở khu 6 xã Hy Cương, TP Việt Trì, tiếp giáp chân núi Trọc triển khai xây dựng một ngôi nhà quy mô lớn với diện tích 600m2. Lực lượng bảo vệ khu di tích đã kiểm tra và yêu cầu gia đình ông Tình dừng việc xây dựng. Ngày 9/12/2010 Ban quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng đã có Công văn số 242, đề nghị UBND TP Việt Trì cử lực lượng phối hợp ngăn chặn việc xây dựng trái phép trên diện tích đất của gia đình ông Đào Văn Tình. Ngày 30/12/2010, UBND TP Việt Trì có Công văn số 2639, yêu cầu: Chủ tịch UBND xã Hy Cương, đội thanh tra trật tự đô thị, công an Khu di tích lịch sử Đền Hùng có biện pháp kiên quyết đình chỉ ngay việc xây dựng của chủ hộ, tổ chức lực lượng cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, người lao động vào thi công xây dựng công trình và buộc chủ hộ xây dựng tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, theo quy định của pháp luật. Giao cho xã Hy Cương nghiêm túc thực hiện và báo cáo UBND TP Việt Trì trước ngày 10/1/2011.

Ao lớn được đào trước toà nhà trái phép

Ai nương tay với công trình xâm phạm núi thiêng?

UBND TP Việt Trì đã chỉ đạo rõ ràng, song Chủ tịch UBND xã Hy Cương chỉ làm được một việc duy nhất là ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng đối với chủ hộ Đào Văn Tình, với số tiền 2.000.000đ. Sau đó, bất chấp tất cả, công trình vẫn được đẩy nhanh tốc độ thi công.

Trong một thông báo mới nhất ngày 18/2/2011 về kết luận của Bí thư Thành ủy TP Việt Trì, Chủ tịch UBND TP Việt Trì chỉ đạo UBND xã Hy Cương kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời và cương quyết xử lý hành vi xâm phạm khu vực núi thiêng. Thông báo xác định hành vi vi phạm Điều 8, Quyết định 943/QĐ-UBND, ngày 8/4/2008 của UBND tỉnh, Nghị định 180/2007/NĐ-CP của hai hộ ông Đào Văn Tình và ông Đào Văn Ân. Giao cho UBND xã Hy Cương chủ trì phối hợp với công an, bộ chỉ huy quân sự, đội thanh tra đô thị và Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng không có giấy phép trong chỉ giới Khu di tích lịch sử Đền Hùng, trước 28/2/2011.

Tuy nhiên, ngày 8/3, có mặt tại hiện trường, phóng viên TNVN chỉ thấy công trình có vài chỗ được tháo dỡ “làm vì”. Còn toàn bộ công trình bằng bê tông cốt thép kiên cố, kể cả phần mái, dán ngói vảy… vẫn trơ lỳ, nghễu nghện.

Đứng trong khuôn viên của tòa nhà, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đồ sộ và quy mô của tòa nhà. Công trình quay hướng Đông Bắc, lưng dựa vào núi Trọc, hai bên sườn được núi Nghĩa Lĩnh và núi Vặn ôm. Trước mặt công trình có một cái ao, mới được đào khi xây dựng công trình. Toà nhà có 4 gian chính và một sân nằm chính giữa khuôn viên nhà. Mái nhà được đổ bằng bê tông, uốn cong. Đã có ban thờ được dựng ở gian trong cùng.

Tòa nhà được xây dựng theo kiểu hình hài “Nội công - Ngoại quốc”, mà lại giống với kiểu dáng đền thờ, một thiết kế rất độc đáo và có phần bí hiểm. Quan sát kỹ về mặt kiến trúc, theo nhận định của chúng tôi, công trình này được xây dựng lên không phải để ở.

Ai đứng sau ông Đào Văn Tình?

Công trình trị giá nhiều tỷ đồng, chứng tỏ người sở hữu phải là người giàu có. Người dân địa phương cho biết, ông Tình chỉ là một nông dân thuần chất. Gia đình ông Tình có nghề buôn bán vật liệu xây dựng song cũng không thể làm ra tiền tỷ để có thể mua vật liệu, thuê nhân công để xây dựng công trình đồ sộ trong một thời gian ngắn.

Nhiều người dân địa phương đã nói với chúng tôi, giữa ông Đào Văn Tình và ông Đào Quang Dư, Chủ tịch UBND xã Hy Cương có quan hệ họ hàng, nên việc đình chỉ xây dựng chỉ trên danh nghĩa, còn việc xây dựng thì… cứ xây dựng!

Tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Đào Quang Dư, Chủ tịch UBND xã Hy Cương cho biết, vào thời điểm hộ gia đình ông Tình đang xây dựng thì ông chưa làm Chủ tịch xã nên không thể thực hiện việc đình chỉ xây dựng triệt để. Về tiến độ thực hiện việc cưỡng chế, ông Đào Quang Dư chỉ thủng thẳng cho biết, “chúng tôi đang thực hiện, xã phát hiện quá muộn nên việc xử lý cũng gặp khó khăn” (?!)

Đã có hàng chục cuộc họp với nhiều văn bản được phát ra để giải quyết hành vi xây dựng trái phép của hộ ông Đào Văn Tình. Người nông dân Đào Văn Tình là ai mà có thể phớt lờ văn bản đình chỉ xây dựng công trình của chính quyền, để rồi tiếp tục thi công? Ai đang đứng đằng sau tiếp tay để có người bất chấp các quy định của pháp luật, cả gan xây dựng cả một công trình đồ sộ kiên cố ngay khu vực thiêng liêng trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng, nơi mà mọi người dân Việt đều thành kính hướng về.

Người dân các địa phương hướng về đất Tổ

Lời hứa của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ

Làm việc với phóng viên TNVN, ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: “Chúng tôi đã báo cáo cơ quan chức năng ngay sau khi phát hiện công trình xây dựng trái phép. Khu vực “Tam sơn cấm địa” là nơi cấm xây dựng. Nếu không xử lý nghiêm, các hộ gia đình khác sẽ xây dựng theo, thì khu vực này sẽ trở thành khu nhà nghỉ - khách sạn du lịch chứ không phải là nơi linh thiêng thờ tổ tiên chúng ta nữa. Nhìn về kiến trúc, ngôi nhà này được xây dựng theo kiểu dáng hình hài giống ngôi chùa. Như vậy, nó sẽ bị lẫn lộn với ngôi đền thờ Vua Hùng”.

Ông Hoàng Dân Mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Vụ việc đào ao sâu, xây dựng công trình ở chân núi Trọc, thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng còn nghiêm trọng hơn nhiều so với việc đào đất bán ở đồi Cá Chuối, vì nó xâm phạm vào một khu vực mà tín ngưỡng thờ vua Hùng, liệt vào “chốn linh thiêng”. Trước mắt, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo phải phá dỡ triệt để toàn bộ công trình xây dựng trái phép này, bắt đầu từ ngày 15/3/2011. Sau đó tái tạo lại toàn bộ cảnh quan như cũ. Bước thứ hai là tiến hành đưa toàn bộ số dân đang sinh sống tại khu vực này đi nơi khác và thực hiện lộ trình tạo cảnh quan mới cho khu vực”.

Quan điểm chỉ đạo kiên quyết, rành mạch và cụ thể của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã thuyết phục chúng tôi trong buổi làm việc. Đặc biệt, qua Báo TNVN ông Hoàng Dân Mạc còn có những lời đầy trách nhiệm và tâm huyết: “Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ xin hứa với đồng bào cả nước làm tròn trách nhiệm là địa phương được cả nước giao nhiệm vụ chăm lo và bảo vệ vùng đất Tổ”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên