Nhọc nhằn nghề lặn ở Cô Tô

Biết rõ cái sự nguy hiểm, bạc bẽo của nghề, nhưng người dân ở đây vẫn phải “bám nghề”, bởi nếu không đi lặn thì họ biết lấy gì mà sinh nhai

Ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, hầu hết người dân kiếm kế sinh nhai bằng nghề đi biển. Nhưng lặn biển mới thực sự đem lại thu nhập ổn định. Bởi thế, cho dù bị cấm, cho dù nguy hiểm, nhưng rất nhiều ngư dân trên đảo vẫn bám nghề “ăn cơm dương gian, làm nghề âm phủ” này.

Để bắt được những sản vật quý như cá song, cá bò gù, cá mú xanh, hay hải sâm, cầu gai… thì anh Hoàng Văn Tuấn, một thợ lặn lão luyện trên đảo Cô Tô, phải mất vài tiếng đi thuyền ra chỗ nước sâu, tìm những hang, luồng cá, vỉa đá, bãi san hô mới có thể hành nghề. Hôm chúng tôi gặp anh là thời điểm cơn bão số 4 đổ bộ vào khu vực biển đảo, nên anh ở nhà. Anh Tuấn cho biết, thông thường, nếu thuận lợi, một tháng đi lặn chừng chục chuyến. Mỗi chuyến thu nhập khoảng 1 triệu đồng, trừ chi phí cũng đủ cho sinh hoạt gia đình. Với 20 năm trong nghề lặn biển, anh Tuấn tâm sự: “Nghề này nguy hiểm lắm, sống chết thường trực bên cạnh, sơ sảy là chết ngay…”.

Sinh nghề - tử nghiệp, câu này quá đúng với cánh thợ lặn trên đảo Cô Tô. Nhiều năm ngụp lặn theo con sóng, anh Tuấn đã chứng kiến cảnh bao đồng nghiệp, cũng là bà con làng xóm của mình gặp nạn. Người nhẹ thì lao lực, tàn phế. Người nặng thì bỏ mạng. Điển hình nhất là bị chuột rút, vỡ ống thở, hay bị sốc khi bị thay đổi áp suất nước... Việc thả thuốc để bắt cá cũng vậy, nếu không có kinh nghiệm, mà thả thuốc ngược dòng là bản thân thợ lặn sẽ bị nhiễm độc, hôn mê. Hoặc thợ lặn có thể gặp tai nạn khi đánh mìn, thường thì một người chuyên lo mìn và kíp nổ, một người lặn xuống tìm luồng cá và canh khoảng cách để thả mìn xuống. Sau khi người cảnh giới ngoi lên ra hiệu thì châm ngòi nổ.

Tai nạn thường xảy ra vì 2 người không hiểu ý nhau, nếu nhanh quá thì ảnh hưởng đến người cảnh giới, nếu chậm, luồng cá di chuyển mất, hoặc lớ ngớ thì cả người trên thuyền lẫn người dưới nước đều thiệt mạng. Chị Hoàng Thị Yến, vợ anh Tuấn tâm sự, bao lần anh Tuấn đi lặn là bấy nhiêu lần chị thức trắng đêm, lo lắng chờ chồng. Chị Yến nói: “Hôm nào cũng thế, chỉ khi thấy bóng chồng về mới an tâm. Tôi cũng nhiều lần tâm sự với anh, vợ chồng thôi thì có ít ăn ít vậy, chứ đi làm thế nguy hiểm lắm…”. - “Vậy nếu không đi lặn thì cả nhà biết lấy gì mà sinh nhai. Lại còn vướng 40 triệu đồng tiền nợ ngân hàng mua thuyền nữa, làm sao trả được” - anh Tuấn nói.

Theo lời kể của những ngư dân trên đảo, nghề lặn xuất hiện ở đây từ 20 năm trước. Hiện nay, có khoảng 100 người làm nghề này. Người nhiều tuổi nhất còn lặn cũng khoảng trên dưới 40 như Tuấn, còn lại toàn người trẻ tuổi, chừng 26 - 27.

Cứ thế, nghề lặn đã giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống khi ra đây xây dựng kinh tế mới. Nhưng những câu chuyện “tử nghiệp” xảy ra ngày một nhiều hơn. Anh Tuấn nói, cách đây chừng 10 năm, sản vật biển nhiều, ngư dân chẳng cần phải lặn sâu để bắt, thì nay, lớp thợ lặn trẻ ở Cô Tô phải đi xa hơn, phải lặn sâu hơn, có khi phải lặn ít nhất 30 - 40m mới tìm ra sản vật. Nếu lỡ không lên kịp là chết ngay, vì ở độ sâu này sức ép của nước là rất lớn. Anh Trần Quang Ngọc, chính trị viên Đồn biên phòng 16, đảo Cô Tô cho biết: “Đây là nghề nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng của ngư dân. Tuy nhiên, vì ngư dân thu nhập thấp, trong khi nghề lặn có thu nhập cao hơn, nên họ cũng cố bám nghề. Chính quyền cũng đã tuyên truyền và quy định cấm dân hành nghề này, nhưng để giải quyết, để làm tốt, tôi nghĩ địa phương cũng nên có chính sách chuyển đổi, hỗ trợ người dân chuyển nghề”.

Không những thế, với việc sử dụng thuốc nổ, thuốc độc, súng điện… nghề lặn biển của ngư dân nơi đây đã làm ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái biển. Một điều tra mới đây của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Bộ NN&PTNT, tại vùng biển đảo Cô Tô, san hô bị chết khoảng 80 - 85%, ngoài ra, nguồn lợi thủy sản ở đây cũng có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng. Chính vì thế, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng như huyện Cô Tô đã có lệnh cấm nghề lặn biển này. 

Anh Hoàng Anh Tuấn cũng như bao nhiêu người thợ lặn khác trên đảo Cô Tô đều biết việc mình làm hiện nay là vi phạm, anh cũng biết rõ cái sự bạc bẽo của nghề, nhưng vẫn đành, bởi còn quá nhiều áp lực cuộc sống. Chia tay chúng tôi, anh Tuấn trầm tư, mắt nhìn ra biển, buông từng lời một: “Tôi cũng không thích nghề này đâu, nhưng cũng nhờ nó mà gia đình tôi có cái ăn, con tôi được đi học. Hy vọng, chúng nó sau này không phải theo nghề của bố”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên