Nhọc nhằn “nữ phu ngao”

Chị em thường xuyên phải lấy đêm làm ngày, ngâm mình ướt đẫm trong sương đêm, trong muối biển đến lợt lạt chân tay, lưng mỏi nhừ, mắt ngầu đỏ...

Đêm. Bãi biển Đồng Châu lộng gió. Đứt quãng có bóng điện nhờ nhợ. Ánh đèn pin quăng quệt những vệt sáng yếu ớt trong không gian. Trong những đám người cào, xúc bùn, kéo lưới, khênh vác trên cánh đồng nuôi ngao của xã Đông Minh (Tiền Hải- Thái Bình) có những phụ nữ như đang “cào cấu” biển để mưu sinh.

Oằn lưng, bải chân trên bùn cát…

Hơn 8 giờ tối, tôi bắt đầu bì bẹt lội trên bãi biển Đồng Châu. Cả một dải mấy km, có hàng trăm chòi canh, nước rút để lộ những vệt loang lổ trên từng cọc chòi. Mỗi nhà chòi ấy để canh một vuông ngao. Bãi biển giờ loang loáng ánh điện phả vào mặt bùn cát quánh lầy. Có những gương mặt dân làm thuê để trần, sạm đen. Có cả những cặp mắt lộ ra giữa những khe khăn che mặt, lờ đỏ. Những vết chân họ vừa kịp thành hình đã bị bùn chảy làm méo mó, rồi lấp đầy. Và, lẫn trong bùn cát là những con ngao mà những người phụ nữ làm thuê có nhiệm vụ xúc, cào, rửa sạch mang về.

Tại vuông ngao nhà anh Đình, gần trăm người làm thuê, trong đó đa phần là nữ. Không như những chỗ tụ tập đông phụ nữ khác, thường cười đùa í ới, ở đây họ chỉ cặm cụi, hì hục, việc ai nấy làm, thoăn thoắt bên nhau, tạo thành một dây chuyền thu hoạch ngao trên bãi biển.

“Tránh.. ra.. tránh… ra...”- Tiếng ai đó bỗng quát lên, tôi giật mình ngoái lại. Có một hàng dài phụ nữ. Người đi ủng chân, quần áo mưa, người thì chân không, quần vải … Tất cả họ đều đội những chiếc nón thâm ố, đang xếp thành hình như cánh cung gò lưng kéo dải lưới dài mấy chục mét. Mỗi khi có những tiếng dzô “đi nào.. đi nào” là cả dải lưới nặng nề dịch lên phía trước, gom vào trong nó đầy bùn cát.

Khi mẻ lưới đã gom được thành một đống to bùn cát, lập tức một người phụ nữ oằn lưng vác trên vai ống bơm loại “phi 10” nhào tới, dí vòi nước trắng xoá phụt sục cho bùn cát trôi đi để lộ ra những con ngao dưới ánh đèn mờ tỏ.

Đó cũng là lúc những người phụ nữ ở “hàng xúc” được tranh thủ “thở cho lại sức”. Thấy tôi giơ máy ảnh, người phụ nữ mặt nhừ đỏ, nhễ nhại mồ hôi, bảo: “Suốt đời lấm lem. Sung sướng gì đâu mà chụp ảnh hả chú!”. Chị là Phạm Thị Hồng (xóm 10 – Ngải Châu). Chị bảo: “Nay nước xuống sớm, đi làm từ 8 giờ tối, chắc chỉ độ 3 giờ sáng là về thôi, sớm chán”. - Vậy về muộn là khi nào? – “Vô cùng lắm. Có hôm trắng đêm đến sáng cơ…”

Đang dở câu chuyện, một phụ nữ khác tiến lại đập vai chị Hồng, bảo: “Làm đi, nhỡ hàng bây giờ..”. Chỉ một loáng, chị Hồng và “đồng nghiệp” đã khớp vào một hàng hơn hai chục phụ nữ cầm cái xẻng khom lưng hỳ hục xúc bùn cát dồn thành từng luống dài trong lưới.

Cứ thế, những người phụ nữ xúc dồn bùn và sục rửa liên hồi. Chiếc máy bơm phụt nước không nghỉ. Họ thay nhau vác vòi xả nước. Rồi sau đó lại thay nhau lặc lè lội bùn khiêng những bao tải ngao nặng 60 – 70 kg đi hàng trăm mét ra phía tàu chở để tổ khác sàng, rửa một lần nữa trước khi đóng bao.

“Đêm, người ta ngủ với chồng con, còn chúng tôi ra cào cấu biển…”

Đến bãi biển Đồng Châu bây giờ, có lẽ người ta ít quan tâm đến đó là một bãi biển du lịch, thay vào đó là một hình ảnh, một tiếng vang về một “đồng ngao tiền tỷ”. Vâng. không thể phủ nhận, giá trị kinh tế mà con ngao mang lại cho dân xã Đông Minh. Ông Vũ Đức Thiện - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mấy năm nay, con ngao đóng góp đến 70% tỷ trọng phát triển kinh tế của xã. Bãi biển xã quản lý đã được chia lô và cho đấu thầu cả rồi. Cả xã hiện nay có 275 ha nuôi ngao, nằm trên bãi Đồng Châu. Cứ 1 ha ngao, đầu tư khoảng 200 triệu đồng, sau khoảng 1 năm, thuận lợi, thu hoạch được khoảng trên dưới 1 tỷ. Hiện tại, cả xã có hơn 2400 hộ dân thì có trên 300 hộ nuôi ngao, trung bình tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 550 lao động, trong đó khoảng 500 lao động nữ, thu nhập khoảng2 triệu/tháng. Mức thu nhập này đối với nông dân thì khá, nhưng cũng cực lắm…”.

Phút nghỉ của chị Quy trong trạng thái sẵn sàng làm việc

Cái sự “cực lắm” mà ông Chủ tịch đánh giá về lao động nữ đêm đêm trên cánh đồng ngao tôi được nghe từ trước khi lội xuống bãi biển. Khi đã “tận mắt thấy, tận tai nghe” càng thấm hiểu. Vì, giá thuê bãi nuôi ngao, theo huyện Tiền Hải giao là 2 triệu/ha/năm, nhưng xã cho đấu thầu lên đến hơn 10 triệu/ha/năm. Vốn nuôi ngao cũng khá lớn nên nhà khá giả mới có thể đầu tư, còn lại những hộ khác thành dân làm thuê. Đã thế, mỗi cánh làm thuê lại có những “đầu cai” để mỗi khi có việc thì huy động. Dĩ nhiên, tiền kiếm được phải qua đầu cai trung bình 200 đồng/kg (ngao thương phẩm).

Mỗi buổi cào ngao kéo dài theo con nước, thời gian lao động 8-10 tiếng. Biển vẫn luôn hào phóng với con người. Song, nó cũng rất khắc nghiệt về quy luật triều lên, xuống. Thế nên, những phận nữ phải gồng mình tận dụng thời gian khi con nước triều xuống làm thật nhanh, thật nhiều cho “được công”. Chính vì phụ thuộc vào con nước mà chị em thường xuyên phải lấy đêm làm ngày, ngâm mình ướt đẫm trong sương đêm, trong muối biển đến lợt lạt chân tay, lưng mỏi nhừ, mắt ngầu đỏ.

Sau những đêm như thế, tiền công làm thuê trên đồng ngao ki cóp để nuôi con cái ăn học, chứ trên vùng biển hẹp này lấy đâu ra ruộng đồng mà cày cấy. Chị Tuất cho biết: “Nghề này phát triển từ năm 2004, nhưng chúng tôi mới biết dùng ủng và găng tay, trước đây toàn để tay chân trần, lắm lúc xót điếng người. Nhưng không phải ai cũng sử dụng bảo hộ như thế đều đặn đâu”.

Gần 24h, tôi thấm mệt vì bải chân lội theo những phụ nữ làm thuê. Còn họ vẫn cứ cào, xúc, kéo lưới, phụt nước, khênh vác liên hồi. Chị Quyết bảo: “Nhận khoán nên phải lao mà làm càng nhanh càng tốt để tăng thu nhập chứ…”. Chị Đặng Thị Ngọt (xóm 10- Thanh Lâm) cắt ngang: “Chúng tôi có tháng “đánh” (đi làm) được 25 đêm liền đấy”.
-Vất vả lắm, nhưng bù lại, kiếm cũng khá - Chị Quy khoe- Bình thường được 80 ngàn/đêm, có hôm khá thì được khoảng 150 ngàn/ đêm…

- Ôi dào, ráo mồ hôi là hết ấy mà. - Chị Ngô Thị Mỹ (xóm 10 - Ngải Châu) chen vào, tiếp. – “Phận nông dân, đói việc gì nữa thì phải làm thôi. Đêm đêm người ta được ngủ với chồng con, đằng này chúng tôi ra mà cào cấu biển”.

Gần 3 giờ sáng, phần vì thấm mệt, phần vì không dám làm phiền công việc của các chị nữa, tôi đi tìm chỗ ngủ trọ. Sáng hôm sau, tôi tìm đến Trạm y tế xã Đông Minh. Nghe tôi hỏi về môi trường làm việc ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ các nữ phu ngao, ông Lương Văn Sơn – Trạm trưởng, bảo: Nghề làm ngao vất lắm. Nhiều chị làm không theo nổi, thu nhập khá nhưng phải bỏ. Phụ nữ làm ngao chắc chắn ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hay bị đói vì nhỡ bữa. Ngủ không điều độ, đảo lộn nhịp sinh học bình thường. Nhất là chị em làm việc trong môi trường đông người, bất tiện trong việc đi vệ sinh cá nhân, nếu có đi thì cũng không thể đảm bảo vệ sinh tốt nên dễ viêm nhiễm mà mắc bệnh phụ khoa… Hiện tại, có khoảng gần 20% chị em ở đây bị bệnh phụ khoa. Đã thế, mặc dù Trạm y tế xã hàng tuần có 1 ngày khám sức khoẻ định kỳ cho chị em nhưng nhiều chị em mải công việc cũng không đi khám đầy đủ…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên