Nhọc nhằn phận nữ nghèo xúc cát thuê

Ngày lại ngày, từ mờ sáng, người ta lại thấy những phụ nữ xúc cát thuê kéo nhau đến bên bờ sông Chảy, xã Tân Tiến, Hoàng Su Phì (Hà Giang) để làm thuê kiếm sống

Phần đông trong số họ là những gia đình dân tộc thiểu số người Tày, Nùng, Dao… làm nông nghiệp, cuộc sống chỉ trông chờ vào một năm 2 vụ lúa, đói nghèo luôn ám ảnh nên họ phải ra đây để… bán sức. Cũng chỉ mong kiếm lấy mỗi ngày vài chục ngàn để trang trải cuộc sống, mặc cho nắng mưa, hay tính mạng gặp hiểm nguy khi lũ quét đầu nguồn bất chợt tràn về.

Còng lưng bán sức dưới sông

Giữa những ngày nắng như lửa đốt, chúng tôi tìm đến khu bãi cát sông Chảy xã Tân Tiến (Hoàng Su Phì) đang nhộn nhịp những tiếng cuốc, xẻng xúc cát sỏi thuê. Được biết, nghề xúc cát thuê này đã tồn tại được hơn 10 năm và đây cũng là nơi kiếm sống của rất nhiều gia đình quanh vùng. Họ cùng nhau ra đây lao động, còng lưng bán sức, để kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống hàng ngày.

Khi trời mới tảng sáng, người ta đã thấy các chị ở khắp nẻo đường, từng đoàn rời nhà hò nhau đi làm, người cầm xẻng, vác cuốc. Không phân biệt tuổi tác, già trẻ, hễ có sức lao động là họ tìm đến bãi cát làm thuê.

Chị Hoàng Thị Mai Lan (áo kẻ) ở xã Tả Sử Choóng từ sáng sớm lặn lội đi bộ hơn chục cây số ra đây làm thuê

Một người dân địa phương cho biết: “Gọi là bãi cát, nhưng thực tế đây là một con sông, hàng năm đến mùa nước rút, thì được người ta mua, hay đấu thầu khai thác cát sỏi. Ở đây khai thác chủ yếu lao động bằng chân tay, chứ không có máy móc. Nên vào thời điểm này khi mùa nông nhàn không có nghề phụ làm thêm, nhiều chị em phụ nữ lại tranh thủ tìm đến đây để xúc cát thuê”.

Cô Vương Thị Liên ở thôn Cóc Cái xã Tân Tiến, có thâm niên 10 năm làm nghề xúc cát thuê ngậm ngùi tâm sự: “Công việc này cũng vất lắm! Phải có sức khỏe, cơ bắp dẻo dai mới chịu được. Dù có nặng nhọc đến đâu, miễn sao mình còn khỏe thì mới có tiền, nhà tôi nghèo, chồng lại ốm đau, con cái thì thất học, ruộng lại ít, không có nghề phụ gì làm thêm, đói không có cái ăn khổ lắm..”.

Vì phải lo toan cuộc sống, lại là trụ cột trong gia đình, nên mới ngoài 40 tuổi, hẳn nhiều người phải ngạc nhiên khi gặp mái tóc đã bạc khá nhiều của chị Liên. Thân hình gầy gò, mảnh khảnh do phải làm nhiều việc nặng khiến chị già đi rất nhiều so với tuổi.

Em Vương Văn Thư, xã Tân Tiến, 15 tuổi, vóc người quắt queo, nhỏ thó, đang gồng mình chuyển cát sỏi

Vai gày gánh nặng mưu sinh

Khuất sâu dưới những tán lá rừng miền sơn cước ấy, đang có những bàn tay cần cù, miệt mài đào từng khối cát, khối đá, bới từng viên sỏi cũng chỉ để có miếng cơm manh áo. Dưới cái nắng gay gắt của thời tiết, mồ hôi chảy nhễ nhại, làn da sạm đen vì nắng, không mũ nón, hay bất cứ thứ vật dụng nào che nắng, mà quần áo chị nào cũng ướt sũng từ đầu xuống chân.

“Ở đây ai cũng thế, nhà nghèo và khổ cả, chả ai hơn ai đâu chú ạ!” Một giọng phụ nữ khẽ cất lên khi đang cố vớt mẻ đá lên khỏi mặt nước, đó là chị Hoàng Thị Mai Lan nhà ở xã Tả Sử Choóng, từ sáng sớm lặn lội đi bộ hơn chục cây số ra đây làm thuê. Nhìn chị cũng gày gò, đen nhẻm, già hơn so với cái tuổi 27. Với tuổi đó, nhưng chị đã có tới 3 đứa con. Chồng đi làm ăn xa, vài tháng mới về thăm nhà một lần rồi lại đi luôn. 3 đứa con của chị, đứa con gái cả học hết cấp 2 rồi bỏ học ở nhà giúp chị việc đồng áng, bươn chải cuộc sống, còn đứa thứ hai đang học lớp 5, đứa út 4 tuổi gửi ông bà nội. “Gia đình khó khăn, ruộng thì ít, làm lụng mãi mà chẳng đủ ăn”, chị Lan buồn rầu tâm sự.

Bữa trưa đạm bạc chẳng có gì ngoài gói cơm nguội, mèn mén đựng trong túi nilon, một ít muối rang và chai nước nguội

Cơm trắng… chấm muối

Công việc làm thuê vất vả là thế, quá trưa rồi mà chị nào cũng quần quật với công việc. Khi được hỏi thời gian ăn, nghỉ trưa ra sao? Chị Thèn Thị Sinh xã Tân Tiến cười hiền tâm sự: “Chẳng có thời gian đâu mà nghĩ đến trưa nữa, nhiều khi mải làm cũng chẳng biết trưa là gì. Đói lúc nào ăn vội lúc đấy. Có khi ăn nhanh lót dạ, tranh thủ ngả lưng rồi làm tiếp”.

Công việc vất vả, ăn uống kham khổ, bữa trưa đạm bạc của các chị cũng chẳng có gì ngoài gói cơm nguội, mèn mén được đựng trong túi ni lông với một ít muối rang và chai nước nguội đem từ nhà đi. “Phải nắm cơm chấm muối hay vừng mới ăn được, chứ không khó nuốt lắm anh ạ! Bữa nào “sang” lắm cũng chỉ có rau xanh và một ít khoai lang, lạc. Cảnh làm thuê làm mướn như chúng em làm gì có tiền mà mua thịt, mua cá ăn hả anh. Dù khó ăn nhưng cố nuốt để chắc cái bụng. Có khi muốn ăn ngon cứ nghĩ rau, cơm mình đang ăn là đùi gà, thịt lợn, cá kho… thì sẽ ăn ngon hơn”, chị Vàng Thị Mai thôn Cóc Cái bộc bạch.

Chị Liên, xã Tân Tiến có thâm niên 10 năm làm nghề xúc cát thuê

“Này các chị em, làm nhanh lên! Khoảng 10 phút nữa có xe đến lấy cát nhỏ và sỏi đấy! Mấy chị mau phân chia loại cát ra... đừng đào chỗ đấy!”. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi giữa chúng tôi bị gián đoạn bởi giọng chỉ đạo của một người đàn ông trạc 50 tuổi, thân hình sạm đen đang bước tới. Đó là anh Lê Quốc Trọng chủ bãi cát. Anh Trọng cho biết: “Làm thuê ở đây, già trẻ đều có, phần đông đều là chị em phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn cả. Hễ có chị em nào sức khỏe tốt, chấp nhận được giá cả đưa ra thì tôi thuê. Cát to, cát nhỏ 30.000 – 50.000đồng/ khối; sỏi, đá 35.000 – 55.000 đồng/khối. Trước đây, cũng có nhiều người đàn ông khỏe mạnh đến làm thuê được vài ngày. Tuy nhiên, thấy họ khó bảo lại hay đòi hỏi cao, nên tôi không thuê nữa”.

Vào thời điểm này, khi thời tiết đang diễn biến thất thường, bất chấp tính mạng gặp nguy hiểm khi lũ quét đầu nguồn bất chợt tràn về, ngày nào người ta cũng thấy các chị có mặt ở con sông này để xúc cát.

Chị Lù Thị Sinh xã Tả Sử Choóng chia sẻ: “Những ngày mưa to hay có lũ quét, đói cũng chỉ biết ở nhà. Đợi trời nắng, nước sông rút, chúng tôi lại đi xúc cát thuê. Tiền công cũng chẳng được bao nhiêu, nhiều khi đau lưng, bị bong gân, trị nước ăn chân cũng đã ngót nghét mất 15.000 đồng tiền mua thuốc, cũng đành chấp nhận. Chẳng biết kiếm công việc nào khấm khá hơn”.

Khi mặt trời bắt đầu lặn dần sau những ngọn núi xa xa, các chị vẫn còn vật lội dưới nước, nai lưng xúc từng khối cát sỏi lên xe. Có lẽ vì miếng cơm manh áo, tại con sông này các chị cũng chẳng nhớ mình đã đào và xúc bao nhiêu tấn cát sỏi nữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên