Nhọc nhằn phu vôi

Bên cái nóng dữ dội của những lò vôi đang cháy dở, trong môi trường ô nhiễm đầy khói bụi, họ nhặt, cào, xúc bằng những đôi bàn tay nham nhở vết bỏng, vết xước.

Trên con đường từ thị trấn Bố Hạ vào xã Đông Sơn (Yên Thế - Bắc Giang) chốc chốc con ngựa sắt “cà tàng” của tôi lại bị một phen xóc “long ốc” bởi những ổ gà, ổ voi. Dọc hai bên đường, từ những cánh đồng rộng đến những khu dân cư chật hẹp, đâu đâu cũng thấy lò vôi. Dễ có đến hàng trăm lò vôi.   

Nghề sản xuất vôi và làm gạch xỉ phổ biến ở đây từ những năm 1980, hơn 30 năm nay những lò vôi này thi nhau đốt “vùng trời” Đông Sơn, khói và bụi thường xuyên mù mịt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Những lò vôi ở đây được xây dựng và hoạt động ngay trong khu dân cư, thậm chí ngay sát cửa nhà các hộ dân. Ông Ngô Xuân Thanh, Bí thư chi bộ thôn Đồi Lánh cho biết: “Chúng tôi ở đây đều phải sống chung với ô nhiễm và khói bụi từ các lò vôi. Nhưng biết làm sao được, đây là nghề mang lại thu nhập chính của người dân mà!”.

Lò nung vôi sát nhà dân


Môi trường ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, nhất là người già, phụ nữ và trẻ em thường là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo thống kê chưa đầy đủ của trạm y tế xã Đông Sơn thì 3 tháng đầu năm nay có trên 500 trường hợp bệnh nhân đến khám về các bệnh liên quan đến đường hô hấp, trong đó quá nửa là phụ nữ và trẻ em.

Nhất là những người phụ nữ ở đây, họ là những lao động chính, hàng ngày vẫn trực tiếp làm việc trong môi trường ô nhiễm này. Không có đất sản xuất, nhiều người trong làng, trong xã phải đi làm ăn xa. Ở làng chỉ còn lại những người phụ nữ trông nom gia đình và làm công trong các lò vôi. Họ lập thành từng đội, mỗi đội hơn chục người, cứ lò nào thuê là đến làm ngay.

Công việc vất vả, nặng nhọc


Họ luôn phải dậy từ rất sớm, làm cả ngày quần quật, thu nhập cũng khá thấp (60-70 ngàn đồng/ngày). Nơi làm việc là bên những lò vôi có trữ lượng khoảng 20 tấn vôi nung trong 7 ngày đêm bằng 5 tấn than đá ngùn ngụt. Công việc của họ là xúc, cào, đội… hàng chục tấn vôi ra lò. Đa số họ làm việc tay không, thiếu cả những dụng cụ bảo hộ lao động đơn sơ nhất như: găng tay, ủng, khẩu trang, kính chống bụi…

Những vết xước tay, chân hay vết bỏng là chuyện cơm bữa; nhưng chẳng ai vì thế mà bỏ nghề. Chị Nguyễn Thị Thịnh, 56 tuổi đã có thâm niên 30 năm làm nghề bảo: “Vẫn biết là rất độc hại, nhưng không làm vôi thì cũng chẳng còn biết làm gì nữa”. Cùng tổ với chị Thịnh có chị Trần Thị Cải, mới chỉ gần 30 tuổi nhưng cũng đã hơn 10 năm làm nghề phu vôi. Cũng giống như chị Thịnh và những người phụ nữ khác ở đây, trông chị Cải già hơn tuổi thực của mình rất nhiều. Nghỉ tay lau những giọt mồ hôi lăn tròn trên trán, chị tâm sự: “Làm nghề này hao sức khoẻ lắm. Lâu lâu em lại phải đi truyền thêm đạm mà cũng chẳng lại được sức”.

Những tai nạn thương tâm từng xảy ra ở những lò vôi. Cách đây không lâu, người dân thôn Đồi Lánh (Đông Sơn) không khỏi bàng hoàng trước vụ tai nạn thương tâm khiến anh Nguyễn Văn Hải chết tại chỗ, còn vợ anh là chị Phạm Thị Trường bị gẫy chân phải. Chị Trường kể: “ Chuyện xảy vào lúc tờ mờ sang. Sau khi cho hết vôi ra lò, vợ chồng tôi và một số người nữa cùng lấy xỉ đóng gạch. Chẳng may chồng gạch đổ ập xuống… Giờ nghĩ đến vôi, tôi lại thấy sợ!”

Chị Nguyễn Thị Vui ở thôn Đền Quynh, năm 2008, khi đang cho vôi ra lò, chẳng may chị bị trượt chân ngã xuống lò vôi. May mà có người cứu kịp, tuy thoát khỏi cái chết “chín” nhưng hai chân chị vẫn bị bỏng nặng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Quang Sản, phó chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết: “Nung vôi là nghề tự phát trong dân, các lò vôi lại được xây sát trong khu dân cư nên không khỏi làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Nhất là các lò vôi thường thu hút nhiều lao động tự do nên rất khó quản lý về an toàn lao động”.

Ô nhiễm môi trường và vấn nạn mất an toàn lao động là vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên