Gói thầu 18, dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, Hà Nội:

Những bất cập cần được lý giải

Dự án sắp kết thúc, nhưng nhiều hộ dân thuộc gói thầu 18 vẫn tiếp tục khiếu nại việc đền bù giải phóng mặt bằng. UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND quận Tây Hồ giải quyết. Nhưng hơn 3 năm qua, chỉ đạo của thành phố vẫn… nằm trên giấy?!

Chấp hành nghiêm túc và thiệt thòi bạc tỷ

Tại cuộc đối thoại ngày 18/11/2009 giữa lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cùng các bộ phận liên quan với hơn 40 hộ dân cụm 3, phường Nhật Tân, các hộ dân đều thể hiện bức xúc: Khi Nhà nước thu hồi đất làm dự án, họ rất ủng hộ và chấp hành, nhưng chính vì chấp hành nghiêm túc mà họ phải chịu ba cái thiệt. Thứ nhất là mất đất sản xuất, thu hẹp đất ở và đất liền kề; thứ hai là trong lúc giá đất lên tới 120 triệu đồng/m2, thì họ chỉ được đền bù cao nhất chưa đến 10% (10,2 triệu đồng/m2); thứ ba là đền bù không đúng loại đất và nguồn gốc đất nên tổng số tiền đền bù rất ít.

Đường bao quanh Hồ Tây đã xong, nhưng các hộ dân vẫn khiếu nại

Theo bà Nguyễn Thị Họa, năm 2005, hơn 80 hộ dân ở Cụm 3 nghiêm túc chấp hành yêu cầu bàn giao mặt bằng và nhận tiền đền bù. Nhưng mãi sau này họ mới tá hoả, khi biết rằng họ quá thiệt thòi. “Cùng gói thầu, cùng vị trí, cùng nguồn gốc đất như nhau, nhưng chỉ có 3/85 hộ được điều chỉnh phương án đền bù đúng, và 3 hộ này được đền bù chênh lệch so với chúng tôi hàng tỉ đồng” -  Bà Họa ngao ngán.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, năm 2007, UBND quận Tây Hồ mới điều chỉnh phương án đền bù cho 3 hộ dân Cụm 3 đúng loại đất và diện tích đất bị thu hồi. Đó là hộ bà Đỗ Thị Ngọc Bích, lúc đầu được đền bù 345 triệu đồng, sau điều chỉnh, lên tới 1,176 tỉ đồng (tăng 832 triệu đồng); hộ ông Nguyễn Văn Giới, được đền bù ban đầu 636 triệu đồng, được điều chỉnh lên 1,86 tỉ đồng, (tăng hơn 1,2 tỉ đồng); hộ ông Nguyễn Quang Vinh được đền bù ban đầu 636 triệu đồng, điều chỉnh là 1,86 tỉ đồng, (tăng 1,225 tỉ đồng). Những hộ dân còn lại phần lớn được đền bù “đất vườn, ao liền kề” bằng 30% giá đất ở nên số tiền được nhận rất thấp.

Áp dụng không đúng luật

Phản ánh với lãnh đạo quận Tây Hồ tại buổi đối thoại, bà Lê Thị Khánh, bức xúc: “Từ bao đời nay, chúng tôi sống ven Hồ Tây, có nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Ngay khi thu hồi đất, họ không cho chúng tôi tự kê khai. Tôi bán đất thổ cư cho cô Ngọc Bích, nhưng cô ấy lại được đền bù 100% giá đất thổ cư, còn nhà tôi chỉ được đền bù chỉ bằng 30% đất của cô ấy là tại sao?”.

Rồi bà Khánh tha thiết: “Đề nghị các cấp nhanh chóng đền bù cho chúng tôi đúng pháp luật. Chúng tôi già cả, sắp “đi” hết cả rồi. Mong sự công bằng đối với đóng góp của chúng tôi”. Bà Trần Thị Thơm thì nêu thêm một sự bất công: “Đất thổ cư ông cụ chia cho hai anh em trai nhà tôi mỗi người một nửa, ở năm chục năm nay. Thế mà khi đền bù, tại sao bên được ít, bên được nhiều?”.

Các hộ dân cụm 3, phường Nhật Tân còn cho biết, trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước ngày 27/02/2008 bỗng dưng xuất hiện hai hộ không có tên, không có đất nhưng vẫn được bồi thường. Đó là hộ mang tên Trịnh Xuân Đại được đền bù gần 663 triệu đồng và Trịnh Minh Thắng được đền bù vượt so với quy định gần 82 triệu đồng. Hai hộ này “thật” hay “ảo” thì vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng khiến người dân nghi ngờ, thắc mắc? 

Khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, những người có trách nhiệm của UBND quận Tây Hồ đã làm sai tinh thần chỉ đạo của thành phố và áp dụng không đúng pháp luật. Cụ thể, các phương án đền bù phê duyệt năm 2005, lẽ ra phải áp dụng Nghị định 197 năm 2004, thì lại áp dụng Nghị định 22 năm 1998 (hết hiệu lực). Công văn 1105 ngày 5/11/2009 của Kiểm toán Nhà nước khẳng định “Việc phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ GPMB của UBND quận Tây Hồ theo Nghị định 22/1998 là chưa phù hợp, vì tại thời điểm này Nghị định 197/2004 đã có hiệu lực”.

Thời hiệu chỉ áp dụng với dân?

Tại buổi đối thoại, Thanh tra quận Tây Hồ thông báo dự thảo kết luận thanh tra để tham mưu cho UBND quận ra quyết định giải quyết khiếu nại. Trong đó có nội dung: Theo luật khiếu nại, tố cáo, những khiếu nại của người bị thu hồi đất đến nay đã hết thời hiệu.

Đại diện cho các hộ dân, ông Trần Xuân Trường phản hồi: “Hết thời hiệu khiếu nại là không có cơ sở. Thời hiệu được tính từ khi phương án đền bù được phê duyệt hay tính từ lúc phương án được tống đạt đến người dân? Nhiều người dân không nhận được quyết định thì làm sao tính được thời hiệu?”. Ông Trường cho rằng, UBND quận Tây Hồ đã làm sai Quyết định 72/2001 của UBND thành phố Hà Nội về quy trình đền bù, giải phóng mặt bằng, cho nên đặt vấn đề thời hiệu là không đúng, không công bằng với người dân. “Việc vận dụng pháp luật đền bù thiệt hại cho dân là sai. Người thua thiệt là người chấp hành nghiêm túc pháp luật” - ông Trường nói.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Lê Văn Phượng (cầm văn bản) làm việc với PV

Ông Nguyễn Văn Hưởng, dẫn chứng: “Năm 2005, khi nhận tiền đền bù, nhiều người vẫn ghi rõ là tạm nhận tiền để giao mặt bằng và sẽ khiếu nại, thì sao lại bảo chúng tôi hết thời hiệu”. Ông Ngô Minh Thảo khẳng định: “Khi thành phố chỉ đạo quận bổ sung phương án bồi thường cho dân từ tháng 10/2006, quận đã không thực hiện ngay; sau đó dừng lại cho rằng do Kiểm toán Nhà nước vào làm việc. Thời gian mấy năm của chính quyền không ai tính thời hiệu. Sao với dân lại tính thời hiệu trong vòng 90 ngày?”.

Tại buổi làm việc với phóng viên TNVN trước đó, khi trả lời câu hỏi “Vì sao chỉ có 3/85 hộ dân được xem xét lại phương án bồi thường?” ông Lê Văn Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Tây Hồ cho biết: Khi người dân khiếu nại, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu thanh tra kết luận, đồng thời chỉ đạo quận Tây Hồ rà soát bổ sung phương án đền bù. Nhưng đang rà soát thì Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán toàn bộ dự án, sau đó kết luận: việc đền bù bổ sung là chưa đúng pháp luật. Do vậy phải dừng lại chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo của thành phố.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế; công khai hoá toàn bộ quá trình thực hiện; đảm bảo công bằng giữa các đối tượng có điều kiện tương tự.

(Chỉ thị 05/2006/CT-TTg ngày 22/02/2006 của Thủ tướng CP)

Nếu đúng như vậy, thì lãnh đạo quận Tây Hồ rất tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của dân. Tuy nhiên, các hộ dân lại cho rằng: Thành phố chỉ đạo quận rà soát, bổ sung phương án bồi thường từ tháng 10/2006, thì tháng 10/2007, Kiểm toán Nhà nước mới tiến hành kiểm toán, và tháng 2/2008 mới có kết luận. Trong hơn một năm Kiểm toán Nhà nước làm việc, quận vẫn phải thực hiện chỉ đạo của thành phố và nếu có trách nhiệm với dân, thì việc rà soát, bổ sung mức bồi thường đã xong từ lâu rồi, chứ không phải đợi đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước? Khi dân khiếu nại, thì cán bộ lấy lý do để bao biện cho việc làm chậm chỉ đạo của thành phố. Khi thì “phải thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước”; khi thì “Chờ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường”; lúc lại “đợi UBND thành phố chỉ đạo tiếp”...

Đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản “Đề nghị UBND quận Tây Hồ xem xét, điều chỉnh phương án đền bù, hỗ trợ GPMB cho các hộ dân đúng chế độ quy định của Nhà nước”. Trong khi đó, những kiến nghị, thắc mắc của hàng chục hộ dân ở cụm 3, phường Nhật Tân đang cho thấy những bất cập trong việc đền bù cần được xem xét, lý giải rõ ràng; cần được nhanh chóng thực hiện dứt điểm việc rà soát, bổ sung phương án đền bù cho dân, chấm dứt khiếu kiện kéo dài mấy năm qua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên