Những nẻo đường gỗ lậu

Lạng Sơn được coi là thủ phủ của những vùng rừng có gỗ nghiến. Thế nhưng, rừng gỗ nghiến quý giá này đang bị khai thác cạn kiệt bằng đội ngũ lâm tặc liều lĩnh với những phi vụ vận chuyển gỗ táo bạo

21h đêm, Quốc lộ 1B đoạn chạy qua huyện Văn Quan tối mịt mùng. Thốt nhiên, màn đêm đen kịt bị xé toạc bởi ánh đèn xe máy mà chỉ nghe qua cũng đủ biết là tiếng gầm rú của những con trâu sắt min-khơ, loại xe cửu vạn chuyên vận chuyển gỗ lậu. 1 chiếc rồi 2,3 chiếc, đội quân trâu sắt cõng trên lưng những thớt gỗ nghiến, phóng với tốc độ cả trăm km một giờ như sẵn sàng đâm vào bất cứ ai có ý định cản đường.

Quốc Lộ 1B kéo dài thông suốt từ Thái Nguyên về Lạng Sơn qua các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan rồi xuống Đồng Đăng, từ lâu đã nổi tiếng bởi tình trạng vận chuyển gỗ lậu của các lâm tặc liều lĩnh. Thậm chí nếu cùng đường, chúng có thể đổ gỗ xuống sông Văn Quan, hoặc tháo chạy đến cùng, kể cả khi lực lượng chức năng chặn bằng các biện pháp quyết liệt như rải chông ngang đường. Công an huyện Văn Quan đã từng chặn bắt một chiếc xe bán tải chở hàng chục thớt gỗ nghiến từ huyện Bắc Sơn về. Chiếc xe bị lực lượng truy bắt đánh chông thủng lốp vẫn tiếp tục chạy bằng la zăng bánh xe. Khi không chạy nổi nữa thì tìm cách thả gỗ xuống đường, lăn xuống sông Văn Quan.

Một “cửu vạn” ở khu vực này cho biết: Mỗi chuyến anh ta đi được 4 cục nghiến, mỗi cục quy ra được 3- 4 chiếc thớt và bán cho chủ thớt ở thị trấn Đồng Đăng, được gần 200.000 đồng nhưng thỉnh thoảng bị kiểm lâm bắt thì mất cả hàng lẫn xe. Để đối phó với lực lượng truy bắt, lâm tặc tìm đường mòn để vận chuyển lâm sản. Chúng có thể bỏ đường 1B, chạy qua đèo Bén xuống huyện Chị Lăng để thoát ra đường 1A cũ. Thực tế, lâm tặc vận chuyển gỗ lậu ở Lạng Sơn có nhiều tốp  được tổ chức rất bài bản. Khi đã kết hợp với “cai thớt”, nhóm “cửu vạn” bỏ tiền chung nhau mua bộ đàm liên lạc, báo tin cho nhau trên đường.

Lâm tặc đang xẻ thịt rừng

Tại địa bàn xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng cũng có vô số đường bị các đối tượng vận chuyển gỗ lậu sử dụng vận chuyển hàng. Trong đó, đường vòng qua Thiện Kỵ xuống Yên Thế (Bắc Giang) được sử dụng nhiều nhất. Ngoài đội ngũ cửu vạn chạy xe máy chở thớt và nghiến thanh, chân tiện, ở khu vực này, ai cũng dễ dàng bắt gặp nhiều người trong đó có cả phụ nữ, trẻ em vác những khúc gỗ nghiến đi rất nhanh qua đường, họ sợ kiểm lâm bắt gặp. Đây cũng chính là nơi lâm tặc vận chuyển gỗ lậu từ xã Hữu Liên (Hữu Lũng), thậm chí từ Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) về tập kết tại thị trấn Mẹt, sau đó chuyển về xuôi.

Một tuyến đường nữa là Phổng - Thiện Kỵ. Từ ngày đường Phổng được đầu tư nâng cấp, mở thông sang đèo Thạp, con đường trở thành điểm nóng về vận chuyển gỗ lậu qua Bắc Giang.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2008 đã bắt giữ được gần 10.000 thớt gỗ nghiến cùng hàng trăm khối gỗ các loại. Tuy nhiên, con số thớt nghiến, gỗ quý bị lâm tặc triệt hạ, vận chuyển trót lọt ngày đêm chắc chắn còn gấp nhiều lần…

Giải thích về tình trạng thớt nghiến, gỗ lậu không ngăn chặn triệt để được, ông Đoàn Văn Tinh - Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Hữu Lũng - cho rằng: Lực lượng kiểm lâm quá mỏng, đi đâu cũng bị theo dõi nên việc bắt gỗ lậu rất nan giải. Còn chính quyền địa phương cũng cho rằng, lực lượng chức năng rất khó bắt được bọn buôn lậu gỗ, trừ những đợt ra quân rầm rộ. Hiện nay, chi cục kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ngăn chặn tình trạng vận chuyển, khai thác lâm sản quý hiếm. Đội kiểm lâm cơ động thường xuyên túc trực ngày đêm, thậm chí sử dụng cả biện pháp mua tin để chặn bắt lâm tặc.

Tuy nhiên, để ngăn chặn một cách hiệu quả những nẻo đường gỗ lậu này, thiết nghĩ, ngoài lực lượng chức năng, việc vào cuộc, quy trách nhiệm một cách triệt để hơn nữa đối với chính quyền địa phương, đồng thời tuyên truyền sâu rộng cho người dân sẽ là giải pháp hiệu nghiệm để ngăn chặn tình trạng này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên