Những nẻo đường hành khất

Nếu loại trừ những trường hợp lười biếng chỉ muốn sống bằng cách “ăn mày lòng thương hại” của người khác, thì đâu có ai muốn phải sử dụng đôi tay để chìa ra nhận những đồng tiền bố thí

Mấy năm gần đây, các cơ quan chức năng TP. Hà Nội thường xuyên mở các đợt cao điểm tập trung những người ăn xin để đưa vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội hoặc đưa họ về với gia đình, quê hương bản quán. Sau những “chiến dịch” này, đường phố vắng hẳn “đội quân” hành khất. Người dân rất mừng khi một vấn đề xã hội nhức nhối bước đầu đã được giải quyết.

Tuy nhiên, thời gian này, trên địa bàn  Thủ đô, “đội quân cái bang” đã xuất hiện trở lại ngày càng đông.

Phận hành khất…

Có một thực trạng ai cũng có thể nhận thấy là hiện nay, trên các đường phố Hà Nội, người ăn xin đang “tăng quân số” một cách đáng kể. Để tìm hiểu hiện tượng này, những ngày đầu tháng 2/2009, chúng tôi đã làm một cuộc điều tra “bỏ túi”. Tại vườn hoa Hàng Đậu, khi thành phố chưa bắt đầu một ngày làm việc mới, một nhóm 4-5 người ăn xin đã tụ tập lại để chuẩn bị một ngày rong ruổi. Tiếp xúc với chúng tôi, người đàn ông tên Đông kể rằng, nhà ông ở mãi Tuyên Quang. Nghèo quá, không đất ruộng, chỉ đi làm thuê kiếm sống, vợ ông lại bỏ đi lấy chồng bên Trung Quốc đã hai năm, phần do túng quẫn, phần vì chán đời, hai cha con dắt díu nhau xuống Hà Nội đi ăn xin sống qua ngày. Còn bà cụ tên Thảng, nằm co ro trên ghế đá gần đó cũng kể cho tôi nghe câu chuyện buồn về cuộc đời bà. Nhà bà ở tận Nông Cống, Thanh Hoá. Không chồng con, bà nuôi đứa cháu với ý định dựa dẫm lúc tuổi già. Nhưng đến khi bà già yếu cũng là lúc đứa cháu bà cưu mang không những không dưỡng nuôi mà còn tìm cách xua đuổi bà ra khỏi nhà. Già yếu, bệnh tật, bà chỉ còn biết đi ăn xin. Với đôi chân khập khiễng, bà cũng xin được đủ ăn. “Chưa biết khi nào thì chết, nhưng còn sống ngày nào thì phải kiếm ăn ngày ấy thôi!” - bà Thảng nói trong nước mắt.

Tại đường Trần Quang Khải, gần khu vực đối diện Ngân hàng Vietcombank, chúng tôi bị “thu hút” bởi một thân hình gầy guộc, vạ vật gần chốt cảnh sát giao thông ven đường. Đó là một ông lão quê ở Ninh Bình, lên Hà Nội hành nghề ăn xin từ gần một năm nay. Khi chúng tôi đến “tìm hiểu sự tình”, ông thều thào tâm sự tiếng được tiếng mất: “Quê tôi ở Gia Viễn. Sống độc thân từ nhỏ, ở quê không còn ai họ hàng thân thích, đành khăn gói lên Hà Nội ăn xin kiếm sống qua ngày...”. Qua tiếp xúc, chúng tôi thấy ông lão già lắm rồi, bước chân không còn vững. Cầm mấy chục nghìn chúng tôi biếu mà tay ông run rẩy, rồi cho vào cái túi áo khoác cáu bẩn, ghim kim tây cẩn thận, miệng lắp bắp lời cảm ơn.

… Và “kỹ nghệ ăn mày”

Anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi kể, mùng 6 Tết vừa rồi, đang ngồi trong quán nước, một bà lão chân bước không nổi, lưng còng gần sát đất, tiến vào kể lể với anh câu chuyện thương tâm về mình và xin vài ngàn mua cơm. Ai lại nỡ chối từ một hoàn cảnh như vậy. Nhưng chỉ vài phút sau khi rời khỏi quán nước, anh phát hiện ra bà lão ấy chẳng hề già yếu, đáng thương như cái vẻ của bà trước đó. Bà đi thẳng người, cười nói oang oang với chị bán vé số.

Chị vợ anh bạn tôi còn kể câu chuyện “ly kỳ” hơn: Hôm 28 Tết, chị đang mua hàng trong chợ Đồng Xuân thì một thanh niên thọt chân, chống nạng, quần áo rách bươm, tay chân đầy vết trầy xước tiến đến. Anh ta than rằng đi bán vé số bị bọn lưu manh cướp hết, chúng còn đánh ngã anh, anh bị thọt chân nên không thể làm gì được, xin mấy ngàn đồng mua thuốc uống cho đỡ đau. Thấy tội, chị vội mở hầu bao.

Nhưng hôm sau, cũng ở chợ Đồng Xuân, chị vừa tiếc vừa bực mình khi phát hiện gã thanh niên ấy đang áp dụng “kịch bản” tương tự với người khác, với những vết trầy xước được hóa trang còn mới nguyên. “Không phải tự nhiên mình “đứt” xúc cảm khi thấy người ăn xin. Chẳng qua vì trong đó có quá nhiều người lười biếng sống bằng sự lừa dối, như vậy là “ăn mày lòng thương hại” của người khác trong khi bản thân có thể tự lao động để nuôi thân” - Chị cho hay.

Câu hỏi còn “bỏ lửng”

Qua tìm hiểu được biết, hiện TP. Hà Nội chưa có điều tra về số lượng người ăn xin “tái hoạt động” trên địa bàn Thủ đô cũng như chưa có chính sách an sinh xã hội nào hỗ trợ cho những người không nghề nghiệp, lang thang và xin ăn. Theo đánh giá của các ngành chức năng, thường thì vào dịp lễ hội, người ăn xin ở khu vực Thủ đô lại có chiều hướng gia tăng. Ngoài biện pháp thu gom trẻ em, người lớn lang thang mỗi khi có “chiến dịch” đưa họ trở về gia đình thì hầu như chưa có một sự hỗ trợ nào cho những người này để họ tìm được công việc khác.

Thực tế có biết bao hoàn cảnh thương tâm, có không ít mảnh đời trắc trở trong đội quân hành khất mà chúng tôi gặp dưới cái bóng lộng lẫy của Thủ đô. Một buổi chiều tà của cuộc đời, một khúc quanh nghiệt ngã của cõi trần ai, nếu loại trừ những trường hợp lười biếng chỉ muốn sống bằng cách “ăn mày lòng thương hại” của người khác, thì đâu có ai muốn phải sử dụng đôi tay để chìa ra nhận những đồng tiền bố thí. Không thể cấm đoán, ngăn cản khi mọi sự xin - cho đều bắt đầu từ sự tự nguyện... Nhưng, nét văn hoá, văn minh của một Thủ đô sẽ được nhìn nhận như thế nào khi mà hình ảnh của người ăn xin ngày càng “đậm đặc”? Một cuộc vận động lớn, huy động sự đóng góp của toàn xã hội cùng với một khoản ngân sách để lo toan cho sự an sinh ấy. Tại sao không? Cho đến bây giờ, câu hỏi này vẫn còn bỏ lửng./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên