Những người giữ sóng trong mây

Có lên tận nơi, chứng kiến những khó khăn vất vả của những chàng trai trẻ, những cư dân hiếm hoi trên đỉnh Phia Oắc này mới cảm nhận được một điều, cánh sóng Tiếng nói Việt Nam ngày càng vươn xa có một phần không nhỏ công lao thầm lặng của họ - những người canh sóng

Phia Oắc là ngọn núi cao nhất tỉnh Cao Bằng (1.930m). Trước kia, nơi đây hầu như không có dấu chân người. Giữa năm 2006, Phia Oắc dần chuyển động với tiếng ô tô, tiếng máy xúc, máy ủi, máy trộn bê tông… Đó là âm thanh xây dựng công trình Trạm phát sóng phát thanh FM - 10kW. Cũng từ khi có trạm, những chàng trai trẻ với nhiệm vụ giữ cánh sóng của Đài TNVN đã trở thành những cư dân hiếm hoi trên đỉnh núi cao mờ sương và giá lạnh.

Nửa tháng làm “người rừng”

8 giờ 30 phút, chúng tôi rời thị xã Cao Bằng đi Phia Oắc, nằm trên địa phận xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, cách trung tâm thị xã Cao Bằng khoảng 70km về phía Tây Bắc. Vừa lên xe, ông Bế Văn Bào, lái xe Đài PT-TH tỉnh Cao Bằng bảo: “Chắc phải qua chợ mua ít rau xanh, thực phẩm rồi lên nhờ anh em trên trạm nấu cơm hộ vì giờ này mới đi thì lên đó đã trưa trật, nếu quay về thì cũng quá bữa, chẳng tìm được chỗ nào để ăn đâu”. Là người gắn bó với Trạm phát sóng FM Phia Oắc từ những ngày đầu nên ông rất thạo đường và biết khá nhiều chuyện về trạm phát sóng trong mây này.

Dọc đường đi tới đỉnh núi Phia Oắc, ông kể khá nhiều chuyện. Nào là chuyện những ngày đầu xe tải vận chuyển nguyên liệu, thiết bị lên để xây lắp trạm, do đường mới mở, độ dốc cao, mấp mô và trơn trượt nên phải nhờ những chiếc máy ủi, máy xúc trợ sức đẩy từ phía sau mới vượt qua được. Nguy hiểm hơn là những lần ông chở xăng, dầu lên trạm để chạy máy nổ vì trong 1 năm đầu chưa có điện. Do không có xe chuyên dụng nên ông cột những can xăng, dầu thật chặt vào hàng ghế phía sau xe rồi vận chuyển lên trạm. Có lần, ông đang chật vật leo dốc lên đỉnh Phia Oắc thì phát hiện một can xăng bị bật nắp. Người toát hết mồ hôi, nhưng ông vẫn cố gắng lái xe vượt dốc. Thật may, lần đó không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Có những lần đường sạt, xe không vượt qua được, ông chỉ còn cách xuống xe đi bộ lên đỉnh núi. Trong những lần leo dốc, đôi khi ông bất ngờ gặp rắn hổ mang chì nằm chắn ngang đường phơi nắng. “Loài rắn hổ mang chì có màu rất giống đất đá nên nếu không để ý mà lỡ giẫm phải thì mất mạng như chơi” - ông Bế Văn Bào nói.

Mặc dù phần lớn quãng đường từ thị xã Cao Bằng lên đỉnh Phia Oắc đã được mở rộng và san phẳng, nhưng với độ dốc cao và quanh co thì việc đi lại không hề dễ dàng. Riêng quãng đường 6,5km bắt đầu từ đường 212 lên đỉnh núi nơi đặt cột trạm vẫn là nền đường đá sỏi mấp mô, trơn trượt đang được san gạt, nâng cấp thành quốc lộ. Phải mất hơn 3 giờ chúng tôi mới vượt qua những đoạn đường cua tay áo, rồi trèo đèo, leo dốc… để lên tới đỉnh Phia Oắc.

Gặp chúng tôi, chàng trai trẻ Phan Văn Công, sinh năm 1983 cho biết: “Khách du lịch lên vùng này rất ít và thường thì họ không trở lại lần thứ hai”. 3 tháng trước, có hai người bạn thân lên chơi, Công đã phải gọi điện trấn an: “Đường lên trên đỉnh núi dễ lắm, cứ lên đi rồi tao xuống đón”. Vậy mà khi vượt dốc, người đi trước đã làm rơi vãi hết rau củ, thực phẩm vốn được cài cẩn thận vào xe mà không hề hay biết. Chỉ khổ ông bạn đi sau vừa phải cố gắng vượt đường dốc, vừa phải gom rau, thực phẩm để mang lên làm quà cho bạn. “Khi lên tới nơi, hai người bạn của em vẫn chưa hoàn hồn vì đường quá dốc và khó đi. Bình thường tụi em phải cài số 1 đi một mình một xe mà vẫn phải ì ạch khi leo dốc. Vậy mà, có lúc quá đà còn bị ngã như… đập đất” - Công kể.

Do đường khó đi nên trong hơn 1 năm làm việc ở đây, đó là lần duy nhất Công rủ bạn lên đỉnh Phia Oắc chơi thành công. Nhắc tới chuyện này, Hoàng Hoài Hiên, sinh năm 1986 cho hay: “Mỗi khi thời tiết đẹp, em vẫn thường rủ bạn bè lên ăn cơm, chơi 1- 2 giờ rồi lại về, nhưng cũng chỉ có vài đứa dám lên. Khi về, chúng nó bảo: “Tụi mày sống ở trên này không khác gì người… rừng”.

Hết lòng vì cánh sóng!

Trông coi và vận hành Trạm phát sóng FM trên đỉnh núi Phia Oắc tất thảy có 6 người (đều thuộc biên chế của Đài PT - TH Cao Bằng), được chia làm 2 đội, mỗi đội trực nửa tháng. “Mỗi lần lên thay ca, người nào người nấy đều chuẩn bị gạo, thức ăn để đem lên rồi góp gạo thổi cơm chung. Được khoảng 5 ngày, anh em lại cử một người xuống chợ mua sắm rau cỏ, thực phẩm và thức ăn. Chợ gần nhất cũng phải mất 20km đường rừng nên cứ mỗi lần đi chợ là mất ngày, mất buổi. Vừa sáng nay, một anh đã phải xuống chợ mua đồ tiếp tế từ sớm” - Công kể.

Từ căn phòng ở của những chàng trai trẻ nhìn ra ngoài hiên, chúng tôi thấy những giọt sương trĩu nặng đang đọng trên sợi dây phơi. Vào mùa đông, những giọt sương lạnh giá này đóng thành băng tuyết khiến cho những đồ phơi trên nó gắn chặt vào nhau, rất khó tách rời. Muốn lấy đồ ra khỏi dây thì chỉ còn có cách duy nhất là dội nước sôi vào. Khổ nhất là những ngày có tuyết, để có nước nấu cơm, mọi người phải chịu khó đốt cho băng tan thành nước.

Thời tiết ở độ cao gần 2.000m này không hề thuận lợi cho sinh hoạt và làm việc. Dù lúc chúng tôi đi mới chỉ là đầu giờ sáng nhưng dưới thị xã Cao Bằng nắng đã như đổ lửa. Vậy mà, khi lên đến lưng chừng đỉnh núi Phia Oắc, sương vẫn giăng mờ lối đi và nhiệt độ cũng giảm chỉ còn 16 – 17oC. “Trên đỉnh núi này nhìn thấy ánh nắng mặt trời là rất hiếm, thường chỉ được một lúc giữa trưa, còn lại quanh năm suốt tháng mây phủ. Tụi em cũng phải mặc áo rét suốt” - Hiên cho biết.

Hôm chúng tôi lên thăm, có lẽ do quá đông thực khách nên bếp củi dã chiến của đội đã được trưng dụng để nấu nướng. Hiên tâm sự: “Những ngày đầu lên trạm, do điện lưới chưa có nên mọi việc nấu nướng đều nhờ vào bếp củi. ở trên núi cao, độ ẩm lớn khiến cho củi ướt nhoèn, nhóm cả ngày có khi cũng không xong. Để khắc phục, anh em trên trạm đã phải cắt, khoét thùng phi, rồi đem úp xuống tạo thành bếp. Bên dưới thì cho củi vào nhóm, còn bên trên và xung quanh thì chất đầy củi để sấy cho khô. Bếp lửa này phải duy trì liên tục, nếu không thì rất tốn công nhóm lại”. Khi lưới điện quốc gia được đưa đến vùng này thì việc nấu nướng đã bớt khó khăn đi rất nhiều, mọi người trên trạm còn được xem cả ti vi nữa. Đường đi cũng đang được đổ bê tông, hiện đã được 2km. Dù vậy, những khắc nghiệt về thời tiết thì không thể khắc phục.

Hiên kể: “Vào những ngày mưa, hay áp thấp nhiệt đới về, gió thường thổi rất mạnh. Mỗi lần mở cửa phải có đủ 3 người mới ra được, 2 người giữ cửa, 1 người ra và cứ thế lần lượt thay nhau ra. Khi vào cũng vậy, mọi người phải hò nhau chốt cửa vì gió mạnh cảm giác như bay người”. Riêng sấm sét ở nơi này, ai đã từng một lần chứng kiến thì đều kinh hồn, bạt vía. “Mỗi lần sét đánh, mọi người đều phải lấy chăn trùm đầu vì sét nổ ngang tai quá to. Sấm, sét làm rung hết cả đất nền khu nhà, như xới tung mọi thứ lên vậy” - Công mô tả. Theo thống kê, từ khi trạm phát sóng đi vào vận hành tới nay đã có tổng cộng 11 lần sét đánh làm đứt cầu báo sét - mỗi lần thay mất 3 triệu đồng.

Dù thời tiết khắc nghiệt, đi lại, sinh hoạt còn nhiều khó khăn nhưng tất cả những thành viên làm nhiệm vụ giữ sóng trên trạm đều quyết tâm vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Rời trạm phát sóng, chúng tôi xuống lưng chừng núi Phia Oắc thì gặp Lý Ngọc Khiêm đang đi chợ về. Dừng lại hỏi chuyện, Khiêm cho biết: “Mỗi lần đi chợ chỉ mua được chừng vài ba cân thịt, mấy mớ rau, mấy cân củ quả thôi. Bởi nếu mua nhiều cũng không thể chở lên được và khả năng bảo quản cũng hạn chế”. Hồi mới lên, Khiêm và những thành viên giữ sóng trên trạm ai nấy đều rất chăm chỉ trồng rau, bầu, bí… nhưng do thời tiết sương muối lạnh giá nên cây không phát triển được. Được biết, Khiêm là thành viên duy nhất trong 6 người giữ sóng trên đỉnh núi Phia Oắc đã lập gia đình, còn lại mới chỉ có người yêu. “Sống trên đỉnh núi cao này, cách duy nhất để “giữ người yêu” chỉ là gọi điện và nhắn tin thường xuyên thôi” - một thành viên trong đội tiết lộ.

Có lên tận nơi, chứng kiến những khó khăn vất vả của những chàng trai trẻ, những cư dân hiếm hoi trên đỉnh Phia Oắc này, chúng tôi mới cảm nhận được một điều, cánh sóng Tiếng nói Việt Nam ngày càng vươn xa có một phần không nhỏ công lao thầm lặng của họ - những người canh sóng./.    

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên