Những người mang duyên nợ với rừng

Những cán bộ kiểm lâm địa bàn ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai, với công việc của mình, đang thầm lặng gìn giữ màu xanh cho đất nước

Đưa kiểm lâm về địa bàn phụ trách các xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được thực hiện từ năm 2006. Với vai trò nòng cốt, tham mưu cho chính quyền cơ sở trong công tác quản lý bảo vệ rừng, kiểm lâm địa bàn đã thực sự phát huy được vai trò của mình, góp phần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) ở địa bàn các xã.

Những nữ kiểm lâm giỏi nghề

Nhắc đến kiểm lâm, cứ tưởng phải là những bậc nam nhi trẻ, khỏe, vạm vỡ, ấy vậy mà thật ngạc nhiên khi cán bộ kiểm lâm chúng tôi gặp lại là một phụ nữ mặn mà, đầy nữ tính. Chị là Đinh Thị Tám, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Hải Yang, thuộc huyện Đăk Đoa. Đã 28 năm trong nghề, từng là kiểm lâm địa bàn của nhiều xã, với chị Tám, khoác trên người màu áo của kiểm lâm không đơn thuần là sắc phục của người lính giữ rừng mà chị gửi vào đó là lòng say nghề, tình yêu màu xanh của những cánh rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Chị Đinh Thị Tám
Là nữ, lại làm công việc của đấng mày râu, chị Tám hiểu rõ những khó khăn mà mình phải đương đầu. Không ít lần chị bị “lâm tặc” đe dọa rồi dụ dỗ, thậm chí cười cợt, song vượt lên tất cả, chị vẫn bình tĩnh, tự tin và làm tốt công việc của mình.

Chị Tám kể: địa bàn chị phụ trách phần đông là đồng bào dân tộc Bana, người dân theo chế độ mẫu hệ nên khi có nữ làm cán bộ kiểm lâm, các mẹ, các chị tự hào lắm! Vậy là nữ cũng có thể tham gia công việc chính quyền, làm việc ngang bằng với đàn ông. Vì vậy, trong tuyên truyền, chị Tám cũng có được những thuận lợi riêng: “Mình nói đồng bào nghe lắm! Họ về lại nói lại với chồng, với con làm theo cách làm mới, sản xuất nông- lâm kết hợp, làm mô hình canh tác bền vững nên không còn phá rừng”- chị Tám tâm sự.

Tiếp nối chị Tám, giờ đây hạt kiểm lâm Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai đã có thêm nữ kiểm lâm địa bàn trẻ Vũ Thị Cảnh, 26 tuổi. Cùng với các cán bộ kiểm lâm khác, những nữ cán bộ như chị Tám, em Cảnh đã giúp cho công tác giữ rừng ở Đak Đoa đạt hiệu quả. Đường dài, rồi đi rừng, các chị cũng không thua kém gì nam giới, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nói như ông Nguyễn Trọng Khẩn, Phó hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Đăk Đoa: “nam giới nhiều khi còn phải chạy dài”.

“Mới đầu khi có ý định đưa phụ nữ về phụ trách địa bàn chúng tôi cũng cân nhắc lắm! Nhưng giờ thì cho thấy hiệu quả rõ ràng. Đặc biệt trong công tác tuyên truyền chị em làm tốt hơn hẳn kiểm lâm nam. Đồng bào Bana theo chế độ mẫu hệ, họ thấy có nữ kiểm lâm viên về làm việc cũng hào hứng hơn. Họ nghĩ biết đâu sau này con gái họ cũng đi làm được kiểm lâm như các chị”.

Gần dân, hiểu dân để dân tin

Khác với địa bàn của chị Tám, phụ trách 2 xã biên giới Ia Non và Ia Pnon giáp ranh giữa huyện Đức Cơ và nước bạn Cam Pu Chia, việc kiểm tra, kiểm soát buôn bán vận chuyển, buôn bán lâm sản và động vật rừng ở khu vưc của khẩu Lệ Thanh diễn ra rất phức tạp. Các cán bộ kiểm lâm địa bàn ở đây thường phải túc trực 24/24 tại chốt cụm địa bàn và phân công nhau đi về các xã. Với căn nhà nhỏ tại cửa rừng, 7 kiểm lâm viên vừa làm việc, vừa ăn, nghỉ và trực chiến ở đây. Anh Hoàng Văn Tiến, Cụm trưởng cụm kiểm lâm địa bàn số 2 cho biết: cuộc sống tạm bợ và vất vả khó khăn song hình như duyên nợ với rừng đã giữ chân các anh lại để tiếp tục gắn bó với công việc.

Anh Nguyễn Lễ
Phụ trách các địa bàn vùng sâu, vùng xa, phần đông là người đồng bào dân tộc thiểu số, để tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức giữ rừng, mỗi cán bộ kiểm lâm không chỉ làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương, mà phải làm tốt công tác vận động tuyên truyền. Muốn vậy, các anh phải nói được tiếng của đồng bào, hiểu được phong tục tập quán của họ và cùng với đồng bào xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, canh tác bền vững để hạn chế áp lực vào rừng. Cứ từng bước, từng bước thay đổi nếp nghĩ lạc hậu, phá rừng làm rẫy, thay đổi tập quán du canh, giúp đồng bào có cuộc sống ổn định và tham gia tích cực vào công tác trồng rừng.

Kiểm lâm địa bàn xã Ia Rsươm, huyện KRông Pa, anh Nguyễn Lễ đúc kết: “Chỉ có gần dân, hiểu dân và hết lòng vì dân thì họ mới tin, mới nghe và mới làm theo được.”

Vẫn hoàn thành nhiệm vụ!

5 năm triển khai thực hiện đưa kiểm lâm về phụ trách địa bàn các xã, vai trò trách nhiệm và nhận thức của chính quyền địa phương và người dân tỉnh Gia Lai đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều huyện đã ban hành được quy chế phối hợp giữa Hạt kiểm lâm với UBND các xã, thị trấn trong việc quản lý, chỉ đạo đối với kiểm lâm địa bàn.

Ông Nguyễn Duy Lân, Phó chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: các xã đều đã xây dựng được quy ước bảo vệ rừng tới cộng đồng dân cư, xây dựng lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ rừng. Các phương án, kế hoạch QLBVR, PCCCR, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp được xây dựng và kiểm tra thường xuyên.

Theo quy định tại quyết định 186/2006/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng, mỗi kiểm lâm địa bàn phụ trách khoảng 1.000 ha rừng phòng hộ, 500 ha đối với rừng đặc dụng và khoảng 2.000 ha đối với rừng sản xuất, thì Gia Lai cần khoảng 719 kiểm lâm địa bàn song thực tế hiện tại biên chế kiểm lâm địa bàn của Gia Lai chỉ có 386 người, còn thiếu 117 người. Mặc dù khó khăn về biên chế, mỗi kiêm lâm viên phải phụ trách địa bàn của 2,3 xã với diện tích rừng lên tới vài ngàn hec-ta song vì lòng say nghề, tình yêu với rừng mà các anh, các chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần tạo nên màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên