Những tấm lòng “Cát Trắng”

Trong 2 năm, nhóm đã giúp cho gần 300 người nghiện ma tuý cai nghiện và tự tin trở về với cuộc sống.

Được thành lập từ tháng 5/2009, nhóm tự lực Cát Trắng (Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) gồm 5 thành viên chủ chốt, đều là những người đã từng sử dụng ma túy lâu năm. Không chỉ giúp mình, Cát Trắng còn giúp những người đồng đẳng (cũng sử dụng ma túy) thoát ra khỏi chất gây nghiện nguy hiểm này để họ có thể hòa nhập với cộng đồng.

Từ những trải nghiệm của người trong cuộc

Không lấy kiến thức từ sách vở thông thường mà bằng chính những gì mình đã trải qua, Cát Trắng đến với từng người sử dụng ma túy. Năm thành viên của Cát Trắng là chị Hà, chị Hằng, anh Thịnh, anh Quang, anh Trường đều từng sử dụng ma túy và cai nghiện nhiều lần mới thành công.

Căn nhà nhỏ của anh Thịnh là "trụ sở" của Nhóm Cát Trắng,
mỗi tháng có 2 buổi sinh hoạt định kỳ cho gần 30 thành viên.

Anh Thịnh từng nghiện ma túy hơn chục năm, 5 lần cai nghiện chật vật mãi mới thành công. Còn chị Hằng mắc vào ma túy với hoàn cảnh đặc biệt : chồng hút ma túy, khuyên can mãi không được, chị cũng hút để chồng “sợ”. Cuối cùng chính chị lại rơi vào vòng ma túy. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng vì những lý do khác nhau, họ đều từng bị “con ma trắng” theo đuổi. Khi nhắc lại quãng thời gian cai nghiện của mình, họ vẫn còn cảm thấy ớn lạnh.

Anh Quang trầm ngâm kể về quãng thời gian mình cai nghiện. Ngày trước, khi mới hút, mỗi ngày anh chỉ tốn 30.000- 50.000 đồng, sau “lên giá” mỗi ngày tốn đến 200.000 đồng. Thương vợ, thương con, anh quyết tâm cai nghiện. Anh phải tự nhốt mình vào buồng kín, vật vã mỗi khi lên cơn. Vợ con chỉ mang cơm vào đúng bữa còn ngày ngày anh phải đối mặt với bốn bức tường và cơn thèm thuốc dày vò. Ngay cả khi cai nghiện được rồi thì trong vòng 1, 2 năm anh vẫn bị kích thích khi thấy người khác hút. Vì vậy, phải khó khăn lắm anh mới cai nghiện thành công.

Khi được hỏi về lý do tại sao các thành viên Cát Trắng lại làm công việc này, anh Quang cười nói: “Chúng tôi đã từng nghiện nên hiểu được nỗi khổ sở của người nghiện. Tác hại của ma túy ai cũng biết. Hại sức khỏe, tốn tiền của, có thể là nguyên nhân của phạm tội. Như anh Thịnh, nghiện chục năm, tốn không biết bao nhiêu tiền. Ngày trước ở cái lều ở gần ao, 8 năm không hút nữa giờ xây được căn nhà khang trang. Chúng tôi muốn giúp những người nghiện và từng nghiện vượt qua mặc cảm bản thân, sống cuộc sống bình thường. Có người hơn chục năm trong tù, ra tù gia đình bỏ rơi, không quan tâm, chán trường lại tái nghiện. Những hoàn cảnh ấy rất đáng thương”.

Với anh Trường thì điều mà anh cảm thấy buồn nhất trong quãng thời gian cai nghiện là bị mọi người luôn coi như tội phạm, dè chừng và xa lánh. Anh làm công việc này vì muốn mọi người hiểu rằng: “Nghiện ma tuý là một căn bệnh cần được điều trị lâu dài chứ không phải tội phạm”. Anh muốn giúp những người đồng đẳng vượt qua quãng thời gian khó khăn nhất mà anh đã từng trải qua.

Từ sự cảm thông và từ chính những trải nghiệm của người trong cuộc, năm thành viên của Cát Trắng tìm đến với những người nghiện, giúp họ từ bỏ ma túy.

Niềm vui từ công việc

Ngay từ khi bắt đầu, Cát Trắng gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là đối mặt với sự kỳ thị của cộng đồng, rất nhiều người vẫn còn nhìn những người đã từng sử dụng ma túy với ánh mắt dè chừng và thiếu thiện cảm. Anh Thịnh kể, khi mới dựng tấm biển Cát Trắng lên đầu nhà, công an phường đến bắt dỡ xuống vì tưởng nhóm tụ tập nghiện ngập. Sau này biết Cát Trắng là thành viên của Hội phòng chống HIV/AIDS thì mọi người xung quanh mới dần hiểu và chấp nhận.

Có rất nhiều người sử dụng ma túy và gia đình có người thân mắc nghiện đến với Cát Trắng để được giúp đỡ. Các thành viên của Cát Trắng như anh Quang, chị Hằng đến từng nhà, tư vấn cho họ. Văn phòng của nhóm - nhà của anh Thịnh - trở thành nơi cai nghiện. Đợt cao điểm, có đến 10 người cùng cai nghiện ở nhà anh.

Việc đến gặp những người đang sử dụng ma túy và giúp họ trở về với cuộc sống bình thường cũng không phải là chuyện đơn giản. Anh Thịnh chia sẻ: “Khi đến nhà những người đang sử dụng ma tuý, gia đình của họ thường đuổi chúng tôi và không cho gặp. Họ nghĩ Cát Trắng đến rủ con mình hút thuốc (!). Cũng có khi, chính những người đang nghiện lại mời mọc chúng tôi hút lại”. Chính vì thế, phải rất nghị lực và quyết tâm, các thành viên Cát Trắng mới có thể vững vàng trước rất nhiều cám dỗ và khó khăn như vậy.

Khác với các trung tâm cai nghiện hay những phương pháp cai nghiện tại gia như trói, nhốt hay sử dụng thuốc cai nghiện, Cát Trắng chủ yếu sử dụng yếu tố tinh thần, ý chí của người bệnh là chính. Các thành viên phân tích cho họ và gia đình tác hại của ma túy, động viên và khuyên nhủ người nghiện đừng vì ánh mắt kỳ thị của cộng đồng mà buông xuôi cuộc sống của chính mình. Hãy sống cho mình và gia đình, cha mẹ cần được phụng dưỡng, vợ con cần được chăm sóc. Mưa dầm thấm lâu, chính những tác động tâm lý ấy đã người nghiện ma túy dần lấy lại được niềm tin và có nghị lực để cai nghiện. Những lúc người nghiện lên cơn, các thành viên sẽ giúp họ xoa bóp, mát xa để giảm cơn.

Chấm dứt cuộc sống phụ thuộc vào “chất trắng” rất vất vả và gian nan, nhưng hành trình của những người sử dụng ma túy trở về với cuộc sống bình thường còn gian nan gấp bội. Sau khi trở về với nhịp sống thường, họ phải bước ra ánh sáng, xuất hiện trước cộng đồng, vượt qua những kỳ thị để vươn lên. Không chỉ giúp những người sử dụng ma túy cai nghiện, Cát Trắng còn tư vấn hướng nghiệp và hỗ trợ tìm kiếm việc làm miễn phí cho họ. Cát Trắng tự mình liên hệ với những nhà tuyển dụng, đưa thành viên của mình đến tận nơi, đi cùng phỏng vấn để họ có thêm tự tin.

Trong suốt 2 năm qua, có gần 300 người được Cát Trắng giúp đỡ. Đó không phải là con số quá lớn. Nhưng phần lớn trong số họ đến với Cát Trắng, trở lại với cuộc sống bình thường và hoàn toàn tự tin là một điều rất ý nghĩa. Như trường hợp của anh Âu Xuân Trường (Long Biên, Hà Nội) nhờ Cát Trắng mà cai nghiện thành công, sau đó anh cũng xin gia nhập thành viên của Cát Trắng để giúp đỡ những người khác. Anh chia sẻ: “Nhìn những người đã tìm đến với trung tâm trở lại cuộc sống bình thường là điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất”.

Hiện nay, công việc thường nhật của nhóm tự lực Cát Trắng vẫn là tìm đến những người nghiện ma túy cần giúp đỡ, tham gia những hội thảo để có thêm kiến thức, tiến hành Dự án hỗ trợ tìm kiếm việc làm miễn phí cho người sống chung với HIV, người sử dụng ma túy, lao động tình dục và MSM (quan hệ đồng giới). Làm rất nhiều công việc như vậy, mỗi thành viên Cát Trắng được nhận 1,2 triệu/ tháng (do một tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ), số tiền đó thực chất chỉ đủ tiền xăng xe đi lại, không thể đủ tiền chi trả cho những sinh hoạt trong gia đình. May mắn là những người trong gia đình họ đều hiểu công việc của họ, giúp họ chăm lo việc nhà để hoàn thành tốt công việc của mình.

Khi được hỏi về tương lai công việc bởi tới đây có thể Cát Trắng không còn được hỗ trợ nhiều như trước nữa, anh Thịnh cho biết: “Chúng tôi rất muốn tiếp tục làm công việc này và sẽ cố gắng duy trì lâu nhất có thể, vì có rất nhiều người cần đến sự giúp đỡ của chúng tôi”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên