Vùng than Mạo Khê:

Nhường khai trường cho thổ phỉ

Một cuộc “ra quân” năm mới hoành tráng lấy đi khoảng gần 100.000 tấn than. Nhưng ai là chủ nhân của “cuộc ra quân” vẫn chưa hề lộ mặt…

Trong vòng một tuần lễ (từ 12 đến 19/2/2010) một lực lượng cơ giới hùng hậu gồm khoảng 80 xe ben và hơn 20 chiếc máy xúc hiện đại đã ồ ạt tiến vào các khu mỏ thuộc Công ty than Mạo Khê (Đông Triều – Quảng Ninh). Có lẽ, trong lịch sử ngành than, chưa bao giờ có một cuộc “ra quân” năm mới hoành tráng đến như thế. Theo ước tính sơ bộ, đợt “ra quân” này đã khai thác được một lượng than khổng lồ, khoảng gần 100.000 tấn.

Có điều, hơn một tháng đã trôi qua, vẫn chưa ai biết được chủ nhân của “cuộc ra quân” này là ai. Và, quan trọng hơn là hàng chục vạn tấn than, tương đương hàng trăm tỷ đồng đã bị cướp đi và bốc hơi vô tăm tích. Tại hiện trường chỉ còn lại 11 hố mỏ mà Công ty than Mạo Khê phải mất hơn một tháng trời dùng phương tiện cơ giới mới có thể lấp kín để hoàn nguyên.

Những lò than thổ phỉ vẫn tiếp tục hoạt động trong hành lang mỏ

Vụ cướp than diễn ra trong đúng một tuần nghỉ lễ (từ 29 đến 6 tết Canh Dần) tập trung vào các điểm lộ thiên thuộc vỉa 11, vỉa 9b, vỉa 9a thuộc ranh giới quản lý của Công ty than Mạo Khê mà không gặp bất cứ một sự ngăn chặn nào của lực lượng bảo vệ mỏ cũng như chính quyền địa phương. Chiều ngày 29/3/2010, trong buổi làm việc với báo chí, ông Lê Minh Chuẩn, phó TGĐ TKV, cho biết có 4 lý do chính: Sự việc xảy ra vào dịp Tết, việc khai thác diễn ra vào ban đêm, lực lượng bảo vệ mỏng, đối tượng manh động. Phân tích những nguyên nhân kể trên, có thể thấy những điều không bình thường ở vụ cướp này.

Thứ nhất: Sự việc mặc dù xảy ra vào dịp Tết, các đơn vị chức năng có thể chủ quan lơ là đối với công tác bảo vệ. Song, tại bản báo cáo số 973 của Công ty Than Mạo Khê, đơn vị này cho biết: trước tình hình khai thác than trái phép diễn ra phức tạp thì ngày 10/2/2010 Công ty này đã có công văn khẩn cấp mời UBND huyện Đông Triều và các xã trong địa bàn, các cơ quan liên quan họp bàn và thành lập tổ công tác trực chiến. Như vậy, Công ty than Mạo Khê đã không hề chủ quan, lơ là. Mặc dù vậy, hai ngày sau 12/2/2010, đạo binh than thổ phỉ đã ồ ạt ra quân.

 Thứ hai: Việc khai thác diễn ra vào ban đêm nên lực lượng bảo vệ khó kiểm soát tình hình. Nhìn vào quy mô của vụ “cướp” than này, khó có thể cho rằng đối tượng đã lén lút. Hàng trăm phương tiện cơ giới, đặc biệt là hơn 20 chiếc máy xúc khai thác liên tục trong một tuần lễ thì không thể nào lên khai trường rồi rút lui trong đêm. Các phương tiện này đã ngang nhiên có mặt tại hiện trường trong suốt một tuần lễ.

Chủ ngôi nhà này đã dời đi, nhường chỗ cho than thổ phỉ dễ bề hoạt động.

Thứ ba: Lực lượng bảo vệ mỏng nên không thể chống đỡ được những kẻ cướp than có lực lượng hùng hậu và đầy sự hung hãn. Lý do này xem ra đáng thuyết phục nhất, song nếu lực lượng mỏng, trong vòng một tuần lễ đó vì sao Công ty than Mạo Khê không yêu cầu tập đoàn và các đơn vị chức năng cử lực lượng hỗ trợ? Nhưng không có những động thái đó.

Cuối cùng: Sự manh động của đối tượng đúng là đáng sợ. Đã có những bảo vệ bị ném mình vào nhà, có người bị dao chém trong những vụ việc trước đó. Song, trong vụ việc này, dẫu đội quân “cướp” than đông đảo, hùng hậu nhưng chúng không cần thể hiện sự manh động. Ông Lê Minh Chuẩn, Phó TGĐ TKV chỉ lờ mờ phỏng đoán “tôi đoán là có va chạm nhưng lực lượng của chúng tôi quá yếu, nên lờ đi”

Qua bốn yếu tố kể trên, có thể thấy trong suốt một tuần lễ, cả một đội quân được trang bị phương tiện cơ giới hiện đại (ông Chuẩn cho biết hiện đại hơn rất nhiều so với phương tiện của Công ty than Mạo Khê) ung dung khai thác hàng trăm ngàn tấn than mà không gặp bất cứ sự ngăn chặn nào của đơn vị quản lý cũng như chính quyền địa phương. Tài nguyên của Nhà nước bị cướp trắng trợn, nhưng cách thức mà hàng trăm ngàn tấn than bị mất đi, xem ra không giống một vụ cướp. 

VOVNews sẽ tiếp tục đề cập “vụ cướp” không bình thường này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên