Nỗi buồn bên suối H'way

Bữa cơm thường ngày của người dân nơi đây là cơm và ngô độn, rau được nhặt từng ngọn ngoài vạt suối, bìa rừng. Đói nghèo khiến người dân càng thêm nhỏ bé giữa đại ngàn Tây Nguyên

Xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai có 221 hộ, 1.188 nhân khẩu với đa phần là đồng bào Bahnar sinh sống. Đây là vùng căn cứ cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến kiên cường của dân tộc. Chiến tranh kết thúc, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, người dân nơi đây chăm chỉ, cần cù bắt tay vào công cuộc xây dựng kinh tế. Nhưng đã 35 năm qua, nghèo khó vẫn đeo bám dai dẳng vùng đất này.

Trăn trở ở một xã anh hùng

Đường vào xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai mùa mưa đầy rẫy những sống trâu, ổ gà, còn mùa khô đường bụi mù đất đỏ. Phía trước, một thanh niên người Bahnar chở bì bắp nặng khoảng 50kg đi từ trung tâm xã, đến khúc ngầm mùa khô đầy sỏi đá bị ngã. Xe đạp gãy cổ, lật ngang đường. Ánh mắt bất lực, mỏi mệt của chàng thanh niên hết nhìn số bắp bung ra, lăn lỏng chỏng gần khe nước đến nhìn cổ xe gãy ngật ngưỡng bên vệ đường. Mồ hôi lấm tấm trên gương mặt cháy đen vì nắng. Ở hai ngầm tiếp theo và nhiều đoạn lên, xuống dốc đều có những cụm cây bắp con mọc xơ xác vệ đường.

Giữa trưa, làng Boòng vắng teo. Chỉ nghe tiếng suối H’way róc rách xen lẫn tiếng trẻ con ê a đánh vần từ nhà trẻ đầu làng. Những người già trong làng lặng lẽ ngồi tựa bậu cửa đưa ánh mắt nhìn xa xăm. 

Trưởng thôn Đinh Phíp than thở: “Cả làng chưa hết vui thì lại gặp chuyện buồn. Số là, cả làng được cấp bò theo Chương trình 135. Những con bò giống được cấp ban đầu, con nào cũng đẹp đẽ, béo tròn. Nhưng về được một thời gian ngắn, con nào cũng gầy gò ốm yếu và lăn đùng ra chết. Vùng này chỉ toàn đá với sỏi, cây cỏ mới nhú đã cằn cỗi. Mà giống bò lai này kén thức ăn quá…”.

Xã Đăk Tơ Pang được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1998. Với vị thế đắc địa, nằm sâu trong núi, dựa lưng vào rừng vững chãi, trước mặt là dòng H’way, nơi đây đã trở thành khu căn cứ cách mạng an toàn tuyệt đối suốt hai cuộc kháng chiến, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhọc nhằn mưu sinh

Hiểm trở là một thuận lợi trong chiến tranh. Nhưng sau hòa bình, địa thế này gây không ít khó khăn trong làm ăn, sinh sống của người dân. Nhà nước quan tâm đầu tư bằng nhiều chương trình thiết thực như: cấp bò giống, giống cây trồng mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến từng làng nhưng hiệu quả đạt được chẳng đáng là bao.

Theo người dân trong xã, vùng đất cằn cỗi này chỉ hợp để trồng hai loại cây là lúa rẫy và bắp (ngô). Đi từ đầu xã đến cuối xã cũng chỉ thấy từng vạt bắp, tịnh không có loại cây trồng nào khác. Đất đai sỏi đá bạc màu đã khiến người dân dẫu cần cù làm lụng cũng không dám nghĩ sẽ thoát khỏi cái nghèo. Đây là xã duy nhất của tỉnh Gia Lai có số hộ nghèo chiếm tỷ lệ tuyệt đối (100%).

Có nhà mới nhưng người dân vẫn chưa vui

Nhà chương trình 134, 167, Nhà nhân ái ngày càng được xây dựng nhiều thay thế cho những ngôi nhà sàn “tường xiêu vách đổ” trên vùng đất này. Nhà thì đã được xây dựng, nhưng đời sống gia đình vẫn chưa hết chật vật. Bữa cơm thường ngày của các hộ dân nơi đây vẫn là một nửa cơm và một nửa ngô độn, rau được nhặt từng ngọn ngoài vạt suối, bìa rừng. Đói nghèo, lam lũ đã khiến người dân nơi đây vốn đã nhỏ bé giữa đại ngàn Tây Nguyên như càng thêm sắt lại.

Đinh Văn Đêm ở làng Kráp là một trong 5 thanh niên được Báo Thanh Niên thông qua Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh, xây tặng một nhà nhân ái trị giá 30 triệu đồng. Đó là ước mơ ấp ủ từ bao nhiêu năm nay, giờ đã trở thành hiện thực. Có nhà mới, anh Đêm rất phấn chấn. Song, cũng như bao thanh niên khác, điều khiến anh trăn trở khôn nguôi là nghèo đói dai dẳng bao đời nay.

Anh Đêm cho biết: “Là thế hệ trẻ nhưng chúng tôi chưa giúp được nhiều cho địa phương để thoát khỏi đói nghèo. Chúng tôi đã tiếp cận nhiều chương trình, dự án nhưng không hiểu vì sao áp dụng về xã không thành công. Thanh niên là lao động chính nên làm lụng quanh năm, không lúc nào ngơi tay. Hết mùa rẫy, chúng tôi lại ra huyện làm thuê. Từ làm cỏ bạch đàn, làm dưa hấu cho đến phụ hồ… Nhưng chúng tôi cần có những chương trình đầu tư phù hợp hơn với tình hình địa phương, phát huy được hiệu quả mới có thể tính đến thoát nghèo bền vững”.

Chị Đinh Thị Thắm, Bí thư Huyện đoàn Kông Chro cho biết, ngoài hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn để xây nhà, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai dự án nuôi dê cho 12 hộ thanh niên địa phương ở làng Groi. Theo chị Thắm: “Thanh niên là lực lượng tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo. Họ cần nhiều hơn nữa về vốn, giống, kiến thức canh tác… để phát huy sức trẻ”.

Vẫn nuôi hy vọng

Từng đi bộ đội, có thời gian làm cán bộ ở huyện nên Đinh Phíp đã tích lũy được chút kinh nghiệm làm ăn. Nhưng nhà ông cũng như hàng trăm nhà trong xã, nghèo khó vẫn đeo đẳng. Trong nhà không có một vật dụng nào giá trị ngoài bộ bàn nghế và chiếc chõng làm bằng gỗ tạp đã ọp ẹp cũ nát. Giờ đang giữa mùa bắp nên nhà ông cũng được vài bao để dành. Ông chỉ vào đống bắp, bảo đó là nguồn sống cho gia đình với 7 miệng ăn suốt mùa rẫy.

Ông cho biết: “Ngoài 5 sào bắp chúng tôi còn 1ha lúa rẫy. Khéo sắp xếp lắm mới đủ ăn. Thường thì năm nào cũng đói giáp hạt. Chúng tôi còn nuôi hai con bò. Nhưng ở mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này, làm gì cũng khó khăn lắm. Rẫy phải đi thật xa, qua con suối H’way trước mặt, qua ngọn núi sau làng mới có đất tốt để làm”.

Chị Đinh Thị Gô đón Xưa ở lớp học

Nghèo đói, lam lũ là thế nhưng cách đây 7 năm, vợ chồng Đinh Phíp đã dũng cảm làm một việc mà nhiều người trong làng giờ vẫn chưa hết bàng hoàng. Đinh Thị Gô, vợ Đinh Phíp kể: “Năm 2003, một phụ nữ đẻ non một bé gái, sau đó bị băng huyết chết. Đứa bé nhỏ như cổ tay người lớn, da nhăn nheo đỏ hỏn. Theo phong tục của đồng bào nơi đây, mẹ chết, con dưới 2 tuổi phải chôn theo. Hay tin, tôi vội vàng chạy đi tìm Phíp, bảo phải xin nó về nuôi”. Ngay sáng hôm người mẹ mất, buổi chiều đứa bé đã trở thành thành viên của gia đình chị. Họ đặt tên con là Xưa.

Thiếu hơi ấm của mẹ, lại yếu ớt nên Xưa thường xuyên đau ốm. Vợ chồng Đinh Phíp chẳng nhớ nổi bao đêm trắng họ lo lắng với từng cơn đau của con. Chị Gô cho biết, khi ấy vợ chồng họ đã có tới 5 mặt con. Nhà thiếu đói triền miên. Mấy đứa con của chị cũng ăn sắn, ăn ngô trừ bữa. Thêm một đứa trẻ là thêm một miệng ăn, khó khăn chồng chất khó khăn. Chính đứa trẻ ấy lại làm chị nặng lòng nhất, tốn sức nhất. Lắm khi chị phải bỏ việc ruộng, rẫy để chăm sóc. Bé Xưa nay đã lên 7, cũng được gia đình đưa đến trường học con chữ với chúng bạn.

Bên trong vẻ thanh bình, hiền hòa của vùng đất được rừng núi che chở này là cuộc chiến thực sự của con người; cuộc chiến chống giặc đói, giặc dốt. Những người già vẫn tựa cửa lặng lẽ nhìn ra xa xăm, chờ đợi và… khát vọng một điều gì đó lớn lao hơn thế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên