Nơi giữ lửa cách mạng

Tuổi cao sức yếu, bệnh tật luôn hành hạ, cơ thể còn mảnh đạn…, ông Mão ở Thanh Hoá vẫn chưa bao giờ nguôi ý định dừng công việc sưu tầm kỉ vật cho bảo tàng “đặc biệt” của mình.  

Dù đã bước sang tuổi xế chiều, nhưng đôi chân người lính ấy mấy chục năm qua vẫn vượt rừng, lội suối đi tìm lại những kỷ vật một thời máu lửa, chung tay cùng đồng đội còn sống lập “bảo tàng” di vật chiến tranh để tưởng nhớ và tri ân những đồng đội đã ngã xuống vì Tổ quốc. Đó là cựu chiến binh Phạm Văn Mão ở thôn Minh Lai, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa.

Bảo tàng “đặc biệt”

Thấy có khách vào chơi, ông Mão ra tận ngoài sân đón. Dáng cao gầy, mái tóc bạc trắng cùng bộ quân phục chỉnh tề, dường như ông vẫn giữ đúng tác phong của anh bộ đội giải phóng quân thuở nào.

Ngôi nhà ngói ba gian đơn sơ, chiếc giường gỗ cũ mèm, bàn ghế đã mòn vẹt. Nổi bật nhất trong ngôi nhà là những huân, huy chương, giấy khen, bằng khen, mảnh đạn, vỏ đạn, bình tông đựng nước, đồ y tế... tất cả đều được ông xếp ngay ngắn ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà nhỏ. “Đó là kho báu của đời tôi đấy!” - ông Mão vừa khẽ đưa tay mở tủ, vừa nói với tôi.

Ông Mão bên những kỷ vật của mình

Hơn ba mươi năm qua, ông Mão đi tới mọi vùng miền mà ông đã từng chiến đấu và hành quân qua để sưu tầm các kỷ vật lập thành một bảo tàng thu nhỏ với mong muốn lưu giữ lại những ký ức chiến tranh. Sau bao năm tháng miệt mài tìm kiếm, lưu giữ, đến nay, ông Mão đã có bộ sưu tập với trên 100 kỷ vật lớn, nhỏ rất có giá trị.

Đó là những kỷ vật rất quen thuộc với người lính Trường Sơn năm xưa như vỏ đạn pháo, võng dù, cho đến chiếc ca uống nước được làm từ cánh máy bay của địch bị bắn hạ... Mỗi kỷ vật đều gắn với những chiến công oanh liệt một thời: “Ngày 12/12/1969, ở bãi đá Tà Lùng, huyện Mường Nòng (tỉnh Xaphanakhet, Lào), Binh trạm 33, Tiểu đoàn 559 của tôi đã bắn hạ chiếc máy bay C130 của Mỹ. Sau trận này, tôi đã bị thương. Trong lúc nằm điều dưỡng, tôi dùng mảnh vỡ cánh máy bay làm chiếc ca để uống nước và ăn uống. Những kỉ vật đó vẫn còn theo tôi đến tận bây giờ” - ông Mão nhớ lại.

Để có những kỷ vật này, ông đã phải lặn lội tận chiến trường Quảng Trị, đường 9 Nam Lào, Khe xanh để tìm lại.

Chỉ tay vào chiếc lược đã sờn cũ được bọc trong giấy bóng kính, đặt trang trọng trong góc tủ, ông Mão kể: “Những năm 1969 - 1970, giặc Mỹ tăng cường bắn phá tuyến đường Trường Sơn nhằm ngăn chặn tiếp viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Trong một đợt dội bom, anh Lê Văn Nhương, quê Lục Nam, Bắc Giang, cùng đơn vị với tôi bị thương rất nặng. Lúc sắp ra đi, anh tặng lại cho tôi chiếc lược làm từ vỏ máy bay B52. Sau này, chính chiếc lược ấy là cầu nối cho tôi và vợ tôi bây giờ nên vợ nên chồng”.

Trăn trở cuối đời

Trước đây, khi mới sưu tập kỷ vật kháng chiến, ông Mão gặp không biết bao nhiêu khó khăn, đến bây giờ nhớ lại, ông vẫn không tin là mình đã làm được điều đó: “Kinh tế gia đình eo hẹp, khoai, sắn lúc đó còn không có mà ăn thì lấy đâu ra tiền mà đi vào Nam ra Bắc liên tục. Tôi phải thuyết phục mãi, nhà tôi và các con mới đồng ý để cho tôi đi. Dọc đường, tôi tranh thủ ai thuê gì làm thêm lấy tiền kinh phí, có khi chỉ là kiếm lấy một bữa ăn”.

17 tuổi, ông Mão nhập ngũ. Sau đó, ông tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào rồi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hòa bình lập lại, ông xuất ngũ. Trở về quê hương, ông liên tục đảm nhiệm cương vị chủ nhiệm Hợp tác xã Trung Thái Lai, Bí thư Đảng ủy xã, phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Đến năm 1999, ông nghỉ hưu.

Đây là khoảng thời gian ông có điều kiện đi lại nhiều nhất, thỏa ước mơ có được những bộ sưu tập, lập thành bảo tàng mini hoàn chỉnh. Tuổi cao sức yếu, bệnh tật luôn hành hạ, cơ thể còn mảnh đạn pháo nên ông luôn phải chịu những cơn đau quằn quại. Nhưng ông vẫn chưa bao giờ nguôi ý định dừng công việc sưu tầm kỉ vật cho bảo tàng “đặc biệt” của mình.

Giờ đây, ông đang chạy đua với thời gian, gắng hoàn thành tâm nguyện của cả cuộc đời mình là có được một bảo tàng kỷ vật kháng chiến cho riêng mình và đồng đội. Đến nay, bộ sưu tập những kỷ vật đã cơ bản hoàn thành. Song lo lắng về tuổi tác, bệnh tật vẫn thường trực trên khuôn mặt của người lính già khi không biết sau này ai sẽ là người tiếp tục thay ông gìn giữ những kỷ vật thiêng liêng ấy.

Đang nhâm nhi chén trà, ông lại lên cơn đau dữ dội. Vợ ông mang vào cốc nước, lọ cao và viên thuốc giảm đau. Với đôi bàn tay gầy guộc và những đường gân xanh, ông run run đưa lên bỏ thuốc vào miệng. Bên cạnh, người vợ già đang dùng tay xoa nhẹ vào lưng ông. “Bác sĩ dặn ông phải mang theo thuốc phòng khi bệnh tái phát. Vậy mà… Già rồi, ông cố gắng giữ gìn sức khỏe, đi nhiều bệnh lại nặng thêm thì khổ” - bà nói rồi khẽ thở dài.

Ông Mão nhìn vợ với ánh mắt đầy trìu mến và biết ơn. Ông bộc bạch: “Không có bà ấy, chắc tôi không sống được đến ngày hôm nay. Nửa thế kỷ nợ duyên nhau chưa một lần bà ấy làm phật ý tôi”.

Cứ nhìn cái cách mà ông bà chăm nom nhau, lớp trẻ chúng tôi còn phải học nhiều. Đó chính là chỗ dựa, động lực lớn lao nhất giúp ông hoàn thành công trình tâm huyết suốt cuộc đời mình - lưu giữ và tìm lại những kỷ vật của một thời máu lửa hào hùng và oanh liệt của dân tộc, bởi trong đó có những người đồng đội của ông đã ngã xuống cho hôm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên