Nỗi niềm buôn thúng, bán bưng

Những người phụ nữ ngoại tỉnh lên thành phố kiếm việc hầu như phải bám víu vào những nghề cơ cực nhất, nhưng cũng chỉ kiếm được những đồng tiền ít ỏi nhất  

Họ là những người tứ xứ lang bạt về đất Hà thành kiếm kế sinh nhai. Vì cái nghèo mà họ phải tha hương nơi đất khách mong đời mình sẽ có một ngày sáng sủa. Nhưng cuộc sống chật vật nơi phồn hoa đô thị cũng không ít lần khiến họ phải thở dài… Tâm sự của 3 người phụ nữ rời quê lên phố mưu sinh đã khiến tôi không khỏi trăn trở.

Chật vật mưu sinh

Khu Phúc Xá (Long Biên - Hà Nội) là nơi cư trú của rất nhiều dân tỉnh lẻ lên đây kiếm việc. Họ từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình… ngày chạy chợ, buôn thúng bán bưng, làm cửu vạn, buôn đồng nát, tối về sống chen chúc trong những khu nhà trọ ẩm thấp. Họ đầu tắt mặt tối, vật lộn mưu sinh mà cái nghèo vẫn đeo bám...

Chị Nguyễn Thị Hiên (50 tuổi), từ Hà Nam ra cũng khá chật vật với nghề bán hoa quả ở chợ Long Biên. Chị bảo, đi mua hàng cứ như đánh bạc vậy, đưa tiền trước mới được lấy hàng, nhiều khi hàng thối, dập nát cũng phải chịu. “Đấy là cái “luật” ở chợ Long Biên này, mình phải chấp nhận cái giá như thế. Có hôm biết hàng dập nát, mình bảo lấy 3 thùng thôi nhưng bị bắt phải lấy 5, không thì sẽ không trả lại tiền cho mình. Biết thân biết phận, mình phải bỏ ra đủ 500.000 đồng để lấy 5 thùng hàng không thì mất trắng hơn 300.000 tiền đặt cọc. Bê đi, vớt vát được tí nào hay tí ấy” - Chị Hiên ngậm ngùi nói.

Không chỉ bị “trấn lột” một cách trắng trợn khi buôn hàng, mà họ còn bị tranh giành cả chỗ ngồi khi bán. Mỗi tháng phải mất 100.000 đồng tiền thuê địa điểm tại chợ Phúc Xá, vậy mà mỗi lần họp chợ, chỗ ngồi vẫn bị chiếm mất ngay cả khi đã yên vị. Họ cũng giành giật, cãi nhau ồn ã cả khu chợ. Chỉ đến khi ông bảo vệ ra phán một câu xanh rờn: “Phải ưu tiên cho dân địa phương trước rồi mới đến lượt các bà chứ. Lần sau cứ thế mà chấp hành, đừng có đề nghị với cả kiến nghị”. Thế là biết thân biết phận đành lủi thủi kiếm một chỗ ngồi tạm, bán cho kịp phiên.

Phải bỏ gia đình ra Hà Nội lang thang kiếm sống, phải xa làng quê, xa cha mẹ, xa chồng con và những người thân, họ luôn thiếu thốn về mặt tình cảm. Điều giúp họ trụ vững nơi đây là kiếm được đồng ra đồng vào để gửi về quê cho gia đình. Vậy mà, đồng tiền họ kiếm được chỉ bằng một phần mười công sức họ bỏ ra.

Chị Quỳnh (42 tuổi - Hưng Yên) gần chục năm trong nghề gánh hoa quả thuê ở chợ Long Biên tâm sự: “Gánh từ 2 giờ sáng đến hơn 7 giờ mới được nghỉ ngơi. Về xóm trọ, ăn tạm bát cơm rồi ngả lưng xuống nghỉ, đến gần trưa lại lang thang khắp chợ Đồng Xuân xem ai có hàng thuê gánh thì làm. Mỗi gánh nặng 5 - 6 chục cân, mình chỉ được 2.000 đồng. Gánh đi xa quá, lúc về xin thêm 2.000 tiền công họ cũng không cho, lại còn bị chửi. Cơ cực thế mà có được 2.000 – 3.000 tiền lẻ cũng đâu có dễ gì”.

 Thân phận “người nhà quê”

Cái nghèo đeo bám, những người phụ nữ ngoại tỉnh lên đây kiếm việc hầu như không có lựa chọn nào, phải bám víu vào những nghề cơ cực nhất, để rồi kiếm được cho mình những đồng tiền ít ỏi nhất. Trong cuộc vật lộn mưu sinh, không biết bao lần họ phải lao đao vì miếng cơm manh áo, nhưng cũng không cay đắng bằng những giọt nước mắt khóc thầm trong đêm khi bị người đời miệt thị.

Ngày ngày họ vẫn rong ruổi khắp các con phố Hà Nội mong kiếm được vài đồng bạc lẻ

Chị Nguyễn Thị Vân (50 tuổi), đã gắn bó với khu Phúc Xá được gần 10 năm. Lang thang khắp ngõ ngách con phố Hà Nội, ngày chị đi nhặt rác, thu gom phế liệu, buôn đồng nát, tối về nằm co ro trong chiếc thuyền ọp ẹp ở bãi giữa sông Hồng - nơi mà mọi rác thải của khu chợ Phúc Xá đổ về đây chất đống ngồn ngộn, mùi hôi thối ngột ngạt. Có những đêm nhớ con, tủi phận, chị chỉ dám khóc thầm một mình.

Buôn bán khó khăn đã đành, có những hôm phải tranh giành mới mua được cân giấy báo cũ. Với người hay kì kèo, vừa bán vừa chửi mà vẫn phải cười. Với những người đanh đá thì phải nín nhịn, đáng tuổi con cháu mình mà xấc xược: “Cái con này, cân kéo cái gì, mày mua nó phiên phiến lên”. Tức lắm nhưng chị vẫn phải niềm nở: “Vâng, cô cứ để cháu cân cho nó tử tế”.

Kiếm được đồng tiền vất vả là thế nhưng nếu như gặp phải bọn nghiện “xin đểu” thì coi như hôm ấy trắng tay. Có những lúc đôi mắt mờ đi vì đói, đôi chân rệu rã quỵ xuống khiến chị nản lòng nhưng nghĩ đến các con chị lại cố gắng bước tiếp. Chị ngậm ngùi: “Chúng tôi cũng vì hoàn cảnh nên mới ra đây làm ăn. Nhiều khi đi bới rác, có người rất tốt họ gọi vào cho 7 cân báo cũ nhưng có người mình đang đứng, họ ném túi rác suýt trúng mặt. Lắm lúc còn bị chửi là “con nhà quê”. Đấy là câu khiến mình tủi nhất. Xa chồng, xa con đã khổ, ra đây gặp phải người cậy có quyền, có thế coi rẻ, tủi lắm! Người ta nói thế mình cũng chỉ biết im lặng cúi đầu bước đi, có muốn khóc cũng chỉ chui vào góc khuất ngồi khóc một mình”.

Còn chị Quỳnh, đi gánh hàng mà cứ nơm nớp sợ bị công an đuổi bắt. Cứ thấy bóng dáng của đội quản lý trật tự đến là ba chân bốn cẳng đi nấp, đợi cho họ đi thật xa mới dám đứng men gần những sạp hàng kiếm việc. Chị đã từng bị bắt giam 5 ngày cũng chỉ vì đứng trên vỉa hè ngóng xem ai thuê gánh và bị “qui tội” làm “mất văn minh” đường phố. Khi được thả ra và bị buộc phải thôi việc trở về quê nhưng chị vẫn trốn ở lại. Chị bảo: “Về bây giờ thì lấy gì mà ăn, lấy gì mà nuôi con. Họ cứ đuổi mình như đuổi tà ấy. Bọn tôi ra đây làm ăn chứ có trộm cắp, nghiện hút đâu mà bị bắt bớ như thế chứ?!”.

Tuy họ rất bức xúc với những câu nói vô tâm đến tủi lòng, những ánh mắt coi thường, hay phận đời gắn chặt với tên gọi “người nhà quê”, nhưng khi nhu cầu tồn tại của bản thân và gia đình là động lực để họ rời bỏ quê hương thì sự thiệt thòi đó với họ cũng được chấp nhận. Chị Hiên cay đắng nói: “Phải biết phận mình thôi, mình là dân vùng khác đến, người ta nói thế nào mình phải chịu. Mình chỉ mong sao các cấp trên ưu tiên, quan tâm đến chị em chúng tôi. Bởi vì cũng là con người, vì điều kiện sống mà người ta mới phải ra đây. Chúng tôi cũng là một công dân, chấp hành đầy đủ luật pháp của Nhà nước. Chúng tôi chỉ muốn làm ăn yên ổn, kiếm được đồng ra đồng vào cho con ăn học, thoát khỏi công nợ. Đừng phân biệt đối xử như vậy với chúng tôi”.

Không biết cái mong ước nhỏ nhoi của chị Hiên cũng như của bao người dân nhập cư khác có quá xa vời?!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên