Nỗi thống khổ của các nạn nhân

Xuất hiện dấu hiệu cho thấy tồn tại đường dây “chạy” xuất khẩu lao động ở tỉnh Nam Định, mà bà Ngọc chỉ là một mắt xích.

LTS: Ngay sau khi loạt bài điều tra về hành vi có dấu hiệu lừa đảo XKLĐ của bà Vũ Thị Bích Ngọc, cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ, TB&XH) tỉnh Nam Định được phát sóng trên chương trình Các vấn đề xã hội trong các ngày 27 và 28/10/2011 và Báo điện tử VOV Online, chúng tôi đã nhận rất nhiều cuộc gọi của thính giả cả nước tới đường dây nóng chia sẻ sự đồng tình, ủng hộ những vấn đề mà loạt bài điều tra đề cập.

Đặc biệt, nhiều cuộc gọi đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin quan trọng, cho phép phán đoán về sự tồn tại của đường dây “chạy” xuất khẩu lao động ở tỉnh Nam Định mà bà Ngọc chỉ là một mắt xích. Nhận thấy sự cần thiết phải mở rộng điều tra, tiếp tục thông tin tới thính giả và các cơ quan quản lý về một đường dây này, nhóm phóng viên  Đài TNVN và nhiều cơ quan báo chí khác đã và đang tiếp tục thu thập chứng cứ để phanh phui vụ việc, đưa ra trước công luận.

Những ngày “nằm vùng”, chúng tôi ghi nhận thêm được nhiều nỗi đau của các nạn nhân. (Xin lưu ý danh tính nhân chứng trong loạt bài đã được chúng tôi thay đổi, nhằm đảm bảo an toàn cho họ và chúng tôi sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra).

Loạn đăng ký tuyển dụng lao động tại TP Nam Định

Lừa chồng lên lừa

Mới 18h30, ngôi nhà ở xã Lộc An, TP Nam Định ấy đã cửa đóng then cài, im lìm. Cuộc viếng thăm bất ngờ của những người khách không mời là chúng tôi lại “xới xáo” lên nỗi đau dường như chưa liền vết. Hơn 1 năm đã trôi qua, cái ngày lên Sở LĐTB&XH để đăng ký cho con được tham dự kỳ thi tiếng Hàn vẫn còn ám ảnh người cha.

Ông nói: “Chúng tôi nông dân thật thà chất phác, các cháu muốn đi thì vào Sở thấy họ bảo bác đặt cọc cho chúng em, 100% đi được nhưng mất 3.500 USD. Tôi nộp tiền, họ hứa tháng 2 - tháng 3 đi. Xong rồi bà ấy còn nói nộp 5 triệu để học cho chuẩn. Thấy người Nhà nước nói là tin rồi. Sau khi ăn Tết xong, bà Ngọc lại nói “Bác đưa cho em 2.500 USD nữa là bằng 6.000, khi nào lên máy bay là trừ đi luôn. Tôi nói, giờ tôi bán nhà đi cũng không được, chị có vay được cho cháu thì vay rồi lên máy bay tôi sẽ giả hết…”.

Cầm tờ giấy biên nhận số tiền 3.500 USD ghi ngày 23/9/2010 do gia đình nạn nhân cung cấp, chúng tôi nhận ra nét chữ quen quen và danh xưng cũng rất quen: Tôi tên là: Vũ Thị Bích Ngọc!!!.

Câu chuyện “chạy” XKLĐ của gia đình ông Mai H. tưởng như sẽ dừng lại ở đấy, nếu như không có một ngày gặp gỡ liên gia, ông giải bày nỗi ấm ức của mình thì đã nhận được lời khuyên “chí tình”: “Ông vứt hẳn 3.500 USD đó đi, sau tôi đòi lại cho. Đưa tôi 5.000 USD tôi sẽ đưa con ông đi. Tôi nói tôi không có tiền đâu, khi đưa nó đi được thì hẵng hay…”.  

Tác động tới người cha không được, những kẻ núp danh chạy XKLĐ Hàn Quốc đưa ra một chiêu bài mới, tinh vi hơn và đầy tính “nghĩa hiệp”, đó là đứng ra lo cho gia đình nạn nhân vay hơn 13 triệu đồng (tương đương 630 USD để nộp cho Sở LĐTB&XH theo quy định của chương trình). Và lần này người anh trai, vì quá sốt sắng cho chuyện đi nhanh, chậm của em mình đã vướng bẫy.

Thấy bố bực dọc đưa ánh mắt nhìn về phía mình, cậu thanh niên (con trai ông Mai H.) vò đầu bứt tai phân trần: “Thì các anh các chị bảo, bọn nó sẵn sàng đứng ra, bán cả vàng đi để lấy tiền cho mình nộp thì làm gì mà không tin. Vì vậy khi nộp tiền xong, em thay mặt bố mẹ ký luôn giấy vay nợ số tiền 5.000 USD, khi em nó bay thì phải hoàn tất việc trả nợ”. Vậy là, gia đình ông Mai H. mất 8.500 USD cho 2 "cò" (sau nhiều lần đòi và thương lượng, gia đình ông vẫn mất 5.000 USD). 

Giấy biên nhận viết tay của bà Ngọc

Trong hàng chục cuộc điện thoại gọi đến đường dây nóng, sau khi loạt bài phóng sự điều tra của được phát sóng, chúng tôi đặc biệt chú ý đến nguồn tin của một thính giả ở xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Theo vị thính giả này, khát khao được làm việc tại Hàn Quốc của người lao động là quá lớn, và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến một tỷ lệ không nhỏ trong số họ đều trở thành con mồi béo bở cho bọn “cò mồi” lừa đảo, từ khi mới nhen nhóm ý định.

Bằng chiêu bài vận động, hứa hẹn đi 100%, giá rẻ, nhanh, nhiều lao động đã “tạm ứng” cho những kẻ “chạy” XKLĐ ít nhất 1.500 - 2.000 USD. Những ngày “nằm vùng” ở Nam Định, có cơ hội tiếp cận với nhân chứng cung cấp nguồn tin này, chúng mới hay, chính gia đình ông cũng là nạn nhân.

Thính giả này chia sẻ: “Năm 2009, con rể tôi tên Mai Trung Q. tham dự kỳ thi tiếng Hàn. Để đi chắc, gia đình tôi nhờ ông Khoa, ông ấy đưa ra giá là 150 triệu và cam đoan đi được. Tôi có đưa cho ông ấy 50 triệu rồi nhưng ông ấy không giúp được gì cả. Cháu trai tôi cũng bị ông Khoa đòi 150 triệu, may mà nó mới đưa 20 triệu thôi và  tôi phát hiện kịp thời”.

Gia đình vị thính giả này có lẽ là một trong những gia đình hiếm hoi gặp “may mắn kép”, khi đã đi được Hàn Quốc mà số tiền bị mất cho những kẻ “chạy” XKLĐ không quá lớn, vì sau đó đã nhận được sự chỉ bảo của người nhà là cán bộ một cơ quan cấp tỉnh, thông hiểu quy trình và cách thức tuyển chọn XKLĐ Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Trong số những nạn nhân của những đường dây lừa đảo XKLĐ, thì câu chuyện của cậu thanh niên Nguyễn Đình H. ở xã Lộc An, TP Nam Định lại đi theo một chiều hướng khác. Xuất phát từ mong muốn của cha mẹ, H. đã miễn cưỡng đăng ký dự tham gia kỳ thi tiếng Hàn năm 2008. Để cầm chắc tấm vé cho con, không khó khăn gì bố mẹ H. đã tìm được một đầu mối “chạy” XKLĐ. H. nói: “Bố mẹ em gặp bà Loan, bà ấy bảo, để đi đảm bảo là phải mất trên dưới 10.000 USD. Năm 2008, bố mẹ em đã đưa cho bà Loan  4.000 USD.  Nhưng rồi em thi không đỗ”.

Thi trượt, H. nai lưng “kéo cày” trả món nợ 4.000 USD. Năm 2010, một lần nữa nghe theo lời bố mẹ, H. lại đi thi và lần này may mắn đã mỉm cười với số điểm sát nút 155 điểm. Cũng theo H., bà Loan hứa hẹn sẽ tác động tới một người quen ở Sở LĐTB&XH để H. được đi sớm. Thế nhưng 1 năm đã trôi qua, mọi việc vẫn chưa hề có động tĩnh gì. Không còn nuôi ảo mộng được làm việc tại xứ Hàn, giờ H. đã quyết định: “Em quyết rồi, có đậu cũng không đi nữa, đi rồi mai này mình về làm gì. Em gọi điện bảo bố mẹ đòi lại tiền, bà ấy hứa sẽ trả nhưng đã quá lâu rồi”.

Biên bản "tạm ứng" của "cò" XKLĐ

Sống trong sợ hãi

Quay trở lại với trường hợp Trần Phú Cường, nạn nhân đầu tiên của loạt bài điều tra. Còn nhớ, khi trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thuận (bố Cường) đã uất ức thốt lên: “Bà Ngọc là cán bộ của Sở LĐTB&XH  mà còn đi ăn chặn tiền, lừa đảo người dân thì chúng tôi chẳng còn biết tin vào ai nữa, tôi biết kêu cùng ai đây?. Gia đình tôi đang yên ắng, từ khi xảy ra chuyện này chẳng có ngày nào yên. Mà lo nhất là sau khi vụ việc được nêu ra, chúng tôi rất sợ bị trả thù. Tôi chỉ mong có cuộc sống yên bình”.

Sự uất ức, lo lắng của gia đình Cường tưởng chừng đã là đỉnh điểm. Thế nhưng, qua các buổi tiếp xúc với những nạn nhân, chúng tôi mới cảm nhận một cách đầy đủ nhất tâm trạng “sống trong sợ hãi” của họ. Với gia đình ông M.K, khi mà họ vỡ ra cái trò “chạy” XKLĐ chỉ là lừa đảo thì mọi việc đã bị đẩy đi quá xa. Ông nói: “Lên đòi bà Ngọc bà ấy nói: Tôi về hưu rồi đấy, ai muốn làm gì tôi thì làm, chả ai làm gì được tôi!. Bố và con trai cầm tờ giấy bà ấy ghi nợ để xin lại tiền thì bà ấy đập bàn, xé luôn tờ giấy trước mặt 2 bố con”.

Mất tiền một cách đắng cay, đến khi uất ức mà đi đòi lại, họ lập tức phải đối mặt với nỗi lo sợ khác. Bà Hương - vợ ông Mai H. uất ức: “Bà Ngọc liên tục gọi điện đe dọa cho người đến phá nhà tôi. Đêm bà ấy rồi em trai cũng gọi điện đe nẹt, khiến tôi vô cùng lo sợ. Bà Ngọc còn vào tận nhà để dọa chứ không chỉ thuê người. Bà ấy bảo nếu đòi bên này thì sẽ cho bọn ăn mày bên kia giết con tôi, thế có uất không chứ? Sau này gia đình tôi cũng phải nhờ người đi đòi, nhưng cũng chỉ đòi được 22 triệu đồng. Trong quá trình đòi tiền, có người gọi điện nói “mày còn đòi tiền chị tao, tao cho người đến đập nhà mày”.

Như vậy, cuộc sống của họ, theo nhiều cách khác nhau, đã không còn bình yên được nữa. Đã nhiều tháng qua, người mẹ không có giấc ngủ ngon. Như một phản xạ có điều kiện, việc cuối cùng của người mẹ ấy trước khi lên giường là kiểm tra lại “vũ khí” nhét gầm giường là những viên gạch, là vỏ bia để phòng thủ. Nhìn đôi mắt đỏ hoe, và nỗi uất nghẹn trên gương mặt của người mẹ, tôi hiểu, không có ngôn từ nào tả hết những chất chứa trong lòng bà.

Khi viết lại những dòng này tôi cảm thấy quá đau đớn, xót xa. Đau đớn, xót xa bởi chính sách của Đảng, Nhà nước đang bị những kẻ đội lốt công chức Nhà nước lợi dụng để chiếm đoạt những đồng tiền một nắng hai sương của người dân; bởi cái ác, cái xấu công khai lộ diện, làm mai một niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền!./.

Kỳ 5: Những nghi vấn từ TTGTVL tỉnh Nam Định

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên