Nơi Trường Sa, nghe chuyện cựu tù thiếu nhi Đà Lạt

Ông là Mai Thanh Minh, tức Mai Bốn- người được phong là “Dũng sĩ diệt ác ôn”, “Dũng sĩ mổ bụng” ở trong tù khi còn là một thiếu niên.  

Thức đêm nghe “chuyện Anh hùng”

Trên hành trình thăm quần đảo Trường Sa, cứ khi bóng đêm phủ xuống, không khí trên con tàu Hải quân 956 lại trở nên sôi động hơn. Lọt thỏm giữa khoảng không mênh mông, tiếng đàn ghi, tiếng cười sảng khoái lại vang lên trên boong tàu, quanh bàn cờ tướng hay bên ấm trà mạn, tách cà phê…

Với tôi, và hầu như là tất cả thành viên cùng phòng 14 trên con tàu HQ 956, sau những giây phút náo nhiệt ấy, lại thích ngồi nghe Anh hùng LLVTND Mai Thanh Minh kể chuyện tù đày năm xưa. Mọi người hay gọi là “chuyện Anh hùng”.

Ông Mai Thanh Minh say sưa với bài hát "Đất nước" tặng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Phan Vinh

Đằng sau thân hình nhỏ bé, mái tóc bồng bềnh, và cách nói chuyện thu hút, những câu chuyện về ông và đồng đội, đặc biệt là quãng thời gian ông “gắn bó” với một trong những nhà lao độc nhất vô nhị trên thế giới với cái tên gọi mĩ miều là Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt, khiến ai nghe qua cũng phải rùng mình nể phục về sự kiên trung, dũng cảm và lòng yêu nước của những người chiến sĩ cách mạng…

Sinh ra tại Đà Nẵng, 13 tuổi, ông Mai Thanh Minh làm liên lạc cho Đại đội CK3T89 đặc công tỉnh Quảng Đà. Ngày 20/2/1969, ông được tổ chức giao nhiệm vụ cùng với 2 đồng chí bí mật đánh vào Kho đạn Quận 3 - Đà Nẵng. Ông cho biết, cái tên Mai Bốn gắn với ông cũng từ nhiệm vụ lịch sử đó.

Điều không may, trong hàng ngũ của ông có kẻ phản bội nên ông và nhiều đồng đội rơi vào tầm ngắm của địch. Và chỉ 3 ngày sau, một đại đội lính Ngụy đến bao vây khu vực ông hoạt động và ông bị bắt. Chúng đưa ông ra Tòa án Quân sự vùng 1 chiến thuật, ông bị xử án 10 năm khổ sai và bị đày ra Côn Đảo ngày 13/1/1970, mặc dù lúc đó theo giấy tờ ông mới 15 tuổi. “Hành trình tù tội” của Mai Bốn cũng bắt đầu từ đây.

Bài liên quan:

“Địa ngục trần gian” mang tên Côn Đảo tưởng chừng dễ dàng khuất phục được những cậu bé, nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. “Ở tù, được các anh, các chú đi trước giáo dục ý chí của người chiến sĩ cách mạng, những người trẻ tuổi như tôi thêm vững tin chiến đấu”, ông tâm sự. Ông cùng anh em chống lại việc chào cờ 3 que của Ngụy, chống các chế độ khắt khe của nhà thù, rồi bị tống giam xuống Hầm đá, Chuồng bò, Chuồng cọp… và đủ hình thức tra tấn khác.

Đầu năm 1970, một phái đoàn đoàn của Liên Hợp Quốc ra Côn Đảo khảo sát tình hình nhân quyền tại đây, họ phát hiện có một số tù nhân dưới tuổi vị thành niên, trong đó có Mai Bốn. Phái đoàn yêu cầu nhà cầm quyền đưa những tù chính trị nhỏ tuổi vào đất liền giam giữ. Chí Hòa- một nhà tù cũng nổi tiếng về độ tàn bạo là “đích đến” của Mai Bốn và những người tù nhỏ tuổi.

Nhưng cũng chỉ 4 tháng sau, ông lại được đưa vào Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt, thực chất là một trại giam, nơi có khoảng 600 tù nhân tuổi đời chỉ từ 12-17. Đây được coi là nhà tù có một không hai ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Từ “Dũng sĩ diệt ác ôn”…

Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi- cái tên gọi mỹ miều giữa thành phố mộng mơ lại là nơi diễn ra sự tàn bạo, thâm độc của chính quyền Sài Gòn mà ít ai ngờ tới. Chỉ có những người trong cuộc như ông Mai Bốn mới thấu hiểu hết những cảnh khốn cùng trong cái trại giam được ngụy trang bằng vẻ ngoài thanh lịch.

Tại đây, kẻ thù đã dùng nhiều hình thức để khuất phục những chiến sĩ nhỏ tuổi như: Sinh hoạt tôn giáo, chào cờ và hát quốc ca Việt Nam cộng hoà… bên cạnh những màn tra tấn dã man. “Nhưng không, chúng tôi vẫn tiếp tục đưa ra các yêu sách, chống chế độ hà khắc của nhà tù và chào cờ để giữ vững khí tiết cách mạng”, ông Mai Thanh Minh khảng khái.

Ông Minh chia sẻ, tới thăm Trường Sa là một mơ ước lớn của ông đã thành hiện thực

Ông chia sẻ, ban đầu, sự đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn, một phần vì địch tăng cường đàn áp, phần nữa là bị chia tách và mất liên lạc với các anh, chị. Nhưng từ những kinh nghiệm trải qua ở các nhà tù, mọi người lại đoàn kết và cùng nhau lập ra “ban lãnh đạo” để thực hiện các hình thức đấu tranh “như người lớn”. Những thiếu nhi gan lỳ, dũng cảm tiếp tục hành động phản đối khiến những cai tù ở đây phải khiếp sợ và nhượng bộ.

Ông Mai Thanh Minh kể, tại trại giam có tên Nguyễn Cương, trước là người của ta, sau phản bội và trở thành trưởng ban trật tự, chuyên đánh đập anh em. Tổ chức phân công cho ông cùng 4 người tiêu diệt tên này để cảnh cáo những tên cai ngục.

Kiếm được hai thanh sắt, ông cùng anh em tranh thủ những lúc được đi tắm giặt lại kẹp vào quần áo giả vờ giặt giũ để mài nhọn. Ông Minh còn nhớ rõ, đúng 9h ngày 20/12/1973, ông cùng các anh em tiêu diệt tên Cương. Tuy nhiên, do tên này rất to khỏe, nên dù bị đâm thủng ruột, hắn vẫn không chết. Tên này sau đó được đưa đi cấp cứu và nằm viện nhiều tháng trời.

Sau vụ ám sát, nhiều tên cai ngục có phần “nể mặt” nhưng các hình phạt tra tấn vẫn diễn ra. Có lần ông chỉ tay thẳng vào mặt một tên cai tù nói rằng: “Ở đây có hàng trăm người sẵn sàng giết mày như tao giết thằng Cương”. Kể từ đó, những tên tay sai mới trở nên sợ sệt. Còn nhóm hành động được anh em trong tù phong là “dũng sĩ diệt ác ôn”.

Ông Minh kể, có lần một tên vào để “đánh theo lịch” nhưng không dám hành động và còn năn nỉ các tù nhân giả vờ la hét kêu than. Dĩ nhiên là các ông không thực hiện theo và hắn đành giậm giày xuống nền, đá vào tường để… lừa lãnh đạo nhà tù.

Đến “Dũng sĩ mổ bụng”

Việc tiêu diệt tên Cương cùng lắm cũng chỉ dằn mặt được những tên cai ngục, còn nếu muốn cải thiện chế độ trong nhà tù, cần những hành động mạnh hơn. “Tập thể bàn cần có người hy sinh, với hình thức… mổ bụng để phản đối cuộc đàn áp đẫm máu của kẻ địch, có 9 người xung phong, 5 người được chọn, trong đó có tôi”, ông Mai Thanh Minh nhớ lại.

Ông Mai Thanh Minh nguyên là Chánh án TAND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng.

Ông Minh là một trong 3 cá nhân và tập thể tù thiếu nhi Đà Lạt được phong Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT.

“Nếu nhà cầm quyền Sài Gòn tiếp tục đàn áp tù thiếu nhi, chúng tôi sẽ mổ bụng để phản đối cuộc đàn áp này”. Lời tuyên bố được đưa ra nhưng không được đáp ứng. Vậy là hành động mổ bụng được lên kế hoạch chi tiết và tiến hành…

Ông Minh kể: Những lưỡi dao lam từ trại giam nữ được chuyển lên phát cho anh em xung phong mổ bụng. Riêng ông, phải đến lần thứ ba việc mổ bụng mới “hoàn thành” do dùng quá nhiều lực làm dao lam bị gẫy khiến kẻ thù hoảng sợ. Một tên Trung úy của Ngụy phải lấy tô nhựa úp lại sau đó băng bó và đưa anh em đi bệnh viện.

Sau khi từ bệnh viện về, ông Minh lại cùng các anh em tuyên bố tuyệt thực 3 ngày 4 đêm. Tuy nhiên, địch vẫn tiếp tục những màn tra tấn khủng khiếp như giam cầm trong phòng ẩm ướt rồi tưới nước lạnh lên người vào những đêm đông lạnh cóng ở Đà Lạt. Song, các chiến sĩ nhỏ tuổi với ý chí kiên cường lại tiếp tục đấu tranh cho đến ngày được trở về và nhà tù bị giải tán…

Trong suốt nhiều ngày liền lênh đênh trên biển, hễ khi có dịp chúng tôi lại đòi “Anh hùng kể chuyện tù”. Cái cách ông kể chuyện dí dỏm biến những màn tra tấn “nhẹ tựa lông hồng”, mặc dù thực tế là điều ngược lại.

Ông tâm sự, mỗi lần kể chuyện xưa, vợ con lại khóc và hỏi “làm sao ba chịu đựng được”, ông chỉ cười và nói rằng, “đó là gia tài ba để lại cho các con- một tấm gương để các con làm những việc có ích cho gia đình, cho đất nước”.

Trên boong tàu giữa biển trời quê hương, hướng mắt về chân trời xa tít tắp, ông Minh chia sẻ, mơ ước một lần đến Trường Sa- quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc của ông từ rất lâu giờ đây đã thành hiện thực. Lãnh thổ mà bao thế hệ đổ máu xương gìn giữ giờ đây vẫn đang được các cán bộ, chiến sĩ nơi tiền tiêu chắc tay súng bảo toàn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên