Nữ bác sỹ 15 năm trèo núi tuyên chiến với hủ tục
Chị đã làm chấn động chốn núi rừng này khi dám xông vào đám cúng ma cứu người bệnh, bất chấp lúc đó người nhà và thầy mo có thể “xử” chị…
Tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã có gần 15 năm lặn lội khắp các bản làng vùng cao của huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) để chữa bệnh, tuyên truyền bảo vệ sức khỏe cho đồng bào, và tuyên chiến với những hủ tục của đồng bào nơi đây. Thế nhưng nữ bác sỹ của đồng bào ấy vẫn không nguôi khao khát được đi nhiều, đi nữa để cuộc sống, để sức khỏe của đồng bào nơi đây ngày càng được chăm sóc tốt hơn…
Nữ bác sỹ lội suối trèo non
Mới 35 tuổi, nhưng nữ bác sỹ Đinh Thị Xuân Thu (dân tộc H’Rê, quê gốc tại xã Sơn Giang, Sơn Hà, Quảng Ngãi) đã có gần 15 năm lặn lội trên các bản làng xã Ba Cung, (Ba Tơ, Quảng Ngãi) để chữa bệnh cho đồng bào nơi đây...
Gần 15 năm qua, không biết bao nhiêu lần chị vượt suối trèo non để đến với đòng bào như thế này. |
Với ước mơ không nguội tắt giữa khốn khó ấy, sau ba năm dùi mài đèn sách, ngày ra trường cầm tấm bằng y sĩ trên tay, cô sơn nữ lại vác ba lô lên đường trở về với gia tài là một ba lô đầy sách y thuật và niềm đam mê chữa bệnh cho đồng bào.
Thế nhưng vì điều kiện công tác, cô không trở với gia đình, trở về mảnh đất Sơn Hà quê cô. Cô y sĩ trẻ được điều về vùng đất Ba Tơ làm để khởi nghiệp.
Nhớ lại những ngày đầu nhận công tác, Trạm y tế xã Ba Cung chỉ là một ngôi nhà cấp bốn nắng rọi, mưa dột, cơ sở vật chất thiếu trước hụt sau. Thế mà cô y sĩ trẻ làm việc hăng hái bất chấp khó khăn thiếu thốn, bất chấp nỗi buồn. “Dường như ngày đó cứ thấy bệnh nhân tìm đến Trạm khám bệnh là niềm vui lớn nhất. Bởi từ trước đến giờ người H’re cứ có bệnh là giết gà, giết lợn cầu cứu thầy mo đến cúng giải trừ con ma. Bà con biết đến trạm y tế, tức là bà con tin tưởng mình. Thế nên mình không nề hà bất cứ điều gì, miễn là chữa được bệnh cho bà con thôi!”-Chị tâm sự điều đó khi tôi được cùng đi với chị xuống những bản làng nằm xa xôi nơi dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi chị đã đi đến không biết bao nhiêu lần.
Đôi bàn chân chị đã có không biết bao nhiêu chai sạn, nhưng trên khuôn mặt chị, đôi mắt ánh lên niềm vui, niềm tin tưởng, hạnh phúc: “Mỗi lần đến bản khám, chữa bệnh cho đồng bào, tôi như được sống trong tình cảm gia đình. Khi thu xếp được công việc ở trạm y tế là tôi lại đến các bản làng, vừa để thăm bà con, vừa để được sống trong tình thân của mọi người...”.
Tôi nhìn chị, mặc dù còn rất trẻ so với công việc chị đang đảm đương là Trưởng trạm y tế xã, nhưng những đóng góp của chị với chuyên môn, với đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa thì thật trân trọng.
Chị kể, ngày mới về đây nhận công tác, chị không làm sao thuyết phục được bà con đồng bào ra trạm xá để khám sức khỏe, cũng như tuyên truyền cho bà con biết việc bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe cho mọi người. Đến khi thời hạn công tác mặc dù đã hết, nhưng chị quyết định xin ở lại, hy vọng xoay chuyển được tình hình.
Chị kể, có một đêm đang nghỉ trong trạm xá, bỗng nghe thấy tiếng người chạy huỳnh huỵch ở phía ngoài, gọi: “Thầy thuốc Thu đâu! Thầy thuốc cứu người đi!”. Đó là một tai nạn bị ngã từ trên núi xuống, bị đa chấn thương cần phải cấp cứu gấp. Vừa bắt tay vào làm thì lại có ca nữa chạy lên, chị làm không ngừng tay, đến khi nhìn đòng hồ thì đã hơn 7 giờ sáng… rồi từ đó nhiều trường hợp có vấn đề về sức khỏe, bà con lại tìm đến chị. Chị bảo: “Mừng vì đồng bào đã tin y tế, tin vào công việc của mình. Nhưng cũng lo vì chỉ một mình nên nhiều lúc xoay không kịp, sợ bà con buồn...”.
Điều mà tôi thấy trong chuyến đi với chị, là đồng bào dân bản rất tin tưởng tay nghề và mến yêu chị do tinh thần thái độ phục vụ tận tình, vui vẻ, không quản ngại nắng mưa, đêm ngày ... của một người “lương y như từ mẫu” thường xuyên có mặt ở cơ sở. Khi đồng bào ở thôn bản bị ốm đau, tai nạn, sinh nở... trong điều kiện không đến được Trạm Y tế, chị nghe tin người nhà bệnh nhân cấp báo là lại vội vã xách túi cứu thương lên đường bất kể ngày đêm, mưa nắng. Mỗi khi người dân cần đến, là chị đều đến ngay tận hộ gia đình để xử trí kịp thời công việc cần thiết, cứu chữa bệnh nhân và giúp đỡ người phụ nữ sinh nở an toàn.
Ngoài công việc khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã, chị còn tham gia các chương trình y tế quốc gia và các chương trình y tế ưu tiên khác của địa phương có hiệu quả ở cơ sở như chương trình phòng chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng, phòng chống lao, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, quân dân y kết hợp ... Chị đã có nhiều nỗ lực phấn đấu để trở thành một nữ bác sĩ của bà con dân bản, của đồng bào dân tộc H’rê nơi đây.
Tuyên chiến với hủ tục…
Sau gần 10 năm công tác chị được cơ quan cử đi học Đại học ngành Bác sĩ Đa khoa. Năm 2007 chị tốt nghiệp ra trường và được phân công làm trưởng Trạm y tế xã Ba Cung sau một năm… Với sức bật của tuổi trẻ và chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo trong nhà trường, chị đã phát huy tinh thần trách nhiệm và năng lực công tác của mình để chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho bà con ở các thôn bản trên địa bàn xã. Ngoài thời gian làm việc ở Trạm Y tế, chị cũng thường xuyên xuống tận các thôn bản xã, tận gia đình khó khăn để khám, chữa bệnh cho những bệnh nhân không có điều kiện đi đến được cơ sở y tế. Chị cũng đã trực tiếp tham gia và vận động nhân viên y tế xã, y tế thôn bản, quân y Bộ đội Biên phòng, bộ đội làm công tác vận động quần chúng, các đoàn thể quần chúng ... thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia và các chương trình y tế ưu tiên khác của địa phương.
Chị Thu được bà con yêu quý mỗi lần về bản. |
Chị kể, trong một lần vào làng khám bệnh cho dân, nghe người dân bàn tán chuyện một ca bệnh mà thầy mo cúng ba ngày rồi không khỏi. Gặp chị, thầy mo “phán” nếu người nhà không để yên thì con ma sẽ “bắt” người đi. Lúc đó, người nhà đuổi chị ra. Nhưng chị cứ nằng nặc đòi vào xem thử, khi đến gần nhìn thấy nhiều nốt mẩn đỏ nổi trên da nghi là bị nhiễm trùng huyết, chị vội chạy qua nơi mẹ chồng bệnh nhân thuyết phục để khám thì được đón tiếp bằng… một trận chửi tơi bời và sự xua đuổi.
Buồn lòng chị đã định bỏ về, nhưng nghĩ tội cô gái trên giường bệnh nên chị quay lại thuyết phục mẹ đẻ bệnh nhân, giải thích nếu bệnh này không khám và tiêm thuốc kịp thời bệnh nặng sẽ dẫn đến chết. Người mẹ chần chừ bảo để… nghe ý kiến thầy mo. Còn cô gái nằm trên giường bệnh như muốn ngợp thở vì mùi khói nhang nghi ngút và bệnh hành hạ. Thấy thế chị đánh liều chạy vào dựng người bệnh dậy cương quyết chống lại với người nhà cùng thầy mo và “cược” cả tính mạng của mình: “Nếu tôi không cứu được cô ấy tôi xin đền mạng này!” thế rồi chị cõng người bệnh chạy về trạm y tế, may mà còn kịp nên cô gái ấy được cứu sống…
Nói về nữ bác sỹ của dân bản Đinh Thị Xuân Thu, bà Đặng Thị Phượng, Giám đốc trung tâm y tế huyện Ba Tơ hồ hởi cho biết: “Chị Xuân Thu đã thực hiện nhiệm vụ của mình với tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân và đạo đức của người làm công tác y tế chuẩn mực, trách nhiệm công tác chuyên môn cao. Khi nào cũng thấy chị hăng say, nhiệt tình và vui vẻ trong công việc, không hề biểu lộ một ý nghĩ hay lời nói nào về hoàn cảnh, sự khó khăn, gian khổ, vất vả của bản thân mình. Cơ sở y tế nơi chị công tác từ yếu kém đã dần dần trở nên hoạt động tốt. Đấy là một tấm gương sáng cho cán bộ nhân viên của chúng tôi học tập”.
Còn đồng nghiệp của chị thì luôn tâm đắc: “Những chuyện mà y bác sĩ người Kinh không làm được như vận động người dân ăn chín uống sôi, có bệnh phải báo cho trạm biết… cứ giao cho bác sĩ Thu là đâu lại vào đấy ngay!”.
Con đường để trở thành một nữ bác sĩ phục vụ ở tuyến đầu, một nữ bác sĩ của bản làng vùng cao của bác sỹ Đinh Thị Xuân Thu là như vậy. Chồng con của chị thấy chị say mê với công việc, vui vẻ thực hiện nhiệm vụ công tác nên cũng ủng hộ, động viên và tạo điều kiện cho chị hoàn thành tốt mọi công việc chuyên môn và quản lý của một Trưởng Trạm Y tế xã. Chồng chị vì thương yêu và thấy được ý chí vươn lên của người vợ trẻ nên đã cố gắng gánh vác, xoay xở công việc gia đình và chăm sóc con cái một cách đầy đủ dù không có mặt của người phụ nữ. Cảnh cửa nhà thui thủi, thường vắng bóng chị trước đây và ngay cả bây giờ vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào, chồng con chị cũng đã quen với hoàn cảnh này, anh luôn động viên chị làm tốt công tác của mình.
Tạm biệt chị, tôi chỉ biết chúc chị sẽ phấn đấu làm tốt hơn nữa trong vị trí một nữ bác sĩ của bà con ở bản làng dân tộc vùng cao, biên giới trong thời gian đến. Chị cười, đôi mắt sáng bừng niềm vui…/.