“Nữ phu đá”

Họ phải đội trên đầu những thúng đá nặng 45 - 60kg, đẩy những chiếc xe đựng đầy đá, cùng nhau khiêng những hòn đá nặng gần gấp 2 lần trọng lượng cơ thể mình trong môi trường bụi trắng xóa, dưới cái nóng hơn 5000C từ lò vôi tỏa ra…

Những tưởng đó là công việc dành cho những chàng thanh niên khỏe mạnh. Thế nhưng, đó lại là công việc hằng ngày của hàng trăm chị em đang làm thuê trong các lò đá vôi ở thôn La Mát, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Đội đá… vá đời

Đứng trên cầu Kiện, nhìn xuôi theo dòng sông Đáy, chúng tôi thấy những cột khói trắng xóa bốc lên từ những lò vôi. Hàng trăm con người đang len lỏi trong đám khói bụi ấy. Lò vôi của ông Vũ Mạnh Hoàn lúc 7h sáng, hàng chục xe công nông, xe tải chở đá vào ra tấp nập, tiếng máy nổ ầm ầm, tiếng xẻng xúc đá lẻng kẻng và hàng trăm con người đang hì hục với những đống đá. Mỗi người một việc: Người đội đá lên xe, người xúc đá vào bao tải, từng nhóm người khiêng những hòn đá to lên máng rồi dùng máy cẩu lên lò…

Đó là công việc thường ngày của các chị - những “nữ phu đá” tại các lò vôi ở đây. “Tôi phải dậy từ 5h sáng, đến đây làm đến 11h30, có hôm tới tận 12h. Còn buổi chiều thì làm từ lúc 1h30 đến tối mịt mới về nhưng chỉ kiếm được từ 35.000 - 45.000 đồng/ngày. Số tiền ấy tôi đi chợ mua rau cháo qua ngày còn không đủ, nói chi đến việc nuôi 3 đứa con ăn học. Chồng tôi cũng phải làm thuê ở các mỏ đá trên địa bàn. Hai vợ chồng làm quần quật suốt ngày mà vẫn khổ lắm” - chị Dương Thị Kiện, thôn La Mát, than thở với chúng tôi.

Chúng tôi làm việc trong môi trường bụi bặm trắng xóa nhưng khẩu trang thì không đảm bảo, găng tay chỉ được một hai ngày đã rách. Khẩu trang và găng tay phải tự sắm, mà làm được bao nhiêu tiền đâu, rách thì cố dùng tạm vậy.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, các chị vẫn có mặt thường xuyên trong lò vôi, việc gì họ cũng làm, miễn sao tối về có được miếng ăn...

Thời tiết đầu thu đã dịu hơn những ngày hè nắng như thiêu đốt nhưng sức nóng từ lò vôi tỏa ra vẫn khiến áo các chị ướt đẫm mồ hôi. Chị Hoàng Thị Lý, người có thâm niên đội đá ở đây, vừa cặm cụi bốc đá vừa nói với chúng tôi: “Tôi lao động ở đây đã hơn chục năm rồi. Công việc chủ yếu là bốc đá vào máng rồi dùng cẩu đưa lên lò cao hơn chục mét. Khi đá chín, chúng tôi cào ra, đập nhỏ để phân loại. Những mảnh vụn thì đóng vào bao tải, còn những hòn cỡ 4 - 6cm thì cào vào thúng đội lên xe”.

Chị Lý năm nay đã ngoài 50 tuổi, nhiều năm làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn nên tai không còn nghe được rõ. “Trước đây, khi còn khỏe mạnh, mỗi ngày tôi đội được gần 2 tấn đá lên xe, kiếm được từ 50 - 60.000 đồng, nhưng bây giờ đã có tuổi, tôi cố gắng lắm cũng chỉ đội được gần 1 tấn, kiếm được dăm ba chục ngàn đồng mỗi ngày. Biết là rẻ mạt so với công sức bỏ ra nhưng không làm thì lấy gì mà nuôi chồng con” - chị Lý than vãn với chúng tôi.

Làm việc trong môi trường đầy ô nhiễm và tiếng ồn, vẻ mệt mỏi hằn sâu trên khuôn mặt những người phụ nữ này, nhưng chỉ cần một tiếng gọi của chủ lò là các chị lại đứng bật dậy để bắt đầu công việc sau ít phút giải lao. Ngày nắng cũng như ngày mưa, các chị vẫn có mặt thường xuyên trong lò vôi, việc gì cũng làm, miễn sao tối về có được miếng ăn. “Đa số những người làm thuê ở đây đều sống nhờ vào nông nghiệp, trình độ dân trí rất thấp. Cứ mỗi khi qua mùa vụ, họ lại kéo nhau đi làm mướn kiếm thêm tiền. Nhưng họ còn may mắn chán vì còn có một công việc để làm. Còn biết bao người khác phải lang thang vào Nam ra Bắc để kiếm việc. Nhưng phận gái chân yếu tay mềm ai thuê…” - ông Vũ Mạnh Hoàn, chủ lò vôi - nói với chúng tôi như phân trần.

Sống chung với “tử thần”

Hiện nay, 13 lò vôi ở thôn La Mát có đến gần 500 người đội đá, hầu hết là phụ nữ, tuổi đời từ 40 - 55. Công việc nặng nhọc nhưng được chăng hay chớ, lại là nghề tự do nên họ không có quyền lợi gì, không có chế độ bảo hiểm cũng như phụ cấp hằng tháng.

Chị Lê Thị Viện tâm sự: “Chúng tôi làm việc trong môi trường bụi bặm trắng xóa nhưng khẩu trang thì không đảm bảo, găng tay chỉ được một hai ngày đã rách. Khẩu trang và găng tay mình phải tự sắm, mà làm được bao nhiêu tiền đâu, rách thì cố dùng tạm vậy”. Rồi chị đưa bàn tay đầy sẹo và chai sạn những vết đá cắt cho chúng tôi xem và cho biết thêm: “Công việc trong lò rất nguy hiểm, nhất là cào vôi trong lò ra, vì lúc đó vôi còn đỏ lửa, có khi lên đến vài trăm độ, bị bỏng tay, chân do sơ ý là chuyện bình thường”…

Hằng ngày, các “nữ phu đá” phải đội trên đầu những thúng đá nặng đến 60kg từ bãi đá lên ô tô qua một chiếc cầu. Nói là cầu nhưng thực ra đó chỉ là một mảnh ván gỗ được đặt tạm lấy lối đi. Mỗi lần các chị đội đá lên ô tô, chiếc cầu lại bị cong xuống do không chịu nổi sức nặng của những người phụ nữ đang oằn mình đội đá. Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra do đá bắn vào mắt, nhiều chị đã dùng khăn bịt kín mặt, chỉ còn mỗi đôi mắt, thỉnh thoảng bụi đá bay vào mắt, các chị lại dùng tay dụi dụi vài lần rồi tiếp tục công việc. Họ đâu biết rằng đó chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đau mắt thường xuyên của mình. Khi chúng tôi hỏi: Sao bụi thế này các chị không đeo kính? Chị Nguyễn Thị Nhu cho biết: “Chúng tôi đeo kính thì khó làm lắm. Mồ hôi chảy ra nhiều phải dùng khăn lau thường xuyên. Mà các chú thấy đó, mọi người ở đây có ai dùng đâu”.

Khi được hỏi, hầu hết những “nữ phu đá” đều trả lời rằng, họ cũng không mấy mặn mà với nghề này, nhưng quanh năm chỉ nhờ vào mấy sào ruộng thì làm sao đủ ăn. Đi làm giúp việc trên thành phố cũng chẳng kiếm được mấy tiền, lại nhiều chuyện phức tạp nên có chị đi rồi lại quay về với nghề cũ.

Chị Nguyễn Thị Nga tâm sự: “Chúng tôi gọi công việc đội đá mướn là “nghề” cho vui, chứ có ai muốn làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm mà kiếm chẳng đủ ăn này hả chú”. Dẫu biết vậy nhưng họ vẫn phải làm, và nhiều khi cũng chỉ biết an ủi nhau: Mình làm ở đây còn sướng chán, không như những người phụ nữ làm phu đá trong các mỏ thuộc thôn La Mát và Châu Giang. ở đó, mỗi năm có hàng chục người bị chết do đá đè. Nhưng họ đâu có biết rằng, hàng chục căn bệnh từ bụi gây nên như bệnh về đường hô hấp, ung thư phổi… cũng đang đe dọa sức khỏe của mình.

“Nhanh tay nào, xe đến rồi!”. Sau tiếng gọi của chủ lò, các chị lại tiếp tục công việc sau mấy phút giải lao ngắn ngủi. Ngày qua ngày, với những thúng đá nặng trên đầu, trong môi trường ô nhiễm, họ vẫn lặng lẽ đội đá để mong vá những mảnh đời đầy vất vả, long đong của mình…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên