“Ông bụt” người Dao

Tài hái thuốc “mát tay”của ông Đặng Văn Kiến, 56 tuổi, hơn hai chục năm qua đã đem lại niềm hạnh phúc cho hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn.

Nhiều gia đình hàng chục năm sống trong cảnh khát khao có được một đứa con đã lặn lội từ Hà Nội, Ninh Bình, Sơn La, Hà Giang... tìm đến thôn Văn Nham, xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang để được ông trao “quả hạnh phúc”...

“Ca” hiếm muộn đầu tiên...

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1970, khi chàng thanh niên Đặng Văn Kiến lập gia đình với cô thôn nữ Đặng Thị Phong (thôn Cầu Trôi, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Trong thời gian 5 năm làm rể tại nhà bố vợ - ông Đặng Thế Thông, một thầy lang có tiếng với nhiều bài thuốc gia truyền, đặc biệt là bài thuốc chữa chứng hiếm muộn - chàng rể hiền lành, chịu thương chịu khó đã chiếm được lòng tin của bố vợ.

Vì đã già yếu nên ông Thông thường giao cho con rể đi hái thuốc, mỗi khi có người bệnh đến nhờ ông lấy thuốc. Dần dần ông đã truyền lại cho con rể các bài thuốc quý. “Tôi nhớ mãi lời căn dặn của bố vợ tôi trước khi ông qua đời: Người biết thuốc phải đặt cái tâm làm phúc lên trên hết...” -  ông Kiến nói.

Giờ thì ông không nhớ nổi đã mang lại niềm vui cho mấy trăm cặp vợ chồng hiếm muộn. Nhưng có một điều chắc chắn, cuốn sổ ghi từ năm 2004 đến nay về các trường hợp ông lấy thuốc thành công đã vượt qua con số 120. Vì ngày càng có nhiều người đến nhờ ông hái thuốc nên ông phải ghi lại để còn biết ngày họ đến lấy thuốc và chuẩn bị thuốc sẵn để người bệnh đỡ phải đợi, nhất là những trường hợp ở xa.

Trường hợp đầu tiên đến thật tình cờ. Đó là một gia đình cùng thôn, anh Triệu Văn Sầu và chị Nguyễn Thị Hoa, họ lập gia đình được 9 năm mà chưa có con. Một lần đi làm nương, ông Kiến được nghe những lời tâm sự của anh Sầu về nỗi buồn sâu lắng mà gia đình anh phải gánh chịu vì chưa có con. Nguyên nhân là do anh yếu sinh lý. Nhân tiện có bài thuốc mà bố vợ truyền lại và trong rừng cũng sẵn lá thuốc, tranh thủ lúc nghỉ trưa, ông Kiến đã hái cho anh Sầu một gói thuốc và dặn cách sắc, rồi uống thử xem sao.

Sau 4 tháng uống thuốc thì có hiệu nghiệm. Đến đầu năm 1988, chị Hoa sinh được một bé gái kháu khỉnh trong niềm vui sướng của gia đình, hai bên nội ngoại và bà con thôn xóm. Bé gái Triệu Thị Bầu ra đời nhờ bài thuốc của ông ngày nào, vào cuối năm 2007 đã lên xe hoa về nhà chồng. Kể đến đây, ánh mắt ông Kiến lấp lánh niềm vui.

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi có sự xuất hiện của hai phụ nữ trẻ đến nhờ ông hái thuốc. Một chị cho biết tên là Mùng Thị Mai, 25 tuổi, ở thôn Uổm, xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Chị lập gia đình với anh Hà Đức Anh và ngoài khát khao muốn được làm mẹ, chị đang chịu rất nhiều áp lực vì phía gia đình nhà chồng “ngóng” có cháu bế, cháu bồng từ hơn 3 năm nay.

Vừa rồi, hai vợ chồng chị mới xuống Bệnh viện A Tuyên Quang khám thì mới hay nguyên nhân là do anh. Được người quen mách nên chị tìm đến ông Kiến nhờ hái thuốc mong đạt được điều mong ước đó. Do chồng chị phải đi làm từ sớm, nên hôm nay chị phải đi cùng cô em. Qua câu chuyện của ông Kiến với chị Mai, tôi được biết bài thuốc của ông gồm khoảng 15 cây thuốc như: củ sâm cau rừng, thân cây dứa nước, dứa rừng, thân cây dâm bụt đỏ - trắng, và một số loại cây tầm gửi,...

Thuốc được băm nhỏ phơi khô, chỉ việc sắc uống một ngày 3 lần. Trong thời gian uống thuốc cần kiêng một số thức ăn như thịt chó, thịt mèo, thịt trâu và đặc biệt là mắm tôm. Một gói thuốc được chia uống tuỳ thuộc vào người bệnh, có thời gian dài, ngắn khác nhau, thông thường uống từ 3 - 7 tháng là biết kết quả. Tiền một gói thuốc ông chỉ lấy đủ chi phí xăng xe lúc đi hái thuốc.

Cứ cuối tháng, bất kể mưa nắng, giá rét, ông Kiến lại phóng xe gần 50km sang tận xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, để hái thuốc về thái, phơi khô chờ người bệnh đến lấy. Ông cho biết: “Rừng giờ bị khai thác nhiều, cây thuốc ngày càng hiếm. Thiếu một cây thuốc thì bài thuốc sẽ không phát huy hết tác dụng, nên việc phải mất cả ngày đi hái thuốc cho một người bệnh là chuyện thường xuyên...”.

“Ông bụt” ở miền Sơn cước

Hàng trăm trường hợp đến nhờ ông lấy thuốc thành công cũng đồng nghĩa với hạnh phúc của từng ấy gia đình được sưởi ấm. Ngoài việc lấy thuốc, ông còn thấu hiểu hoàn cảnh của mỗi người bệnh, để động viên về tinh thần, qua đó tạo sự tin tưởng để họ an tâm uống thuốc.

Ông cho biết, uống thuốc cần một thời gian dài, nên rất cần sự tin tưởng và sự kiên nhẫn của người bệnh. Ông hiểu nỗi khát khao có được mụn con của các cặp hiếm muộn. Nhiều người bệnh, nhất là người vợ, chịu rất nhiều áp lực từ phía gia đình nhà chồng, nên họ rất dễ suy sụp về tinh thần.

Nhiều trường hợp hai vợ chồng cưới nhau đã gần 20 năm mà vẫn chưa có con, đi nhiều bệnh viện, phòng khám, tốn không ít tiền của mà điều mong ước vẫn chưa đạt được. Nhiều gia đình đứng trước nguy cơ tan vỡ. Họ tìm đến ông với tâm trạng tuyệt vọng và đã được ông tiếp cho niềm tin. Rồi họ đã nghẹn lời khi thông báo cho ông biết về những dấu hiệu đầu tiên của niềm khao khát đã thành sự thật.

Ví như trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Văn Chiến - chị Phạm Thị Khuyên (cùng xã với ông). Họ cưới nhau đã được 15 năm mà vẫn chưa có con. Ngoài việc “ngóng” đứa con ra đời, chị Khuyên còn phải “ngậm” bao hờn tủi, khi gia đình nhà chồng đổ hết lỗi cho chị là “gái điếc” không biết đẻ.

Mãi khi hai vợ chồng dắt nhau đi khám mới biết nguyên nhân là ở phía anh Chiến. Sau khi uống thuốc của ông Kiến chưa đầy 5 tháng thì điều ước ao của anh chị đã không còn trong giấc mơ. Sau đó chị Khuyên sinh được một đứa con trai. Đó thực sự là một “thiên thần” xuất hiện xoá đi bóng tối u ám bao trùm trong gia đình chị từ bấy lâu nay.

Rồi trường hợp của anh Đỗ Tất Bảo - chị Hà Thị Mai, nếu không uống thuốc của ông Kiến thì có lẽ khát khao được “nghe” tiếng trẻ thơ sau 16 năm chung sống cũng chỉ là ao ước tội nghiệp. Hay trường hợp của anh chị Bùi Văn Ngôn - Cao Thị Tám. Từ Hoa Lư, Ninh Bình họ lặn lội tìm đến với ông trong bộ dạng thật u buồn. Cả hai vợ chồng đã bước qua tuổi 40, đã đi khám ở nhiều bệnh viện lớn, đã tốn kém rất nhiều tiền của, mà vẫn chưa thể có con. Và họ không ngờ, chỉ uống thuốc của ông chưa được nửa năm, đã hân hoan quá đỗi vì một sinh linh kỳ diệu sắp chào đời.

Chị Phạm Thị Đức, một trường hợp hiếm muộn đã có con nhờ bài thuốc của ông Kiến, nói: “Ông ấy như một “ông bụt” xuất hiện đúng lúc khi hai vợ chồng tôi chán nản, tuyệt vọng sau gần chục năm khát khao có được một mụn con”... Còn nhiều lắm, những trường hợp như thế - từ u ám, buồn tủi đến hạnh phúc vô bờ. Và cũng vì thế, người ta đã gọi ông một cách xúc động là “ông bụt ở Tuyên Quang”, “ông bụt người Dao”, “ông bụt” ở miền sơn cước…

Ngoài việc đem niềm vui đến cho các trường hợp hiếm muộn, tài hái thuốc mát tay của ông Đặng Văn Kiến còn chữa khỏi cho một số trường hợp bị bệnh đau thượng vị, bị động kinh như: Bàn Văn Minh, Lý Văn Khuê (người cùng thôn), Hoàng Văn Thông (Yên Bình - Yên Bái).../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên