"Ông Gấu" trên núi trâu

Ông là người đi tiên phong trong việc “biến núi trọc thành núi trâu”, xóa bỏ tập quán nuôi trâu, bò hoang để tạo thành những “núi trâu” lên đến hàng trăm con, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào Hà Nhì.

Người Hà Nhì ở bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên), từ lâu đã biết đến tên “ông Gấu” Sùng Pì Sinh - người đàn ông có sức mạnh của núi rừng, có thể tay không đánh nhau với hổ, gấu, bảo vệ dân làng. Ông còn là người đi tiên phong trong việc “biến núi trọc thành núi trâu”, xóa bỏ tập quán nuôi trâu, bò hoang để tạo thành những “núi trâu” lên đến hàng trăm con, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào Hà Nhì.

Tay không bắt gấu

Trưởng bản Tả Kố Khừ, anh Xu Pó Lòng, sinh năm 1975, chỉ lên dãy Chan Sín Chải xa xa nói với tôi: “Cứ theo hướng này đi khoảng 2 tiếng là lên được Núi Trâu của ông Gấu”. Tôi bặm môi cất những bước ngược ngàn, chui vào những cánh rừng già dây quấn chằng chịt, xuyên qua những rãnh mòn nhão nhoét. Xu Pó Lòng an ủi: “Cứ men theo vết chân trâu qua mấy hàng rào lên núi tìm ông Gấu thì không sợ lạc”.

Mặt trời đứng bóng, căn nhà tranh nhỏ hiện ra. Hai con chó trắng to như hai con bê sủa lên từng hồi báo hiệu có khách lạ. Một người đàn ông cao lớn, vạm vỡ khom lưng bước ra. Mắt tôi chạm phải một cái nhìn nhanh và sắc. Nhận ra trưởng bản đi cùng tôi, ông cười khà khà: “Pó Lòng lên tiêm phòng trâu, bò hả? Dưới bản có gì mới không?”. Gió núi thổi phần phật. Ông mời chúng tôi vào căn nhà nhỏ và câu chuyện bắt ngay vào việc ông tay không đánh hổ.

“Ông Gấu” đang cho trâu, bò ăn muối

Hồi đó, rừng Sín Thầu vẫn nguyên sinh, kẹp xít với những vùng cỏ tranh ven suối Mo Phí, Nậm Ma, Chan Sín Chải. Thú rừng thì nhiều vô kể: hươu, hoẵng từng bầy nhởn nhơ gặm cỏ, khỉ hàng đàn bâu kín trong rừng quả chín, voi thỉnh thoảng lại vượt rừng đi lững thững khắp các đường mòn. Mùa đi tìm mỏ muối, từng đoàn thú rồng rắn giống như các tín đồ hành hương tìm về đất thánh. Hồi đó, hổ rất nhiều. Pì Sinh 17 tuổi, cũng là lúc lũ hổ kéo về Tả Kố Khừ bắt bò, bắt người. Chúng khiến cho bà con lên nương phải đi cả đoàn, tối chẳng ai dám ra khỏi cửa. Pì Sinh lĩnh nhiệm vụ bảo vệ dân bản, trong một lần giáp mặt, ông đã bắt con hổ đền tội, được bà con Hà Nhì ghi vào kỷ lục người trẻ nhất hạ thủ chúa sơn lâm. Khi phỉ quấy phá vùng ngã ba biên giới  Việt - Trung - Lào, Sùng Pì Sinh tham gia dân quân xã.

Một lần đụng phỉ, 2 anh bộ đội đi cùng bị thương, ông đã chặt dây rừng đan thành đôi quang, bẻ cây làm đòn, gánh mỗi anh một bên chạy một mạch hơn 10km từ biên giới Việt - Lào về Sín Thầu cấp cứu. Trong một lần đi thăm lúa, vừa nhô lên khỏi con dốc, Pì Sinh đã đụng phải một con gấu ngựa kềnh càng đứng án ngữ giữa đường. Nó gầm một tiếng, giơ tay tát ông. Nhanh như cắt, ông chuyển người tránh cú đòn chí mạng, nhưng cánh tay trái vẫn dính những vuốt cào sâu hoắm. Mặc cho máu chảy, vận hết sức bình sinh, ông giáng vào mặt con gấu dữ những đòn đấm thôi sơn. Bị dính một loạt đòn, con gấu đổ gục, lăn tròn một vòng xuống chân dốc. Ông Sinh nhào theo, lấy dây rừng trói gập cánh khuỷu, bó mồm, buộc chân kẻ bại trận lại, gùi chiến lợi phẩm về vứt uỵch ở đầu nhà. Con gấu vẫn thở phì phò. Nó to đến mức phải 4 thanh niên lực điền mới khênh được. Từ đó chẳng ai bảo ai, cả bản Tả Kố Khừ, cả xã Sín Thầu cứ gọi Sùng Pì Sinh là "ông Gấu".

Trên đỉnh núi trâu

Câu chuyện về rừng già và những lần hạ thú còn dài mãi nếu tôi không ngỏ ý xem đàn trâu, bò của ông. Nhấp hớp nước chè, ông nói: “Đợi tí, để tao đi gọi chúng nó về”. Thoắt cái đã thấy dáng ông loang loáng sau vạt cây rừng trên đỉnh núi. Những tràng dài âm thanh phát ra: “hu lá, hu lá.. , quà... quà… quà” ù ầm như tiếng sấm. Anh Xu Pó Lòng phiên dịch lại cho tôi: “Ông Gấu đang bảo trâu, bò về nhà ăn muối đấy”. Tiếng ông vang tới đâu thì từng đoàn trâu, bò rẽ mây hiện ra. Bức tranh được dệt bằng trâu, bò cứ đỏ đồi, đen núi tụ lại đậm dần. Lũ vật đã xếp thành hàng trước nhà. Ông đi vào trong nhà bưng một rá muối, vãi ra sân. Những hạt muối trắng tinh phết trên những phiến đá lấp loá dưới ánh nắng. Lũ trâu, bò thè những cái lưỡi dài thành thục, loáng cái đã sạch bách. Nhiều con còn dụi vào người ông tìm vị mặn dính trên tay.

Bà Cháo Chừ Pứ - vợ ông - đã kịp thịt con gà trống to nhất đàn đặt giữa mâm. Nhấp chén rượu với tôi, ông bắt đầu kể về việc “biến núi trọc thành núi trâu” của mình. Trước kia, người Hà Nhì có tập quán thả trâu, bò hoang nên chúng dễ hư, không bảo được, đến vụ cũng không bắt được về cày. Hơn 10 năm trước, sau nhiều lần tìm hiểu, ông vác tre lên dãy Chan Sín Chải khoanh liền 6 quả núi lại, đưa 9 con trâu và 14 con bò lên nuôi, cho ăn muối hằng ngày.

Lúc đó, nhiều người cười cho rằng ông ỷ vào sức khỏe mà đối chọi với rừng già và lũ vật bất trị, thế nào cũng thất bại. Nhưng đàn trâu, bò nhà ông ngày càng phát triển. Năm 2002, ông mua thêm 28 con bò. Đến giờ thì đàn trâu, bò của ông đã lên tới 170 con, trong đó có 60 con trâu. Mỗi năm, đàn trâu, bò của ông đẻ thêm trung bình 40 con, vì toàn trâu, bò nái. Ông hiểu chúng đến mức nằm ở nhà cũng biết cả lũ đang gặm cỏ ở đâu, uống nước khe nào, con đầu đàn hôm nay có đưa cả đàn đi tắm không. Tôi hỏi sao ông biết được? Ông cười khà khà: “Tôi ở với trâu, bò còn nhiều hơn là ở cùng 5 đứa con mình. Trên núi, lúc vợ đi trồng sắn, gieo lúa là tôi đi nói chuyện với trâu, bò. Nhiều khi mưa gió, hai vợ chồng hết gạo nhưng chưa lần nào để trâu, bò thiếu muối”. Mỗi năm, ông cõng lên núi 7 tạ muối cho chúng “ngự thiện” chống rét. Mùa đông, ông đi xoa từng chân  những con non để chúng tránh “cước” chân khỏi bị ngã núi. Ông còn dạy cho chúng biết cách không “ỉa bậy” ở chỗ ngủ để tránh phát sinh bệnh tật và ô nhiễm nơi mình sống. Rồi còn phải ngăn bọn trộm từ bên kia biên giới sang đặt bẫy, dắt trộm.

Tuy có đàn trâu, bò đông đúc, ông Gấu vẫn buồn vì trâu, bò vùng này rẻ quá. Hiện giá bò đực to là 3,8 triệu đồng/con, trâu đực 9 triệu đồng/con, chỉ bằng một nửa ở dưới xuôi. Học tập ông, bây giờ ở xã Sín Thầu đã có rất nhiều núi trâu, bò. Số hộ có trên 100 con cũng khó kể hết. "Ông Gấu" tâm sự, nếu có đường tốt, trâu, bò ở vùng này chắc chắn sẽ trở thành hàng hóa, bán đi các nơi, thậm chí xuất khẩu đi cả nước ngoài, để mọi người biết hơn về vùng ngã ba biên giới này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên