Phóng sự

Ông Khổ ở bản nghiện

Từ một con nghiện lâu năm, bằng quyết tâm của mình, không những ông đoạn tuyệt hẳn với thuốc phiện, mà còn vận động những con nghiện trong xã cai nghiện theo.

Đó là câu chuyện về ông Bạc Cầm Khổ - Chủ tịch HĐND xã Mường É, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Ông Bạc Cầm Khổ từng được vinh dự về Hội trường Ba Đình (Hà Nội) dự Hội nghị những điển hình tiên tiến. Ông còn được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, vì có thành tích xoá bỏ cây thuốc phiện. Vậy mà ông Khổ lại không vui khi tiếp chuyện chúng tôi. “Mình có thành tích gì đâu, chỉ là một con nghiện lâu năm bỏ được thuốc phiện thôi mà…” - ông Khổ khó nhọc mở đầu câu chuyện về mình như thế.

8 năm “ăn cơm đen, ngủ bàn đèn”

Ông sinh năm 1952, được bố mẹ đặt tên là Khổ. Theo lời mẹ ông kể, bà sinh ông đúng vào những ngày chạy trốn sự truy lùng của giặc Pháp, nên bà mới đặt tên con như vậy. Cũng không hiểu sao cái chữ khổ đó còn đeo đẳng ông suốt những năm tháng trai trẻ. Mà cái nỗi khổ đó lại do chính ông gây ra.

Năm 1985, ông được bà con bầu làm Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng công an xã Mường É. Khi ấy khắp cái nương, cái rẫy của xã trồng bạt ngàn cây thuốc phiện. Người nghiện trong xã nhiều vô kể. Hễ trong bản có đám ma, đám giỗ, hay đám cưới là bàn đèn được ngả ra. Ngày đó, ông bắt được rất nhiều vụ vận chuyển á phiện trái phép. Không lâu sau, ông cũng bị mùi hoa anh túc quyến rũ, rồi ông nghiện thuốc phiện lúc nào không hay.

Từ đó, mỗi lần ông đi ra đường, hay dự những buổi họp bản, họp xã, bà con đều nhìn ông đầy oán trách. Có bà mẹ người Thái còn nói thẳng: “Anh Khổ là cán bộ mà lại “làm bạn” với mấy con nghiện. Anh không xứng đáng ngồi đây họp với bà con”. Nghe vậy, ông Khổ bực lắm. Thế nhưng, trên đường về nhà, ông nghĩ “bà ấy nói cũng phải”. “Nàng tiên nâu” đã biến ông từ một cán bộ tốt, người cha gương mẫu, người chồng chăm chỉ thành một con nghiện. Suốt ngày ông ngáp ngắn, ngáp dài, việc xã bị bỏ bê, việc nhà trễ nải. Nhà có bao nhiêu của nả ông cũng cho bay theo làn khói thuốc phiện. Nhiều hôm không có tiền mua thuốc hút, ông còn đánh, chửi vợ con vô cớ.

Không chỉ ông Khổ nghiện mà rất nhiều thanh niên khác trong xã cũng suốt ngày “chân co chân duỗi”, khiến thôn bản điêu tàn, nhiều gia đình tan nát... Nhìn cảnh đó ông cũng đau lòng lắm. Đôi khi ông muốn vận động họ từ bỏ thuốc phiện, nhưng ngay cả mình cũng nghiện thì làm sao bảo người khác được.

 Quyết làm lại cuộc đời

Thế rồi, ông Khổ quyết tâm cai nghiện. Tuy nhiên, việc từ bỏ thuốc phiện không dễ dàng. Suốt 8 năm “ôm bàn đèn”, từng đường gân thớ thịt của ông đã bị khói thuốc phiện làm cho tê liệt. “Những ngày đầu bỏ thuốc phiện còn khó hơn vác một quả núi” - ông Khổ nhớ lại.

Mười lần ông hứa bỏ thuốc thì mười lần tái nghiện.  Đôi khi ông cảm thấy bất lực trước bản thân mình. Một hôm ông nói với vợ: “Từ hôm nay, hễ mà bà nhìn thấy tôi hút thuốc phiện, bà cứ cầm gậy mà đánh”. Thấy chồng quyết tâm cao, bà Lún (vợ ông) mừng lắm. Từ bữa đó, ông đi dự đám cưới, giỗ, Tết ở đâu bà đều đi theo. Ông cứ đụng vào bàn đèn là bà đuổi đánh. “Cầm gậy đánh chồng là chuyện chẳng đừng, nhưng không làm vậy ông ấy không bỏ được thuốc phiện thì tội cả mình lẫn cả đàn con ở nhà. Có lần ông ấy khóc hu hu, xin tôi không đánh nữa…” - bà Lún tâm sự.

Sau mỗi lần tỉnh cơn nghiện, hình ảnh đàn con nheo nhóc thiếu ăn, thiếu mặc khiến ông ứa nước mắt. Buồn hơn là vợ ông đã bán cả chăn màn, thóc, gạo để đưa ông đi cai nghiện. Ông cảm thấy mình là người cha, người chồng vô trách nhiệm. Thế rồi, ông lại quyết tâm bỏ thuốc phiện bằng được.

Lần này, ông không cai tại nhà mà ra Công an huyện Thuận Châu xin được cai nghiện. Sau 15 ngày ở huyện, về đến nhà ông đập bàn đèn. Đứng trước vong linh tổ tiên, ông hứa sẽ không tái nghiện nữa. Một ngày, hai ngày, rồi hết một mùa trăng, ông đã đoạn tuyệt với ma tuý. Từ đó ông thấy mình khoẻ hẳn lên.

Ngoài thời gian làm việc ở xã, ông còn tham gia giúp vợ làm nương, làm rẫy. Sau vài năm chí thú làm ăn, nhà ông đã có của ăn của để. Gà đầy vườn, lợn đầy chuồng, ông còn đào ao thả cá. Từ căn nhà rách nát trước đây, ông dựng lại nhà. Con cái được ăn học đến nơi đến chốn.

 Cai nghiện cho cả xã

Khi gia đình đã yên ấm, ông lại chạnh lòng nhớ tới những người bạn nối khố của mình vẫn đang sống quay quắt bên bàn đèn. Nhiều đêm ông mất ngủ vì điều này. Ông cảm thấy mình là người có lỗi, vì đã để nhiều người trượt dài trên con đường nghiện ngập. Đúng năm đó (1993), Nhà nước có chủ trương xoá bỏ cây thuốc phiện, ông là một thành viên trong Ban chỉ đạo xoá bỏ cây thuốc phiện của xã. Ông Bạc Cầm Khổ cho rằng, muốn bà con không trồng thứ cây “hại mình, hại người” đó nữa, phải vận động mọi người cai nghiện. Một người đàn ông bỏ được thuốc phiện, xã sẽ có thêm một gia đình hạnh phúc.

Từ những suy nghĩ đó, ông bắt tay vào việc vận động 80 con nghiện bỏ thuốc phiện. Những ngày đầu đi vận động quả là khổ trần ai. Những con nghiện kiên quyết không nghe theo ông, họ cho rằng: “Đến chết mới bỏ được bàn đèn, còn sống ngày nào thì còn hút”. Có những gia đình thấy ông đến vận động nhiều quá, họ còn đóng cửa không buồn tiếp. Tuy nhiên, không vì điều đó mà ông nản chí. Hôm nay không tiếp, hôm sau ông lại đến. Ông đến nhiều đến nỗi các con nghiện cảm thấy xấu hổ, họ tự phải mở cửa đón ông.

Để thuyết phục những con nghiện bỏ thuốc, ông luôn động viên họ: Nếu bỏ được thuốc phiện, mình sẽ khoẻ hơn, vợ con sẽ được nhờ. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, ông cứ lặng lẽ gõ cửa từng nhà, kết hợp với vợ con của người nghiện kiên trì vận động họ cai nghiện.

Đầu tiên, chỉ có một vài con nghiện ra xã, dần dà cả 80 con nghiện của xã nghe theo lời ông. Những ngày đó, trụ sở UBND xã đông vui như có hội. Các con nghiện nêu quyết tâm noi gương ông Trưởng công an xã Bạc Cầm Khổ. Ông bảo: “Cai thuốc phiện rất dễ, nếu mình cách ly họ khỏi bàn đèn. Chỉ cần 15 ngày là cơn thèm thuốc sẽ qua đi”. Để họ không tái nghiện, ông Khổ còn đến vận động họ đi làm đường giao thông, rồi bày cách cho họ làm ăn kinh tế. Nhà ai thiếu nhân lực, thiếu vốn thì bà con xúm lại giúp. Ông đã tìm mọi cách để họ không còn thời gian nghĩ tới “nàng tiên nâu” nữa.

Cùng ông Khổ đi thăm lại những gia đình có người nghiện mới cảm nhận hết được niềm vui của họ. Ông Nón, người bạn nối khố của ông Khổ có “thành tích bất hảo” 15 năm “ăn cơm đen, ngủ bàn đèn” cho biết, trước đây ông gầy và hom hem lắm. Giờ thì không ai còn nhận ra con “khỉ” nghiện đó nữa. Da dẻ ông hồng hào, nụ cười luôn nở trên môi. “Giờ thì ăn ngon, ngủ ngon, tinh thần sảng khoái, chứ không như trước, nửa đêm hết thuốc, bất kể mưa gió bão bùng cũng mò dậy đi tìm…” - ông Nón nói.

Giờ đây, ông Khổ đến bản nào cũng được mọi người quý mến. Ai gặp ông cũng chào từ xa và mời vào nhà uống rượu. Một cụ già năm nay đã ngoài tám mươi tuổi, râu tóc bạc phơ khi gặp ông Khổ đã không giấu nổi niềm vui: “Không có nó, chắc tôi không có ngày hôm nay. Bà con ơn thằng Khổ nhiều lắm!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên