Ông Lập đồ cổ
Đây là tên gọi mà các lão nông và trưởng bản ở các xã vùng cao gọi ông Vũ Văn Lập người có thú sưu tầm hiện vật cổ hơn mười năm nay
Từ những cục xương, tiền xu, đến những viên đá có nhiều hình thù kỳ quái… hơn mười năm nay, ông khoác bao tải lặn lội theo dọc sông Thương rồi lại vào vùng núi đá Thái Nguyên, Quảng Ninh tha đủ thứ phế thải trên về chất đầy nhà. Đã có không biết bao người đùa ông là kẻ khùng cho tới khi những phế thải ấy được công nhận là đồ cổ. Ông chính là Vũ Văn Lập với biệt danh “Lập đồ cổ”.
10 năm tha rác về nhà
Đến thôn Đồi Lánh, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế (Bắc Giang) vào những ngày cuối năm, chúng tôi phải vật lộn với con đường bụi mịt mù. Chiếc Min khờ của bác tài xế cứ chồm lên chồm xuống như phi ngựa mặc dù đã cài số 1 và đi với vận tốc “rùa bò”. “Đây là con đường vào mỏ than, xe ben, xe tải chạy suốt ngày nên đường xấu lắm. Cứ bám cho chắc vào!”. Bác tài xế nói.
Tới nhà ông Lập cũng là lúc đồng hồ báo 11giờ trưa. Một người đàn ông nhỏ thó, đang cặm cụi ngoài hiên, vừa mân mê mấy viên đá, vừa bới sách tìm tòi, vừa mặc cả với mấy người dân tộc. Đó chính là ông Lập. Phải chờ cho tới quá trưa ông Lập mới mua được mấy món đồ của những người dân tộc từ Lạng Sơn mang xuống. “Các chú xem, mấy viên đá này chính là minh chứng của của lịch sử đấy. Đây này, lật ngược viên đá lên sẽ thấy hình những lá cây dương xỉ in trên mặt rất rõ. Từ khi biết tôi mua lại những thứ này, từ sáng tới tối, thậm chí cả đêm, cũng có người đến gõ cửa bán lại những thứ mà nhiều người gọi là “phế thải” cho tôi”. Ông Lập nói.
Pha ly trà nóng mời khách, ông Lập kể lại cái cơ duyên dẫn mình vào “nghiệp” sưu tầm cổ vật ở xứ quê nghèo: “Cách đây hơn mười năm, sau khi sinh đứa con thứ tư, tôi tự nguyện xin không làm việc ở xã mà chuyển sang làm chậu cảnh. Để có được những khối đá, nhũ đá đẹp, tôi phải lặn lội sang bên dãy núi đá huyện Hữu Lũng và ngược dòng sông Thương để tìm kiếm.
Trong mỗi lần như vậy, cứ thấy những viên đá, mảnh đồng nằm lỏng chỏng trên bùn đất là tôi nhặt về. Chiều khách và chẳng chút nề hà, ông ngồi bệt xuống nền gạch lát hoa rồi lấy từ trong ba lô, hộp bánh quy, túi ni lông ra hàng trăm di vật, hiện vật. Hình như những di vật, hiện vật ấy đã ngấm vào ông tự bao giờ nên vừa lấy ông vừa giới thiệu khá tỷ mỷ nào là xương răng động vật hoá thạch, đồ đá, đồ đồng và nữa là đồ gốm rải tràn trên nền nhà. “Chưa hết đâu”, nói rồi ông chạy vào buồng, luồn người moi ra từ dưới gầm giường, gầm tủ mấy bao cổ vật nữa.
Đặc biệt là trong những tủ trưng bày, ông giới thiệu về đồ đá và đồ gốm như một hướng dẫn viên du lịch. Đây là chiếc bát thời Hán, chiếc đĩa thời Lý, bát, đĩa thời Trần, rồi gốm thời Lý... Ông nhớ và thuộc cả niên đại của từng đồ vật. Đặc biệt là bộ bình vôi nhà Đinh với nhiều hình thù kỳ quái mà tôi chưa từng nhìn thấy bao giờ. Nhìn vào đống hiện vật vừa được “trưng bày” ngổn ngang, chúng tôi ai nấy đều ngạc nhiên và kính nể công sức của ông. Cũng đã nhiều lần vào các bảo tàng để xem di vật, hiện vật cổ nhưng bản thân tôi cũng không ngờ được rằng, một người nông dân đích thị vùng trung du miền núi Bắc Giang lại có được bộ sưu tập đồ đá thời hậu kỳ đá mới và đồ đồng quý hiếm đến như vậy.
Quý hiếm, song đến như bản thân ông cũng chỉ biết rằng, đấy là những viên đá có hình thù rất đẹp, được con người ghè đẽo rất công phu; những mũi tên, lưỡi cuốc, rìu đồng cổ... chứ không hiểu được giá trị thực của nó. Phải đến khi đoàn khảo cổ của Bảo tàng tỉnh Bắc Giang ghé thăm nhà ông và trầm trồ ngạc nhiên trước những đống “phế liệu” ngổn ngang ấy rồi giải thích cặn kẽ, ông mới hiểu, đó là những vật vô giá mà hơn 10 năm ông đã không uổng công mang về nhà. Ông say mê giới thiệu về những bộ sưu tầm của mình đến nỗi vợ ông phải nhắc dừng lại, vì đã đến giờ ăn trưa. Biết vậy, nhưng ông vẫn cố tranh thủ khoe thêm mấy bộ sưu tầm về đồ đồng: rất nhiều mũi tên đồng, rồi giáo, mác... Trong những đồ vật sưu tầm được, ông tâm đắc nhất là bộ hoá thạch sao băng. Hai viên đá này ông giữ gìn rất cẩn thận và coi như vật báu trong nhà.
Khi phế thải được công nhận đồ cổ
Từ khi có đoàn khảo cổ ghé thăm, ông Lập được trang bị sách vở về sưu tầm hiện vật có quy củ theo tiêu chuẩn. Tiếp xúc với các nhà khảo cổ học và đọc tài liệu, dần dà ông Lập hiểu và phân biệt được các loại cổ vật. Sau những ngày mùa bận rộn, ông lại khăn gói quả mướp đi lang thang khắp các bản làng vùng cao của Bắc Giang và Lạng Sơn. Đến đâu ông cũng dò tìm, hỏi thăm xem nhà ai có vật lạ là ông hỏi mua. Trước đây, có nhiều thứ người ta biếu không ông, hoặc chỉ cần đổi vài cút rượu, nhưng từ khi biết những vật đó có giá trị, ông phải bỏ tiền ra mua lại.
Bộ xương động vật cổ của ông Lập |
Nhà ông Lập đông con lại thuần nông, đôi khi ông phải vay nóng, những lúc không vay được ông lại giục vợ bán gà, bán lợn, có lúc bán cả cặp trâu mẹ con, thậm chí bán cả lúa non để mua đồ. Có những vật ông phải “nằm phục”nhiều năm mới mua nổi như hòn đá hoá thạch có in hình bộ răng thú khổng lồ. Chủ nhân của đồ vật này vốn là một tay chuyên múc cát trên sông Thương. “Lúc đầu tôi hỏi mua, anh ta nhất định không bán. Nhưng với tôi, đã mê một vật thì nó ngấm luôn vào máu, đêm nằm cũng mơ tưởng tới nó. Sáng dậy, tôi lại phi xe tới, nhưng không quên xách mấy chai rượu và con gà quê để cầu khẩn. Ròng rã 3 năm trời, như vậy, cuối cùng chủ nhân cũng mủi lòng bán lại cho tôi. Để có được một món đồ, nhiều khi còn khó hơn cả đi hỏi vợ ấy chứ”. Ông Lập nói rồi cười khà khà sảng khoái.
Giờ đây, những người ở đội chạy tàu trên sông Thương không ai không biết tên tuổi và số điện thoại của ông. Còn các lão nông và trưởng bản ở các xã vùng cao đều gọi ông bằng cái tên “Lập đồ cổ”. Nhờ vậy mà từ người già tới trẻ nhỏ ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh Bắc Giang, mỗi khi phát hiện được vật gì lạ đều gọi ông đến hoặc mang tới gõ cửa nhà ông. Rồi ông Lập hứng lên, lôi cả một bộ đồ đá mới sưu tập được với món tiền không dưới 20 triệu đồng ra khoe. “Mấy đứa con tôi tốt nghiệp đại học, giờ đã đi làm, cứ mỗi lần chúng gửi tiền về là tôi dùng mua hết những đồ này. Cũng có nhiều người đến gạ hỏi mua, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bán, tôi chỉ tặng lại cho bảo tàng và chuẩn bị mở riêng một bảo tàng của tôi”.
Giám đốc Bảo tàng Bắc Giang, Trần Văn Lạng cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, ông Lập đã sưu tầm được 200 rìu đá, 11 bon, 2 đục, 10 cuốc đá, hơn 10 tràng hạt đá; hơn 10 chiếc dao đá… với tổng số hơn 300 hiện vật đồ đá các loại với nhiều liên đại khác nhau; Đồ đồng có khoảng gần 100 hiện vật với các loại mác, búa, lưỡi câu, mũi tên, khuyên tai… Ngoài ra, ông Lập còn có các bộ đồ vô giá như lá dương sỉ hoá thạch, răng, xương động vật cổ hoá thạch, bộ bình vôi cổ… Những bộ sưu tập của ông Lập rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá và khoa học. Đến thời điểm hiện tại, ông Lập đã hiến tặng cho bảo tàng rất nhiều hiện vật để trưng bày, chúng tôi đang gấp rút hoàn tất thủ tục để xây dựng bảo tàng tư nhân cho ông Lập. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn nhất với ông Lập vẫn là mặt bằng và kinh phí để xây dựng, còn hiện vật trưng bày của ông Lập đã thừa tiêu chuẩn”./.