Phá rừng phòng hộ: Ai đánh dấu cây trong rừng Đắk Đoa?

Chính quyền huyện Đắk Đoa khẳng định, việc phá rừng là do dân địa phương, nhưng điều chúng tôi thắc mắc là tại sao những cây có đường kính 30cm trong rừng phòng hộ lại được đánh dấu?

Liên quan đến sự việc rừng phòng hộ Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai bị tàn phá mà Đài TNVN đề cập trong thời gian qua, ngày 27/2, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai kiểm tra sự việc. Nếu đúng như Đài TNVN đã phản ánh, chính quyền tỉnh Gia Lai phải có biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/3/2012. 

Sau ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngày 1/3 Phóng viên Đài TNVN tiếp tục trở lại đúng khoảnh rừng bị chặt hạ ngổn ngang mà trước đó 2 tuần, chúng tôi đã tới khảo sát.

Khoảnh rừng thuộc tiểu khu 416, rừng phòng hộ Đắk Đoa, ngay sát đường từ xã Đắk Smei đi vào xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa.

Cách chốt kiểm lâm 300m, người dân vẫn ngang nhiên phá rừng, lập chòi

Nếu hai tuần trước, khoảnh rừng này mới bị đốn hạ, lá cây vẫn còn tươi nguyên thì nay khoảnh rừng đã bị đốt cháy thành tro than, những cây lớn thì bị cháy nham nhở, khói bốc lên nghi ngút.

Điều đáng nói, để đến được khu vực này chỉ có một con đường duy nhất. Hơn thế nữa, khoảnh rừng này cách chốt kiểm lâm, Hạt kiểm lâm Đắk Đoa mới thành lập khoảng 30m.

Ông Nguyễn Đăng Nhã – Chốt trưởng chốt kiểm lâm mới cho biết, chốt kiểm lâm này được thành lập hơn 10 ngày. Chốt có 10 người, với nhiệm vụ tăng cường bảo vệ, kiểm soát rừng phòng hộ Đắk Đoa. Vậy mà khoảnh rừng bị đốt cháy chỉ cách chốt kiểm lâm khoảng 30m mà không ai biết thì thật khó hiểu.

Khoảnh rừng vừa bị đốt thành tro than

Đi thêm chừng 300m, chúng tôi bắt gặp 3 chiếc xe máy dựng ngay bên lề đường. Cạnh đó là một khoảnh rừng mới bị chặt hạ, người dân dựng chòi ở ngay tại chỗ địa điểm chặt hạ. Vào thời điểm giữa trưa, trong chòi người dân đang nấu cơm, khói bếp bốc lên ngu ngút.

Lần vào rừng này, chúng tôi phát hiện thêm một vấn đề mới trong việc phá rừng phòng hộ Đắk Đoa. Theo quan sát của chúng tôi thì khu vực rừng còn rất ít cây có đường kính trên 40cm. Những cây có đường kính trên 30cm thì bị ai đó đánh dấu. Cụ thể, cây có đường kính từ 30 - 50cm đã bị dao rựa hoặc rìu đánh dấu chữ V, còn cây có đường kính lớn hơn 50cm thì đánh dấu bằng 2 chiếc que xếp hình dấu cộng. Điều chúng tôi thắc mắc là việc đánh dấu này có mục đích gì và tại sao chỉ đánh dấu vào những cây có thể lấy gỗ với đường kính từ 30cm trở lên.

Vào sâu hơn bên trong khoảng hơn 20 bước chân, tại tiểu khu 418, từ ngã ba xã Hà Đông đi vào trung tâm xã, hàng chục cây to có đường kính từ 60 -  80 cm bị cưa xẻ lấy gỗ ngay tại chỗ. Nhiều gốc cây, vết cưa xẻ, mùn cưa còn mới. Một số cây đã được cưa xẻ thành khối, hộp chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng thì được bọn lâm tặc vùi giấu bằng mùn cưa, lá cây rừng ngay gần gốc cây bị hạ.

Cây có đường kính khoảng 30cm bị đánh dấu V

Chiều 1/3, sau khi từ rừng trở ra, chúng tôi liên lạc để làm việc với UBND huyện Đắk Đoa về nội dung rừng phòng hộ Đắk Đoa bị tàn phá và công tác kiểm tra, xử lý sau khi có ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai kiểm tra, xử lý sự việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Khác với lần trước, lần này ông Nguyễn Đức Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa sắp xếp ngay để làm việc chứ không còn đùn đẩy trách nhiệm cho Sở NN&PTNT hay cho ông Lê Viết Phẩm - Phó chủ tịch UBND huyện như lần trước.

Ông Nguyễn Đức Hoàng khẳng định, UBND huyện Đắk Đoa đã phối hợp với Sở NN&PTNT, các ngành chức năng huyện đi kiểm tra sự việc rừng phòng hộ bị tàn phá.

2 cây có đường kính khoảng 50cm bị đánh dấu bằng 2 que xếp hình dấu +

Ông Hoàng cho biết, vấn đề Đài TNVN nêu trong thời gian qua là đúng, diện tích bị phá là khoảng 20ha. Tuy nhiên, không có dấu hiệu của lâm tặc mà chỉ có một số nhóm người địa phương đi phát rừng làm rẫy. Ông Hoàng cũng nói lời cảm ơn đến Đài TNVN đã phát hiện và trao đổi kịp thời với lãnh đạo huyện. Theo ông Hoàng thì từ những thông tin đó mà huyện đã chỉ đạo các lực lượng kiểm lâm, xã và ban quản lý rừng phòng hộ kiểm tra. Toàn bộ diện tích rừng phá là do bà con phá nới để có thêm đất sản xuất. “Dấu hiệu lâm tặc là không có”, ông Nguyễn Đức Hoàng khẳng định chắc nịch.

Nghe ông Nguyễn Đức Hoàng kết luận không có dấu hiệu lâm tặc, chỉ có một số nhóm người địa phương đi phát rừng làm rẫy, chúng tôi liên tưởng đến ngay sự việc khoảnh rừng bị đốt ngay cách chốt kiểm lâm 30m. Liệu hành động đốt khoảnh rừng trong thời điểm này có phải để đổ tội cho người địa phương là đối tượng duy nhất phá rừng phòng hộ Đắk Đoa? Và những cây rừng có đường kính hơn 30cm trở lên bị đánh dấu, có thể khai thác gỗ do ai và nhằm mục đích gì?

Một cây gỗ lớn khác vừa bị cưa hạ nhưng chưa kịp xẻ gỗ

Nếu chỉ có người địa phương đi phá rừng làm rẫy thì ai là người cưa hạ, xẻ những cây gỗ lớn ngay tại rừng mà Phóng viên Đài TNVN đã ghi nhận được khi đi thị sát tình hình phá rừng phòng hộ Đắk Đoa.

Vấn đề này cần có một lời giải đáp hợp lý từ UBND huyện Đắk Đoa, Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai và UBND tỉnh Gia Lai khi thời hạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ còn hơn 20 ngày.

Đài TNVN sẽ tiếp tục đưa thông tin vụ việc đến độc giả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên