Viết tiếp bài “Chuyện “ết” ở miền sơn cước

Phần nổi của tảng băng chìm

Để làm rõ nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ở vùng sơn cước, phóng viên VOV đã liên hệ với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La. Một số thông tin đáng lo ngại đã được cơ quan này đưa ra.

<< Chuyện “ết” miền sơn cước

Một năm, gần 1.000 người nhiễm HIV

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La, từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 10/1998, số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện, số bệnh nhân AIDS cũng như số bệnh nhân tử vong do AIDS ghi nhận được trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng qua các năm. Đến ngày 31/11/2008, toàn tỉnh Sơn La có 6.271 trường hợp nhiễm HIV/AIDS được phát hiện trên địa bàn tỉnh (trong năm 2008 là 972 người), chiếm 0,5% dân số, trong đó 1.095 người nhiễm HIV chuyển sang AIDS và hơn 1.000 người đã chết vì AIDS.

Hiện tại, Sơn La là một trong 13 tỉnh, thành phố trọng điểm về ma túy (chỉ tính riêng số người nghiện có hồ sơ quản lý đã lên tới trên 17.000 người) và cũng là địa phương đứng thứ hai về tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS cao nhất trong 100.000 dân trên toàn quốc (chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh). Những điểm nóng về HIV/AIDS tại Sơn La là: thành phố Sơn La, các huyện Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu và Mộc Châu. Theo cơ quan chức năng, nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao phần lớn là nhóm người nghiện ma túy, đặc biệt tiêm chích ma túy và phụ nữ mại dâm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong số người nghiện ma túy nói chung là 26,6% và chiếm tới hơn 93% trong nhóm người chích ma túy; Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm gái mại dâm là 4,5%.

Lý giải con số gần 1.000 người nhiễm HIV trong năm 2008, bà Đoàn Kim Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La cho rằng: “Con số này thực sự là một báo động trước đại dịch HIV/AIDS tại tỉnh Sơn La. Song, với số lượng người nhiễm HIV được phát hiện trong năm 2008 không phải là sự đột biến mà do tỉnh đã triển khai hoạt động giám sát, phát hiện một cách đồng bộ, hiệu quả”. Thế nhưng, điều gì đang ẩn chứa trong việc càng kiểm tra, giám sát thì số người nhiễm HIV/AIDS ở Sơn La càng gia tăng? Phải chăng việc phát hiện ra gần 1.000 người nhiễm HIV trong năm 2008 mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm?

Tăng cường hỗ trợ: Muộn còn hơn không

Cuộc sống yên bình, giản dị vốn có ở các bản làng của tỉnh Sơn La giờ đang mất dần đi, vì tình trạng nghiện ngập và căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS lây nhiễm với một tốc độ nhanh chóng. Thế nhưng, việc ngăn chặn bão AIDS tại Sơn La lại rất hạn chế do người dân chưa biết cách tự bảo vệ mình trong khi những chương trình hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS ở vùng cao này lại rất hạn chế.

Để đối phó với dịch HIV/AIDS, hỗ trợ người nhiễm HIV trong công tác điều trị, tỉnh Sơn La đang triển khai hoạt động giáo dục đồng đẳng tại 28 xã, phường, trong đó Dự án LIFE - GAP triển khai tại thành phố Sơn La với 6 nhóm tiếp cận đồng đẳng (24 tuyên truyền viên đồng đẳng). Trong năm 2008, một số mô hình giảm thiểu tác hại như: mô hình bơm kim tiêm sạch, xây dựng các câu lạc bộ đồng đẳng, câu lạc bộ đồng cảm… cũng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp chính quyền.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng đã thành lập được 4 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Bệnh viện Phong - Da liễu tỉnh; Trung tâm Y tế dự phòng Mộc Châu và Trung tâm Y tế dự phòng Mường La. Những cố gắng của chính quyền địa phương trong việc phòng chống HIV/AIDS là không nhỏ.

Tuy nhiên, đánh giá hiệu quả của phong trào thì vẫn còn rất khiêm tốn. Bởi lẽ tốc độ lây lan của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS ở Sơn La diễn ra ngày một tăng, nhưng dường như việc phòng chống AIDS ở Sơn La chỉ dành riêng cho các đơn vị y tế. Chúng tôi đã gặp và làm việc với chính quyền ở nhiều xã, phần lớn lãnh đạo nói đến vấn đề này còn thờ ơ. Điển hình như báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của xã Tông Lệnh (một xã có số người nhiễm HIV cao nhất huyện Thuận Châu) dày 18 trang, nhưng không hề có một chữ nào nói về tình trạng nhức nhối này. Cũng tại thời điểm này, điều dễ dàng nhận thấy đó là thái độ chưa sẵn sàng nhập cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương và nhiều người dân trong tỉnh.

Đáng lưu ý là, rất nhiều người dân ở Sơn La còn chưa có khái niệm gì về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS; đặc biệt, càng không hiểu nó lây lan bằng cách nào và sự nguy hiểm ra sao. “Để phòng tránh bị lây nhiễm HIV, người dân phải có ý thức bảo vệ mình. Có trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS, lở loét đầy mình, trong chương trình quy định phải dùng găng tay để chăm sóc, nhưng họ lại không dùng. Do đó, việc lây lan HIV từ người này sang người khác là tất yếu” - bà Đoàn Kim Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La cho biết.

Theo bà Liên, tại Sơn La có một thực trạng rất đáng lo lắng là nhiều thanh niên biết mình bị nghiện, nhiễm HIV vẫn kết hôn. Hậu quả là số phụ nữ bị lây HIV từ chồng ngày một gia tăng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên