Phối khí cho diều

Cụ Nụ bảo: “Muốn sáo kêu hay thì diều phải tốt, phải biết hứng gió cho sáo, diều phải biết chao biết liệng ở độ cao hợp lý mới “phô” hết được “tâm hồn lẫn giai điệu” của sáo, của diều cũng như đất trời mây gió...  

Cánh diều bé nhỏ mỏng manh chao liệng trong chiều quê mênh mông lộng gió, thanh bình, êm ả, vi vu tiếng sáo. Để tạo ra được tiếng sáo diều hay không hề đơn giản, có người cả đời dồn tâm huyết để thỏa mãn niềm đam mê ấy chưa chắc đã tạo ra được.

Nghệ nhân còn lại mấy người 

Ông Lê Đức Nụ ở Hoằng Kim, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, người có gần 30 say sưa với tiếng sáo, vui buồn với cánh diều và mải mê đi tìm nhạc cho diều trong những bộ sáo. Cái thú chơi ấy tưởng như bình thường thế mà lại không hề đơn giản.  

Người làng Hoằng Kim đồn nhau, bảo tiếng sáo diều được cụ Nụ phối nghe hay lắm, mỗi lần sáo chuyển điệu, cả sáo cái lẫn sáo con cùng đổ hồi hòa tấu, ngân nga chẳng thể lẫn với bất kỳ tiếng sáo nào, của bất cứ ai trong làng, nghe qua là biết ngay “diều ông Nụ”. 

Cụ Nụ bên con diều và sao ba

Cụ Nụ bảo: “Muốn sáo kêu hay thì diều phải tốt, phải biết hứng gió cho sáo, diều phải biết chao biết liệng ở độ cao hợp lý mới “phô” hết được “tâm hồn lẫn giai điệu” của sáo, của diều cũng như đất trời mây gió... Tôi đã nhiều lần cải tiến và thử nghiệm với nhiều loại sáo, đủ các kích cỡ, chủng loại nhưng vẫn chưa thấy hài lòng vì còn thấy thiêu thiếu một cái gì đó...”

Và, theo như cụ Nụ bộc bạch thì cái thiếu đó chính là tiếng tù và chưa ấm, chưa có sức mạnh như tiếng tù và mà cụ được nghe thuở nhỏ từ sáo của các cụ nghệ nhân. Cụ cho rằng, tiếng sáo của mình chưa tha thiết mượt mà như “tiếng ngày xưa”. Nghe nó chưa có được cái thanh bình, cái nhẹ nhàng, yên ả. 

Bình thường cụ Nụ làm một con diều trong một ngày là xong. Nhưng để làm sáo cho diều cụ lại trầy trật có khi đến cả chục hôm. Cụ bảo, “để khoét và chỉnh âm cho sáo có khi mất đứt cả tháng giời chứ chẳng chơi. Tôi cũng đã cố đi tìm những ống sáo cũ còn lại từ thời các cụ. Vừa dùng thả để nghe vừa là để học hỏi thêm, nhưng lặn lội mãi cũng chỉ được một hai bộ. Bộ sáo “cao tuổi nhất” tôi có cũng chỉ khoảng sáu, bảy mươi tuổi, nhưng cho người khác mượn họ sơ ý làm “mù sáo” của tôi rồi...” 

Thú chơi cũng lắm công phu 

Ban đầu, những người như cụ Nụ chỉ dám ghép sáo đôi, sau là ghép sáo ba. Cụ Nụ bảo: “Để ghép được sáo ba, ngoài kỹ thuật khoét, còn phải biết lựa âm, chỉnh âm cho sáo. Âm nó phải hòa được vào nhau như sáo đôi nhưng nghe phải hay hơn sáo đôi, âm không được tách rời cũng không được đấu đá lẫn nhau. Sáo Cái hay còn gọi là Sáo Trưởng có giọng thổ trầm, vang xa khi lên kêu u...uôm u...uôm uuôm như tiếng tù và dễ nghe chứ không chát chúa, Sáo Trung thì giọng cổ đồng khi diều đứng nghe tiếng đu uu uu uu, khi đổi gió diều chao nó đổ hồi chuyển điệu thành đôô đôô đôô, nghe nó gần như tiếng chim cu gáy cổ đồng, và Sáo Con có giọng thanh, nhẹ nhàng và có độ ngân cao.

Cánh diều giống như người nhạc trưởng, nó hứng gió và phân phối gió ở các mức độ khác nhau cho ba ống sáo, dĩ nhiên còn phụ thuộc vào mức gió và hướng gió nữa, khi đó ba ống sáo sẽ kêu ba mức âm lượng khác nhau cũng như ba điệu khác nhau. Lúc gió dồn cánh diều chao, lượng gió ba ống sáo nhận được là như nhau, vì thế mức âm lượng gần như bằng nhau, âm điệu hòa vào nhau như khúc cao trào trong một bản hợp xướng”.  

Cũng vì không muốn lặp lại tiếng sáo diều đơn điệu như ở các vùng khác hay của chính những người chơi ở quê mình bây giờ nên hơn 30 năm qua, cụ Nụ vẫn khắc khoải đi tìm “những bản phối mới cho sáo diều”. Cụ tâm sự: “Với tôi, thả diều là thú chơi thể hiện cá tính, con diều thể hiện cho tính cách của khổ chủ. Cá nhân tôi không mấy chú trọng vào màu sắc cũng như kiểu dáng mà chỉ chú trọng vào cốt diều. Diều phải nhẹ, cốt phải khỏe để cõng được bộ ba sáo lên cao, đồng thời biết cách chao để hứng gió cho sáo”.

Với sự kiên trì không biết mệt mỏi, cuối cùng cụ Nụ cũng đã ghép thành công được một vài bộ sáo ba. Bộ sáo ba này, từ hợp âm đến giai điệu, khả năng luyến láy và tần suất đổ hồi gần như là hoàn hảo nhất trong quãng hơn 30 năm miệt mài với thú chơi và phối khí cho sáo diều mà cụ Nụ theo đuổi. 

Buồn vui theo cánh diều 

“Gió ở mình thường không đều, ngày có ngày không, nên nhiều hôm giữa trưa nắng tôi vẫn sách diều đi thử sáo như thường. Nhiều người không hiểu, nên bảo ông này dở người, nhưng có mê diều họ mới biết, mới hiểu hết được cái háo hức của người làm diều”, cụ Nụ chia sẻ, “may cái là bà nhà tôi và các con đều thích diều và luôn ủng hộ niềm đam mê mà có người nói là dở hơi của tôi. Phải nói đó là một điều may mắn, cũng nhờ sự thông cảm và chia sẻ của vợ con nên tôi mới có đủ điều kiện và can đảm theo đuổi với sáo với diều đến bây giờ”.

"Tôi chưa thấy diều mất đi nhưng tôi biết nó đang bị mai một..."

Cụ Nụ nhớ có lần đang thử ghép ba bộ sáo ba thì trời trở gió diều đảo gió nặng không giữ được thế là dây quấn vào nhau rồi đứt. Thả ba thì đứt hai, cả hai đều bay sang làng bên. Nhưng sáng hôm sau thì người làng bên đem diều đến tận nhà trả cho cụ, làm cụ rất bất ngờ.

Cụ Nụ cũng cho biết, “có nhiều người thích diều ở các xã khác đến chơi và thắc mắc hỏi tôi tại sao cách nhau chẳng mấy bước chân, gió có khác gì nhau mà diều của họ không lên, sáo của họ không hay như bên tôi. Tôi bảo tại các ông chưa chịu tìm hiểu kỹ và chưa thực sự mê diều”.

Thú chơi diều cũng như phối khí cho sáo diều hơn 30 năm qua, với cụ Nụ như là đã ngấm sâu vào mạch máu, thớ thịt. Với cụ, làm diều không chỉ là để chơi, để thỏa mãn cái thú của mình mà còn là để tìm lại mình trong tiếng sáo và cánh diều. Diều bay lên, sáo nhờ diều lựa được gió của trời mà kêu cũng là một cuộc thi lớn rồi. Và đó cũng là lí do giải thích tại sao suốt hơn ba mươi năm qua Cụ không tham gia bất kỳ một cuộc thi nào dù lớn dù nhỏ.

Cánh diều bé nhỏ mỏng manh chao liệng trong chiều quê mênh mông lộng gió, thanh bình, êm ả và đầy tiếng sáo, cái bản nhạc đồng quê ấy đã  làm cho những buổi chiều quê cũng thành “tương tư” đầy tâm tình. Một thoáng suy nghĩ về những khu trung cư cao tầng, các địa ốc, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí hiện đại đang chen nhau mọc lên với tốc độ chóng mặt bất chợt đi qua. Mông lung những câu hỏi về thế hệ sau này, chúng sẽ chỉ biết đến diều sáo trong các viện bảo tàng hay qua những đoạn phim tư liệu thì sẽ thế nào? Có thiệt thòi cho chúng không? Tuổi thơ của các em có thiếu đi một mảnh ghép thật hay, thật đẹp và rất Việt Nam ấy không?!

Cụ Nụ trầm buồn: “Chắc hẳn ở xứ mình không gian để diều cất cánh vẫn còn nhưng để nhìn thấy diều thì dường như rất khó chứ chưa nói đến việc nghe được tiếng sáo, đặc biệt là tiếng sáo hay. Bây giờ, ở các nơi hầu như người ta toàn dùng “diều mắt muỗi, diều công nghiệp”, chỉ to hơn cái quạt mo, vừa nhanh vừa gọn lại rẻ. Thú chơi diều sáo là thú chơi tao nhã nhưng lắm công phu, nó còn đòi hỏi trí sáng tạo, ham tìm tòi và phải có cả sức khỏe nữa.

Tôi chưa thấy diều mất đi nhưng tôi biết nó đang bị mai một, đâu còn được mấy người như ông bạn tôi bị giây diều cứa rách cả tay, sưng vù lên mà khi tôi cười hỏi chiều gió lên có đi thử sáo cho diều được nữa không, ông ấy bảo: phải đi chứ, mới thế này ăn thua gì!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên