Sáo Mèo vi vu

Gắn bó cả cuộc đời với cây sáo Mông, hơn chục năm đứng thổi sáo bên nhà thờ đá Sa Pa, ông Nguyễn Đại Dương đau đáu trong lòng nỗi lo về sự mai một của loại nhạc cụ này

Đêm Sa Pa…                

Đêm lạnh buốt. Trước cửa nhà thờ đá, một người đàn ông với mái tóc hoa râm đang say sưa thổi sáo, quên cả những hạt mưa đang bay vội vã. Khuôn mặt ông như bừng sáng theo từng khúc nhạc, đôi tay thoăn thoắt lướt trên cây sáo. Khách đến Sa Pa nhiều lần hẳn không còn xa lạ với tiếng sáo của ông già tên Dương này. Đều đặn vào thứ 6 và thứ 7 hàng tuần, ông lại cùng vợ ra đây thổi sáo phục vụ miễn phí cho du khách. Trong đêm lạnh, tiếng sáo vi vút, gợi nhớ, mênh mang và buồn, như mời như gọi, như xui như khiến lòng người tìm đến gần nhau.

“Không phải vì tiền bạc, cũng không phải vì sự nổi tiếng, rất khó cắt nghĩa vì cái gì. Chỉ biết rằng có cái gì đó cứ thôi thúc tôi, gắn cuộc đời tôi với cây sáo Mông từ khi còn nhỏ đến lúc đầu đã hai thứ tóc như thế này” - xoa xoa trên tay tách trà nóng giữa cái giá lạnh 7 độ C của vùng núi Sa Pa, ông Nguyễn Đại Dương trầm tư kể về cuộc đời gắn bó với cây sáo Mông của mình. Cha ông vốn là người Hà Tây, mẹ là người Dao ở Sa Pa. Hai người gặp nhau trong những tháng ngày ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Mến phục sự dũng cảm của anh bộ đội Cụ Hồ, sự hy sinh tần tảo của người phụ nữ miền sơn cước, họ đã nên vợ nên chồng.

Không phải là người Mông, nhưng sống ở Sa Pa từ nhỏ, ông Dương không nhớ nổi đã bao lần đi bộ xuống bản người Mông, say sưa nghe tiếng sáo gọi bạn tình của những chàng trai bản nơi đây. Cứ thế, ngày này qua tháng khác, những bản nhạc Mông đó ngấm vào tâm hồn cậu bé Dương lúc nào không hay. 14-15 tuổi, cậu đã thuộc nằm lòng những khúc sáo Mông, tự mình vào rừng tìm những cây tre, trúc thật chắc, thật khoẻ để làm sáo. Tiếng sáo lúc đó của cậu chưa thật mượt mà, đúng điệu, nhưng cái da diết, mênh mang của núi rừng, của con người bản làng thì như đã ngấm sâu...

Cứ thế, dường như có một sợi dây vô hình gắn cuộc đời ông Dương với cây sáo. Khi trưởng thành, lập gia đình, đi làm ăn bôn ba khắp nơi, nhưng rồi điểm dừng chân cuối cùng của ông vẫn là thị trấn Sa Pa với những ký ức tuổi thơ thuở nào.

Để trang trải cho cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học, ông Dương mở một hiệu cắt tóc nằm ở góc khuất của một con phố. Tiệm cắt tóc này ông thuê lại của người ta. Gọi là tiệm cho sang chứ thực ra đây là một gò đất nhỏ nhô ra của một ngôi nhà, chỉ đủ cho vài người khách ngồi chờ cắt tóc.

Chỉ cần ngó qua là biết chủ nhân của nó yêu sáo đến mức nào. Quanh tiệm, chỗ nào cũng thấy sáo là sáo, cái dài cái ngắn, cái to cái nhỏ, có cái đã hoàn thành, cái vẫn còn dang dở. Còn chủ nhân của chúng, ông Dương, tay thoăn thoắt đưa kéo cắt tóc cho khách, miệng say sưa nói về sáo với người bạn Mông ở bản xa mới lên phiên chợ.

Người níu giữ những giai điệu núi rừng

Khi nghe ông Dương thổi sáo, rất ít người biết rằng tai phải ông bị hỏng. Ông chỉ nghe được bằng tai trái khi có máy trợ thính. Tuy nhiên, những nốt sáo của ông cất lên vẫn rất chuẩn, đầy đam mê. Ông kể: “Tôi chưa hề qua bất kỳ một trường lớp nhạc nào. Tất cả chỉ học qua sách báo và tivi. Khuông nhạc, bản nhạc đều tự học. Chính vì thế tôi chơi theo khả năng của mình, và hơn hết, bằng tất cả tình yêu đối với thứ nhạc cụ độc đáo này”.

Yêu Sa Pa, ông yêu tất cả những thứ thuộc về vùng đất này. Những con người bản địa đã sinh sống ở đây từ hàng trăm năm trước, những nét văn hoá bình dị nhưng vô cùng độc đáo của họ đã hấp dẫn ông. Tình yêu ấy không đơn thuần là cảm tính của con tim mà nó còn là sự mến phục. Để rồi, niềm đam mê với sáo trong ông không chỉ dừng lại ở loại sáo trúc thông dụng mà ông còn tìm hiểu, mày mò để học sáo Mông, chế tác thành công cây sáo Mông.

Ông Dương cho biết: Người Kinh gọi là sáo Mèo hay sáo Mông nhưng người Mông ở Sa Pa gọi là sáo “lưỡi gà”. Bởi nơi miệng cây sáo có cái “lưỡi gà” làm bằng bạc (hoặc bằng đồng) - gọi là lam. Lam là bộ phận độc đáo nhất và khó làm nhất của sáo Mông. Muốn làm được lam, phải tự mày mò cách pha chế, nung đồng sao cho khi đổ vào khuôn không bị vỡ.

Những cây sáo do ông Dương làm được nhiều người Mông công nhận là có thể cất lên tiếng nói riêng của tâm hồn họ. Nhận thấy nhiều du khách có nhu cầu mua sáo khi đến Sa Pa, ông Dương bắt đầu làm sáo để bán. Ông đích thân vào tận bản người Mông cách đó vài chục cây số, tìm bằng được những nghệ nhân làm sáo để học.

“Năm 1999, tôi bắt đầu làm sáo bán. Lúc đầu bán với giá 5.000 đồng/chiếc. Lúc đó nhiều người chưa biết đến mình nên bán được rất ít. Mãi đến năm 2005, kỷ niệm 100 năm du lịch Sa Pa, tôi quyết định làm 100 chiếc sáo. Không ngờ bán hết. Tôi mừng lắm”.

Để những chiếc sáo đạt đủ tiêu chuẩn về âm thanh, ông cất công xuống tận Nhạc viện Hà Nội để mua chiếc máy đo tiếng sáo về. Nhiều du khách khi đến Sa Pa đều mang một chiếc sáo của ông Dương về làm quà. Có người ở tận trong Nam hay Việt kiều cũng nhắn nhủ bạn bè nếu có qua Sa Pa, nhất định phải mua hộ một cây sáo bác Dương.

Gắn bó cả cuộc đời với cây sáo Mông, hơn chục năm đứng thổi sáo bên nhà thờ đá Sa Pa, ông Nguyễn Đại Dương vẫn đau đáu trong lòng nỗi lo về sự mai một của loại nhạc cụ mang hồn của núi rừng này. Ông Dương kể: Trước kia chỉ cần đứng dưới chân cầu Hàm Rồng - Sa Pa đã nghe thấy tiếng sáo Mông dìu dặt vang lên khắp nơi.

Nhưng vài năm trở lại đây, khi người Mông có điều kiện tiếp xúc nhiều với các phương tiện thông tin đại chúng như điện thoại, đầu đĩa nhạc… tiếng sáo Mông trở nên lạc lõng và cô đơn. Đã có rất nhiều người đến học ông nhưng không ai đủ kiên nhẫn và tình cảm với cây sáo Mông. Bản thân người Mông hiện nay không còn mặn mà với loại nhạc cụ do chính cha ông họ làm ra.

Lại một đêm cuối tuần nữa trên phố Sa Pa, con đường cạnh nhà thờ nhộn nhịp người qua lại. Những gian hàng với đủ các mặt hàng lưu niệm xinh xắn. Nhưng không có gian hàng nào khiến người ta phải tò mò, say đắm như kệ hàng sáo đơn sơ của ông Dương.

Anh Nguyễn Văn Toản - công tác tại Trung tâm Thông tin Sa Pa - cho biết: “Tôi biết ông Dương từ những ngày đầu ông thổi sáo ở nhà thờ phục vụ du khách. Trời mưa hay nắng, ông vẫn miệt mài thổi. Sa Pa có những người như ông Dương thật đáng quý biết bao”. Rồi anh bất giác ngân lên lời thơ quen thuộc:

“Tiếng sáo Mèo như quen như lạ

Nửa giận hờn nửa khắc khoải nhớ thương

Câu hỏi rộn ràng gõ lên từng vách đá

Tiếng trả lời mong manh như sương”…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên