Sơn La: Dân khốn cùng vì nạn khai thác vàng trái phép
(VOV) -Người dân ở huyện Mường La đang đứng trước nguy cơ thiếu đói vì nguồn nước ô nhiễm, ruộng bị phá để đào vàng.
Hậu quả của việc làm này là hàng trăm hộ dân tại đây đang lâm vào tình trạng thiếu nước do nguồn nước ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm.
Nguy cơ thiếu đói trong những tháng giáp vụ lại càng hiện hữu trước mắt. Mặc dù việc khai thác vàng đã diễn ra từ lâu, nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp để ngăn chặn triệt để.
Với đôi can 10 lít ngả màu xỉn trên vai, chân đi đôi dép mòn vẹt, lưng đụi cháu nhỏ, đã gần 3 năm nay, sau những buổi đi thả trâu, làm rẫy về bà Quàng Thị Chanh (bản Lứa, xã Pi Toong) lại tất tả đi khắp bản để xin nước về chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình.
Bà Chanh phải xin nước về phục vụ sinh hoạt |
Bà Chanh cho biết: “Trước đây giếng của cả bản nhiều nước lắm, đi nương rẫy về chỉ việc ra đấy giặt giũ, lấy nước về nhà dùng thôi. Bây giờ nhiều người đào vàng ở đầu nguồn, mạch nước giếng của bản cũng chẳng còn, tôi thì mẹ góa con côi không có điều kiện để đào giếng sâu hơn nên mới phải đi xin nước ăn”.
Ông Lường Văn Diễn năm nay đã ngoài 70 tuổi, cùng con trai đang cặm cụi nhặt từng viên gạch xây lại bờ giếng gần nhà, để giữ lại nguồn nước sạch đang dần cạn khô trong lòng giếng.
Ông Diễn kể, từ năm 1960 đến năm 2000, nguồn nước trong giếng, suối bản Lứa rất trong xanh, nhiều tôm cá, nước để làm ruộng không bao giờ thiếu. Cái giếng này được chia làm 2 máng: Một máng cho đàn ông, một máng cho phụ nữ. Nhưng vài năm trở lại đây, nhất là từ khi nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép của người dân trong bản bùng phát thì nguồn nước trong các giếng bị cạn kiệt, dòng suối của bản Lứa cũng bị ô nhiễm đục ngầu, dòng chảy bị tắc nghẽn, nước cho sinh hoạt hàng ngày còn thiếu nói gì đến nước cho sản xuất nông nghiệp.
Bỏ dở công việc kè giếng của mình, anh Lường Văn Tuấn con trai ông Diễn, tranh thủ trao đổi với chúng tôi về những lo lắng của mình. Gia đình anh có hơn 1000m2 trồng lúa nước, nhưng từ vụ chiêm năm ngoái không được thu hạt thóc nào do không có nước. Gia đình anh đã đói giáp hạt từ bây giờ.
Những cánh đồng hoang vì thiếu nước |
Anh Lường Văn Tuấn bức xúc: “Tôi đề nghị cơ quan pháp luật nhanh chóng ngăn chặn khai thác vàng đang ảnh hưởng rất lớn cho mọi người dân bản. Hàng trăm hộ không có nước để dùng, ao hồ cạn hết rồi chẳng có cá để mà ăn....”.
Theo ông Lò Văn An - Trưởng bản Lứa, nguyên nhân gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm trong bản là do các hộ dân khi khai thác vàng đã đào các hố sâu hàng chục mét khiến nguồn nước ngầm tập trung vào các hố này.
Bên cạnh đó, để phục vụ việc đào, đãi vàng họ lại bơm nguồn nước này ra ngoài cùng với bùn đất nên đã khiến nguồn nước ngầm trong bản cạn kiệt, còn trên dòng suối Toong thì nước đã nhiễm bùn đất không sử dụng được.
Tiếp cận bãi vàng
Qua hướng dẫn một người dân bản Lứa, chúng tôi ngược về đầu nguồn con suối Toong chảy qua các bản Lứa, Hua Nà và Nà Phìa để tiếp cận khu khai thác vàng trái phép.
Đi chưa đầy 1 km, không gian yên tĩnh bỗng biến mất mà thay vào đó là tiếng máy nổ ầm vang cả một vùng. Khu đất bên cạnh dòng suối, có nhiều hố giống như hố bom, sâu hàng chục mét, có đường kính gần 20m.
Đi sâu vào khu khai thác vàng, dọc đường đi có đến 15 nhóm nhỏ và hơn 20 chiếc máy nổ đang làm việc trên dòng suối. Đến khu vực đầu nguồn con suối, xuất hiện thêm nhiều máy máy xúc và sàng vàng bằng sắt cao khoảng 2m, rộng 1m.
Người dân vô tư khai thác vàng |
Việc khai thác vàng không chỉ diễn ra theo dọc con suối Toong mà ngay trong bản, có hộ dân đã dỡ nhà để tìm vàng. Chưa biết có tìm thấy vàng hay không, nhưng ngôi nhà khang trang của ông Lò Văn Đinh ở bản Lứa đã được phá bỏ để đào vàng. Toàn bộ diện tích đất ở của gia đình ông trở thành một cái ao rộng hàng trăm mét vuông và sâu gần 10m.
Việc khai thác vàng trái phép đã khiến trên 100 hộ dân tại bản Lứa lâm vào tình trạng không có công ăn việc làm do nguồn nước chính phục vụ việc sản xuất nông nghiệp đã cạn kiệt.
Cánh đồng bản Lứa từng là một trong những vựa lúa lớn của xã Pi Toong và huyện Mường La giờ đây khô cằn, nứt nẻ. Còn con suối Toong, nguồn cung cấp nước chủ yếu cho việc sản xuất nông nghiệp giờ đây chỉ là một dòng chảy nhỏ, đục ngầu bùn đất. Tuyến kênh mương của dự án 925 dài hơn 2 km giờ cũng bị đào bới, đất đá vùi lấp gần hết.
Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Pi Toong Quàng Văn Tâm được biết, việc khai thác vàng xảy ở 7 bản gồm: bản Cang, bản Phiêng, bản Ten, bản Lứa, bản Hua Nà, bản Nà Phìa và bản Nà Cài.
Khu ruộng của bản Cang nằm bên con đường vào xã, cách UBND xã chưa đầy 500m cũng bị người dân đào bới để tìm vàng. Trước thực trạng khai thác vàng trái phép của người dân, chính quyền đã tổ chức các đoàn kiểm tra, cưỡng chế thu máy móc của người đào vàng, nhưng xã cũng chỉ có quyền xử lý hành chính phạt đến mức tối đa là 2 triệu đồng nên chưa thể ngăn chặn được nạn khai thác vàng trái phép.
Có cả máy xúc, ủi cỡ lớn |
Ông Phạm Tiến Diện - Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Mường La cho biết, huyện đã thành lập tổ công tác liên ngành để xử lý nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép tại xã Pi Toong. Tuy nhiên, các hình thức xử lý vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả. Đặc biệt, khi biết tổ công tác đến kiểm tra thì người dân dừng việc khai thác.
Việc khai thác vàng trên đất nông nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân ở bản Lứa, xã Pi Toong rõ mười mươi. Thế nhưng khi được hỏi có chuyện người dân khai thác vàng trên đất ruộng không? Ông Diện lại khẳng định: “Chưa có cơ quan nào được phép vào đấy để thăm dò, khai thác cả, bà con chủ yếu đào thủ công ven ven đồi. Trên địa bàn bản Lứa thì lại không có hiện tượng khai thác vàng trên ruộng, đây chẳng qua là ruộng chỉ canh tác được một vụ”.
Nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất bị ô nhiễm cạn kiệt, đất sản xuất nông nghiệp bị đào bới khó có thể cho gieo trồng...Nạn khai thác vàng trái phép tại xã Pi Tong đang tiếp diễn, chính quyền chưa có những biện pháp xử lý thực sự hiệu quả.
Không biết đến bao giờ nạn khai thác vàng trái phép ở đây mới được chấm dứt để trả lại sự ổn định đời sống cho người dân? Câu hỏi này xin dành cho các cấp có thẩm quyền của huyện Mường La và tỉnh Sơn La./.