“Sống mòn” trên quê mới

Không việc làm, không phương tiện kiếm sống… khiến nhiều hộ dân ở điểm tái định cư Thuỷ điện Sơn La tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đang “sống mòn” trên quê hương mới  

Nhiều hộ dân đã bỏ về quê cũ để làm ăn. Tuy nhiên, chỉ còn 1 năm nữa Thuỷ điện Sơn La sẽ đóng cống, mực nước sông Đà sẽ dâng, nương rẫy bị ngập, cuộc sống của họ rồi sẽ đi về đâu?

“Ngụ cư” nơi phố núi

Thị trấn Pa So vào những ngày này bụi bay mù trời. Khu tái định cư nằm ở cuối thị trấn. Những ngôi nhà xây nằm nép mình bên sườn đồi. Hầu như nhà nào cũng cửa đóng, then cài giống như những ngôi nhà hoang. Cả khu phố trông hoang vắng, tàn tạ dưới ánh chiều tà. Hỏi ra mới biết chủ nhân của những ngôi nhà xây nham nhở đó là những công dân của xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) chuyển đến.

Gặp chúng tôi, ông Phạm Quang Đông, “tổ trưởng” khu phố thở dài thườn thượt. Cái chức “tổ trưởng” là do người dân tự phong cho ông để giải quyết công việc ở khu, chứ suốt mấy năm nay ông có nhận được đồng tiền công nào đâu. 5 năm trước, hàng chục hộ dân ở xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ “xung phong” trong việc di dân tới thị trấn Pa So tái định cư để nhường đất cho Thuỷ điện Sơn La. Họ đánh vật với nắng, mưa để dựng nhà, chạy vạy ngược xuôi để xin mắc điện, dựng đường nước... Vất vả, gian nan là vậy nhưng ai cũng cố gắng bởi trong tâm niệm của họ là mình đang góp một phần công sức vào dòng điện ngày mai của Tổ quốc với niềm hy vọng: “Về nơi ở mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ”. Nhưng đến thời điểm hiện tại, ai cũng ỉu xìu như bánh đa ngấm nước.

Đến nay, người dân cũng chưa hề biết mình đã được nhập hộ khẩu thị trấn hay chưa. Bởi lẽ những quyền lợi liên quan như bảo hiểm y tế, sinh hoạt ở các đoàn thể của những hộ dân “ngụ cư” vẫn bị khước từ. Khổ vì chưa danh chính ngôn thuận là một nhẽ, ngay cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ cũng bị “treo” từ nhiều năm nay. Người dân có thắc mắc thì các cơ quan chức năng của tỉnh đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Cuối cùng thì hoà cả làng, chỉ có người dân tái định cư là chịu thiệt thòi.

Chỉ là “bánh vẽ”

Chẳng là các hộ dân chuyển lên điểm tái định cư Pa So thuộc diện phi nông nghiệp - tức là những gia đình cán bộ, hưu trí, buôn bán nhỏ… Mỗi nhà được phân 200m2 đất ở. Chẳng mấy chốc, mấy chục ngôi nhà đã được xây dựng. Theo tính toán của những người “vẽ” ra dự án tái định cư phi nông nghiệp Pa So, những hộ dân chuyển lên đây sẽ làm dịch vụ, mở hàng quán buôn bán nhỏ, rồi sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề… Bao nhiêu lời hứa tốt đẹp, bao nhiêu niềm hy vọng của người dân sau 5 năm chuyển đến nơi ở mới giờ trở thành nỗi thất vọng tràn trề. ở nơi phố núi người thưa, đời sống nhân dân còn khó khăn, gia đình nào cũng mở sạp hàng buôn bán thì bán cho ai? Cả ngày người dân ngồi trong ngôi nhà mới nhìn trời, nhìn đất mà chân tay ai cũng nặng tựa đeo đá.

Bà Dương Thị Bình ngồi thu lu trong góc nhà ngắm ánh nắng chiều chạng vạng mà lòng day dứt nhớ về quê cũ. Bà Bình vốn là cán bộ nghỉ hưu ở Chăn Nưa. Mỗi tháng bà nhận được 1,2 triệu đồng tiền lương nên bà cũng trong diện chuyển về khu tái định cư phi nông nghiệp tại thị trấn Pa So như 58 hộ dân khác. “Lương hưu tuy thấp nhưng ở quê cũ tôi còn có hơn 5.000m2 đất vườn, ao cá nên cũng đỡ túng bí, lại có việc làm cho khoẻ, cho vui. Lên đây còn mỗi suất lương mà phải gồng gánh nuôi cả mẹ già, con đang đi học nên khó khăn lắm! Mớ rau, quả chanh khi ở quê cũ cho nhau cả rổ, giờ đụng đến là phải có tiền. Mà nói gì chuyện tiền nong, đến cái nghĩa địa chôn người cũng chưa có, nếu chẳng may chết thì phải đi thương lượng, nói khó với dân sở tại mới được chỗ chôn tít tịt trong xó rừng kia...” - bà Bình tâm sự.

Bên cạnh đó, ông Phạm Quang Đông cho biết, khi tuyên truyền vận động người dân, Ban quản lý dự án đưa ra đầy đủ, thuyết phục nhưng khi thanh toán tiền đền bù cho dân thì vừa thiếu, vừa chậm, vừa không thoả đáng. Đến nay, người dân vẫn chưa được hưởng nhiều khoản tiền hỗ trợ như: chênh lệch tiền đất giữa nơi đi và nơi đến; nhiều hộ còn chưa được thanh toán tiền hỗ trợ gạo ăn 2 năm đầu cũng như tiền điện sinh hoạt, nước ăn... Đó còn chưa kể đến việc một số hộ đã được hỗ trợ tiền gạo thì lại cấp muộn tới cả năm trời và chỉ cấp trong một lần chứ không cấp theo quý như quy định. Ban quản lý dự án cấp cho dân với giá 4.600đ/kg gạo, trong khi giá thị trường là 6.000 - 7.000đ/kg...

Thu nhập trung bình 1 bát phở/tháng 

Cách khu tái định cư phi nông nghiệp không xa là bản Thèn Nưa có 73 hộ chuyển từ Chăn Nưa về thị trấn Pa So từ năm 2006. Đây được coi là điểm tái định cư “mẫu” của tỉnh Lai Châu để nhân rộng việc tái định cư sau này. Bà con vừa thu hoạch lúa mùa xong nhưng vào bản vẫn thấy vắng hoe, vắng hoắt. Câu đầu tiên mà trưởng bản Điêu Văn Sượng “đãi” chúng tôi là tiếng thở dài: “Bà con đói lắm!”. Theo anh Sượng, về đây bà con được hỗ trợ cây, con giống, ruộng bậc thang... Nhưng có ai biết bà con cũng gặp muôn vàn khó khăn. Dù chịu khó làm ăn mà mức thu nhập bình quân cả năm chỉ được 40kg thóc/người, tương đương 200.000đ. Như vậy, tính ra mỗi tháng một người dân được khoảng 15.000đ, tương đương 1 bát phở ở thị trấn Pa So.

Khẳng định lại thông tin mà trưởng bản vừa cung cấp, ông Phàn Văn Tẩn, Phó trưởng bản kiêm cán bộ Mặt trận Tổ quốc phân trần, bà con chỉ biết làm nông nghiệp để sống nhưng về đây không có chút đất nương nào ngoài 200m2 đất ruộng cho mỗi nhân khẩu. Đất đã xấu, không màu mỡ, lại thiếu nước nên gần nửa diện tích chỉ cấy được 1 vụ. Năm đầu, bà con làm mà không có thu. Hai năm nay, phải đầu tư cải tạo đất rất vất vả mới thu được chút ít. Nếu người ăn khoẻ thì chỉ ăn một tháng là hết số lương thực làm cả năm, những tháng còn lại muốn có ăn phải đi làm thuê cho dân thị trấn như: bốc gạch, khiêng đất cát, xi măng... Vì thế, tiếng là khu tái định cư nông nghiệp nhưng lại thành phi nông nghiệp. Còn chuyện hỗ trợ sản xuất thì không đáng là bao.

Đơn cử, nhà ông Trưởng bản Sượng cũng chỉ được hỗ trợ 3kg thóc giống, một ít phân bón và 2 con trâu non, vừa đến tuổi xỏ mũi, chỉ khoảng 30 - 40 cân thịt móc hàm mà Ban quản lý dự án tính giá những 8 triệu đồng/con, đắt hơn bán ở chợ nhiều lần. Theo phản ánh, các hộ dân khác cũng được hỗ trợ kiểu đó, mà không lấy không được. Vừa qua, mỗi hộ dân bản Thèn Nưa lại phải bỏ ra cả triệu đồng để lắp đặt đường ống nước sinh hoạt vì hệ thống nước sinh hoạt của Dự án tái định cư từ lâu đã không có nước, thành ra vô dụng..../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên