Tấm hình Bác bằng máu

Ở trong ngục, để có lá cờ đỏ Đảng và tấm hình của Bác, một người chiến sĩ kiên trung đã lấy máu của mình, hòa cùng máu của đồng đội để vẽ. Ông là Nguyễn Thế Nghĩa, nay là người thợ sửa giày ở phố Thánh Thiên, TP. Bắc Giang.

“Báo đen” của chiến trường miền Nam

Người đàn ông làm nghề sửa giày ấy tuy bước qua tuổi lục tuần nhưng phong thái vẫn nhanh nhẹn như thời trai trẻ. Ông bảo, đấy là tố chất của một người lính cảm tử được tôi rèn trong môi trường quân đội nhân dân Việt Nam.

Thế nhưng trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, con người cứng cỏi xem cái chết nhẹ tựa lông hồng đã có hai lần rơi nước mắt. Lần đầu là khi ông nhắc lại cái chết của cha, lần thứ hai khi ông vẽ bức chân dung Bác Hồ trong nhà giam ở Phú Quốc.

Không được chứng kiến cái chết của cha vì lúc đó ông mới 3 tuổi, nhưng ông nghe mẹ kể, cha ông – Đội trưởng Đội du kích thanh niên cảm tử Đình Bảng đã bị địch bắt và chặt đầu treo ở kho Cũ (Tân Hưng, Lạng Giang, Bắc Giang ngày nay).

Năm 1961, mẹ ông mất và để lại một bản di chúc với lời nhắn nhủ: “Con phải trả thù cho cha”.

Từ 1961 đến 1966, ông đã 3 lần tình nguyện xin ra chiến trường nhưng không đủ tiêu chuẩn (vì ông chỉ nặng 38 cân và lại là người con duy nhất còn lại của một gia đình). Bằng lá đơn tình nguyện bằng máu với những lời lẽ đầy quyết tâm “Tôi tình nguyện tham gia quân đội nhân dân Việt Nam để đánh Mỹ cứu nước, trả thù nhà. Nếu không chiến thắng tôi nguyện không trở về”, ông được nhận bổ sung trong đợt tuyển quân năm 1966.

Năm 1968, ông theo quân đoàn vào Nam chiến đấu. Thấy ông nhanh nhẹn, lãnh đạo quân đoàn giải phóng miền Nam chuyển ông sang Quân báo, rồi ông trở thành Đại đội trưởng Đại đội đặc công CK25 của Trung Đoàn 320 trực thuộc Bộ tư lệnh miền Nam.

Từ khi chiến đấu cho đến khi bị bắt, ông tham gia hơn 102 trận đánh lớn nhỏ trong đó có những trận đánh đáng nhớ như: Trận đánh ở dốc 31 Tây Ninh đập tan hai cuộc càn quét của ngụy quân mang tên GiangXon City, Actonmorơ; Đập tan “sự thách thức của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” ở bến Lức (Long An)… Thế nên ông mới có biệt danh là “Báo Đen” của chiến trường. Ai bắt, giết được ông sẽ được thưởng lớn.

Cuối năm 1969, khi nghe Phó Tổng thống ngụy quyền Trần Văn Hương về Long An, ông được lệnh thực hiện cuộc ám sát Phó Tổng thống Ngụy. Lần đó ám sát hụt, ông bị bắt.

Lá cờ, hình Bác được vẽ lên bằng máu

Ban đầu tưởng ông là tù chính trị, chúng đưa ông ra nhốt ở nhà tù Côn Đảo với án tử hình đã được thảo sẵn. Sau khi điều tra chúng lại chuyển ông sang nhà tù Bắc Việt Hố Lai – Biên Hòa rồi đẩy ra nhà tù Phú Quốc. Tại đây ông liên lạc được với ông Tô Diệu, Bí thư Đảng ủy nhà lao.

Với chủ trương: “Ăn cơm địch, học cho ta để mai về phục vụ cách mạng”, tất cả anh em trong tù phải học nâng cao dân trí. Ông Nghĩa được cử làm Bí thư chi bộ và phân công dạy môn triết học.

Trong chi bộ của ông Nghĩa có đồng chí Lê Đức Thiện (người Nam Định), là một chiến sĩ dũng cảm, từng bao lần xin tự mổ bụng gây áp lực với kẻ thù. Đảng ủy nhà lao quyết định kết nạp Đảng cho đồng chí Thiện. Tuy nhiên vẫn thiếu nghi thức kết nạp là phải lá có cờ đỏ búa liềm.

Đồng chí Tòng (chiến sĩ người Hải Phòng) được cử đi lấy vải đỏ về làm cờ. Dù đã ngậm kín trong miệng nhưng vẫn không qua được vòng kiểm tra của địch. Anh bị chúng đem đi biệt giam, tra tấn dã man.

“Ngày kết nạp đảng cho đồng chí Thiện đang cận kề, giờ không có cờ thì phải làm sao”, ông Nghĩa vò đầu bứt tai. Mỗi người mỗi ý, người bảo vẽ cờ trên cát nhưng không được vì có biểu tượng búa liềm nhưng không có màu đỏ, như vậy không còn ý nghĩa.

Đang rối bời thì một đồng chí gợi ý: Anh Nghĩa ơi! Lấy máu làm cờ được không?

“Tại sao màu đỏ trong người ta nhiều thế mà không nghĩ ra”. Mừng như bắt được vàng, ông chạy đến góc nhà giam, lấy tấm tôn bên cạnh đâm thẳng vào mạch máu ở tay, nặn cho máu chảy ra thành dòng. Phòng y tế trại giam đem cho ông tấm gạc cầm máu. Cứ thế, ông vuốt cho máu chảy ra mỗi lúc một nhiều. Đến trưa, ông mở tấm gạc cầm máu ra thì ông không khỏi thất vọng vì máu thấm không đều tấm gạc, chỗ thì quá đậm, chỗ thì lấm chấm loang lỗ.

Đang thất vọng thì các anh em trong trại tiến tới thì thầm: Cho chúng em đóng góp với. “Lá cờ ấy thấm máu của tất cả đồng đội, đồng chí của tôi trong tù”, ông Nghĩa xúc động.

Lá cờ đã hoàn thành, trên tay ông vẫn còn chảy máu, bỗng trong đầu ông lóe ra ý nghĩ: “Tại sao mình không vẽ bức chân dung Bác Hồ”. Với một mảnh giấy nhỏ, một que tăm, ông bắt đầu làm họa sĩ. Vốn là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ Thuật nên chẳng mấy chốc, ông vẽ xong tấm hình Bác.

Câu chuyện của chúng tôi bỗng đứt đoạn. Ông khóc như thể mình đang sống lại những thời khắc ấy. Cũng phải mất vài phút sau ông mới tiếp tục câu chuyện.

Nhiều anh em trong tù chưa thấy Người bao giờ, nên khi nhìn tấm hình Bác vẽ bằng máu, tất cả những cái đầu trong phòng giam chụm lại, không gian như lặng im. Trên những khuôn mặt xanh xao của họ, hai dòng lệ tuôn trào. Họ nói với nhau trong tiếng nghẹn ngào: Bác! Bác của chúng ta đây rồi”…

Vậy là đã có cờ đỏ, đã có ảnh Bác Hồ, còn lại ông dùng thuốc sinh tố (thuốc chống phù được phát cho tù nhân) vẽ biểu tượng búa liềm.

Hôm đó, đồng chí Lê Đức Thiện được chính thức kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam. Sau ngày kết nạp, đồng chí nhận nhiệm vụ xử tử tên phản bội trong tù và bị giặc đem đi xử bắn.

Địch biết phong trào cách mạng trong tù đang cao, chúng nâng cao kiểm soát, bởi vậy để cất giữ được hai “báu vật” ấy là biết bao công phu. Khi các ông vùi trong cát, khi thì cuốn lá cờ vào túi nilông, dùng chỉ buộc vào răng, thả vào cổ họng. Lúc an toàn, lá cờ lại được kéo ra, treo ngay ngắn trên tường để củng cố niềm tin, lòng quyết tâm của các chiến sĩ trong lao tù.

Bởi vậy mà, lá cờ, bức ảnh bằng máu của ông Nghĩa mới thoát qua được tay địch để trở thành biểu tượng sống của các chiến sỹ trong nhà lao Phú Quốc đồng thời kết nạp được hàng chục con người trung kiên vào Đảng.

Sau hiệp định Paris được ký kết, theo thỏa thuận tù binh hai bên được thả. Ngày ra tù, tất cả hành trang đều trả lại, chỉ có lá cờ và bức ảnh Bác Hồ vẽ bằng máu được ông xếp nhỏ ngậm trong miệng.

Ngày đất nước thống nhất, ông đem hai “báu vật” ấy về Nam Định, quê của chiến sĩ kiên trung Lê Đức Thiện muốn trao cho người nhà của anh, coi như kỉ vật cuối cùng của người chiến sĩ. Nhưng tìm mãi không có chút tin tức, ông đem về nhà cất giữ.

Một người đồng đội cũ của ông tên là Lâm Văn Bảng đã xin hai “báu vật” ấy để lưu giữ tại bảo tàng tư nhân có tên gọi “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” ở huyện Phú Xuyên - Hà Nội. Bảo tàng này do các chiến sĩ cách mạng một thời trong nhà giam Phú Quốc lập nên ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên