Tấm lòng Ve Chai

Mỗi sáng Chủ nhật, khi tiếng chuông chầu ngân vang để bắt đầu một buổi thánh lễ, từ nhà thờ Hàm Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một nhóm những người trẻ tuổi đầy thiện tâm cũng bắt tay vào công việc thiện nguyện của họ.

Đến khắp các ngõ ngách của Hà Nội để nhặt ve chai với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình giúp đỡ cho những bệnh nhân phong, những trẻ em nghèo, lang thang, cơ nhỡ… 

“Tinh thần Ve Chai”…

Đã 6 năm ròng, người dân xứ đạo Hàm Long đã quen với sự có mặt của nhóm bạn trẻ mang tên Ve Chai Hàm Long. Cứ vào 8h30 sáng Chủ nhật hàng tuần, gần 20 thành viên trong nhóm lại tụ tập ở sân sau nhà thờ Hàm Long. Sau những lời hỏi thăm, trêu đùa tếu táo, các bạn trẻ nhanh chóng bắt tay vào công việc của mình.

Các bạn nam khỏe hơn nên có nhiệm vụ đi lấy rác ở các địa điểm, còn các bạn nữ làm nhiệm vụ phân loại rác. Nhưng có những hôm rác nhiều, các bạn gái cũng được “điều động” đi.

Những địa chỉ như: số 2 Nguyễn Du,  31 Nhà Chung, 27 Hòa Mã, 75 Trần Quốc Toản… đã trở thành những địa chỉ quen thuộc của nhóm. Đấy là những địa điểm gần, còn có những địa chỉ ở tận Gia Lâm, Linh Đàm, Đại La… các bạn cũng không quản ngại xa xôi đi lấy, miễn sao kiếm được thật nhiều rác để bán được nhiều tiền, giúp đỡ được nhiều hơn cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, có những cô, bác thương nhóm Ve chai vất vả, còn tình nguyện mang rác đến cho các bạn.

Tuy nhiên, phải tận mắt chứng kiến họ làm việc mới thấy hết được sự nhiệt tình, tinh thần trách trách nhiệm và cả sự hy sinh của các thành viên trong nhóm.

Một buổi làm việc của các thành viên nhóm Ve Chai

Một tinh thần đầy nhiệt huyết mà các thành viên trong nhóm vẫn thường gọi vui là “Tinh thần Ve Chai”. Bởi thật khó mà hình dung khi các bạn trẻ này, hầu hết là những học sinh, sinh viên và cả những người đã đi làm, lại có thể sẵn sàng đi đến mọi ngóc ngách của Hà Nội để thu gom những sách báo, chai lọ cũ, những tấm bìa các tông, vỏ đồ hộp đã bỏ đi…

Những biệt danh “Mai chai”, “Chi nilông”, “Nga lon”… cũng ra đời từ đó. Đấy là còn chưa kể đến những khó khăn, vất vả khi các bạn phải mang vác những bao rác “vĩ đại” quá đầu người. Ban đầu, nhiều bạn cũng tỏ ra e dè, ngại ngùng. Nhưng có lẽ, chính ánh mắt của những đứa trẻ mồ côi, nụ cười của những cụ già ở trại phong với đôi bàn tay, bàn chân không còn lành lặn khi nhận được quà đã thôi thúc họ vượt lên chính mình để có thể giúp đỡ được nhiều hơn cho  những con người kém may mắn ấy. 

Và những chuyến đi nhiều day dứt

Đối với những thành viên trong nhóm Ve Chai, những trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh, Ninh Bình), Ba Sao (Nam Định), Xuân Mai (Hà Nội)… đã trở nên rất gần gũi và quen thuộc. Món quà mà các bạn đem đến thường là mì chính, sữa, xà phòng, quần áo… Nhưng có lẽ ý nghĩa hơn cả đối với những bệnh nhân nơi đây chính là những tiếng cười và sự sẻ chia, an ủi mà các bạn trẻ mang lại cho cuộc sống có nhiều sự hắt hủi, kỳ thị mà họ phải chịu đựng.

Bệnh nhân phong, hầu hết đều là những người già cô đơn, bị xa lánh, cách biệt. Mỗi lần đến, nhóm Ve Chai đều giúp các cụ dọn dẹp nhà cửa, cùng vui chơi, trò chuyện và được nghe các cụ kể chuyện, ngâm thơ, hát… Mọi khoảng cách đã bị xóa nhòa.

Việt, thành viên đã tham gia nhóm được hơn 3 năm, tâm sự: “Nhớ lần đầu, khi các cụ mời nước, có bạn còn ngại ngần không dám uống. Nhưng khi em cầm chén lên uống, các bạn khác thấy vậy cũng uống theo. Em nghĩ mọi khoảng cách đều do mình tạo ra. Quan trọng là phải có niềm tin”.

Một thành viên nhóm Ve chai tại trại phong Quả Cảm, Bắc Ninh
Chuyến đi thăm trại phong ở làng Quèn Gianh (Mỹ Đức, Hà Nội) đã để lại trong lòng các thành viên trong nhóm nhiều day dứt. Những người dân nơi đây vẫn phải sống trong những hang núi cùng với lừa, dê.

Để gọi nhau, người ta vẫn phải dùng kẻng. Nhiều trẻ em không được tới lớp vì gia đình quá khó khăn. Vì thế, khi phát hết mì tôm, cả nhóm còn dành cho họ cả những suất bánh mì các bạn mang đi để ăn trưa. Hôm ấy, cả nhóm bị đói một trận. Nhưng các bạn vẫn rất vui, vì “mình đói nhưng người dân ở đó đã được một bữa no”, bạn Nguyễn Tiến Đạt, sinh viên ĐH Bách Khoa chia sẻ. Và sau mỗi chuyến đi, khi nhìn xuống chân mình, ai nấy đều cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ đến cảnh những đứa trẻ chân sưng đỏ vì không có giày...

Còn nhớ một lần ở trước Nhà thờ Lớn, chứng kiến cảnh một cụ già ăn xin bế một đứa cháu nhỏ bị dị tật bẩm sinh, không có mắt, mũi. Các bạn trong nhóm, ai cũng thấy xót xa. Hỏi ra mới biết đứa bé đã bị cha mẹ bỏ rơi, giờ chỉ còn hai bà cháu nương tựa vào nhau sống qua ngày. Hàng ngày, bà bế cháu đi ăn xin, đêm về lại thuê chỗ ngủ với giá 2.000 đồng/đêm. Gọi là chỗ nhưng thực ra đó chỉ là một căn lều tạm chen chúc hàng mấy chục người.

Thấy vậy, nhóm Ve Chai đã góp tiền để mua cho bà cụ một chiếc xe đẩy. Rồi những kỷ niệm về mùa lũ vừa qua với chuyến đi cứu trợ đồng bào vùng lũ Đồng Chiêm (xã An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội), những chuyến đi tới vùng Nhị Hà, Bạch Đằng - nơi bãi giữa sông Hồng để giúp đỡ cho những người dân nghèo…

Và còn biết bao cảnh đời khác nữa mà Ve Chai đã từng gặp, từng giúp đỡ, đến bây giờ, các thành viên của nhóm cũng không còn nhớ hết. Chỉ biết rằng, chính những mảnh đời bất hạnh ấy là động lực để các bạn gắn bó với công việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa, để đem lại một chút ấm áp cho những người đang cần lắm một sự sẻ chia…

Trở thành những người nhặt rác nghiệp dư vào những ngày Chủ nhật, rõ ràng đó không phải là một cuộc chơi nhưng những người trẻ tuổi trong nhóm Ve Chai vẫn luôn hào hứng với công việc của mình. Họ đã, đang chứng minh một điều bất biến trong cuộc đời: Sự thiện tâm, lòng nhân ái hoàn toàn có thể khiến người ta quên đi bản thân mình để làm điều có ích./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên