Tang thương sau lũ

Trận lũ lịch sử xảy ra ngay sau bão số 11 đã phá tan một xã vốn đã nghèo của huyện Đồng Xuân - xã Xuân Quang 2. Giờ đây, những người dân sau lũ sẽ làm gì với một đống hoang tàn.

Trong đợt lũ vừa qua tại Phú Yên, huyện Đồng Xuân bị thiệt hại nặng nề nhất với 35 người chết và mất tích. Xã Xuân Quang 2 là địa phương bị thiệt hại nặng nhất của huyện Đồng Xuân với 24 người chết và mất tích.

Một ngày sau khi cơn đại hồng thuỷ đi qua, rất khó khăn chúng tôi mới đến được với Xuân Quang 2. Một khung cảnh hoan tàn đổ nát và tang thương bao trùm.

Tan hoang xóm Trường

Con đường từ thị trấn La Hai về Xuân Quang 2 bị cắt nhiều đoạn. Lực lượng công binh của quân khu 5 đã phải huy động lực lượng và phương tiện để thông tuyến tạm thời cho xe có thể đến được với người dân. Dọc hai bên đường, cây cối và những hàng trụ điện đổ rạp, nằm lẫn trong đất đá. Hai bên đường đồng ruộng, vườn tược trở thành những bãi bồi khổng lồ với ngổn ngang đất đá theo dòng thác đổ về trong đợt lũ. Nhà cửa sập và hư hại đến hơn 80%. Với tình trạng này, phải khó khăn lắm người dân mới có thể gượng dậy được.

Ông Mạnh Hoài Nhơn, xóm Trường, thôn Triêm Đức xã Xuân Quang 2 cho biết: Đợt lũ vừa qua, ông may mắn bám được một ngọn cây, mẹ ông tuổi già sức yếu đã không thoát khỏi được dòng nước hung dữ và đã cùng chung số phận với 23 người hàng xóm của mình trong đêm ngày 2 rạng sáng ngày 3/11/2009.

Về thôn Triêm Đức, cảnh tượng đầu tiên không ai có thể cầm lòng khi chứng kiến 10 người mất tích vừa được tìm thấy của Xóm Trường được đắp chiếu nằm xếp dãy dài trên con đập. Trong khi đó, bà con và lực lượng chức năng vẫn tiếp tục đi cắt từ gốc tre, moi từng đụn cát cao ngất ở phía mé sông và lật tung chúng lên để tìm những người mất tích còn lại. Cả Xóm Trường gần như bị xoá sổ. Những người mất tích vừa được tìm thấy trong sáng ngày 4/11 được đưa lên đặt trên bờ tràn qua thôn Triêm Đức và che tạm bằng những tấm bạt dưới mưa lất phất và cái lạnh đến thấu xương. Ngày 2/11, gần như trở thành ngày giỗ chung của nhiều gia đình ở xóm Trường, thôn Triêm Đức xã Xuân Quang 2. Vợ mất chồng, con mất cha, mẹ mất con, con mất mẹ, trong đó có gia đình mất đến 2-3 người.

Họ không còn sức và nước mắt để khóc người thân.

Một người cha ngồi cạnh đứa con trai chừng 7-8 tuổi, hỏi tên anh không buồn nói, mặt cứ thần ra, miệng lẩm nhẩm, khi trong tay vẫn cầm chiếc khăn lau từng dòng máu mãi chảy trên mũi đứa con.

Trong ngày 6/11, tôi trở lại xóm Trường với đoàn công tác của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, bà con lại tiếp tục tìm thấy thi thể của 2 người xấu số vùi trong bãi cát dọc mé sông và được lực lượng bộ đội mang lên để khâm liệm. Vẫn còn 4 người của xóm Trường chưa biết nằm ở đâu...

Sau những thiệt hại do lũ gây ra, trước mắt, những người mất được tỉnh hỗ trợ quan tài để chôn cất và hỗ trợ theo chế độ của Nhà nước. Trong hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn, bà con thiệt hại ít giúp người thiệt hại nhiều, vượt qua những mất mát đau thương do lũ lụt gây ra.

Bà Hồ Thị Thiện ở thôn Triêm Đức mấy ngày nay cùng bà con xóm giềng lo mai táng người mất. Những người bị thương được chính quyền địa phương lo cứu chữa. Người sống nhưng đã kiệt sức vì đói, mệt. Mấy chị em trong xóm còn sức thì nhận gạo cứu trợ nấu cho người yếu hơn bát cháo, bữa cơm và lo đồ cúng cho người mất...

Vực dậy từ số 0

Điều mà người dân Xuân Quang 2 lo lắng nhất lúc này là cái ăn trước mắt và sản xuất để ổn định đời sống lâu dài. Ông Nguyễn Minh Dũng, người dân ở đây nói: “Ở Xuân Quang 2, bà con sống chủ yếu vào cây lúa, hạt bắp, cơn lũ đi qua, đồng ruộng, vườn tược bị đá đất lấp kín, có những vùng ruộng sau cơn lũ biến thành những bãi bồi khổng lồ với ngổn ngang đá núi. Chuyện khôi phục sản xuất để ổn định cuộc sống cần phải được quan tâm sau lũ”.

Đất canh tác thành những bãi bồi.

Đại tá Nguyễn Trọng Huy, Phó chủ nhiệm quân khu 5 cho biết: “Trước tình trạng này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã điều động lực lượng về Đồng Xuân để giúp dân khắc phục hậu quả, trong đó sẽ tập trung những khu vực bị ảnh hưởng nặng. Đã có ít nhất 300 cán bộ chiến sỹ được tăng cường về các vùng ngập lụt nặng của huyện Đồng Xuân. Sau khi ổn định cuộc sống trước mắt cho bà con, lực lượng Bộ đội của quân khu sẽ giúp dân giải phóng đất đá, khôi phục đồng ruộng để bà con chuẩn bị bước vào vụ Đông Xuân. Khối lượng công việc rất lớn, vất quả nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để phần nào bù đắp những đau thương, mất mát của bà con vùng lũ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên