Tết trên bản Sen Thượng

Những ngày đầu xuân, trong mỗi ngôi nhà tường trình kiên cố của đồng bào Hà Nhì, bếp lửa luôn rực hồng biểu thị sự no ấm, hạnh phúc

Khi màn sương mù bao trùm lên đại ngàn xanh mướt, những cành hoa đào đua nhau khoe sắc, cũng là lúc đồng bào Hà Nhì ở bản Sen Thượng (xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) nô nức quét dọn nhà cửa, mổ con lợn, giã cối gạo nếp thật to gói bánh dày… để tạ ơn và cầu xin tổ tiên cũng như các thần linh phù hộ cho gia đình mình quanh năm thịnh vượng.

Thờ lửa và kính rừng

Buổi sớm ngày cuối năm trời se lạnh, núi rừng Mường Nhé trập trùng trong màn sương mù đậm đặc. Xuân đang về, niềm vui đã hiển hiện trên gương mặt và cả trong lời ăn, tiếng nói của mỗi người dân Hà Nhì. Ông Trang Ché Lòng, Trưởng bản Sen Thượng đón chúng tôi bằng cách chỉ tay vào con lợn đen mượt đang bị gông trước sân nhà và bảo: “Hầy dà! Cán bộ ơi! Chiều nay gia đình mình mổ nó đấy, nán lại ăn Tết cho vui nhé”.

Nô nức tiếng chày

Nếu nói đến Tết thì trong một năm, đồng bào Hà Nhì có nhiều cái Tết lắm. Tết cúng bản vào tháng Tư; Tết tạ ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ tháng Bảy; Tết cơm mới tháng Tám; Tết Hồ Sì Chà - Tết riêng của đồng bào vào tháng Mười Hai. Ngoài những cái Tết độc đáo ấy ra, thì Tết Có Nhị Chà - hay còn gọi là Tết Nguyên đán cũng được chuẩn bị rất chu đáo.

Chị Pờ Mỳ Chư bày tỏ: “Núi rừng quanh năm có sương muối buốt giá, nên đôi bàn chân của đồng bào mình đều bị nứt nẻ rồi dần dần chai lại chứ không bao giờ lành được, vì phải thường xuyên leo trèo trên những mỏm đá khô khốc. Hàng ngày, dân bản vào rừng chỉ đốn những cành, những cây gỗ già bị khô héo mang về làm nhà, đun nấu và sưởi ấm. Còn cây tốt lá thì bà con giữ gìn cho chim muông làm tổ, trú ngụ và cất tiếng hót...

Bởi thế, người Hà Nhì mình luôn tôn thờ lửa và kính trọng rừng. Đặc biệt là mỗi dịp xuân về, các gia đình đều phải giữ cho bếp lửa nhà mình luôn rực hồng và vào rừng trồng thêm cây mới vào những chỗ thưa. Nếu không làm được điều đó sẽ bị thần rừng quở trách, thần lửa trừng phạt quanh năm làm ăn xui xẻo. Xưa kia đói kém, bà con chỉ đón Tết lấy lệ. Nhưng từ khi bộ đội của Nông trường 1, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng B79, Quân khu II đến dạy cho bà con cách chăn nuôi gia súc, gia cầm mau lớn; cấy cây lúa nước, trồng cây ngô giống mới và phương pháp thu hoạch, bảo quản nông sản được lâu, không bị tư thương ép giá thì Tết nào, dân bản cũng tổ chức thật to, cũng mổ lợn, mổ gà… để làm nhiều món ăn ngon”.

Chuẩn bị mổ lợn đón Tết

Công việc mổ lợn trong dịp Tết cũng được người Hà Nhì ở đây tổ chức trang trọng thành nghi lễ. Đầu tiên, họ lấy một ít cành lá nhỏ lót dưới bụng con lợn, rồi sau đó mới chọc tiết, cạo lông và tiếp đến là pha thịt. Vì mỗi phần của con lợn mang một ý nghĩa riêng, cho nên người ta bóc tách từng bộ phận rất cẩn thận. Bắt đầu từ phần bụng cho tới xương ức được cắt thành hình chữ nhật tượng trưng cho Đất. Phần đuôi khoét vào hai bên hông thành một hình tròn tượng trưng cho Mặt Trăng. Còn cái đầu sẽ cắt lìa khỏi con lợn, rồi người chủ nhà cầm cái thủ vừa cắt gắn lại vào cổ con lợn như cũ và hô to ba lần: “Năm nay một tạ, năm sau hai tạ, năm sau nặng hơn nữa...”. Đó chính là ước mong về một cuộc sống ấm no, sung túc cho cả gia đình trong năm mới.         

Ẩm thực độc đáo   

Vào dịp Tết, người miền xuôi thường lấy chân gà xem vận mệnh, nhưng đối với đồng bào Hà Nhì ở bản Sen Thượng lại có tục bóc lá gan của con lợn vừa mổ còn nóng hổi để đoán may rủi cho cả năm. Gia đình nào có con gái đã đi lấy chồng về nhà thăm bố mẹ đẻ trong dịp Tết Nguyên đán sẽ được cắt cho đôi chân giò trước làm quà. Đây là sự động viên, khích lệ tinh thần cần cù, chịu khó, hay lam hay làm. Vì từ bao đời nay, dân tộc Hà Nhì vẫn duy trì chế độ phụ hệ, cho nên bắt buộc phụ nữ phải là người lao động chính làm ra thóc gạo, tiền của để nuôi cả gia đình và cung phụng chồng tuyệt đối... Khi có bất cứ công việc nặng nhọc nào ở vùng biên viễn này cần đến sức khỏe và sự dẻo dai, người ta lại tìm đến các chị, các mẹ dân tộc Hà Nhì ở bản Sen Thượng. Những thanh sắt thép lắp ráp cột điện từ dưới thung lũng lên đỉnh núi cao; cột mốc, cả gạch, cả xi măng làm cột mốc cũng theo đôi vai phụ nữ Hà Nhì mà đi.

Cán bộ Nông trường 1, Đoàn KT-QP B79 hướng dẫn bà con cách trồng rau

Đến thăm hộ nào trong bản Sen Thượng, chúng tôi cũng đều được gia chủ mời uống đôi ba chén rượu xuân. Tiếng hò dô “tố xà” cùng lời “chú mừ chú xá, à kha pi pô” - “chúc mừng năm mới, chúc mừng sức khỏe” cứ thế tưng bừng lan toả khắp núi rừng. Trong ba ngày Tết, phụ nữ Hà Nhì thường xuyên túc trực bên bếp lửa và luôn tay làm những món ăn của dân tộc mình để kính dâng lên tổ tiên và các thần linh rồi sau đó gia đình mới “làm lý” ăn mừng, đãi khách. Chính vì thế mà đôi má của các chị, các mẹ lúc nào cũng hây hây đỏ, miệng cười tươi hiện rõ niềm vui trên gương mặt hiền dịu. Họ dồn thịt đã tẩm ướp hàng chục thứ gia vị vào ruột non của con lợn để làm món “A gạ a ú” và hun thịt trên gác bếp. Món ăn ấy, ai đã một lần thưởng thức đều có ấn tượng khó quên.

Các món ăn mang đặc trưng của ẩm thực Tết Có Nhị Chà còn có “A gạ xà be” (thịt lợn băm nhỏ trộn vỏ cây me tròn làm nước chấm), “Xà iu ì be” (sườn lợn băm trộn hạt mắc khén gói lá dong rừng) và bánh dày làm từ gạo nếp nương trộn với vừng, lạc giã nhuyễn rồi cắt nhỏ, rán giòn dưới đôi tay tròn trĩnh của những người mẹ, người chị, người con gái Hà Nhì. Chị Vù Nhù Só, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Nhé - một trong những người con ưu tú của bản Sen Thượng tự hào rằng: “Dân tộc Hà Nhì quê hương tôi có thể làm vài chục món ăn truyền thống từ thịt lợn và gạo nếp. Mỗi món đều có hương vị và cách chế biến khác nhau, nhưng quan trọng nhất là khi ăn vẫn phải nghi ngút khói…”.

Những ngày đầu xuân dường như trôi nhanh hơn, đất trời Sen Thượng vẫn lạnh tê cóng, nhưng lòng người thì thật ấm áp. Trong mỗi ngôi nhà tường trình kiên cố của đồng bào Hà Nhì, bếp lửa luôn rực hồng biểu thị sự no ấm, hạnh phúc. Tôi trầm ngâm ngắm những ngọn núi và nhìn xuống cánh rừng già thiêng liêng mà lòng trào dâng một nỗi niềm khó tả khi biết được dân bản Sen Thượng hiện nay đang rủng rỉnh thóc, củi và sở hữu hàng nghìn con gia súc, gia cầm, con nào con ấy đều béo núc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên